tác giả Trần Đình Hoành có bài viết này em đọc thấy thấm vào tim nên mang về chia sẻ cùng các bác.
<h2>
Buông xả thành kiến</h2> Chào các bạn,
“
Buông xả thành kiến là khó nhất, vì thường là mình không biết đang bị thành kiến gì”. (NXCường). Người say thì thường chẳng biết mình say, người điên thì thường chẳng biết người điên, người có thành kiến chẳng hề biết mình có thành kiến.
Thành kiến ám chỉ một cái nhìn sai, lệch lạc, méo mó. Nhưng những cái nhìn của ta đều đúng đối với ta, thì làm sao ta có thành kiến được?
Những điều tôi suy từ đều đúng với tôi: Phải tin Chúa mới vào được thiên đàng, Al Qeada là khủng bố, đại đa số quan chức tham nhũng, anh chàng A này không thể tin được, Trung quốc có máu xâm lược… Nếu những tư duy này thật sự là đúng với tôi, thì làm gì có thành kiến trong tôi?
Nhưng vấn đề là ở chỗ định nghĩa của thành kiến. Ta nói bên trên: “Thành kiến ám chỉ một cái nhìn sai, lệch lạc, méo mó.”
Nhưng thực sự thành kiến chưa chắc đã sai, mà thường là đúng 100% với chính ta, nó chỉ không đúng với người khác.
Như, “Trung quốc có máu xâm lược”. Câu này có lẽ là đúng với đại đa số người Việt, nhưng có lẽ là nó không đúng với đại đa số người Trung quốc. Đó là thành kiến đối với người Trung quốc, dù là ta tin là nó đúng 100%.
Vậy thì ta phải định nghĩa thành kiến lại cho chính xác. “
Thành kiến là cái nhìn của ta về sự việc mà khác với cái nhìn của người khác”.
Tôi nói: “
Anh hay nói dối”.
Anh nói: “
Không, tôi không hay nói dối, dù là đôi khi có nói dối”.
Vậy là tôi đã có thành kiến đối với anh. Thành kiến này đúng hay không thì tính sau, nhưng trước mắt thì nó là thành kiến.
Nếu ta định nghĩa thành kiến là cái nhìn khác với cái nhìn của người khác, thì ta sẽ nhận ra ngay là hầu như
tất cả mọi cái nhìn của ta về mọi sự trên đời đều là thành kiến đối với ai đó, dù đối với ta nó đúng 100%.
Và nếu ta nhìn nhận thành kiến là như thế, thì mỗi khi ta nghe ai đó có một kiến ngược lại với ý kiến của ta về vấn đề nào đó, ta sẽ tự động nhắc thầm mình là ta đang có thành kiến về vấn đề đó, và do đó lắng nghe người kia một cách nghiêm chỉnh, để có một cuộc đối thoại tạo thêm kiến thức và cảm thông cho cả hai.
Định nghĩa thành kiến như thế chính là “chấp” và “vô chấp” của nhà Phật. Chấp vào bất kỳ điều gì—dù đúng dù sai đối với ta–cũng là chấp, và vô chấp là không chấp vào bất kì điều gì, không có ngoại lệ.
Và đó cũng là lối tư duy của các dân tộc dân chủ và văn minh trên thế giới: Điều đúng với tôi lại là thành kiến với anh, cho nên chúng ta hãy lắng nghe và tìm cách hòa đồng với nhau.
(Ngược lại lối tư duy của những kẻ ngu dốt và, do đó, lạc hậu là: Tôi nghĩ đúng là đúng, tôi cho là sai là sai, tôi nói “đúng”, anh nói “sai”, thì đương nhiên anh là phản động, phản đạo, phản quốc, phản luận lý, phản phúc, phản …)
Chúc các bạn một ngày không thành kiến.
Mến,
Hoành
(Nguồn:
http://dotchuoinon.com/)