Theo giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, thị trường bất động sản của Việt Nam phải đến 3 năm nữa (năm 2014) mới có thể chạm đáy rồi quay trở lại đà tăng trưởng và phát triển.
Diễn biến thị trường bất động sản trong vài tháng trở lại đây đã sụt giảm rất mạnh. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đưa ra phán đoán rằng với mức sụt giảm 10-15 triệu đồng/m2, liệu rằng thị trường đang trong giai đoạn dò đáy hay không?
Theo phân tích của các chuyên gia công ty TNHH Savills – một trong những công ty tư vấn bất động sản chuyên nghiệp cho rằng, bản chất thị trường bất động sản có quy luật và mang tính chu kỳ. Đối với thị trường Mỹ chu kỳ thường kéo dài 18 năm, thị trường Úc 6 năm. Qua nghiên cứu số liệu, bất động sản Việt Nam đang vận động theo một quy luật hình sin mà đỉnh của nó là năm 2008, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn hai - giai đoạn điều chỉnh xuống để chuyển sang một chu kỳ mới.
“Trong tình trạng nền kinh tế vẫn chưa kiểm soát được tình hình lạm phát, thì giai đoạn này có thể phải kéo dài tới 3 năm mới kết thúc. Tức là, nếu trong tình hình kinh tế như hiện tại, thị trường nhà đất của Việt Nam phải 3 năm nữa mới có thể chạm đáy và quay trở lại đà phát triển” ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cho biết,
Tuy nhiên, quá trình xuống đáy và quay trở lại đà phát triển này có thể được rút ngắn và thúc đẩy bởi sự chuyển biến trong tâm lý của nhà đầu tư khi họ đã xác định lại mức lợi nhuận kỳ vọng phù hợp hơn.
Theo ông Trung, kênh đầu tư bất động sản vẫn luôn là sự lựa chọn số 1. Nếu giá cả bất động sản trên thị trường hợp lý hơn, tính thanh khoản sẽ được cải thiện. Hiện lãi suất ngân hàng đang ở mức cao vì vậy nhiều người lựa chọn cách “ném” tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Tuy nhiên, khi kinh tế ổn định, lãi suất giảm, sau một thời gian giá bất động sản chắc chắn sẽ tăng lên.
Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, ông Neil- MacGregor – Phó tổng giám đốc Savills cho rằng, khối lượng tiền lưu động đổ vào Châu Á chiếm 20% trong đó dòng tiền “nóng” đang chảy vào Việt Nam – đất nước có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư doanh nghiệp tư nhân chiếm 22%. Vốn FDI cũng đang tập trung vào bất động sản. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đang có tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh và làn sóng di dân ra các thành phố ngày càng nhiều, dân số trẻ với số lượng người ở độ tuổi lao động rất lớn và nhu cầu tách hộ tăng mạnh. Đây là yếu tố tác động mạnh nguồn cầu thị trường. Trong ngắn hạn, từ giờ đến cuối năm, nếu ngân hàng nới lỏng tín dụng, tiền được giải ngân thì thị trường sẽ khởi sắc trở lại.
Theo VnMedia.vn