Tuần rồi em có dịp tham dự buổi Trải nghiệm công nghệ G-Vectoring Control (GVC) hay còn gọi là hệ thống hỗ trợ kiểm soát gia tốc được trang bị trên bộ đôi Mazda 3 và Mazda 6 2017, nên trong bài này em xin gửi đến các bác những cảm nhận thực tế của mình về hệ thống hỗ trợ lái thú vị và cũng rất hay của Mazda.[pagebreak][/pagebreak]
Thật ra đây không phải là lần đầu em được lái một mẫu Mazda có hệ thống GVC. Trước đó thì em đã có dịp lái qua mẫu Mazda 6 nâng cấp facelift 2017, mẫu xe Mazda đầu tiên tại Việt Nam trang bị hệ thống GVC. Nhưng trải nghiệm 2 mẫu xe Mazda, 1 có GVC và 1 không có GVC cùng một lúc, để cảm nhận rõ nhất hiệu quả của hệ thống hỗ trợ kiểm soát gia tốc thì em chỉ mới được thử trong tuần rồi.
Đầu tiên em được thử chiếc Mazda 3 Facelift 2017 có GVC. Cảm giác ban đầu là vẫn thấy không có gì khác so với khi lái chiếc Mazda 3 2015 không có GVC trước đây. Vô lăng vẫn cung cấp nhiều phản hồi từ mặt đường giúp cho em cảm nhận được rõ giới hạn độ bám của 2 bánh trước, nhất là ở bài vào cua gấp. Phản ứng khung xe vẫn rất nhanh nhẹn và không có gì để phàn nàn.
Sau khi chạy khoảng 3 vòng sa hình với Mazda 3 Facelift 2017, em chuyển sang 1 chiếc Mazda 3 2015 không có GVC và chạy tiếp 3 vòng nữa. Trong đầu cứ đinh ninh khi lái Mazda 3 đời trước là sẽ không khác mấy Mazda 3 facelift mới, nhưng chỉ sau vài góc cua thì ngay cả người bình thường cũng có thể phần nào cảm nhận được sự khác biệt.
Đó là khi vào cua với mẫu Mazda 3 đời trước không có GVC thì em phải đánh vô lăng đi một hành trình xa hơn một chút và điều chỉnh vô lăng nhiều lần hơn ở giữa góc cua (mid-corner) so với Mazda 3 2017 có GVC để chiếc xe đi đúng theo ý mình. Cảm giác giống như vô lăng Mazda 3 đời trước không được chính xác bằng vô lăng Mazda 3 đời mới có GVC. Mặc dù Mazda 3 đời mới không hề có sự thay đổi số vòng đánh hết lái (steering ratio) so với mẫu cũ. Sau khoảng 2 vòng sa hình với Mazda 3 đời trước không có GVC thì em bắt đầu nhận thấy việc lái xe có phần "nhọc" hơn so với Mazda 3 mới có GVC.
Đây là chiếc Mazda 3 đời trước chưa có GVC được bố trí cho người tham gia so sánh với mẫu mới
Bên cạnh việc mang đến cảm giác lái chính xác hơn, hệ thống hỗ trợ kiểm soát gia tốc G-Vectoring Control của Mazda còn hướng đến sự êm ái khi vào cua bằng cách tự can thiệp vào hệ thống ga ở một mức mà người lái khó thể nào nhận biết được. Chính xác thì hệ thống hỗ trợ lái độc quyền của Mazda dựa các trên tác động của người lái vào vô lăng (góc đánh lái, tốc độ đánh lái) và vị trí chân ga để điều chỉnh mô-men xoắn đầu ra của động cơ một cách cách chủ động.
Khi người lái bắt đầu đánh vô lăng vào cua, hệ thống này sẽ tự động giảm bớt một chút ga nhằm chuyển bớt trọng tải (Load Transfer) về phía trước. Tải trọng dồn về 2 bánh trước sẽ giúp 2 bánh này có độ bám tốt hơn. Khi gần hết góc cua thì hệ thống GVC sẽ tự động bù ga thêm một chút để đẩy tải trọng dồn về 2 bánh sau với mục đích tương tự.
G-Vectoring Control không chỉ tăng sự an toàn khi vào cua mà còn hướng đến làm mượt sự chuyển dịch tải trọng trước sau và từ đó làm cho người ngồi trong xe thấy êm và thoải mái hơn. Các bác có thể hình dung như thế này, nếu ngồi trong xe của tài xế có thói quen lên ga, đạp thắng liên tục thì mức chuyển dịch tải trọng lớn và thường xuyên sẽ gây ra hiện tượng giật lắc làm người trong xe nhanh mệt. Còn ngồi trong xe của người tài xế ga/thắng nhịp nhàng, hợp lý thì mọi thứ sẽ ngược lại. G-Vectoring Control được sinh ra để giúp người lái có thể ga/thắng một cách nhịp nhàng và hợp lý hơn.
Trong lúc trải nghiệm thực tế, thì em thấy rất khó để nhận biết khi nào hệ thống GVC của Mazda can thiệp vào quá trình lái. Vì theo Mazda thì hệ thống GVC chỉ làm giảm bớt 0,01-0,05 lực g. Mức thay đổi này chỉ có những tay đua F1 cực kỳ nhạy cảm với sự dịch chuyển trọng lực mới cảm nhận được, còn người bình thường như chúng ta thì gần như là không thể nhận biết.
Nhiều bác ắt sẽ băn khoăn liệu không biết có tin tưởng được vào sự can thiệp của hệ thống điện tử hay không? Thì em cũng xin chia sẻ với các bác là trên những xe thể thao hiện nay có 1 hệ thống gọi là Torque Vectoring Control cũng là một loại hệ thống can thiệp điện tử như G-Vectoring Control nhưng khác mục đích. Nếu G-Vectoring Control của Mazda hướng đến sự êm ái cho người ngồi bên trong thì Torque Vectoring Control tập trung cho hiệu năng của chiếc xe bằng cách tự động phanh bánh sau bên trong góc cua để giúp chiếc xe vào cua ở tốc độ cao "bén" hơn.
Thật tâm thì em luôn thích những gì đến từ tự nhiên. Nhưng cái gì tự nhiên sửa cái đẹp hay tốt hơn như G-Vectoring Control thì em cũng thích luôn. Nói chung là em đánh giá cao nguyên lý hoạt động của hệ thống GVC. Hình dung cứ qua mỗi góc cua chúng ta bớt đi một ít sự giật lắc thì cả một hành trình dài chắc chắn chúng ta sẽ đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều. Hiệu quả của hệ thống hỗ trợ kiểm soát gia tốc GVC độc quyền của Mazda có lẽ thể hiện rõ nhất trong những chuyến đi xa.