Tổng mức cắt giảm sản lượng của 6 công ty sản xuất xe Nhật gồm Nissan, Suzuki, Toyota, Mitsubishi, Subaru và Mazda lên tới 1,05 triệu xe. Mức giảm này tương đương với năm 2020 khi đại dịch Covid lần đầu xuất hiện.
Tình hình dịch bệnh căng thẳng ở khu vực Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến nguồn cung chất bán dẫn, khiến cho nhiều hãng xe Nhật phải cắt giảm sản lượng xe.
Nhiều hãng xe đã dự báo, tình trạng thiếu chip sản xuất ô tô có thể kéo dài tới 2023, nặng hơn dự tính.
Mới đây,
Toyota cho biết hãng sẽ điều chỉnh dự báo sản xuất toàn cầu của mình, từ 9,3 triệu chiếc xuống còn 9 triệu chiếc. Cụ thể, Toyota sẽ giảm khoảng 70.000 chiếc vào tháng 9 và 330.000 chiếc (180.000 chiếc ở nước ngoài và 150.000 chiếc ở Nhật Bản) vào tháng 10. Toyota hy vọng rằng kế hoạch sản xuất cho tháng 11 và những tháng sau sẽ vẫn theo đúng kế hoạch.
Tương tự Toyota,
Suzuki cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu nguồn cung chip bán dẫn từ Đông Nam Á. Hãng đang giảm sản lượng 350.000 xe, tương ứng 10% tổng sản lượng được sản xuất trong năm tài chính vừa qua. Vì vậy, hoạt động sản xuất của Suzuki tại các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan và Hungary sẽ tạm ngưng, thị trường lớn nhất của Suzuki là Ấn Độ cũng chỉ được hoạt động khoảng 40% công suất bình thường trong tháng này.
Nissan sẽ giảm sản lượng 250.000 xe trong khi
Honda dự kiến doanh số bán hàng sẽ giảm 150.000 xe vì cắt giảm sản lượng.
Mazda,
Mitsubishi và
Subaru cũng tuyên bố cắt giảm sản lượng, khiến tổng số lượng xe cắt giảm sản xuất của các hãng ô tô Nhật Bản lên tới
1,05 triệu xe.
Sự gia tăng các ca nhiễm ở khu vực Đông Nam Á đã khiến cho nhiều nhà máy chip không hoạt động đúng công suất. Trong khi đó, đây vốn là cơ sở cung cấp chính cho chất bán dẫn trong xe.
Theo Toyota, việc cắt giảm là do nhà máy STMicroelectronics ở Malaysia đã ngừng hoạt động. Trong khi đó, công ty này cung cấp bộ vi điều khiển xử lý cho họ đã không thể làm việc khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại gần đây. Do một số bộ phận, như phanh hay linh kiện điện tử không được cung cấp hoặc sản xuất, nên những chiếc xe thành phẩm của các hãng xe nói trên cũng không thể ra đời.
Nhiều nhà sản xuất linh kiện ở Đông Nam Á đã trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn ô tô cho thế giới trong những năm gần đây. Hãng Bosch của Đức có 7 nhà máy sản xuất linh kiện điện và các sản phẩm khác trong khu vực này.
Tình trạng này cũng sẽ tác động tới các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và Mỹ. General Motors đã phải đóng cửa một nửa nhà máy của mình trong nhiều tuần, Renault cũng đóng cửa một số nhà máy ở Tây Ban Nha từ cuối tháng 8 và Volkswagen tiếp tục giảm sản lượng tại nhà máy chính (Wolfsburg)...
Với động thái trên của các hãng xe Nhật, nhiều khả năng trong thời gian tới, nguồn cung cho thị trường xe tại Việt Nam ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi các hãng xe Nhật và các mẫu xe Nhật được ưa chuộng tại Việt Nam ít nhiều sẽ không đảm bảo chuỗi cung ứng phụ tùng. Việc giao hàng cũng sẽ chậm trễ hơn trước.