Chỉ sau vài tháng giãn cách, trên các hội nhóm và diễn đàn xe ô tô đã bắt đầu xuất hiện những bài viết “kêu trời” về vấn đề chuột làm ổ và phá hoại xe ô tô do để lâu ngày không chạy. Em đã tổng hợp lại một số phương pháp hiệu quả nhất để giúp các bác đuổi và ngăn chặn được bọn gặm nhấm này làm tổ trên xe.
Khác với
bình ắc quy ô tô khi để lâu ngày chỉ có thể ảnh hưởng đến việc đề nổ máy, lũ chuột có thể phá hỏng bất kỳ chi tiết nào mà chủ xe không ngờ tới. Phổ biến nhất vẫn là cắn dây điện, dây curoa, bọc ghế thậm chí đục lỗ và nhai dây đai an toàn hay các phần nhựa của xe. Đơn cử như một chủ xe MG HS chia sẻ dưới đây:
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT Ô TÔ CÓ CHUỘT
Nếu không phát hiện sớm và phòng ngừa, chủ xe sẽ phải gánh những thiệt hại nặng nề về mặt tiền bạc do phải sửa hàng tá thứ trên xe, thậm chí có thể gặp nguy hiểm về tính mạng nếu chẳng máy xe gặp trục do chuột cắn dây điện gây tóe lửa hay nhai đường ống nhiên liệu.
Vì vậy việc đầu tiên các bác cần làm ngay bây giờ là chạy ra xe của mình và kiểm tra xe có các dấu hiệu bất thường nào trong 3 dấu hiệu sau đây không:
1. Có mùi hôi thối bốc ra từ xe
Mở nắp capo hoặc vào xe mà thoang thoảng mùi phân hoặc nước tiểu chuột thì chắc chắn chuột làm tổ trong ô tô từ lâu.
Ngoài tập tính gặm nhấm, chuột còn dùng phân, nước tiểu để đánh dấu lãnh thổ. Vừa đặt chân đến xe ô tô, theo thói quen chuột sẽ lập tức phóng uế.
2. Có rác vụn xuất hiện trong khoang máy, cốp hoặc sàn xe
Chuột làm tổ trong ô tô sẽ thu nhặt rác từ bên ngoài vào xe. Các loại rác này được chuột cắn nhỏ và dồn thành từng đống. Nhớ kiểm tra cả hốc lấy gió, tụi nó tha tận vào trong đó!
Đây là một trong những bước đầu tiên để chuột làm tổ. Nếu không nhanh chóng “tiễn” chúng, chúng sẽ sinh con đàn cháu đống lên xe của các bác.
3. Xe gặp trục trặc hệ thống điện
Xuất hiện tình trạng như đèn không sáng, còi không phát ra tiếng, cần gạt mưa không hoạt động,…Các bác cũng nên nghĩ đến trường hợp chuột đã vào khoang máy ô tô.
Những dây dẫn của các thiết bị trên dễ bị chuột tấn công nhất. Nếu như không có những va chạm hay trục trặc gì trong khoang máy thì đây là dấu hiệu rõ rệt nhất về sự có mặt của chuột.
Các bác đã kiểm tra rồi chứ? Và dù có hay không có các dấu hiệu trên, đề phòng sớm vẫn hơn. Vì thế, dưới đây là một số cách các bác có thể áp dụng để loại bỏ chuột ra khỏi ô tô và không cho chúng cơ hội quay lại.
PHƯƠNG PHÁP PHÒNG CHỐNG CHUỘT LÀM TỔ VÀ PHÁ HOẠI Ô TÔ
1. Dùng long não
Một phương pháp chống chuột mà em thấy nhiều bác chia sẻ trên các hội nhóm đó là dùng long não. Các bác có thể để 1-2 gói long não trong xe (1 trong khoang máy và 1 trong khoang lái) và vài viên dưới gầm xe. Với giá thành rẻ lại dễ tìm, đây cũng là phương pháp được khá nhiều bác tài lựa chọn.
2. Dùng lưới chống chuột
Các bác sẽ nghe nhiều bác tài dùng lưới bịt kín các chỗ chuột có thể chui vào trên xe. Tuy nhiên cách làm này khá tốn thời gian và công sức.
Cũng với tấm lưới này, đã có một Oser từng chia sẻ
phương pháp khác đỡ tốn sức hơn đó là cắt tấm lưới xen kẽ để tạo thành các “cây chông” hướng lên, đặt tấm lưới này bên dưới gầm xe để chuột không có cơ hội tiến gần đến gầm xe.
Tuy nhiên để hiệu quả hơn, có lẽ người dùng sẽ cần 1 tấm lưới to hơn trong hình bởi chuột còn có thể bò vào từ hốc bánh xe!
2. Sử dụng chai xịt phủ chống chuột
Chai này các bác có thể mua trên Shopee, giá dao động từ 150-200.000 đồng tùy thương hiệu. Sau khi mua về các bác chỉ cần xịt vào các chi tiết nhựa, cao su, dây điện, giắc điện. Dù không hoàn toàn ngăn được chuột tới gần xe nhưng sẽ khiến chúng khó chịu và không thể gặm nhấm các chi tiết này.
3. Máy đuổi chuột
Ngoài chai xịt phủ chống chuột, một phương pháp khác các bác có thể đặt mua trên mạng nữa đó là máy đuổi chuột. Nguyên lý hoạt động của máy này là phát ra tần số nằm ngoài ngưỡng nghe thấy của con người nhưng lại là một âm thanh ác mộng đối với lũ chuột. Thiết bị cũng sẽ tự động thay đổi liên tục các tần số để chuột không bị “nhờn” với âm thanh này.
Nhà bán lẻ cho biết không có chuyện mới dùng mà chuột chạy đi hết. Nếu chuột ít sẽ phải mất từ 2-3 ngày. Trong khi chuột quá nhiều sẽ mất từ 10-20 ngày. Bên cạnh đó, loại thiết bị này chưa đủ mạnh để đuổi chuột cống lớn!
Giá thiết bị dao động từ 200-500.000 đồng.
4. Dọn vệ sinh sạch sẽ khoang lái
Một môi trường không sạch sẽ sẽ là chỗ trú ẩn lý tưởng cho chuột. Các bác nên dọn vệ sinh rác vụn ở các ngóc ngách trong khoang cabin, gầm ghế, hộc để đồ, sàn xe.
Theo quan điểm của em, chỉ nên dùng các phương pháp phòng vệ chuột hơn là các phương pháp tiêu diệt như sử dụng thuốc diệt chuột. Bởi chúng ta không biết khi nào chuột ăn phải thuốc và chết để lo “hậu sự”. Chính việc này sẽ gây bốc mùi và mất vệ sinh chưa kể mầm bệnh cho chiếc ô tô.
Các bác đang áp dụng phương pháp chống chuột nào? Mời các bác chia sẻ thêm bên dưới để mọi người cùng tham khảo.