Sau Đức và Pháp, nước Anh đang thông qua quyết định cấm động cơ đốt trong, cụ thể là các loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2040. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và báo hiệu một tương lai xe điện đang gần kề.[pagebreak][/pagebreak]
Tờ Guardian dẫn lời đại diện của chính phủ Anh rằng kế hoạch chi tiết cấm động cơ đốt trong sẽ được công bố vào cuối tháng. Nó sẽ giúp cho xứ sở sương mù này giải quyết các mối lo ngại về chất lượng không khí và sức khỏe cộng động. Được biết mỗi năm nước này lại tiêu tốn khoảng 2,7 tỷ bảng Anh vì suy giảm năng suất do các vấn đề về sức khỏe hô hấp.
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố rằng để hầu hết các loại xe ô tô con và xe tải không phát khí thải vào năm 2050 thì phải kết thúc việc bán ra thị trường các loại xe hybrid lai giữa động cơ điện và động cơ xăng hoặc diesel. Dù mang mục đích tốt nhưng quyết định này không tránh khỏi việc vấp phải sự phản đối. Hiện nay, ô tô điện chiếm chưa đến 5% tại Anh. Người sử dụng lo lắng về chi phí và hạn chế các điểm sạc điện, còn các nhà sản xuất thì lo ngại về việc đầu tư chi phí đắt đỏ.
Quyết định này của Anh được công bố ngay sau khi Pháp thông báo cấm các loại xe sử dụng động cơ đốt trong nhằm cắt giảm lượng khí thải. Trước đó, chính phủ Đức cũng thông qua nghị quyết cấm bán xe chạy máy xăng và dầu kể từ năm 2030. Nó nằm trong mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 tới 95% vào năm 2050 mà chính phủ Đức đã đề ra trước đó và con đường duy nhất để hoàn thành nhiệm vụ là loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của động cơ đốt trong.
Nước này cũng đồng thời “lôi kéo” Liên minh châu Âu áp dụng lệnh cấm này. Không chỉ áp dụng trong phạm vi quốc gia, chính phủ Đức còn bày tỏ tham vọng cấm hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong trên toàn bộ lục địa già bằng việc kêu gọi Liên minh châu Âu xem xét các lệnh cấm tương tự. Ngoài ra, những ưu đãi về thuế đang được áp trên các dòng xe máy dầu cũng có thể bị bãi bỏ làm tăng nguy cơ biến mất của thị trường màu mỡ nhất dành cho loại động cơ này. Chưa kể nếu lệnh cấm được ban hành, xe máy dầu có thể là đối tượng đầu tiên bị khai tử.
Cách đây không lâu, tại Hội nghị C40 về biến đổi khí hậu tổ chức ở Mexico City, các thị trưởng của 4 thành phố lớn là Paris, Madrid, Athens và Mexico City đã ra cam kết sẽ hoàn tất việc cấm tất cả các loại xe chạy bằng dầu diesel vào năm 2025. Các thành phố này cũng đẩy mạnh phát triển phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm, đồng thời tập trung xây dựng các khu vực "sạch" chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp.
Quyết định này được đưa ra sau những thống kê đáng sợ như 6,5 triệu người chết hàng năm bởi ô nhiễm không khí, trong đó khí thải từ động cơ diesel chiếm phần lớn. Bốn vị thị trưởng của các thành phố kể trên cũng khẳng định sẽ gây sức ép với các hãng xe, nhằm ngưng việc sản xuất động cơ diesel trong vòng một thập kỷ tới.
Các quyết định nói trên đều được đưa ra và thông qua trong thời gian khá ngắn, đặc biệt là sau sự kiện Volkswagen dính scandal về gian lận mức phát thải. Mức độ nghiêm khắc của nó cũng tăng tiến theo thời gian. Từ việc cấm xe chạy dầu trong thành phố lớn, mở rộng ra cấm xe chạy dầu trên toàn quốc gia, và giờ là cấm tất cả các xe sử dụng động cơ đốt trong nhiên liệu hóa thạch (từ xăng đến dầu diesel). Điều này khẳng định xu thế phát triển của dòng xe điện trong tương lai. Xu thế này sẽ tác động mạnh mẽ đến các nhà sản xuất dầu lửa cũng như các hãng sản xuất ô tô truyền thống.
Tuy vấp phải phản đối của nhiều đối tượng nhưng với các lộ trình chi tiết, rõ ràng người dân và các nhà sản xuất sẽ có thể tự thích nghi với các chính sách này để tiến tới một tương lai xanh và sạch hơn.
Theo Guardian