Bác đã lái quen, nên sẽ quen nhanh thôi. Nhưng kinh nghiệm của em là, bác nên chạy thử một vòng vào tối hôm trước. Bác biết đấy, lái xe là phản xạ. Phản xạ đúng phải dựa trên thói quen và am hiểu.
Về cách vận hành, bác lưu ý:
- Đảm bảo cần số ở P trước khi đề máy.
- Phanh tay vẫn được kéo.
- Phải đạp phanh (thắng) khi đề máy.
- Khi nào xe đã đóng hết các cửa và khởi hành, bác đạp thắng trước, sau đó từ từ kéo cần số về D. Chú ý không kéo về R (lùi) nhé.
- Nhả phanh (thắng) tay.
- Bác nhả phanh (thắng) chân ra là xe chạy ngay, dù bác không đệm ga. Do đó, khi mới làm quen xe AT, bác không nên đạp ga vội, nhất là khi đường đông, hoặc hẻm nhỏ.
Đã là số AT, cứ để D mà chạy. Khi nào bác đổ đèo (xuống dốc một đoạn dài), thì phải chuyển về chế độ S, hoặc L (hay là 1 hoặc 2, nhằm hạn chế không cho lên số cao để ghìm xe bằng động cơ - như mình chạy MT đổ đèo vậy).
Vấn đề lớn nhất với người mới lái AT là bị rồ ga bất chợt, phần lớn là do nhầm chân ga và chân phanh (thắng). Theo quy định an toàn của Nhật khi lái xe, bác không nên đi giày/dép có đế quá dày/cao, hoặc giày/dép quá dài mũi nhé.
Cuối cùng, chỉ dùng chân phải để điều khiển cả ga và phanh (thắng). Điều này vừa tránh bị rồ ga, vừa đảm bảo khi phanh (thắng) thì ga đang tối thiểu. Chân trái đặt lên chỗ để chân trái riêng (nhưng nếu mới đi, thỉnh thoảng mình vẫn đạp đạp... cẩn thận kẻo đạp nhầm chân phanh/thắng).
Cẩn thận hỏi thì cẩn thận nói thế thôi, chứ bác sẽ vi vu trên con xe AT ngon ngọt ngào...