[BCOLOR=#ffffff]HỌC BƠI THEO PP TOTAL IMMERSION[/BCOLOR]
Bài của tôi đã đăng trên otofun, xin tặng các bạn thích bơi lội, mong nó giúp ích đôi chút.
Bơi lội là gì?
Bơi lội là một là một môn thể thao dưới nước, do tác động của sự vận động
toàn thân, đặc biệt là đạp chân, quạt tay trong nước mà con người có thể
chuyển động vượt được quãng đường dưới nước với tốc độ khác nhau.
PHƯƠNG PHÁP TOTAL IMMERSION (TI) LÀ GÌ?
TI là
phương pháp hướng dẫn bơi, được phát triển bỡi HLV bơi người Mỹ tên là
Terry Laughlin. PP này chủ yếu tập trung dạy cho người bơi cách thức di chuyển trong nước một cách hiệu quả. Bằng cách
bảo toàn năng lượng,
tập trung vào việc giữ thăng bằng và tạo dáng khí động học, nên mỗi một lực đẩy đều phát huy hiệu quả cao nhất. Nguyên tắc dạy bơi còn bao gồm việc duy trì được sức bền, giảm sức cản của nước, tạo dáng khí động và
bơi bằng cả thân người (Tạm dịch theo Wikipedia).
Nguyên văn:
Total Immersion (TI) is a method of swimming instruction, developed by Terry Laughlin, an American swimming coach. Its primary focus is to teach swimmers to move through the water efficiently. By conserving energy and focusing on balance and streamlining in the water, any energy used for propulsion becomes much more effective. Basic principles of teaching include sustainability of effort, drag reduction, vessel shaping and full body swimming.
Ghi chú: Immersion: chìm đắm (hàm ý là đam mê)
Những ý rút ra:
- Bơi là vận động toàn thân.
- TI là phương pháp dạy và học bơi sao cho đúng và hiệu quả cao nhất.
TI Không phải là 1 kiểu hay 1 cách bơi.
- Bảo toàn năng lượng cũng có thể hiểu là bỏ sức ra ít nhất mà đạt được kết quả cao nhất. Nôm na nữa là quạt tay, đập chân nhẹ nhàng mà lướt đi xa ngon lành.
NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐẦU TIÊN CỦA PP TI:
0. Bộ não biết bơi trước đã, hiểu và biết về bơi (Bơi bằng cái đầu trước).
1. Relax-Thư giãn, chậm rãi, từ tốn. Tuyệt đối không được căng thẳng.
2. Visualize-Mường tượng, ám thị...
3. Kỹ năng thở dưới nước: HÍT VÀO BẰNG MIỆNG NGOÀI KHÔNG KHÍ, ƯU TIÊN THỞ RA BẰNG MŨI KHI CHÌM TRONG NƯỚC. QUAN TRỌNG LÀ THỞ RA, ĐỀU ĐẶN CHO HẾT. HÍT VÔ VỪA ĐỦ.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CỐT LÕI CỦA PP TOTAL IMMERSION:
1. BALANCE: GIỮ CHO THÂN NGƯỜI NẰM NGANG (tức song song với mặt nước)
Một chút vật lý: Thân thể chúng ta khi chìm trong nước, có 2 trọng tâm. Trọng tâm của cơ thể (tức là sức nặng, do sức hút của trái đất- center of gravity) thường ở vị trí dưới rốn 1 tí, tâm này có khuynh hướng kéo ta xuống, làm thân người theo phương thẳng đứng, chân luôn luôn đòi rơi thẳng xuống đáy hồ. Do đó khi nằm ngang tự nhiên thì cơ thể ta bị nghiêng, đầu nổi mà chân lại chìm. Tâm này có thể thay đổi vị trí được. Trọng tâm thứ 2 là tâm của khối nước bị thân thể chiếm chỗ (theo định luật Archimede), tâm này gọi là tâm phao hay tâm nổi (center of bouyancy), tâm này ở giữa ngực hay ngay giữa 2 lá phổi, tâm này gần như cố định. Khi ta nằm ngang (hay chưa ngang) dưới nước thì cơ thể ta giống như cái bập bênh mà Tâm phao chính là tâm của bập bênh. Giữ cho thân người nằm ngang tức là làm cách nào đó dời trọng tâm cơ thể lại gần tâm phao, tức là muốn chân nổi lên thì "đè" phần trước (từ ngực trở ra trước đầu) xuống.
Lúc này là lúc Visualize, hãy tưởng tượng và luyện tập để mình như khúc gỗ thẳng nằm ngang trong nước.
Giữ cơ thể nằm ngang bằng cách giữ cho đầu và chân thẳng hàng với cột sống. BALANCE là vậy đó. Không BALANCE thì bơi không hiệu quả.
Tại sao phải BALANCE trước hết?
Bỡi vì không BALANCE tức là chân bị chìm thì sức cản nước đối với cơ thể sẽ lớn hơn rất nhiều.
Mặt cắt ngang cơ thể có hình dáng gần như 1 hình chữ nhật có chiều rộng (tức chiều sâu khi ta ở trong nước, hay là đường kính cái đầu) khoảng 17cm, chiều dài (tức là chiều rộng của vai) chừng 45cm. Nếu ta giữ được cơ thể nằm ngang lý tưởng thì diện tích cản nước sẽ là: 17x45= 765cm2 (Số liệu theo Nghiên cứu thực tế ở Cô VĐV người Mỹ-Rebecca Soni, kỉ lục TG 200m bơi ngửa ở TVH London). Đa số dân bơi nghiệp dư hay để chân chìm (so với đường ngang, tâm cột sống) ít nhất là từ 30-50cm, vậy là chiều rộng tăng thêm từ 20-25cm. Lúc này mặt cắt ngang tức diện tích cản nước (tăng thêm do ngực, bụng và chân bị chìm) sẽ là: 40x450= 1800cm2 (làm tròn). Lực cản tỉ lệ thuận với diện tích, do đó lúc này lực cản của nước đã tăng hơn 2 lần. Ví dụ trong bơi sải, giả định lực quạt tay của bạn là 15kgf, và bạn đi được 0,5m cho 1 lần quạt tay. Bạn phải mất 10kgf để thắng lực cản của nước (chân bị chìm) và 5kgf để đi 0,5m. Nếu nâng chân lên, bạn chỉ cần 5kgf để vượt qua lực cản của nước và bạn sẽ có 5kgf dư ra. Vậy là bạn sẽ có 10kgf và dĩ nhiên bạn sẽ có thể đẩy cơ thể đi 1m mà không cần mất thêm 1 tí sức lực nào nữa cả. Các con số là chưa hoàn toàn chính xác, vì thật ra còn tùy thuộc nhiều thông số khác, nhưng minh họa rất rõ ràng cho chúng ta thấy vấn đề. BALANCE LÀ VẬY ĐẤY, QUAN TRỌNG CỰC KỲ!!
99% dân bơi nghiệp dư chân bị chìm. Ngày mai ra Hồ bơi, tìm 1 em gái xinh xắn nào đó, nhờ cổ hụp đầu xuống coi bạn bơi sải, chân có bị chìm không. Nếu không, chúc mừng bạn vì bạn đã ở chung nhóm 1%, với những cá nhân xuất chúng do trời sinh như là Michael Phelps và Nguyễn thị Ánh Viên..., nằm xuống nước là thẳng băng luôn. Còn ngược lại, bạn ở chung nhóm với tôi rồi đó. Vậy còn không mau nghỉ cái kiểu gọi là "bơi" cực kì mất sức mà không hiệu quả bấy lâu để mà tập BALANCE đi.
Tập Balance như thế nào? Thì học theo Thầy mà tập thôi:
https://www.youtube.com/watch?v=XggAWXqnIOc
Lời bình: Mở màn clip là hình ảnh 1 chú "đực" form người cũng "nhon" bơi mà chân bị chìm, do vậy bơi khá là chậm, mặc dù quẫy đạp ra trò, bọt bèo tùm lum, thấy hơi nản phải không. Rồi Thầy tà tà bơi ra, thư thái, nhẹ nhàng cùng với dòng chữ: "Balance chuyển đổi như này ra như này...". Tôi còn khoái Thầy ở chỗ cái form người của ổng cũng giống ...tôi, bụng bự rất ư là “phó thường dân Nam bộ”.
2. STREAMLINE: TẠO DÁNG KHÍ ĐỘNG HỌC-thân thể như cá, thuyền, thân máy bay, thủy lôi, tên lửa...Tạo dẫn hướng cho cơ thể lướt tới.
Sau khi đã luyện tập qua bước 1 BALANCE thuần thục rồi, ta luyện tập tạo cho cơ thể có 1 hình dáng sao cho có thể lướt trong nước nhanh nhất. Hình dáng cơ thể phải đạt tối ưu về khí động. STREAMLINE và BALANCE có cùng 1 mục đích là giảm lực cản của nước.
Nôm na thì BALANCE giải quyết 2 cái chân, còn streamline giải quyết 2 cánh tay. Nên nhớ là 2 việc này không tách rời nhau mà bổ sung cho nhau vì như trên đã nói bơi là toàn thân mà. Ngoài việc dẫn hướng STREAMLINE còn giúp duy trì BALANCE nữa.
STREAMLINE trong bơi lội là vươn dài cánh tay
thẳng ra về phía trước,
trong suốt chu kỳ di chuyển, tạo một
mũi tên dẫn hướng, kéo dài cơ thể hết mức, ưu tiên
xoay tròn người luân phiên, tạo sự xoắn tới (tùy theo kiểu bơi). Tóm lại Streamline là tạo dáng sao cho toàn bộ cơ thể có thể lướt tới thật dễ dàng khi có lực đẩy.
STREAMLINE có thể hổ trợ cho BALANCE bằng cách cho cánh tay nghiêng xuống theo chiều đứng để giúp cho 2 chân nổi lên. Ví dụ trong bơi sải, các HLV TI thường khuyên đưa thẳng tay vào nước về phía trước và ngiêng xuống hướng 4h để tạo đối trọng cho 2 chân không bị chìm. Trong bơi ếch, 2 tay vào nước (sau pha quạt tay) đâm nghiêng xuống 45 độ cũng có cùng mục đích trên.
Môi trường nước là môi trường hoàn toàn khác với môi trường không khí hay trên bộ. Nước hoàn toàn khác vì nó đậm đặc hơn không khí gần 800 lần. Trên bộ, muốn đi thì cứ bước có thấy sức cản gì đâu? Và nào có ai để ý tới việc hít thở gì đâu. Đa số chúng ta khi xuống nước thì cái đầu tiên phải quan tâm là thở (chết sống mà), có khi chỉ vì lo thở mà không đồng thời làm gì khác được (bơi hoài không được là đây - vì chỉ làm có 1 việc là thở mà cũng không xong, thì còn mong làm gì khác được! – Thấy lúc nào cũng căng thẳng không thư giãn được cũng là vì nó). Bỡi lí do quan trọng nhất là vấn đề hô hấp, và mình lại không thấy mình bơi như thế nào, rồi thêm lực cản của môi trường nước. Nên bơi lội hoàn toàn khác với các môn thể thao khác ở trên cạn- Sửa động tác thường ảnh hưởng tới việc thở nên: Trong bơi lội mà sai rồi thì khó sửa hơn môn khác gấp bội lần là vậy.
Người ta quen ở trên bờ nên khi xuống nước muốn đi tới lại chỉ biết cắm đầu cắm cổ quạt, đập trước đã, bất kể môi trường nước đòi hỏi cách hành xử hoàn toàn khác!
Ở dưới nước, sau khi quạt tay hay đập chân thì còn phải chờ cho cơ thể "đi" cái đã (vì nước có sức ì mà) rồi mới tiếp tục. Dọn mình, tạo sự hoàn hảo cho cái sự "đi" đó tức là STREAMLINE!
Học để tập STREAMLINE theo Thầy:
https://www.youtube.com/watch?v=Iz1T_lV6FEI
3. PROPULSION-LỰC ĐẨY ĐI TỚI
Phương pháp TI đặc biệt nhấn mạnh việc tạo lực đẩy là bằng toàn thân.
Bước 1 và 2 ngon rồi thì có đông lực là cơ thể đi tới. Nhưng quạt đập đúng thì cơ thể di chuyển tới một cách hiệu quả nhất.
Dĩ nhiên lực càng mạnh, càng lớn hơn sức cản thì càng tốt.
Cơ thể đẩy nước về hướng nào thì nó được di chuyển về hướng ngược lại. PP TI nhấn mạnh đặc biệt trong bơi sải, xoay người vươn tới, tạo động lực nhịp nhàng luân phiên, bên trái rồi bên phải, tác dụng tốt hơn là quạt tay phối hợp với đạp chân theo quan niệm thông thường.
Tùy theo kiểu bơi mà động lực sẽ khác nhau. Trừ bơi ếch động lực chính là đôi chân, còn các kiểu bơi còn lại, 2 cánh tay là động lực chính. Cánh tay khi quạt nước tạo lực đẩy luôn cong tại cùi chỏ (high elbow) để phát lực được mạnh nhất.
Tập trung vào chiều dài bơi được bỡi một lần sải tay hay đạp chân (Sroke Length-ví dụ: quạt một lần tay thì đi được bao nhiêu mét) thay vì tần số thực hiện sải tay (đạp chân) (Stroke Rate-ví dụ: bao nhiêu sải trong một phút). Khi chiều dài đạt được cho một lần sải tay (đạp chân) tốt và duy trì được rồi, bạn tăng tần số thực hiện (quạt tay hay đạp chân nhanh hơn) mà không thấy mệt thì bạn đang đạt tới sự hoàn hảo.
Học theo Thầy động lực bơi sải:
https://www.youtube.com/watch?v=sdQrXBzm7yI