Thông tin tham khảo về dongtac.net về lý do xây dựng cây cầu sắt "thần chết".
Kỳ I : Cuộc mộ phu tàn ác
Kế hoạch về con đường nối từ Singapore lên tận Ấn Độ, Pakistan, Iran ấy đã ra đời từ những chiến thắng "dây chuyền" sau trận Trân Châu cảng.
Ngày 7-12-1941, người Nhật đã làm thế giới kinh ngạc với một trận tập kích bằng không quân vào Hawaii, phá hủy 14 chiếc chiến hạm, tàu tuần dương và gần 4000 lính Mỹ thương vong. Trận chiến đó đã mở màn cho những đợt tấn công làm tê liệt hệ thống thuộc địa của quân đồng minh khắp vùng Đông Á.
Chỉ một ngày sau, Malaysia, Phipippines, Camphuchia, Thái Lan và đảo Guam trở thành những Trân Châu cảng tiếp theo khi đồng loạt bị đánh thốc từ hải, không quân Nhật. Một tuần sau đó, quân đồng minh đang đồn trú tại đất nước giao cách giữa Đông và Trung Á là Miến Điện cũng bị quân Nhật ép văng về Ấn Độ, chia cắt tuyến đường bộ nối Đông Nam Á về Ấn Độ và miền Nam Trung Quốc.
Và hai tháng sau sự kiện Trân Châu cảng, tháng 2-1942, thành trì của đế quốc Anh tại phương Đông là Singapore thất thủ dưới đoàn quân của tướng Tomoyuki Yamasita. Dải đất Đông Á từ quần đảo Philippines, bán đảo Mã Lai lên bán đảo Trung Ấn qua Campuchia, Thái Lan và Miến Điện của quân đồng minh đã đổi chủ. Lần đầu tiên sau gần 800 năm từ bước phi của những vó ngựa Mông Cổ, lại có một đất nước châu Á làm bạt vía những đội quân hùng mạnh khắp thế giới.
Tham vọng khôn cùng
Ở thế đã cưỡi lên lưng cọp, quân Nhật hiểu rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu không biết cách phòng thủ sau những đòn chí mạng vào quân đồng minh từ trận Trân Châu cảng. Nhưng với gần hai triệu cây số vuông thuộc địa, người Nhật không thể căng mình ra chống đỡ sự phản kháng của quân đồng minh chỉ bằng hải quân và không quân. Trong khi tầm hoạt động của không quân còn hạn chế thì đường biển tiếp vận cho quân đội tại Miến Điện buộc phải qua eo biển Malaca đầy bất trắc. Vì thế, một tuyến đường sắt nối Thái Lan và Miến Điện là giải pháp tối ưu mà Bộ tư lệnh Nhật buộc phải tính đến.
Không khó để hình dung đó không chỉ là tuyến đường tiếp vận cho quân Nhật tại Miến Điện từ Singapore và Thái Lan mà còn nối sang Phnom Penh và Hà Nội. Và chỉ cần xây thêm một tuyến đường ngắn giữa Miến Điện và Ấn Độ, tham vọng tấn công Trung và Tây Á sẽ thênh thang khi lúc đó đường sắt sẽ thông từ Singapore đến tận Pakistan và Iran.
Ý tưởng này đã nhanh chóng được hỗ trợ bởi 300 đầu máy xe lửa trong mớ chiến lợi phẩm thu được tại Singapore, hàng trăm km đường sắt đã xây sẵn trên bán đảo Mã Lai và hàng vạn quân đồng minh đang "ngồi chơi" tại các trại tập trung của quân Nhật.
Nhưng thời gian và tham vọng lại quá mâu thuẫn với nhau. Trong khi thiết kế cần năm năm để hoàn thành thì quân đội Nhật chỉ có một năm để chờ đợi tuyến đường này. Cuối cùng, mâu thuẫn ấy đã được giải quyết bằng một cuộc thu gom nhân công dã man trên khắp vùng Đông Á.
200.000 phu đường và 68.000 tù binh đã bị đưa tới Kanchanabury để phục vụ cho tham vọng không cùng của phát xít Nhật.
Cuộc mộ phu tàn ác
68.000 tù binh quân đồng minh, số nhân công "cá chậu, chim lồng" có sẵn đã không đủ để người Nhật yên tâm biến tham vọng thành hiện thực. Tháng 12 - 1942, khi đã chuyển gần hết số tù binh đến Kanchanabury, phát xít Nhật bắt đầu giở mánh khóe mộ phu tại thuộc địa.
Từ Indonesia, bán đảo Mã Lai đến Đông Dương, Miến Điện và Ấn Độ, những trang quảng cáo trên báo và bản thông báo mộ phu được rải từ thành thị về tận những làng quê heo hút. Với nội dung tuyển lao động làm việc tại Thái Lan trong ba tháng, kèm theo lời hứa hẹn: được cấp thuốc men, thực phẩm, đi xe lửa miễn phi và tiền công một đô la mỗi ngày.
Lời tuyển mộ quá hấp dẫn nhưng lại nhận được quá ít sự phản hồi. Tuy những người dân thuộc địa chưa thể mường tượng được Kanchanabury là chốn rừng thiêng nước độc nhưng họ không còn lạ gì những ngón thâm độc của quân Nhật đang cai trị. Và khi những chiêu thức mộ phu không vượt qua được niềm tin, quân Nhật đã lộ ra bộ mặt bằng những mánh khóe tàn ác.
Tại Đông Dương, một thỏa ước ngầm với người Pháp là tù binh Pháp sẽ không bị bắt đến Kanchanabury. Đổi lại, những chuyến xe chở phu lục lộ do Pháp tuyển lựa thay vì dừng lại ở những công trình tại Đông Dương sẽ được chở thẳng sang Thái Lan, giúp cho quân Nhật.
Nhưng tại những vùng đất khác vừa chiếm đóng ở Singapore và Malaysia, mọi chuyện đã không dễ dàng. Ở đó không có một lực lượng thứ ba (như Pháp) hỗ trợ lừa gạt, quân Nhật đã dùng đến chiêu cưỡng bức lao động tàn ác và trắng trợn. Những rạp chiếu phim được thông báo chiếu miễn phí, đợi đến khi rạp đầy, quân Nhật khóa cửa lại, đuổi hết đàn bà, con nít ra về. Số đàn ông còn lại đã bị tống lên xe chở thẳng sang Thái Lan, không kịp nói lời giã từ với gia đình.
Những chuyến tàu từ bán đảo Mã Lai, từ Đông Dương sang Kanchanabury 65 năm trước ấy được diễn tả bởi một người thợ, trước khi may mắn được trở về đã lưu lại những dòng ký ức sau đây tại khu tưởng niệm bên sông Kwai:
"Bọn xảo quyệt đó nói dối! Tôi biết cảm giác bị nấu chín theo đúng nghĩa đen. 40 người bị nhốt trong một toa xe chất đầy muối, phải thay nhau đứng vì mỗi người chỉ có 30 inch (khoảng 0,8m) chỗ ngủ. Chuyến đi dài năm ngày, chỉ được phát một ít cơm. Sau khi xuống tàu tại Ban Pong, cách Bangkok 20 dặm, chúng tôi mới hiểu rõ trò đùa của bọn Nhật. Phía trước còn một chặng đường 200 dặm, chỉ bằng đôi chân băng qua rừng rậm hoang sơ mới có thể đến nơi xây tuyến đường sắt tử thần".
Và những chuyến tàu đó là lời hứa hẹn duy nhất lúc tuyển mộ được "thực hiện". Đã không có ai trở về nhà trong 18 tháng đầu tiên đến Kanchanabury. Thay cho lời hứa cấp nhà ở, thuốc men và lương thực, họ bị lùa vào những lán trại xây dựng dang dở và bẩn thỉu, không có phương tiện y tế, không đủ cái ăn. Những người dân thuộc địa xấu số ấy bị kẹt vào một vòng xoáy khắc nghiệt mà không có gì quan trọng hơn bằng việc phục vụ cho tham vọng điên rồ là hoàn thành tuyến đường chỉ với một phần năm thời gian của bản thiết kế.
200.000 người bị ép bỏ xứ đến Kanchanabury nhưng khi tuyến đường được hoàn thành, chỉ có ba vạn người hồi hương, số đông may mắn sống sót khác đành vất vưởng ly hương trên đất Thái vì không có tiền trở về. Những tài liệu ghi chép về số nhân công thuộc địa bỏ mạng để xây cầu đều ghi tròn con số 100.000, kèm theo dấu cộng, trừ phía sau. Bởi cho đến hôm nay, vẫn không ai biết đích xác có bao nhiêu xác người dân Đông Á vùi lại trong đất Kanchanabury hay trôi theo dòng sông Kwai ra biển Andaman trong những ngày đó.