Dẫu biết việc mua bán dựa theo quy luật cung cầu, thuận mua vừa bán, tuy nhiên việc bán xe kiểu “Bia Kèm Lạc” khiến người mua xe Việt không ngừng bức xúc, đặc biệt mỗi khi một mẫu xe “hot” rơi vào tình trạng khan hàng.
Vậy bán xe kiểu “Bia Kèm Lạc” là gì? Đây là hình thức bán xe ô tô mà người mua phải trả thêm một khoản tiền để sở hữu xe. Số tiền này có thể được chi cho các món phụ kiện đi kèm hoặc các chương trình gia hạn bảo hành… nhằm mục đích cuối cùng là nhận xe sớm, thay vì phải chờ đợi như số đông khách hàng khác.
Tất nhiên với số ít khách hàng, số tiền chi thêm vẫn có ích, phục vụ nhu cầu thực sự của họ là sở hữu chiếc xe mơ ước. Tuy nhiên với số đông khách hàng, hình thức bán xe “Bia Kèm Lạc” khiến sự công bằng và minh bạch trong mua bán bị mất đi. Các khách hàng đã đặt xe rất sớm, ngay từ những ngày đầu phải chờ đợi lâu hơn. Trong khi những người chấp nhận chi thêm lại được nhận xe ngay.
Thời gian gần đây, đặc biệt từ dịp cận Tết vừa qua, rất nhiều khách hàng mua xe đối mặt với tình cảnh trên. Nổi tiếng suốt thời gian qua chính là Toyota Raize, một dòng xe gầm cao cỡ nhỏ vừa được Toyota Việt Nam giới thiệu cuối năm 2021. Mặc dù có mức giá niêm yết chỉ 527 triệu đồng, nhưng số tiền khách hàng phải chi thêm tại đại lý lên đến 30 triệu đồng.
Toyota Raize đang là mẫu xe khan hàng và bán kèm lạc lên đến 30 triệu đồng
Toyota còn có 2 dòng xe khác là Toyota Camry và Toyota Land Cruiser 300 thế hệ mới cũng ở trong tình trạng mua “Bia Lèm Lạc”. Khách hàng mua Toyota Camry phải chi thêm khoảng 50 triệu đồng, trong khi mẫu SUV 7 chỗ cỡ lớn từ Toyota buộc người mua phải chi thêm 500 – 700 triệu đồng. Sở dĩ mẫu Land Cruiser 300 có độ chênh giá lớn vì tình trạng khan hàng của mẫu xe này diễn ra trên phạm vi toàn cầu, cá biệt nhiều nơi người mua phải chờ đợi đến tận 4 năm để được nhận xe.
Ngoài Toyota, Hyundai Tucson và Hyundai Santa Fe cũng là hai mẫu xe bán “Kèm Lạc” hiện nay. Khách hàng mua Tucson có thể phải chi thêm từ 40 – 70 triệu đồng, tùy phiên bản và đại lý. Trong khi với Hyundai Santa Fe, số tiền khách hàng có thể phải chi thêm lên đến 80 triệu đồng.
Một mẫu xe khác cũng khiến người dùng bức xúc khi phải mua “Kèm Lạc” là Ford Explorer thế hệ mới. Mẫu SUV 7 chỗ của Ford được niêm yết giá bán 2,36 tỷ đồng, nhưng trên thực tế nhiều nơi khách hàng phải bỏ thêm 300 triệu đồng để có xe sớm.
Hyundai Tucson thế hệ mới
Đây thực sự là nỗi bức xúc của người mua xe Việt kéo dài suốt nhiều năm, tuy nhiên hiện tượng bán xe “Bia Kèm Lạc” không phải chuyện hiếm. Nếu nhìn qua thị trường xe máy, tình trạng chênh giá so với niêm yết đã diễn ra suốt thời gian dài, đặc biệt là các dòng xe máy của Honda. Cá biệt Honda SH có chênh lệch lên đến 15 - 20 triệu đồng.
Ngoài tình trạng khan hàng dẫn đến hiện tượng “Bia Kèm Lạc”, một phần nguyên nhân còn đến từ tâm lý nôn nóng của người mua xe. Nếu người tiêu dùng không “dễ dãi”, không chấp nhận mua xe theo kiểu này, thay vào đó chúng ta sẵn sàng chờ đợi đến lượt mình, có thể kiểu bán xe “Bia Kèm Lạc” sẽ được hạn chế.
Song song đó, các hãng xe cần phải tôn trọng khách hàng Việt khi kiên quyết hơn trong việc xử lý, chế tài các đại lý có hình thức bán “Bia Kèm Lạc”. Có như vậy, người mua xe sẽ được hưởng lợi và uy tín các nhà sản xuất cũng được nâng cao.
Ford Explorer thế hệ mới vừa ra mắt
Trong thời gian tới, thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn đối diện với tình trạng khan hàng ở rất nhiều mẫu xe. Lý do là tình trạng thiếu chất bán dẫn bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khắc phục, trong khi căng thẳng giữa hai nước Nga - Ukraine làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung linh kiện. Chính vì vậy, việc người tiêu dùng đối diện với hiện tượng “Bia Kèm Lạc” khả năng sẽ còn kéo dài.
Trước mắt, rất nhiều dòng xe nhập khẩu lâm vào tình trạng khan hàng, khách hàng phải chờ đợi từ 3 – 6 tháng. Đơn cử như xe Toyota Hilux gần như không còn để bán, Mitsubishi Pajero Sport và Mitsubishi Triton cũng buộc giảm nguồn cung từ Thái Lan. Với Toyota Raize, các khách hàng đặt cọc mua xe ở thời điểm hiện tại thậm chí phải chờ đợi đến tận cuối năm 2022.
Với các dòng xe lắp ráp trong nước, tình trạng khan hàng vẫn chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu tình trạng thiếu chất bán dẫn và nguồn cung linh kiện nhập khẩu tiếp tục gián đoạn, danh sách các dòng xe khan hàng chắc chắn sẽ có thêm không ít gương mặt mới.
Các bác trên otosaigon đã lần nào phải mua xe kiểu "Bia Kèm Lạc" có thể chia sẻ nỗi bức xúc của mình? Các bác có chấp nhận mua xe kiểu này và các phương án xử lý của các bác thế nào có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm bên dưới
>>Xem thêm