Theo dấu chân người chinh phục Fansipan trong vòng 1 giờ 35 phút
Hạng A Pờ (30 tuổi, Sa Pa, Lào Cai) đã chiến thắng trong cuộc đua chinh phục đỉnh Fansipan 2012 với thành tích 3 giờ 20 phút. Trong đó, thời gian anh Pờ tính từ điểm xuất phát lên đến đỉnh Fansipan chỉ hết 1 giờ 35 phút.
Được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” nên việc chinh phục đỉnh Fansipan là niềm đam mê và khao khát của tất cả những ai thích những chuyến đi đầy mạo hiểm. Nó không chỉ là hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam mà còn là hành trình vượt qua nỗi mệt nhọc về thể chất lẫn tinh thần.
Trong chuyến chinh phục Fansipan, đoàn chúng tôi được đồng hành cùng anh Hạng A Pờ - một người có vai trò porter dẫn đường. Mặc dù gặp anh Pờ ở dưới thị trấn Sa Pa nhưng mãi tới Trạm Trôi (cổng vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn) chúng tôi mới có cơ hội trò chuyện với anh.
Anh Hạng A Pờ - người chinh phục Fansipan nhanh nhất đang chuẩn bị đồ đạc để dẫn đoàn chinh phục "nóc nhà Đông Dương".
Không chỉ là một người bản địa dẫn đường, anh Pờ còn lo cả sự an toàn, việc ăn uống của đoàn trong 2 ngày chinh phục Fansipan. Khuôn mặt sạm đen và vóc dáng khắc khổ, ít ai có thể nhận thấy khí chất một vận động viên từng 2 lần vô địch cuộc đua chinh phục Fansipan và đang nắm giữ kỷ lục cho cuộc đua này.
Anh Pờ hiểu đường leo Fansipan đến nỗi anh nhớ rất rõ từng gốc cây bên đường.
Trong vai trò một người thủ lĩnh, anh Pờ luôn nhắc mình phải đảm bảo an toàn cho mọi người trên từng đoạn đường.
Giữa đại ngàn Hoàng Liên này, anh Pờ thuộc từng chặng nghỉ, từng cao độ, từng cành cây, khúc ngoặt trên đường. Hơn chục lần trong một tháng, anh đều đặn dẫn những đoàn khách lên chinh phục nóc nhà Đông Dương trong sự háo hức khám phá của mỗi người rồi lại đưa họ trở về an toàn và đón đoàn khách mới tiếp tục hành trình thử thách. “Thời gian ở nhà cùng vợ con của mình rất ít, có khi cả tháng chỉ ngủ ở nhà được mấy tối thôi. Công việc ở nhà, chăm sóc con cái vợ mình lo hết” – anh Pờ chia sẻ.
Cũng như những porter dẫn đường bản địa khác nhưng với anh Pờ, việc di chuyển lên đỉnh Fansipan này nói riêng cũng như những đỉnh núi cao ở Việt Nam là chuyện thường xuyên. Đại ngàn nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai, nơi anh được dựa vào kiếm kế mưu sinh.
Khác với các thành viên trong đoàn, anh Pờ còn phải gùi hơn 30kg thực phẩm, đồ dùng để chuẩn bị ăn uống, chỗ ngủ cho mọi người.
Đều là những người lần đầu tiên leo núi, trong nhóm lại có phụ nữ nên chúng tôi khởi nguồn từ Trạm Tôn ở độ cao 1.800m. Cung đường này có chiều dài khoảng 16km, với hành trình 2 ngày 1 đêm và thường dành cho những nhà leo núi nghiệp dư, dân du lịch.
Con đường từ Trạm Tôn chúng tôi đi là gần nhất. Ngoài ra, để đặt chân lên đến đỉnh Fansipan còn có thể đi bằng 2 cung đường khác nữa. Trong đó cung đường dài nhất khoảng 37km đường núi, xuất phát từ bản Cát Cát của Sapa ở độ cao 1.200m. Và cung đường dốc nhất bắt đầu đi từ bản Sín Chải ở độ cao 1.260m.
Trước khi cả đoàn xuất phát, chúng tôi được anh Pờ chia sẻ về các kỹ năng leo núi an toàn và kiểm tra đồ đạc. Nét mặt thật “như đếm” của anh đem lại rất nhiều cảm tình, khiến chúng tôi cười suốt. Sau tiếng cười sảng khoái đó, chúng tôi theo chân anh Pờ đi vào lối đường mòn. Và, chính thức chinh phục “nóc nhà Đông Dương”.
Giống như nhiều người dân bản địa khác, anh Pờ mưu sinh bằng nghề dẫn đoàn leo Fansipan.
Do bị dọa dẫm leo núi sẽ rất khó khăn, nên đồ đạc chúng tôi đều phải hạn chế mang theo và chỉ tập trung vào những đồ thiết yếu. Thế nhưng, riêng anh Pờ, do phải lo ăn uống và chỗ ngủ cho cả đoàn, trên lưng anh phải gùi hơn 30kg đồ.
Như một người thủ lĩnh thực sự, bước chân của anh thoăn thoắt qua từng vách núi, hàng cây trước sự mệt nhoài của tất cả thành viên trong đoàn. Cách đoạn, cách đoạn anh Pờ lại quay lại nhìn chúng tôi và mỉm cười. Chỉ nhìn thấy thế thôi, chúng tôi tự hiểu anh đang đợi cả đoàn. Đi gần anh, chúng tôi trò chuyện và hỏi anh về đường leo Fansipan như thế nào nhưng anh chỉ cười và nói rất nhẹ nhàng: “Đường cũng khó đấy, nhưng nhiều đoạn cũng dễ đi thôi mà”.
Phút nghỉ ngơi trên đường của anh Pờ.
Sau hơn 4 tiếng di chuyển đường rừng núi, chúng tôi chính thức nghỉ trưa ở độ cao 2.200m. Anh Pờ đến trước và chuẩn bị thức ăn cho cả đoàn. “Bữa trưa mọi người chịu khó ăn xôi và bánh mỳ nhé. Ăn uống nghỉ ngơi, khoảng hơn 1h chúng ta lại tiếp tục” – anh Pờ nhắc nhở cả đoàn.
Từ 2.200m chúng tôi phải mất cả buổi chiều để di chuyển lên 2.800m. Ở đây chúng tôi mới cảm nhận được sự khéo tay của anh Pờ trong chuyện bếp núc. Một mâm cơm đầy đủ với những món ăn mà anh Pờ tự làm khiến chúng tôi phải ngưỡng mộ. Bắp cải xào, canh trứng, đậu sốt cà chua, thịt lợn xào, nem rán, rau muống xào. Quá đủ cho những cái dạ dày đang sôi sùng sục. “Mọi người cố gắng ăn nhiều vào, hôm nay mình thấy mọi người đi không nhanh đâu. Ngày mai phải đi lại nhiều hơn đó, cần phải có sức khỏe tốt” – anh Pờ mỉm cười động viên chúng tôi.
Anh Pờ không ăn luôn cùng chúng tôi, anh ngồi ăn cùng nhiều người bản địa làm nghề poster như anh. Mọi người tập trung ăn uống ngay tại bếp nấu và nói những câu chuyện bằng tiếng Mông.
Anh Pờ vui vẻ cùng anh em poster khác trong lều riêng.
Đêm xuống, cái lạnh ở đại ngàn như thấm vào da thịt. Đang co ro, anh Pờ cất tiếng gọi và đưa chăn ấm cho chúng tôi. Mỗi người được một cái chăn chui để “vượt” qua đêm ở đây. Theo lời của anh Pờ ngày mai sẽ phải đi lại nhiều, cả đoàn chúng tôi trùm kín chăn và quyết tâm đi ngủ.
Hơn 5h sáng, tiếng gọi nhỏ nhẹ của anh Pờ khiến cả đoàn tỉnh giấc. Chẳng biết anh dậy nấu nướng từ bao giờ, nhưng khi chưa kịp mở mắt ra anh Pờ đã bê đồ ăn sáng cho chúng tôi. Mỗi người một bát mỳ tôm trứng có cả thịt bò và rau.
Người đàn ông thân thiện và luôn mỉm cười.
Sau bữa sáng, chúng tôi lại tiếp tục theo gót chân anh Pờ chinh phục chặng đường cuối. Không khí lạnh và loãng cũng làm chúng tôi thiếu oxy và rất mau mệt, trong khi đôi chân còn chưa kịp phục hồi sau một ngày leo núi ròng rã. Chúng tôi phải leo lên độ cao 2.900m rồi lại xuống 2.800m và rồi lại tiếp tục leo lên. Không như những đoạn đường phía dưới, ở trên cao nhiều đoạn phải vượt qua những vách núi chênh vênh và những con suối cao, trơn trợt, có lúc tưởng chừng như sức lực đã cạn kiệt… Rồi, chúng tôi cũng chạm tới cái “nóc nhà Đông Dương” trong sự vui sướng.
Sự thân thiện của một đàn ông chất phác khiến nhiều khách du lịch rất thích và quý anh.
Theo anh Pờ, mỗi chuyến đi của anh chỉ được 300 – 500 nghìn đồng, tùy vào số lượng khách. Thu nhập 1 tháng cho công việc dẫn đường của anh chưa đến 5 - 7 triệu đồng. Thế nhưng từng bước chân anh trên dãy Hoàng Liên Sơn sẽ nuôi nấng giấc mơ cho 2 đứa con trai anh đến với những cái chữ để thành người, để sau này không phải mưu sinh vất vả như cha của chúng. Đó là mong muốn của anh mỗi khi kể chuyện về gia đình.
Anh luôn cố gắng vì con và gia đình của mình.
Chuyến đi của chúng tôi đã an toàn trong sự chỉ dẫn và chăm sóc của anh Pờ. Đó là người porter dẫn đường mà 3 người chúng tôi may mắn có được trong chuyến đi ngày hôm ấy. Vinh quang cho những bước chân trên đỉnh cao này, có lẽ đầu tiên xin dành cho những con người như anh.