Em vừa có chuyến lái thử Ford Ranger Raptor tại Darwin, Australia. Đây là một chương trình lái thử được tổ chức rất tốt của Ford và những gì họ làm đã giúp người tham gia như em có các cảm nhận ban đầu về chiếc xe bán tải đang được nhiều người chờ đợi. Em sẽ chia sẻ về những thứ quan trọng nhất trên chiếc bán tải mid-size dự kiến sẽ về Việt Nam trong quý 4/2018 này gồm: động cơ, hộp số, khung gầm, hệ thống treo, lốp xe và những trải nghiệm on-road lẫn off-road.[pagebreak][/pagebreak]
ĐỘNG CƠ
Chắc chắn động cơ là thứ mà các bác đang quan tâm tới Ranger Raptor lăn tăn nhất. Một chiếc xe bán tải hàng đầu trong phân khúc nhưng được trang bị một khối động cơ I4 2.0L tăng áp kép, liệu nó có đủ sức mạnh để làm phấn khích những ông ngồi sau vô-lăng? Chỗ này có thể chia ra thành 2 nhóm: nhóm đang sở hữu Ford Ranger Wildtrak 3.2 và nhóm chưa sở hữu.
Về thông số thì Ford Ranger Wildtrak 3.2 và Ranger Raptor có sức mạnh gần tương đương nhau; thậm chí Ranger Raptor còn nhỉnh hơn một chút cả về công suất lẫn mô-men xoắn. Chi tiết thông số của 2 xe thì các bác có thể xem trong bảng so sánh ngay dưới đây.
Biết là về thông số của Ranger Raptor mạnh hơn so với Ranger Wildtrak 3.2 nhưng mà thực sự về mức độ phản hồi của động cơ khi tăng tốc nhanh thì máy lớn vẫn đã hơn. Dù Ford đã trang bị cho động cơ EcoBlue I4 2.0L trên Ranger Raptor 2 bơm tăng áp để giảm độ trễ nhưng mà nó vẫn chưa thể mang lại sự phấn khích như của động cơ 3.2L I5 tăng áp trên Ranger Wildtrak. Cảm giác tăng tốc nhanh trên Wildtrak 3.2 là nhấn ga chiếc xe chồm lên và lao về phía trước, thậm chí còn có cả tiếng rít do bánh xe bị trượt. Trên Ranger Raptor vẫn có thể có được sự phấn khích đó nhờ thiết kế 2 bơm tăng áp với công nghệ by-pass; tuy nhiên cách phản hồi của một động cơ nhỏ và động cơ lớn là khác nhau.
Với nhóm đang sở hữu Ranger Wildtrak 3.2 thì có thể sẽ hơi bất ngờ và có phần hụt hẫng vì sức mạnh của động cơ thì tương đương nhau nhưng cảm giác mang lại thì khác nhau. Đa số các thành viên trong đoàn lái thử Ranger Raptor đều đặt câu hỏi với đại diện của Ford là tại sao không có thêm một tuỳ chọn động cơ lớn hơn cho chiếc bán tải này. Và câu trả lời nhận được là tuỳ theo mục đích chính của chiếc xe mà họ sẽ quyết định động cơ nào phù hợp. Ford Ranger Raptor hướng đến khả năng off-road tốc độ cao và nó đi kèm một “gói” gồm nhiều thứ tạo thành chứ không chỉ động cơ.
Còn với nhóm chưa sở hữu Ranger Wildtrak 3.2 thì có thể sẽ thấy hoàn toàn hài lòng với động cơ EcoBlue I4 2.0L Bi-turbo, đặt biệt là khi nó kết hợp với hộp số tự động 10 cấp được chia sẻ từ F-150 Raptor.
Ở chế độ Normal thì chắc chắn động cơ sẽ phản ứng rất êm ái, đặc biệt là khi có hộp số tới 10 cấp. Nếu muốn phấn khích hơn hãy thử chế độ Sport, lúc này thì sức mạnh của chiếc xe mới được khai thác tối đa để cho chiếc xe khả năng vận hành mạnh mẽ. Vòng tua sẽ được đẩy lên cao hơn, chuyển số chậm hơn để duy trì mô-men xoắn lớn. Tiếng động cơ cũng sẽ phấn khích hơn thì chạy ở chế độ thể thao.
Trong chương trình trải nghiệm Ford Ranger Raptor có khoảng gần 300 km chạy ở đường đô thị và cao tốc ở Úc. Nếu chọn chế độ Normal thì chiếc xe có thể dễ dàng đẩy lên cấp số 10 ở tốc độ khoảng 90 km/h trở lên và lúc đó lướt nhìn vòng tua máy thì chỉ khoảng 1.500 - 1.600 vòng/phút. Nếu tăng tốc cao hơn 120 km/h thì vòng tua máy vẫn dao động ở mức khoảng 2.000 vòng/phút. Điều này cho thấy ưu điểm của động cơ EcoBlue là sẽ êm và tiết kiệm nhiên liệu. Chưa có con số chính xác cho mức tiêu hao nhiên liệu trung bình của Ranger Raptor khi chạy xe trên đường trường nhưng theo dự đoán của em thì nếu chạy nhẹ nhàng thì hoàn toàn có thể đạt mức 7-8 lít/100 km.
Còn khi cần sức mạnh thì bấm nút Mode trên vô-lăng để chuyển qua chế độ Sport hoặc Baja Mode, lúc đó chuyện tiết kiệm nhiên liệu có thể quên đi. Ở 2 chế độ này có thể thấy tốc độ vòng tua đa số cao hơn 2.000 vòng/phút và thường nằm ở khoảng 3.000 vòng/phút; còn nếu tăng tốc nhanh thì sẽ vượt mức 4.000 vòng/phút. Hai bơm tăng áp với công nghệ by-pass sẽ phối hợp làm việc rất nhanh để đảm bảo duy trì mô-men xoắn ở tua thấp, giảm tối đa độ trễ và tăng độ phản hồi của động cơ. Ở tua thấp thì cả 2 bơm tăng áp sẽ hoạt động cùng lúc. Và khi tua máy ở ngưỡng cao thì bơm tăng áp nhỏ đóng lại, chỉ có bơm tăng áp lớn hoạt động và giúp xe đạt công suất tối đa cũng như tăng tốc tốt hơn.
HỘP SỐ
Hộp số tự động 10 cấp trên Ford Ranger Raptor là một thứ gây bất ngờ cho em khi cầm lái mẫu xe bán tải này. Hộp số này vốn được trang bị cho Ford F-150 Raptor, đàn anh của của Ranger Raptor và trong đó có chứa DNA của Ford Performance. Trong hầu hết các điều kiện vận hành hoặc chế độ lái khác nhau, hộp số này đều cho thấy sự linh hoạt và thông minh khi chuyển số, cả lúc lên số và về số. Dải tỉ số truyền rộng của một hộp số 10 cấp mang tới cho Ranger Raptor khả năng chuyển số mượt mà và nhanh khi tăng tốc. Đặc biệt hơn có lẽ là phần mềm điều khiển hộp số 10 cấp của Ranger Raptor được làm quá tốt nên các cấp số đều được lựa chọn rất phù hợp và đúng thời điểm. Ngoài ra, với 2 lẫy chuyển số sau vô-lăng thì tài xế có thể dễ dàng điều chỉnh cấp số một cách linh hoạt theo ý muốn ở bất kỳ chế độ lái nào.
Cũng phải dành thêm lời khen cho phần thiết kế của lẫy chuyển số sau vô-lăng với chất liệu kim loại và kích thước lớn, cầm rất thích và cảm giác. Chất liệu kim loại cho nó sự cứng cáp và kích thước lớn giúp thao tác dễ dàng vào thoải mái hơn.
Ford Ranger Raptor được trang bị hệ thống Terrain Management System (TMS) với 6 chế độ lái, có thể lựa chọn qua nút điều khiển bố trí trên vô-lăng. Mỗi chế độ được điều chỉnh để giúp chiếc xe vận hành tối ưu nhất ở từng địa hình tương ứng. Động cơ và hộp số sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng điều kiện vận hành ở mỗi chế độ khác nhau.
Chế độ on-road:
- Normal Mode: Chú trọng đến sự êm ái, tiết kiệm nhiên liệu và sự thoải mái khi lái
- Sport Mode: Tăng độ nhạy chân ga cho cảm giác lái phấn khích hơn khi chạy trên đường
Chế độ off-road:
- Grass/Gravel/Snow Mode: Được thiết kế để tạo ra sự tự tin và an toàn khi chạy xe trên những đoạn đường trơn trượt và không bằng phẳng. Số sẽ chuyển mượt hơn và xe sẽ thường xuất phát ở số 2, hạn chế tình trạng bánh xe bị trượt lúc tăng ga
- Mud/Sand Mode: Độ nhạy của xe được điều chỉnh để tối ưu sức kéo đảm bảo cho xe vượt qua những bề mặt trơn trượt và dễ lầy như cát và bùn. Số được duy trì ở cấp thấp để tạo ra mô-men xoắn lớn
- Rock Mode: Sử dụng đặc biệt khi xe chạy ở những địa hình có nhiều đá lởm chởm với tốc độ thấp, khi cần khả năng điều khiển xe mượt mà nhất
- Baja Mode: Đây là chế độ phấn khích nhất của Ranger Raptor khi chiếc xe được điều chỉnh để tạo ra khả năng off-road tốc độ cao, như những gì mà một tài xế cừ khôi cần có để chinh phục đường chạy nổi tiếng Baja Desert Rally, ở sa mạc Baja. Ở chế độ này, những hệ thống trên xe như Kiểm soát lực kéo (Traction Control) sẽ được hạn chế để nó không xung đột với các hệ thống khác trên xe
KHUNG GẦM VÀ HỆ THỐNG TREO
Thật ra có thể xem Rangper Raptor gần như là một mẫu xe hoàn toàn mới chứ không phải một phiên bản nâng cấp từ dòng Ranger hiện tại. Phần khung gầm được cải tiến và gia cố với thép hợp kim thấp độ bền cao. Các phần được gia cố gồm hai thanh sườn bên giúp tăng khả năng hấp thu lực tải; các khớp nối giúp tăng sức chịu tải, và phần giá treo bánh dự phòng cũng được tăng cường thanh gia cố chéo dành cho lốp cỡ lớn.
Khung sườn mới mang tới cho Ford Ranger Raptor khả năng vận hành ấn tượng khi chạy on-road lẫn off-road và một phần không thể thiếu đó là hệ thống treo với giảm chấn FOX Racing Shox hàng xịn. Hệ thống treo trước là dạng độc lập, tay đòn kép, lò xo trụ và giảm chấn FOX Racing Shox. Hệ thống treo sau không còn là lá nhíp nữa mà là dạng liên kết đa điểm với kết cấu Watts Link, cùng giảm chấn FOX Racing Shox piston 46,6 mm. Hành trình của phuộc trước là 236 mm, tăng 32% so với Ranger Wildtrak; còn hành trình của phuộc sau là 290 mm, tăng 22% so với Wildtrak.
Có thể nói ngắn gọn về hệ thống treo trên Ranger Raptor khi chạy on-road đó là như một chiếc SUV. Em hoàn toàn bất ngờ về độ êm ái và cách hệ thống treo xử lý các rung động từ mặt đường. Có thể một phần đường sá ở Australia tốt nên em cảm giác nó êm ái nhưng em cũng thử cảm nhận khi xe đi qua gờ giảm tốc hay các chỗ lồi lõm, thực sự là êm như một chiếc SUV thông thường. Điều này có lẽ sẽ khiến nhiều người ở Việt Nam cảm thấy vui vì đa số người mua bán tải tại Việt Nam chủ yếu dùng để đi phố hay đi những cung đường on-road.
Tuy nhiên, Ford trang bị cho Ranger Raptor một hệ thống treo xịn không phải chỉ để tạo cảm giác êm ái cho người ngồi trên xe, hoàn toàn không phải như vậy. Hệ thống treo với giảm chấn FOX Racing Shox là để cho những buổi off-road tốc độ cao với chế độ Baja Mode. Trong các bài trải nghiệm mà Ford tạo ra thì có những bài cho phép tài xế lái rất nhanh đi qua những gờ đất cao 30-40 cm; chiếc xe sẽ bay lên và rơi xuống. Mục đích của việc này là để người lái cũng như hành khách cảm nhận được cách hệ thống treo xử lý các chấn động như vậy. Và với hệ thống treo mới, các chấn động được xử lý nhẹ nhàng, êm ái nhờ hệ thống giảm chấn FOX Racing Shox. Nếu thử địa hình này với một chiếc bán tải có hệ thống treo sau dạng lá nhíp thì có lẽ là rất “sốc”.
Bên cạnh khả năng xử lý chấn động theo phương dọc thì hệ thống treo trên Ranger Raptor còn triệt tiêu rất tốt các dao động ở phương ngang. Ngồi trong xe cảm nhận được rõ ràng là xe không bị lắc ngang quá nhiều, vốn là đặc điểm thường thấy trên những xe sử dụng treo sau dạng lá nhíp. Khi xe không bị lắc theo phương ngang nhiều sẽ giúp nó ổn định hơn khi chạy tốc độ cao, khi vào cua nhanh và đó là lý do Ranger Raptor được sinh ra để đi off-road với tốc độ tối đa có thể đạt được là tới 170 km/h.
Khi chạy với chế độ Baja Mode trên địa hình có cát và sạn nhỏ sẽ cảm nhận rõ hơn một chút về sự chắc chắn của khung gầm và linh hoạt của hệ thống treo trên Ranger Raptor. Ở chế độ Baja Mode, hệ thống điện tử cho chiếc xe trượt nhiều hơn một chút. Mỗi lúc vào cua tốc độ cao có thể cảm nhận rõ phần đuôi xe trượt về một bên và khi tài xế đánh lái ngược để đưa chiếc xe về đường chạy thì nó vẫn rất nhanh để quay lại. Khung xe không bị vặn quá nhiều vì có được độ cứng cáp cần thiết nhờ các cải tiến mà Ford đang chuẩn bị cho Ranger Raptor. Ở chế độ Baja Mode, những hệ thống như Kiểm soát lực kéo (Traction Control) cũng được hạn chế để nó không xung đột với các hệ thống khác trên xe, đảm bảo khả năng off-road tốc độ của của Ranger Raptor và khả năng mang tới sự phấn khích cao độ cho người lái.
Và em cũng nhắc lại là Ranger Raptor được tạo ra với không chỉ đi off-road ở những địa hình mà phải đi tốc độ chậm; nó là một chiếc xe được thử nghiệm ở sa mạc Baja và có thể chạy như một chiếc xe đua Rally đích thực. Tất nhiên, với những con dốc cao hay những địa hình mà chúng ta vẫn hay thường gọi là đi off-road thì Ranger Raptor vẫn có thể dễ dàng chinh phục nhờ sức mạnh, hệ thống treo, bộ lốp BF Goodrich A/T hay các chế độ hỗ trợ tài xế.
LỐP BF GOODRICH
Bộ lốp BF Goodrich All Terrain TA Comp kích thước 285/70R17 là trang bị tiêu chuẩn trên Ford Ranger Raptor. Một chiếc xe muốn đi off-road tốt thì bắt buộc phải có một bộ lốp chuyên dụng và lựa chọn của Ford cho Ranger Raptor gần như là tốt nhất rồi. BF Goodrich cũng không phải là loại lốp quá xa lạ đối với những người chơi bán tải hay chơi off-road tại Việt Nam. Vì thế em cũng không cần nói nhiều quá về khả năng chinh phục địa hình của bộ lốp này.
Chỉ có một điều mà chúng ta phải chấp nhận đó là đi lốp BF Goodrich All Terrain TA Comp trên đường on-road sẽ hơi ồn một chút nếu chạy tốc độ cao. Tuy nhiên, đó là điều rõ ràng vì chẳng có bộ lốp nào mà vừa có thể đi off-road xuất sắc mà vẫn êm ái khi đi on-road.
Với đường kính 838 mm và chiều rộng bề mặt 285 mm, bộ lốp BF Goodrich gắn trên Ranger Raptor giúp cho chiếc xe đẹp hơn và ngầu hơn. Nó hoàn toàn phù hợp khi một chiếc xe có kích thước lớn đi kèm một “dàn chân” vững chắc và cơ bắp.
Bộ mâm 17” với những chấu kép khi đi cùng với bộ lốp BF Goodrich vẫn còn chút nhỏ bé, có lẽ nếu thay một bộ mâm khác hầm hồ hơn thì trông sẽ ấn tượng hơn. Và đây dường như là một trong những chi tiết hiếm hoi cần phải “độ” khi chọn Ranger Raptor.
TRẢI NGHIỆM ON-ROAD
Qua hơn 300 km với Ford Ranger Raptor ở cả vị trí ghế lái, ghế phụ và hàng ghế sau em có nhận xét như sau. Nếu đi on-road thì động cơ EcoBlue I4 2.0L Bi-Turbo hoàn toàn dư sức để chạy thoải mái, vượt xe hay vượt đèo dốc đều tốt. Có thể sự phấn khích khi tăng tốc lúc đứng yên sẽ không đã như những xe có động cơ lớn nhưng nó hoàn toàn không yếu.
Trên đường tốt, hệ thống treo với giảm chấn FOX Racing Shox trước/sau mang tới sự êm ái như một chiếc SUV, hành khách ngồi sau vẫn sẽ rất thoải mái, không bị giằn xóc nhiều mỗi khi qua gờ giảm tốc hay các đoạn đường xấu. Thậm chí, khi lốp xe cán qua những hòn đá to bằng nắm tay thì với bộ lốp lớn, thành lốp dày và giảm chấn dạng thụt, rung động tác động lên thân xe đượt triệt tiêu còn rất ít.
Tiếng ồn từ động cơ I4 2.0L tăng áp kép sẽ nhỏ hơn so với động cơ I5 3.2L tăng áp trên Ranger Wildtrak. Lúc nổ ở ga-răng-ty thì động cơ EcoBlue khá êm, không quá ồn như nhiều xe bán tải khác. Khi tăng tốc thì tiếng ồn sẽ vọng vào khoang lái nhiều hơn. Chỉ khi tăng tốc rất nhanh thì tiếng ồn sẽ khá lớn, tuy nhiên đó là thứ cần thiết để tạo sự phấn khích cho người lái.
Phần cách âm từ khung gầm và các cửa sổ hay kính lái là ở mức chấp nhận được. Với khung gầm rời thì tiếng vọng từ lốp hay hốc bánh xe đã được giảm kha khá. Nhưng mà thật sự thì đi bán tải mà đòi hỏi êm quá cũng rất vô lý.
TRẢI NGHIỆM OFF-ROAD
Đây là phần trải nghiệm hứng thú nhất đối với em trong chương trình lái thử Ford Ranger Raptor tại Darwin, Australia. Có tổng cộng 3 bài gồm bài thử khả năng off-road ở các địa hình dốc cao với sỏi và đá, bài off-road tốc độ cao trên một đường chạy bằng phẳng nhưng nhiều cát và sạn, và cuối cùng là bài trải nghiệm ở vị trí ghế lái với tài xế chuyên nghiệp của Ford trên đường chạy mô phỏng kiểu đua Rally.
Ở bài đầu tiên thì như em đã nói ở trên là nó dường như quá đơn giản với Ranger Raptor. Các công nghệ hiện đại đã hỗ trợ tài xế rất nhiều để chinh phục các con dốc cao hơn 30 độ hay các đoạn đường lồi lõm mà một hay hai bánh xe bị kênh hẳn khỏi mặt đường. Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hệ thống hỗ trợ đỗ dốc, hệ thống kiểm soát lực kéo, hệ thống kiểm soát thích ứng tải trọng,… tự động điều chỉnh mọi thứ, tài xế chỉ cần tập trung nhìn đường và đặt bánh xe đúng điểm là xong.
Bài thứ hai là bài để trải nghiệm khả năng off-road tốc độ cao với chế độ Baja Mode trên Ranger Raptor. Ban đầu sẽ chạy với chế độ 1 cầu và sau đó là 2 cầu, đều với Baja Mode. Đây thực sự là thứ phấn khích với em vì em là thằng thích chạy nhanh chứ không đủ kiên nhẫn để từ từ chinh phục các địa hình khó một cách chậm rãi.
Thay vì chạy nhanh trên đường đua thì với Ranger Raptor các bác có thể kiếm một đường đua off-road dạng Rally để chạy nhanh. Chế độ Baja Mode khai thác tối đa sức mạnh của chiếc xe, hạn chế hệ thống kiểm soát lực kéo nên chiếc Ranger Raptor sẽ rất mạnh mẽ và phản ứng nhanh khi tài xế dậm chân ga.
Hệ thống cân bằng điện tử ESC sẽ vẫn can thiệp khi chiếc xe trượt quá nhiều vì vấn đề an toàn nhưng Baja Mode cho phép chiếc xe trượt một khoảng để cho người lái cảm giác như chạy xe đua Rally thực thụ. Còn nếu bác nào là chuyên gia chạy off-road tốc độ cao có thể tắt hệ thống ESC và tự kiểm soát chiếc xe hoàn toàn. Chắc chắn sẽ đã hơn. Nhưng mà muốn đã hơn thì em nghĩ là cần luyện tập, chứ đừng quá mạo hiểm.
Ở bài trải nghiệm thứ 3 cùng với tay lái chuyên nghiệp của Ford thì chủ yếu là để cảm nhận hệ thống treo khi chiếc xe lao qua các gờ đất cao. Tất nhiên, với khả năng của các tay lái chuyên nghiệp thì tốc độ được đẩy lên cao hơn, độ khó để kiểm soát chiếc xe cũng nhiều hơn. Nhưng mà họ làm tốt điều đó.
Có thể tóm lại về khả năng off-road của Ford Ranger Raptor là hệ thống treo của nó hoạt động rất xuất sắc cùng với khung gầm mới chắc chắn hơn. Khoảng sáng gầm 283 mm cùng với tấm thép bảo vệ gầm dày 2,3 mm trang bị sẵn cũng giúp tài xế tự tin hơn. Động cơ EcoBlue I4 2.0L tăng áp kép và hộp số tự động 10 cấp rất phù hợp với mục đích off-road tốc độ cao.
TỔNG KẾT
Tóm lại về Ford Ranger Raptor, đây sẽ là một mẫu bán tải tầm trung đầu bảng khi bán ra ở thị trường Việt Nam, dự kiến đâu đó vào quý 4/2018. Nó là một mẫu bán tải gần như hoàn hảo và chủ nhân không cần phải độ thêm nhiều. Các thứ có thể độ thêm có lẽ là ống thở, mâm ngầu hơn và dán decal theo ý thích mà thôi.
Giá bán tại thị trường Việt Nam của Ford Ranger Raptor vẫn chưa được công bố chính thức nhưng có dự đoán là khoảng 1,2 tỷ đồng. Hy vọng là giá chính thức sẽ thấp hơn con số đó một chút thì sẽ hợp lý hơn.
Liệu các bác đang đi Ranger Wildtrak có sẵn sàng lên đời? Và những người mua bán tải lần đầu tiên có xuống tiền cho Ranger Raptor?
Các bác chịu khó đọc bài và xem hình ảnh trước, video em sẽ cho dựng sau vì em quay khá nhiều và cảnh thì rất đẹp. Cảm ơn các bác!
Chỉnh sửa cuối:
Chủ đề tương tự
Người đăng:
Q Bond
Ngày đăng:
Người đăng:
thuphungnhat
Ngày đăng:
Người đăng:
SangBD
Ngày đăng: