Đặt câu hỏi vì sao chỉ thiếu xăng dầu cục bộ ở các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Công Thương lý giải, những khu vực này trước đó có lượng xăng dầu trôi nổi đáng kể, kể cả xăng dầu lậu, giả. Đến khi siết chặt xăng dầu giả, xăng lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống thì giá biến động liên tục, chiết khấu thấp.
Sáng 22-10, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những thông tin về tình hình xăng dầu và quản lý, vận hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua.
Cây xăng phía Nam đóng cửa trên diện rộng do liên quan xăng dầu lậu?
Về nguồn cung, theo Bộ trưởng, Việt Nam chưa bao giờ thiếu. "Dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác", ông nói.
Tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu vừa qua theo ông Diên, không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Vì thế, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như chuyện mua hàng từ mối ổn định.
Vừa qua, lực lượng chức năng siết chặt, triệt phá hàng loạt đường dây buôn xăng dầu giả. Do đó, khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động, chiết khấu thấp, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang "kiếm được nhiều tiền, giờ kiếm ít hơn", thậm chí bị lỗ nên theo Bộ trưởng, "không ai muốn làm".
Nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn đóng cửa, hết xăng, theo Bộ trưởng Công Thương, do giá biến động lớn, khiến doanh nghiệp thua lỗ.
"10 kỳ điều hành liên tiếp, tức 300 ngày, giá liên tục giảm nhưng hiện bắt đầu tăng trở lại. Tức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã phải nhập giá cao ở các kỳ trước, nhưng bán giá thấp, họ bị thua lỗ, khủng hoảng", ông nói.
Bên cạnh đó, loạt chi phí kinh doanh xăng dầu (lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa từ nước ngoài về cảng; từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi...) đã lạc hậu.
"Giá xăng dầu Việt Nam có thể nói thấp nhất thế giới'
Thông tin 5 ngày trước ông vừa sang công tác tại Nga về diễn đàn năng lượng, Bộ trưởng Diên cho biết, giá bán lẻ xăng ở Nga tính ra đô khoảng 1 - 1,2 USD, tương đương 30.000 đồng/lít. Trong khi đó, ở Việt Nam duy trì ở ngưỡng từ 21.000 - 25.000 đồng/lít, cao nhất, ở thời điểm này là 23.000 đồng/lít.
"Giá của Việt Nam thấp nhất khu vực, có thể nói thấp nhất thế giới", ông Diên nói và dẫn chứng về giá bán lẻ xăng tại Nga - nơi cung cấp 30-35% nguồn năng lượng thế giới. Mỗi lít xăng của Nga hiện 58-60 ruble, tương đương 1-1,2 USD, tức khoảng 30.000 đồng còn giá Việt Nam hiện quanh 23.000 đồng.
Xem thêm: