Ở Mỹ có quy định làn trái chỉ dùng để vượt, ở Đức quy định cấm xe tải ở làn trái, hay ở một số nước quy định tốc độ tối thiểu để tránh các xe chạy tốc độ thấp đi làn trái. Ở Việt Nam hiện nay đa phần chưa có quy định cụ thể, có nên thay đổi quy định để giao thông trên cao tốc hạn chế lộn xộn hơn?
Ngày xưa khi cao tốc còn ít, nhà nước không quy định cụ thể tốc độ từng làn, nhưng hiện nay cao tốc Bắc - Nam đang dần thành hình, liên tục khai thác thêm nhiều đoạn thành phần mới, việc chạy liên tục 300-400km cao tốc là bình thường, mình nghĩ cơ quan chức năng nên xem xét lại việc đặt quy định tốc độ tối đa - tối thiểu cho từng làn.
Chạy chậm ở làn trái có bị phạt không?
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, tài xế điều khiển ô tô di chuyển chậm ở làn ngoài cùng bên trái sẽ bị phạt trong hai trường hợp: Không nhường đường cho xe phía sau xin vượt, và chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).
Cụ thể, Điều 5 của Nghị định 100/2019 ( sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định mức phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển ô tô không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn.
Với hành vi điều khiển ô tô chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, mức phạt hiện nay là 400.000-600.000 đồng.
Tuy có quy định xử phạt là thế, nhưng theo nhiều tài xế mức phạt này quá thấp cộng với cơ quan chức năng chưa chú ý mạnh tay xử lý hành vi bò ở làn trái, không nhường cho xe phía sau xin vượt nên vẫn không thay đổi được thói quen của nhiều người.
Quy định tốc độ tối đa làn trái trên cao tốc ở một số nơi
Ở Đức, xe tải trên 3,5 tấn và xe đầu kéo không được chạy ở làn 1 tức là làn trái trên đường cao tốc. Nguyên nhân xuất phát từ chính đặc trưng của xe tải, xe tải thường chở hàng nặng, tốc độ và phản ứng của xe cũng không nhanh gọn bằng một chiếc ô tô con thông thường. Khi không đảm bảo được tốc độ cao sẽ làm ảnh hưởng đến các xe phía sau.
Xe tải và xe đầu kéo chạy ở làn 1 cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, vì điểm mù ở phía bên phải của một chiếc xe tải lớn hơn nhiều so với bên trái. Phương tiện khác vượt lên từ bên phải dễ dẫn đến va chạm hơn so với việc vượt từ bên trái.
Trong khi ở Mỹ yêu cầu là làn trái sát con lươn cứng chỉ sử dụng khi cần vượt.
Đây là hình ảnh cao tốc Sheikh Mohammed bin Rashid ở UAE (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất). Bắt đầu từ tháng 3/2023 tuyến đường này đã được áp dụng tốc độ tối thiểu 120km/h và tốc độ tối đa 140km/h cho 2 làn ngoài cùng sát con lươn.
Ở một cao tốc của Trung Quốc, họ không nâng tốc độ tối đa làn trái lên, cũng không cấm xe lớn vào làn trái nhưng họ sẽ quy định cụ thể tốc độ tối thiểu từng làn. Nếu các xe chạy tốc độ 60-70km/h bắt buộc phải đi về làn phải.
Như ở Việt Nam, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng phân chia tốc độ kiểu này, hai làn sát dải phân cách có tốc độ tối đa theo quy định là 120 km/h và tốc độ tối thiểu 80 km/h. Làn ngoài cùng bên phải sát làn dừng khẩn cấp tốc độ tối đa 100 km/h, tối thiểu 60 km/h.
Nhưng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là thiểu số trong số cao tốc đang được lưu thông ở Việt Nam. Hiện tại ở cao tốc Việt Nam phần lớn chỉ có quy định cụ thể tốc độ tối đa - tối thiểu toàn tuyến, không chia tốc độ cụ thể ở từng làn nên mới dẫn tới việc nhiều xe ung dung đi với tốc độ 60-70km/h ở làn trái với lí do "không sai luật là được".
Dù phân chia tốc độ tối thiểu ở làn trái nhưng nhiều xe vẫn đi tốc độ thấp hơn quy định ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Giải pháp nào để hạn chế các xe đi chậm ở làn trái?
Việc nhiều đường cao tốc tại Việt Nam chỉ có quy định giới hạn tốc độ tối đa theo làn, mà không có giới hạn tốc độ tối thiểu, dẫn tới việc không ít người cho ô tô chạy bám làn trái - làn có tốc độ cao nhất, nhưng lại chạy chậm hơn rất nhiều so với xe ở làn bên cạnh, gây ảnh hưởng tới các phương tiện phía sau khiến nhiều trường hợp các xe phía sau phải chọn cách vượt ở làn phải gây nguy hiểm giao thông.
Các cao tốc hiện nay chủ yếu chỉ có tốc độ tối đa tối thiểu toàn tuyến chứ không theo từng làn.
Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các video ghi lại hình ảnh các xe tải, xe container,... chạy phía trước chỉ đi với tốc độ 70-80km/h ở làn trái cao tốc tốc độ tối đa 120km/h, nhưng khi xe sau xin vượt lại nhất quyết không chuyển làn mặc các xe khác phải rề rà phía sau.
Nhiều người cho rằng cơ quan chức năng nên thật sự mạnh tay xử lý các xe chạy tốc độ thấp vào làn trái nhưng khi được xin đường lại không nhường, vì lúc này các xe đều vi phạm lỗi "không nhường đường cho xe phía sau xin vượt, và chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy".
Nếu cơ quan chức năng xử phạt sẽ có sự răn đe hơn đến cộng đồng tài xế, không phải như hiện tại gần như nhiều người vẫn ung dung chạy tốc độ chậm ở làn trái với suy nghĩ "không lo bị phạt".
Ngoài ra có nhiều ý kiến cho rằng, đầu năm 2024 số lượng cao tốc đang khai thác tăng lên gần 1.900 km, không chỉ đáp ứng về số lượng mà cũng phải đáp ứng thêm về chất lượng khi tham gia giao thông.
Đã đến lúc cơ quan chức năng nghĩ đến việc quy định lại tốc độ tối đa tối thiểu ở làn trái để tránh nhiều phương tiện "chiếm dụng" nó thành làn riêng như hiện nay. Đặc biệt là những cao tốc đủ tiêu chuẩn có làn dừng khẩn cấp và 2 làn lưu thông thì nên quy định tốc độ tối thiểu - tối đa làn trái.
Theo các bác, những cách trên có thể khắc phục được tình trạng các xe chiếm làn trái đi tốc độ thấp không?