Từ những bước vững chắc đầu tiên với loạt xe Hybrid, Toyota Việt Nam bắt đầu triển khai chiến lược toàn diện hướng đến mục tiêu Trung hòa carbon.
Toyota sớm ý thức về giảm khí thải
Từ những năm 1960, Mỹ (quốc gia tiêu thụ ô tô top đầu thế giới) đã có những chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện xanh, nhằm giảm phát thải ra môi trường. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia cũng chú tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, thói quen với ô tô dùng động cơ đốt trong rất khó thay đổi. Trong suốt hơn 2 thập kỷ sau đó, các hãng xe đã tiêu tốn hàng tỷ USD cho công nghệ Hybrid, nhằm phổ cập loại xe lai này. Thậm chí, những mẫu ô tô thuần điện cũng được giới thiệu vào những năm 90, nhưng mọi nỗ lực của các hãng xe khi đó không mang lại nhiều hiệu quả.
Bên cạnh xe Hybrid, trong hai kỳ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc gần nhất (COP21 và COP26), các quốc gia trên thế giới ghi nhận sự đồng thuận cao về việc cắt giảm khí thải CO2. Từng quốc gia riêng lẻ đều lên lộ trình rõ ràng đối với vấn đề này.
Toyota Prius thống trị thị trường xe Hybrid trên toàn cầu
Hòa nhịp cùng xu thế đó, hãng xe Nhật Bản bước đầu ghi dấu bằng những chiếc xe hybrid như một sự chuẩn bị cho kỷ nguyên thuần điện trong tương lai. Trên thực tế, Toyota có nhiều nghiên cứu về phương tiện xanh.
Tháng 12 năm 1997, Toyota Nhật Bản tung ra dòng xe Prius cho thị trường nội địa, phương tiện được xem là xe Hybrid sản xuất số lượng lớn đầu tiên trên thế giới. Sự đổ bộ vào Mỹ năm 2000 của Prius đã tạo dựng chỗ đứng cần thiết cho xe Hybrid, tạo tiền đề cho các hãng khác tập trung vào những loại phương tiện xanh.
Sự thành công của Prius ngay từ khi ra mắt đã giúp Toyota đạt được vị thế vững chắc về pin và hiệu quả năng lượng, dẫn đầu thị trường xe Hybrid trên toàn thế giới. Tập đoàn Nhật Bản đã chi nhiều tỷ USD cho các nghiên cứu về xe điện, xe Hybrid và xe dùng nhiên liệu Hydro. Tùy theo mỗi thị trường và mỗi giai đoạn, Toyota xây dựng chính sách riêng để đạt hiệu quả cao nhất cho mục tiêu trung hòa khí thải.
Toyota Việt Nam bắt nhịp bằng xe Hybrid
Từ năm 2015, Việt Nam đã có những quan tâm đặc biệt, đồng lòng cùng quốc tế trong việc cắt giảm phát thải CO2. Tại COP21 và gần nhất là COP26, Chính phủ đã nêu cam kết về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Toyota tiên phong khai phá thị trường xe Hybrid tại Việt Nam với Corolla Cross
Tuy nhiên, xe Hybrid được xem là loại phương tiện phù hợp với thị trường Việt Nam trong giai đoạn này, đáp ứng cả yêu cầu cắt giảm khí thải và thích nghi với người dùng.
Năm 2020, Toyota tiên phong đưa về Việt Nam mẫu SUV phổ thông Corolla Cross có lựa chọn động cơ Hybrid. Dòng xe này nhanh chóng được người dùng đón nhận, với doanh số thường nằm trong nhóm bán chạy nhất thị trường. Tiếp nối sự thành công đó, hãng xe Nhật Bản cung cấp thêm lựa chọn với Camry Hybrid và Corolla Altis Hybrid. Khi ô tô thuần điện cần nhiều thời gian để phát triển hạ tầng, những mẫu xe lai của Toyota trở nên hiệu quả hơn.
Camry Hybrid và Corolla Altis Hybrid củng cố thêm vị trí của Toyota
Theo Toyota, xe Hybrid của hãng tiêu thụ lượng xăng ít hơn từ 18,5 - 57,4% và phát thải khí thấp hơn từ 1,5 - 2 lần so với phiên bản dùng động cơ xăng cùng dung tích. Kết quả này được kiểm nghiệm tính thực tế thông qua nghiên cứu của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giai đoạn 2020 - 2021.
Đội ngũ chuyên gia của Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện thử nghiệm trên mẫu xe Hybrid Corolla Cross 1.8HEV. Kết quả cho thấy xe Toyota không phát thải khí trong gần 2/3 thời gian và quãng đường. Khi không tắc đường, tỷ lệ quãng đường không phát thải khí của Corolla Cross 1.8HEV sẽ tăng lên. Trong khi đó, khi chạy trên cao tốc, thời gian không phát thải khí của xe Hybrid vẫn trên 40% và quãng đường không phát thải đạt gần 30%.
Lượng khí CO2 thải ra môi trường của Corolla Cross 1.8HEV là 13,46kg/100km trên đường nội đô vào giờ cao điểm, 11,5kg/100km vào giờ bình thường và 11,23 kg/100km trên đường cao tốc. So với xe xăng, xe Hybrid phát thải lượng khí CO2 thấp hơn từ 18,5 - 57,4%. Lượng phát thải CO2 của loại xe này giảm tương ứng với lượng tiêu thụ nhiên liệu.
“Những thí nghiệm thực tế đã phần nào chứng thực khả năng ít phát thải khí của xe Toyota Hybrid”, chuyên gia từ Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết.
Những chiến lược dài hơi
Toyota toàn cầu cam kết đạt mục tiêu Trung hòa carbon đến năm 2050 với cách tiếp cận toàn diện, thực tế, bền vững và đề ra 6 thách thức về môi trường gồm giảm phát thải CO2 trên các mẫu xe mới, không phát thải CO2 trên toàn bộ vòng đời xe, nhà máy không CO2, tiết kiệm nước, phát triển công nghệ và hệ thống tái chế, xây dựng xã hội hài hoà với thiên nhiên. Gần 3 thập kỷ đặt chân đến Việt Nam, Toyota Việt Nam luôn tuân thủ việc thực hiện 6 thách thức về môi trường mà Toyota toàn cầu đã đặt ra bằng nhiều giải pháp toàn diện. Bên cạnh những thành công đã đạt được, năm 2023, hãng xe Nhật sẽ triển khai dự án nghiên cứu nhiên liệu sinh học, tìm ra giải pháp xanh cho những dòng xe đang sử dụng nhiên liệu xăng/dầu truyền thống.
Dự án nghiên cứu năng lượng xanh được kỳ vọng sẽ cùng xe Hybrid làm nên bước ngoặt mới của Toyota Việt Nam trong hành trình xanh hóa thị trường ô tô
Để giải quyết những thách thức đó, hãng xe Nhật Bản còn hướng đến việc sử dụng nhiên liệu xanh để đa dạng lựa chọn phương tiện thân thiện môi trường trong quá trình chuyển đổi sang xe thuần điện. Hãng Nhật Bản sẽ thực hiện dự án nghiên cứu năng lượng xanh, hợp tác cùng ĐH Bách khoa Hà Nội và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Đây là bước đi mang tính đồng bộ toàn cầu của Tập đoàn Nhật Bản. Ở các thị trường quốc tế, Toyota đã hợp tác với nhiều đối tác trong việc nghiên cứu, phát triển các loại vật liệu xanh, công nghệ mới… để giảm thải ngay từ quá trình sản xuất cho đến sản phẩm thương mại. Hồi tháng 8 năm ngoái, tập đoàn này cho biết sẽ chi hơn 5,3 tỷ USD để phát triển pin xe điện, nhằm chuẩn bị cho bước chuyển mình sang ô tô thuần điện.
Bên cạnh đó, hãng Nhật Bản còn công bố định hướng và hàng loạt kế hoạch nghiên cứu nhằm giảm phát thải ròng CO2 về 0 đến năm 2050. Với định hướng đa phương thức, có nhiều người hoài nghi Toyota đang chậm chân hơn đối thủ trên hành trình điện hóa, tuy nhiên Toyota có sự đầu tư nghiêm túc và giá trị lớn đối với từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh chung của thị trường cũng như các điều kiện tại mỗi quốc gia, giúp tất cả các nước và vùng lãnh thổ đều có thể tham gia vào nỗ lực Trung hòa carbon một cách hiệu quả và phù hợp nhất.