Nói dzìa lãi vay, thiên đường còn ở ….phía trước nhưng ….địa ngục đã ngay trước mặt !!
Chật vật vì lãi vay tăng chóng mặt
Hợp đồng vay mới, vay cũ đều tăng mạnh khiến
doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Đáng lo ngại là cuộc đua lãi suất huy động vẫn tiếp diễn nên lãi suất đầu ra cũng chưa đứng lại.
Lãi suất vay lên 15%/năm
Anh N.S (Q.1, TP.HCM), chủ một doanh nghiệp (DN) như ngồi trên đống lửa vì phía ngân hàng (NH) mới thông báo khoản nợ 13 tỉ đồng của anh đến hạn tính lại
lãi suất (LS). Hợp đồng này được tính LS 6 tháng một lần. Theo đó, lãi vay tăng từ mức 11%/năm lên 15%/năm. Với mức LS tăng thêm, anh N.S phải trả thêm mỗi tháng hơn 43 triệu đồng chi phí lãi vay. Đáng nói là gánh nặng trả lãi vay nhiều tháng nay đã quá sức với DN nên trước đó anh N.S phải chấp nhận bán bớt nhà đất để trả dứt điểm món nợ.
Thế nhưng hiện tại
thị trường bất động sản (BĐS) gần như đóng băng nên anh rao mãi mà không tìm được khách mua. “Đã bán tài sản không được, không có dòng tiền, vay thêm để triển khai dự án cũng không xong. DN đang tiến thoái lưỡng nan, chưa biết làm thế nào thì LS lại tăng. Nhiều tháng nay chúng tôi càng làm càng lỗ nên phải tạm dừng hoạt động một số công ty, chỉ duy trì 1 công ty sản xuất”, anh N.S than thở.
Theo anh N.S, năm 2010 - 2012, thị trường BĐS đóng băng không có giao dịch nhưng NH vẫn còn cho vay. Giờ thị trường BĐS lại đóng băng, thêm NH hạn chế cho vay nên hiện nhiều DN “chết trên đống tài sản”. Nhưng đó chỉ là một trong những hợp đồng vay của anh N.S đến hạn tính lại LS. DN này còn một số hợp đồng vay khác mấy tháng nữa mới đến hạn nên anh đang lo lắng “không biết đào đâu tiền mà trả nợ”.
Tương tự, chị N.Tr, giám đốc một công ty BĐS tại TP.HCM, cho biết đang rơi vào tình trạng “ngộp thở” khi NH thông báo tăng LS từ 8,5%/năm lên 15%/năm. “Chúng tôi phân phối BĐS, hỗ trợ LS cho khách hàng. Nay LS tăng lên trong khi doanh thu thì đi xuống nên DN rơi vào tình trạng ngộp”, chị N.Tr giải thích.
Dở khóc dở cười là trường hợp của ông Thành, giám đốc một DN xăng dầu ở TP.HCM, khi nhìn mức LS vay trên khế ước. Mấy tuần trước, ông làm hồ sơ vay 3 tỉ đồng với mục đích
kinh doanh xăng dầu, nhân viên NH tư vấn LS vay là 9,6%/năm. Thấy mức LS này chấp nhận được nên ông Thành tiến hành làm
thủ tục vay vốn.
“Đến khi ra NH ký hợp đồng khế ước để giải ngân, nhìn lại mức LS lên đến 13,6%/năm, tôi té ngửa luôn vì LS mới tăng thêm 4% so với mức ban đầu, cũng có nghĩa là phần lãi trả nợ của khoản vay tăng lên nhiều hơn so với tính toán ban đầu”, ông Thành nói và cho biết ông không giải ngân mà để lại hợp đồng đó, chờ cho LS giảm hoặc ổn định lại. “Chứ kiểu LS tăng hỗn loạn như thế này mà vay kinh doanh chỉ có lỗ”, ông phân trần.
Mức LS vay cũng tăng chóng mặt ở khu vực khách hàng cá nhân. Hiện LS ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân có tài sản thế chấp đã tăng từ 9 - 9,5%/năm lên 11,5 - 13%/năm tại nhà băng tư nhân và khoảng 11,5 - 12%/năm tại khối NH có vốn nhà nước. Mức LS tín chấp lên đến 16 - 25%/năm. Lý giải cho việc áp dụng LS vay tăng cao, nhân viên tư vấn của đa số các nhà băng mà chúng tôi khảo sát đều cho biết do hạn mức tín dụng gần hết cộng thêm LS huy động hiện nay tăng cao hơn 1% trong khoảng thời gian vài tuần trở lại đây dẫn đến chi phí vốn của NH tăng, buộc họ phải tăng LS đầu ra.
Doanh nghiệp khốn khổ vì thiếu vốn
LS cho vay tăng lên 13 - 15% là điều đã được dự báo khi LS huy động tiền gửi hiện nay đã xuất hiện mức 10 - 11%/năm. Đáng nói là mức LS huy động mới này cũng được tính toán cho các hợp đồng vay cũ. Thường những hợp đồng vay dài hạn từ 1 năm trở lên thì khoảng 3 - 6 tháng NH sẽ thay đổi LS 1 lần. Mức LS vay này căn cứ theo LS cơ sở hoặc LS huy động tiết kiệm có kỳ hạn 12 hay 13 tháng cộng với biên độ từ 3 - 5% tùy NH. Trong khi đó, LS huy động của những kỳ hạn khác ở mức thấp.
Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, LS tiết kiệm mới tăng cao. Cụ thể, đối với LS huy động dưới 6 tháng dao động từ 4 - 6%/năm; LS kỳ hạn trên 6 tháng từ 6 - 9,3%/năm. Đó là chưa kể tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của các NH gần đây liên tục gia tăng. Điều này đồng nghĩa chi phí vốn bình quân của NH là thấp. Thế nhưng các hợp đồng vay cũ vẫn được các nhà băng đẩy LS lên cao theo thị trường.
Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng LS vay lên 15%/năm đối với mục đích vay vốn lưu động ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì khách hàng có thể chịu đựng được vì chấp nhận giảm lãi. Còn đối với những hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này thì mức LS này có thể nói là “rất chua” và nghiệt ngã. “Cung ít, cầu cao thì giá cả, mà ở đây là LS vay, lên cao là điều khó tránh khỏi. Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, Chính phủ cũng như NH Nhà nước tập trung ổn định LS.
Tuy nhiên, đối với những khách hàng vay khác mà duy trì LS 15%/năm kéo dài thì sẽ xảy ra 2 tình huống. Thứ nhất, khi không ai chịu nổi sẽ có sự xáo trộn, không thể kiểm soát được dòng tiền, thị trường vay mượn bên ngoài, tín dụng đen sôi động hơn. Kịch bản thứ 2, nhà nước bơm tiền ra để giảm LS, giải cơn khát vốn trên thị trường nhưng dễ dẫn đến không kiểm soát được lạm phát. Kịch bản 2 nguy hiểm hơn”, ông Hiển phân tích.
Một số chuyên gia thì cho rằng lãi vay tăng cao khiến DN càng khó khăn, nhưng vấn đề đáng lo ngại hơn là thị trường vốn đang bị thiếu thanh khoản trầm trọng. Các kênh dẫn vốn chính cho nền kinh tế như trái phiếu DN, chứng khoán, tín dụng đều kẹt cứng, DN không biết xoay xở thế nào. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần phải tính toán để tránh tình trạng nhiều công ty rơi vào nghịch lý “chết trên đống tài sản” chỉ vì không có vốn để hoạt động.
“Trong bối cảnh hiện nay, các
chính sách đang ưu tiên ổn định lạm phát, ổn định đồng tiền. Do đó, khách hàng cần phải tập trung sản xuất kinh doanh ngành nghề chính, tránh đầu tư tràn lan. LS vay không còn rẻ như trước thì cả DN, người dân đều phải thích nghi với tình hình mới và cân nhắc phương án kinh doanh cũng như nhu cầu sử dụng vốn vay để đem lại hiệu quả tốt hơn”.
Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng.
Hợp đồng vay mới, vay cũ đều tăng mạnh khiến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Đáng lo ngại là cuộc đua lãi suất huy động vẫn tiếp diễn nên lãi suất đầu ra cũng chưa đứng lại.
m.thanhnien.vn