Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Chào các bác,

Câu chuyện của em không phải mới, đã post trước Tết nhưng có lẽ vì em post chậm quá nên bị đóng lại. Theo yêu cầu của một số bác, em post lại toàn bộ câu chuyện để các bác tham khảo, đọc cho vui.

Nhân tiện cũng xin lỗi các bác vì đã phải chờ đợi lâu.
033102beer_1_prv.gif
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
ĐẦY TỚ (XXX) VÀ NHÂN DÂN – CON KIẾN VÀ CỦ KHOAI TRÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ TÌM LẼ PHẢI

Chào các Bác, em chia sẻ chuyện “tương ngộ” với XX của em với các Bác nhé.

Một ngày đẹp trời, em đưa bà cả đến T78 Lý Chính Thắng Q3. Vừa thả bà cả xuống xong, em chạy tiếp tâm hồn phơi phới vì sắp được café với mấy người bạn lâu ngày không gặp. Đến gần ngã tư với Nam Kỳ Khởi Nghĩa (NKKN) thấy có một con đường nhánh mới mở rẽ phải vào NKKN. Nhìn kỹ, không có đèn giao thông bên lề phải trước khi rẽ vào đường nhánh này.

Ồ, Giao thông công chính (GTCC) thời gian này làm ăn khá ghê, làm vậy đỡ kẹt xe ở đây. Em từ từ vừa đi vừa nhìn con đường nhánh mới, lòng vô cùng biết ơn GTCC J

Bất chợt có hai XX một già một trẻ (Xgià và Xtrẻ) đứng bên đường, thấy em chạy từ từ liền vẫy gậy (vẫy rất hiền từ, thân thiện như một cái vẫy tay thôi, chứ không hùng hổ lao ra đầu xe chỉ vào mặt như mọi khi J). Ồ, các bác XX chịu khó quá, làm việc ngày nghỉ, đường vắng mà vẫn đứng ở ngã tư giúp bà con đi lại cho đúng luật. Hay là mấy XX này nhìn mình quen quen gọi lại nhỉ? Không phải rồi, em thấy một bác taxi đang dừng bên phải, tài xế chạy lại chỗ XX.

Thế này là XX làm mình mất vui rồi đây, em nghĩ. Em từ từ cho xe vào lề phải dừng lại. Mình cứ ngồi trên xe chờ XX lại hay mình chạy lại nhỉ? Thôi thì một điều nhịn, chín điều lành, em từ tốn đi lại gặp XX. Xgià giơ tay chào (chào gì mà gấp gáp thế nhỉ? giơ tay được chút à, em chẳng kịp chào lại).

“Chào Anh” em từ tốn và nét mặt bình thường.
“Anh cho kiểm tra giấy tờ xe và bằng lái” Xgià lên tiếng.
“Xin anh cho biết vi phạm của tôi ạ”
“Anh đã di chuyển khi đèn còn đỏ”.

Chà, hay là khi nãy mình mải thầm cám ơn GTCC nên không để ý nhỉ.

“Anh cho tôi ra nhìn lại xem có đèn đỏ không nhé?” Em lịch sự đề nghị.
“Đèn đỏ sờ sờ kia mà không nhìn thấy à?” Xgià sẵng giọng, chỉ cái đèn đỏ có tín hiệu cho đi thẳng và rẽ trái.

Hây zà, bác XX được dạy là phải làm đầy tớ của nhân dân sao lại quát nhân dân nặng lời thế nhỉ? Em nghĩ bụng. Nhân dân này cũng lịch sự và nhã nhặn với đầy tớ mà, đâu có sai bảo quát tháo gì đầy tớ đâu, có chăng là không tươi cười với XX thôi. Trong trường hợp này, nhiều nhân dân tức mình cho 200k vào giấy tờ bắt đầy tớ “kiểm tra”J. Mình có nên “làm khổ” đầy tớ thế trong tình huống này không nhỉ? Em tự hỏi.

Chợt em nhớ lại vụ mấy bác nào đó bị XX vịn và mất tiền vì đi lane 3,4 của Điện Biên Phủ (cho xe con chạy đủ 4 làn). Các bác này đưa tiền cho XX rồi, hôm sau nhìn kỹ lại thì thấy cảm giác mình bị “cướp ngày”. Em nhìn lại thì cũng thấy bác tài taxi (rẽ phải giống em) mặt mày buồn thiu, nhìn em “đầy hi vọng”. Bác taxi chắc vừa nhận xe ca ngày đó, chưa kiếm được gì cả.

Làm gì đây? Em băn khoăn. Làm hư đầy tớ cho xong chuyện, gọn nhẹ, đỡ mất thời gian v.v.v ??? Hoặc cứ để các đầy tớ lập biên bản rồi đi nộp phạt cho xong chuyện, khỏi đôi co mất thời gian??? Bao nhiêu lý do nên làm vậy. Nhưng bác taxi sẽ mất tiêu thu nhập cả ngày (thậm chí 2 ngày). Mình sẽ bị cảm giác “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Hay là làm đến cùng vì cái đúng, biết trước là sẽ mất nhiều thơi gian, công sức và mang theo sự bực bội, mà kết quả khi mình đúng thì có lẽ được “đầy tớ” xin lỗi và xin thông cảm là cùng??? Hây zà, mệt ghê.

Nhìn bác taxi buồn rười rượi, nhân dân cùng tự an ủi nhau vậy “Bác cứ bình tĩnh, đợi em giải quyết trước xem sao đã nhé”. Em nói với bác taxi.

“Còn không nhìn thấy đèn đỏ nữa à?” Xgià bắt đầu nói lớn hơn rất nhiều trong khi Xtrẻ bắt đầu viết biên bản cho bác taxi.
“Dạ, tôi không nhìn thấy đèn đỏ bên lề phải trước khi đi vào đường nhánh.” Nhân dân vẫn lẽ phép với “đầy tớ” trong khi tiếp tục đấu tranh tư tưởng.

“Đi sai rồi lại còn dám cãi à???” Xgià quát. Người đi đường bắt đầu nghe rõ câu chuyện đầy tớ-nhân dân. Nhiều con mắt thích thú và tò mò dõi theo.

“Tôi không nghĩ là tôi sai.” Nhân dân bắt đầu hết kiên nhẫn nên cũng hơi sẵng giọng. Đã thế nhân dân bỏ café để được “tâm sự” nhiều hơn với đầy tớ, làm đến cùng luôn. Cám ơn XX đã giúp nhân dân quyết định nhanh hơn. Xin lỗi các bạn tôi, tôi có đến café thì tâm trạng cũng tệ lắm, làm mất vui của các bạn.


Dân mà dám cự cãi quan thế này thì làm sao mà quản lý cho nổi cái đám dân như vậy??? Lâu rồi có dân nào dám cự lại tôi thế này đâu??? Em đoán được suy nghĩ này của Xgià.

“Ô, lâu lắm rồi mới có vụ này nhỉ”. Em nghe nhân dân nào đó nói bên cạnh.

“Nói cho anh nghe, tôi là đại diện nhà nước, đại diện pháp luật đứng ở đây. Tôi nói anh sai là anh sai. Đã học luật kỹ chưaaaaaaaaa???” Đầy tớ quát nhân dân.

Ô, câu nói hay quá. Lâu rồi nhân dân lại được nghe câu này. Một số nhân dân khác bắt đầu gật gù với câu nói của Xgià (???), các bác xe ôm đứng đó thì nhìn em đầy thương cảm. Chắc các bác ấy nghĩ “Sao lại đi cự với quan XX con ơi?”

Ô, em cũng biết ít luật, tuy nhiên cũng không thể nào nhớ được ngay là “Tôi nói anh sai là anh sai”. Ngày nghỉ rồi mà lại lôi chuyện luật ra nói thế này mệt ghê.

“Tôi cũng chưa đọc kỹ luật nhưng tôi nhớ là nếu các anh phạt sai thì dân vẫn có thể đi kiện được mà. Tôi có biết một số XX được đào tạo tốt cũng hiểu điều này mà”, nhân dân bình tĩnh, châm biếm và “cứng cổ” hơn.

“Thích kiện thì đi mà kiện nhé. Tôi nói rồi, tôi đại diện nhà nước và pháp luật ở đây”. Ừ nhỉ, ở mỗi ngã tư lại có một đại diện nhà nước và pháp luật. Thế này thì ngành XX còn tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho con cháu chúng ta. Em nghĩ và cười thầm (không hiểu sao lúc đó bình tĩnh thế, còn cười thầm được).

“Tôi nói anh sai là anh sai rồi”, em đang miên man suy nghĩ về tương lai xin việc cho con cháu về sau thì giật mình vì câu nói quen quen.

“Anh nói lại cho tôi biết tôi sai thế nào đi”, nhân dân bắt đầu “rách việc”

“Anh quẹo trái đèn đỏ”.

Hêy, hêy, hêy. XX làm gì thế này!!! Vừa bắt người ta quẹo phải đèn đỏ, bây giờ chuyển sang quẹo trái vậy. Em rút máy chụp hình làm một phát xe em đang đỗ luôn cho chắc cú.

“Sao anh vừa nói tôi quẹo phải, giờ nói quẹo trái?” Nhân dân “cắc cớ”.

“Yêu cầu anh đưa giấy tờ xe và bằng lái để kiểm tra” Đầy tớ bắt đầu nói giọng luật.

“Vì sao anh kiểm tra giấy tờ tôi?” Nhân dân “lắm chuyện”.

“Vì anh vi phạm luật giao thông”. Đầy tớ phán.

“Tôi không cho là tôi đi sai”. Nhân dân lại lải nhải bài cũ.

“Vậy tôi kiểm tra hành chính anh?”

Ồ, biết là XX sẽ dùng võ này mà. Nhân dân không biết võ nhưng cũng cứ liều: “Anh nói anh chặn tôi lại kiểm tra vì tôi đi sai, giờ lại đòi kiểm tra hành chính là sao?”

“Thì thỉnh thoảng phải kiểm tra hành chính chứ, trộm cướp bây giờ nhiều”.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Trời đất ơi, đầy tớ nhìn chủ nhân thành trộm cướp thế này. Nhân dân đang đi dép lê, mặc quần short, nhìn hiền khô. Đầy tớ đã vậy, nhân dân cũng liều luôn và quát kiểu “trộm cướp”:

“Các anh đâu có thẩm quyền kiểm tra hành chính tôi vì nghi ngờ trộm cướp. Việc đó của công an khác”

Đầy tớ nhìn nhân dân từ đầu tới chân ngỡ ngàng vì kiểu ăn nói “trộm cướp” như vậy của nhân dân.

“Tôi yêu cầu các anh giải quyết dứt điểm, tôi mất nhiều thời gian rồi”, nhân dân được đà, liều mình lên giọng “ông chủ” của đầy tớ.

“Tôi cũng mất nhiều thời gian với ông quá. Thôi về đồn, giam xe và xử lý anh tội chống người thi hành công vụ”. Đầy tớ sử dụng đến luật hình sự rồi đây.

Chết chết, coi chừng đi tù như chơi. Em chỉ biết chút luật về đầu tư, kinh doanh thôi, còn luật hình sự thì mơ hồ lắm. Đầy tớ là đại diện của nhà nước và pháp luật ở ngã tư này và đã nói em sai là em phải sai, bây giờ còn bắt tội hình sự em nữa chắc chết.

“Thôi bây giờ các anh lập biên bản đi, tôi ghi ý kiến của tôi, anh ghi ý kiến của anh. Rồi về đồn giải quyết.” Nhân dân xuống giọng, đứng ngoài trời cũng hơi nắng, trong lòng cũng muốn truy tận gốc để xử lý. Về đồn giải quyết hay hơn cứ đứng đường đôi co với đầy tớ, “chủ nhân” của đầy tờ phải suy nghĩ khác chứ. Em lại cười thầm trong bụng về cái suy nghĩ đầy tớ và nhân dân theo sách dạy.

“Được, chờ xử lý xong taxi kia rồi đến lượt anh”.

Em đành phải chờ một chút. Kể chuyện cho bác taxi nghe, hỏi thăm bác ấy xử lý sao. Bác taxi nói Xtrẻ thấy em làm căng quá nên không chịu “kiểm tra” giấy tờ xe mà viết biên bản luôn. Nhìn bác taxi thấy thương quá, bác ấy hiền khô. Em động viên bác là về đồn cùng chờ em giải quyết sao rồi sẽ hỗ trợ bác ấy.

Bây giờ đến lượt em được tiếp kiến với Xtrẻ.

“Anh cho kiểm tra giấy tờ”. Ôi trời, lại phải chiến đấu tiếp à? Hai đầy tớ thay nhau tra tấn nhân dân thế này sao.

Ơ, nhưng mà Xtrẻ này ăn nói dễ thương hơn, em “giật mình”. Nhìn kỹ lại thì thấy bạn Xtrẻ này khá “ngon giai”, còn trắng trẻo, chưa bị bụi bặm đường phố làm mất đi vẻ “trong trắng” của tuổi thanh niên. May mắn cho em rồi, em nghĩ bụng. Xtrẻ này chắc mới học xong, chưa quên hết các bài giảng trên lớp về việc “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” v.v. – em thầm hy vọng. Chắc Xtrẻ cũng sẽ không nói là đại diện Nhà nước và Pháp luật ở ngã tư này nữa, chứ không thì lại “Từ một ngã tư nhỏ bé, có đến hai anh pháp luật[/i]”, tự nhiên giai điệu bài hát thủa xa xưa “Từ một ngã tư đường phố” hiện về. Nếu có hai “Anh pháp luật” thật thì không thể “từ một ngã tư nhỏ bé, đã thấy tương lai đang về” đúng như lời bài hát được.

“Anh kiểm tra hành chính hay kiểm tra do tôi vi phạm ạ?”, quả này nhân dân đã có kinh nghiệm từ vụ “đấu khẩu” với Xgià rồi nên “tấn công” “pre-empt” trước một cách lẽ phép.

“Tôi kiểm tra vì anh vi phạm” Xtrẻ nói lịch sự không kém.

Thế chứ! Xtrẻ làm em xấu hổ quá, khi nãy mình cứ nghĩ ai cũng xấu cả. Cảm ơn anh bạn đã lịch sự với “ông chủ” nhé, em nghĩ thầm trong bụng.

“Khi nãy tôi đã giải thích với Anh kia là tôi không đi sai rồi”. Nhân dân nhã nhặn nói.
“Vậy tôi sẽ cứ lập biên bản và anh ghi ý kiến của anh vào”. Xtrẻ đề nghị.
“Vâng”.

Xtrẻ bắt đầu viết biên bản, viết một chút thì dừng lại nhìn phản ứng của nhân dân. Nhân dân tự hỏi sao chưa đưa giấy tờ thì làm sao biết tên nhân dân, từ đâu tới v.v.

Nhân dân cũng không phải đợi lâu, Xtrẻ lịch sự đề nghị đưa bằng lái và giấy xe để có thông tin ghi biên bản. Lịch sự nhã nhặn quá nhỉ (???)

Chợt nhớ tới một lần lâu lắm rồi, thời em còn là sinh viên, hôm đó đi xe máy của gia đình thì bị XX tóm. Em xuống xe mặt tái mét, chưa có bằng lái, túi thì rất ít tiền, mà chưa bị XX bắt bao giờ. Hai XX đi xe “bồ câu”, một ông mặt mày nhìn như muốn bắt em đến nơi. Bác này xuống xe quát một câu là em run run hai tay đưa ngay giấy tờ xe, bác kia cầm giấy xe. Bác nói không có bằng lái thì về đồn giam xe. Thấy em sợ chết khiếp, ông XX thứ hai làm bộ thương tình và hỏi han. Em thấy vậy xin xỏ ngay, nghe mà thương. “Đi xe đẹp thế?”. “Dạ xe của nhà chú ạ, cháu còn là sinh viên”. “Sinh viên đi xe đẹp bây giờ muốn giải quyết sao”. Em móc hết túi ra, mặt mày xin xỏ. “Cháu có bao nhiêu vậy?” (bây giờ không nhớ được khi đó là có bao nhiêu tiền nữa). “Cháu chỉ có vậy thôi ạ, sinh viên mà chú”. “Thế thì ông kia không cho đâu cháu ạ”. “Chú giúp cháu với, đang dịp tết thế này mà bị giam xe thì cháu không biết làm sao”. “Chú cũng muốn giúp lắm, nhưng mà khó”. Mặt em buồn thiu, nghĩ đến cảnh giam xe, đôi mắt lúc đó nhìn chú công an cầu cứu. “Anh ơi, anh xem có ĐẠI XÁ cho cháu nó được không anh? Tết nhất rồi, xem có làm được điều tốt giúp cháu nó không?” “Ông thì suốt ngày đi làm điều tốt, có ai làm điều tốt với mình đâu” X kia nói lại. “Thôi Tết nhất mừng tuổi cho cháu nó đi anh”. Nhìn em “Nhanh lên cháu, ông ấy đang quay đi, cầm lấy giấy tờ rồi đi đi”. Em chẳng đợi gì hơn, vừa được MỪNG TUỔI vừa được ĐẠI XÁ (mỗi tội lúc chú ấy nói nhanh lên cháu là em cũng hết sạch tiền).

Hơi lan man chuyện ngày xưa chút. Trở lại “ngã tư nhỏ bé”. Bây giờ, định làm theo yêu cầu của Xtrẻ thì lại giật mình, ô, nếu đầy tớ giữ giấy rồi thì nói gì cũng được à. Em tỏ vẻ ngần ngại một cách kín đáo. Chả lẽ cả hai XX lại khác nhau nhiều thế, một thì quát tháo, một thì lịch sự. Ơ, hay bây giờ giáo dục đạo tạo của Việt Nam mình tốt hơn ngay xưa nhiều rồi? Những người trẻ tốt thế này sẽ lên thay. Nhưng mà, hay là …. Này này, nhân dân không được phép nghĩ bậy nhé, em tự nhủ. Nhưng hình ảnh XX “mừng tuổi” cho em hiện ra. Hay là mấy ông này đóng vai “ông thiện” “ông ác” nhỉ. “Good cop and bad cop”. Lẽ nào đầy tờ lại đóng kịch với nhân dân ???

“Yêu cầu anh cung cấp giấy xe và bằng lái”. A, bắt đầu căng thẳng đây.

Em cầm trên tay trình giấy tờ xe và bằng lái đủ để đầy tớ nhìn thấy là em có. Trong đầu suy nghĩ không biết Xtrẻ có giật lấy không. Nếu có giật cũng ok, vì em được chứng kiến những điều đặc biệt.

Xtrẻ không nói gì, tiếp tục viết biên bản (nhân dân cũng hơi gian nên nhìn thấy Xtrẻ từ từ điền tên và chức vụ của Xtrẻ vào). À, hoá ra là câu giờ. Kiểu viết này cũng làm khối người sợ và xì tiền đây.

Viết hết mấy phần tên, chức vụ, địa điểm v.v. Xtrẻ vẫn thấy nhân dân không nhúc nhích, tay lại cầm giấy tờ xoè ra như là đang đánh bài.

“Nếu anh không đưa giấy tờ xe thì buộc lòng tôi phải ghi vào đây là anh chống người thi hành công vụ”. Sợ chết khiếp. Xtrẻ ăn nói nhã nhặn lịch sự mà còn bắt tội hình sự nữa thì chắc đúng rồi.

“Tôi có đầy đủ giấy tờ và đã cho anh nhìn thấy, tôi không chống người thi hành công vụ. Tôi sẵn sàng về đồn cùng làm việc với các anh.” Nhân dân “cài số R” ngay.

“Tôi nhắc lại lần cuối, anh có đưa giấy tờ không?” Xtrẻ gằn giọng, mắt nhìn nhân dân “đầy hận thù”.

Thôi thì đại diện nhà nước và pháp luật ở ngã tư đã nói vậy thì nhân dân cũng tuân thủ thôi, cứ đứng đôi co thế này mất nhiều thời gian cho cả hai bên quá. Từ lúc đầy tớ “phục vụ” nhân dân tới giờ, có rất nhiều nhân dân khác cũng đã rẽ phải đèn đỏ giống nhân dân đang được “ưu ái” này rồi (hêy hêy, lần sau các nhân dân khác thấy “đồng bào” mình được đầy tớ phục vụ cũng dừng lại xem sao nhé, hehe, cùng là nhân dân với nhau, các bác lại không thèm nhận “ưu ái”). Nói đùa thôi các bác nhé. Em câu giờ vậy thì nhiều nhân dân kia đã có một ngày nghỉ vui vẻ không bị bực mình rồi đó nhé.

Em nghĩ bụng, mình mà câu giờ nữa thì chắc ngày hôm đó đầy tớ sẽ bị “thu” không đủ “chi” nữa, mà bị như vậy thì thế nào đầy tớ cũng sẽ “vùng lên” chống lại “ách đô hộ” của nhân dân tới cùng cho mà xem. Không nên đẩy đầy tớ vào hoàn cảnh đầy “uất ức” và “éo le” như vậy được, dẫu sao mình cũng là “chủ nhân” của đất nước này, các đầy tớ là các “công bộc” phục vụ nhân dân mà. Tức nước vỡ bờ là tiêu cả sự nghiệp xây dựng đất nước ấy chứ chẳng phải chuyện đùa.

Em đưa giấy xe và bằng lái, trong lòng đã chuẩn bị tinh thần là theo đuổi “công lý” dài dài rồi vì chắc chắn là sẽ được “về đồn” thôi. Chú Xtrẻ nhìn qua giấy tờ rồi chạy lại xin chỉ thị gì đó của Xgià. Bây giờ em mới có thời gian để ý xung quanh thêm. Bác taxi khi nãy thì bây giờ tên tuổi đã được “vinh dự” ghi vào văn bản của Nhà nước rồi, vậy mà bác ấy cũng không đi luôn, đứng chứng kiến đồng bào đang được làm việc với đại diện Nhà nước và pháp luật. Đồng bào ấy vẫn hy vọng vào đồng bào này. Vậy là tốt, ít ra là vẫn có người còn hy vọng và “tin ở hoa hồng”. Mấy nhân dân từ vài nhà gần đó cũng tò mò dõi theo. Các nhân dân đi đường thì nhìn em với ánh mắt “tiêu rồi lượm ơi”.

Các đầy tớ “họp khẩn” xong, Xtrẻ quay lại và viết biên bản rồi đưa cho nhân dân. Nội dung biên bản rất chung chung, chỉ ghi là lưu thông không không chấp hành tín hiệu giao thông đèn đỏ. Thế mà bắt lại bắt nhân dân ký biên bản.

“Anh có thể ghi cụ thể chính xác hơn không?” nhân dân đề nghị.

“Anh muốn ghi thế nào nữa, ghi anh vượt đèn đỏ vậy còn gì”, đầy tớ thủng thẳng nói.

“Anh ghi là tôi rẽ phải theo đường nhánh được không?”

“Ghi vậy là đủ rồi”. Xtrẻ rất quyết tâm.

“Vậy anh không dám ghi sự thật à?” nhân dân liều mình thử test xem đại diện nhà nước và pháp luật có phải là một “gen tờ lờ mờn” không, trong lòng đầy hy vọng sẽ được ghi chi tiết, đầy đủ hơn để sau này dễ làm việc.

“Anh ghi gì thì anh ghi vào phần ý kiến người vi phạm đó, tôi không ghi thêm”.

Ơ hay nhỉ, nhân dân chỉ đòi đầy tớ ghi lại sự việc thôi mà. Chẵng lẽ không có “gen tờ lờ mờn” ở ngã tư hay sao?

Thôi được, để xem biên bản ghi gì tiếp. À, có phần “Lời khai của người/đại diện tổ chức vi phạm”. Đây rồi, nhân dân sẽ “kể khổ” và “lý luận” ở đây nhé. Hêy hêy, nhưng nhân dân không vi phạm mà, sao lại bắt nhân dân ghi vào mục “vi phạm”. Xem kỹ lại, ờ, cái mẫu nó thế rồi, chỉ có mỗi chỗ đó cho nhân dân thôi. Nhân dân nào “rách chuyện” muốn lý lẽ gì thì ghi vào chỗ “người vi phạm” nhé, đừng có mà đòi hỏi nhiều.

Hêy zà, rách việc nhỉ. Ghi hay không ghi đây??? Ghi ý kiến của nhân dân thì sẽ có cơ hội theo đuổi “công lý”, mà ghi vào thì lại bị coi là đã tự nhận là người vi phạm không nhỉ? Oái oăm quá đi. Mà cái mẫu biên bản này do “trên” ban hành cơ mà. Chẳng lẽ nhân dân bị đầy tớ từ trung ương đến địa phương “o ép” thế này sao ?????? Nhân dân là chủ nhân đất nước cơ mà.

Em lan man suy nghĩ đến số phận dân đen như mình. XX từ “trung ương” xuống đến “địa phương” mà ép dân một cách có “hệ thống” thế này thì tiêu rồi, đừng có hòng mà đòi kiện cáo, khiếu nại gì nữa nhé. Đáng đời nhé, ai bảo “rách chuyện” làm gì. Cạch đến già đi nhé.

Thôi thì “đâm lao phải theo lao” chứ. Tay cầm tập biên bản (khi đó biên bản của em vẫn còn dính vào một tập rất dày), em đi lại chỗ đường nhánh khi nãy nhìn kỹ lại một lần nữa để cho chắc chắn là mình không thấy có đèn để ghi vào biên bản cho chính xác.

“Này, anh kia, đi đâu đấy. Ai cho anh cầm tài sản nhà nước đi như vậy”. Xgià nhìn thấy là lớn tiếng ngay.

“Dạ, tôi nhìn kỹ lại cái đèn giao thông để ghi biên bản”.

“Nhìn gì nữa mà nhìn, mang tập biên bản lại đây cho tôi”.

Hêhê, bác Xgià này chắc vẫn nghĩ em là trộm cướp hay sao mà sợ em ôm “tài sản nhà nước” chạy mất vậy.

Em quay lại để viết vào phần “Người vi phạm”.

“Viết nhỏ thôi đó, đừng có viết sang phần khác đấy” Xtrẻ nhắc nhở.

Ơ hay, phần trình bày của người vi phạm chỉ được hơn một dòng một chút, trong khi phần ghi lỗi của XX có tới 5-6 dòng (Xtrẻ chi ghi hết có 2 dòng à). Thế này là nhân dân lại thiệt thòi nữa rồi XX nhé, đã thấp cổ bé họng lại chỉ được nói trong vòng 1 dòng thôi.

Em ghi lại mình đã đi thế nào, đã không thấy đèn. Ghi xong, trước khi đưa biên bản lại cho Xtrẻ, em hỏi “Anh có ghi gì thêm vào phần lỗi tôi vi phạm không?” “Không”. Roẹt, roẹt, nhân dân liều mình gạch xéo vào 4 dòng còn trống của phần XX ghi lỗi.

“Này, anh làm cái gì thể?” Xtrẻ trố mắt nhìn em hỏi.

“Thì phần nào còn trống mà không dùng nữa thì gạch đi thôi anh”.

“Ai cho anh gạch vào biên bản của nhà nước?”

“Thì tôi hiểu là biên bản hành chính thì phần nào còn trống phải gạch bỏ, tránh việc các bên sau đó điền thêm thông tin”.

Xtrẻ vẻ mặt khá căng thẳng và ngơ ngác (chắc vì chưa bị ai gạch biên bản bao giờ và cũng không biết xử lý ra sao), bây giờ lại nghe nhân dân nói cứ như nhân dân cũng là “đầy tớ” vậy nên cũng khá lúng túng.

Roẹt, roẹt, roẹt. Được thể, em làm luôn vài phát gạch nữa vào phần người làm chứng và người bị thiệt hại liên quan. Riêng phần chữ ký của người làm chứng, em làm luôn phát gạch chéo to đùng ngã ngửa.

“Anh làm biên bản này mất giá trị rồi”. Xtrẻ băn khoăn nói với em. “Anh chống người thi hành công vụ từ đầu tới giớ đó, được đấy”. Xtrẻ gằn giọng.

“Anh cứ yên tâm, làm vậy không có gì sai đâu. Biên bản hành chính có những phần không dùng phải gạch bỏ là chuyện thường làm mà” Nhân dân “trấn an” chiến sỹ. “Tôi sai tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn”.

“Ký vào đi rồi về đồn” Xtrẻ ra lệnh.

“Anh đang giữ giấy xe và bằng lái của tôi, sao anh không ghi vào biên bản là anh đang giữ?”

“Tôi sẽ đi về đồn cùng anh, không cần ghi”.

Ái chà chà, sao mà kém “gen tờ lờ mờn” thế, giữ giấy của dân mà không dám ghi vào biên bản là đang giữ à.

Lúc này Xgià cũng lại gần hơn, Xtrẻ đưa giấy tờ cho Xgià.

“Anh (Xtrẻ) giữ giấy của tôi, đề nghị anh ghi vào biên bản”. Em rất sợ các đầy tớ này chơi “luật rừng” một hồi là giấy tờ của em sẽ mãi mãi ra đi không một bằng chứng.

“Thì anh T sẽ lên xe anh ngồi cùng về đồn” Xtrẻ nói.

Dân ơi ngu chưa, ai bảo đi đưa giấy tờ cho người không “gen tờ lờ mờn”, giờ thì làm sao. Thôi thì ký biên bản cho xong chuyện, đến đâu thì đến

“Lái xe về đồn” Xgià nói, tay nhét giấy tờ của em vào túi áo ngực. Xtrẻ nổ máy xe môtô.

Nhân dân đứng đó nhìn em đầy ái ngại và thương cảm. Bác taxi nãy giờ cũng lên xe nổ máy, không biết có theo em cùng về đồn không (vì bác ấy đã ký biên bản và ký vào phần “Người vi phạm” rồi).

“Vâng, mời anh lên xe”. Thế là em đã có một “hành khách” đặc biệt trong chuyến đi “đặc biệt” đến nơi “đặc biệt”.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Hành khách đặc biệt[/i][/b]

Hành khách đặc biệt vừa ngồi vào ghế tài phụ và xe chuyển bánh thì hành khách đã bị nhân dân “nhìn trộm” một cái. Hành khách này là một thiếu uý, tuổi cũng khá cao rồi. Ơ, cứ tưởng tuổi cao cũng tương đương với quân hàm cao chứ nhỉ? Hay là Xgià này bị sao nên quân hàm vẫn chỉ là thiếu uý thôi? Vớ vẩn, nhân dân biết gì mà suy luận lắm chuyện thế. Tuổi cao rồi mà vẫn còn “đứng đường” được để duy trì trật tự giao thông là tốt chứ sao, vẫn “cống hiến” cho nhân dân không kể tuổi tác.

“Liếc trộm” phát nữa em phát hiện thêm một điều. A ha, hành khách không đeo seatbelt nhé. Nhân dân có nên nhắc nhở đầy tớ không nhỉ??? Ai ngồi ghế tài phụ của mình cũng phải đeo seatbelt hết mà. Chắc cũng phải nhắc cái Ông “nhà nước và pháp luật” này quá. Ô, nhưng mà nhắc nhở có khi lại ăn thêm vài câu quát nạt, doạ dẫm chứ chẳng đùa. Ông đây là pháp luật rồi thì còn sợ quái gì ai nữa mà nhân dân cứ phải lo, đúng là nhân dân “rách chuyện” quá.

“Anh đi thẳng về đồn của Đội [ ] trên đường [ ]. Biết đường rồi chứ?”

“Đường đó thì em biết, nhưng đồn thì làm sao em biết được anh ơi” Tài xế thật thà và lại trở lên lễ phép.

“Chưa phải về đồn đó lần nào à?”

“Vâng, em luôn đi đúng luật mà”. Nhân dân vừa trình bày vừa “chơi” Xgià.

Nhìn “xéo” nhân dân một cái, ra vẻ như “chán chẳng muốn nói” với nhân dân này.

Theo đường NKKN từ Lý chính Thắng đến gặp Võ Thị Sáu, em băn khoăn không biết rẽ phải vào Võ Thị Sáu có phải chờ đèn xanh không. Thật cẩn thận nhé, kẻo lại bị bắt quả tang dám vi phạm luật ngay trước mặt “ông pháp luật”. Ở ngã tư này, nhánh rẽ phải không có đèn giao thông, nhưng ở cái đảo nhỏ chính ngã tư lại có đèn hình mũi tên đi thẳng và rẽ phải. Chết rồi, ngã tư Lý Chính Thắng không có đèn hình mũi tên rẽ phải. Thế là sao nhỉ? Cùng một tình huống, hai ngã tư gần nhau lại có hai kiểu đèn giao thông. Chẳng lẽ mình đi sai???

“Đi lẹ lẹ đi”. Nhân dân bị nhắc nhở.

Muốn nhanh cũng phải từ từ chứ đại ca, đại ca lại “làm” em “phát” nữa thì có mà em “đóng góp cho ngân sách” hai lần một ngày à??? Nhân dân nghĩ bụng. Mình phải đi thật từ tốn và đúng luật, nhân dân tự nhủ. À, đèn mũi tên xanh rẽ phải rồi, em nhẹ nhẹ nhấn ga.

“Công việc của các anh cũng vất vả nhỉ?” Nhân dân tự nhiên lại “cao thượng”, quan tâm đến đầy tớ, nói rất “đi vào lòng người”.

“Chứ sao, cả ngày đứng ngoài đường, dân đi lại thì lộn xộn, không theo luật lệ gì hết”. Xgià bắt đầu “chửi rủa” nhân dân thành phố này.

“Anh có hay gặp người cự lại giống em thế này không?” Nhân dân hỏi chuyện thân tình cứ như là anh em một nhà, trong bụng thì cũng thực sự muốn biết xem các đồng bào của mình hay hành xử thế nào khi bị XX chặn lại và phản ứng của XX khí có người cự lại.

“Nhiều người như cậu thì tôi chết à”. Ơ, Xgià định đặt câu hỏi cho em hay là Xgià định “cám ơn cuộc đời tươi đẹp này” nhỉ? Nghe giống một câu cám ơn nhân dân hơn. Cứ như là các đầy tờ muốn nhân dân này chuyển lời tới các nhân dân khác rằng: Đầy tớ vô cùng biết ơn đại bộ phận nhân dân đã không dãm cãi lại một câu khi bị chặn xe và rất hợp tác “làm việc” với đầy tớ.

À, vậy là hôm nay đầy tớ gặp vận đen vì đụng phải một ông nhân dân rách chuyện muốn “chiến đấu” với đầy tớ tới cùng. Mà đúng là đen cho XX thật, trong suốt thời gian hai bên đôi co, có rất nhiều đồng bào của em cũng đi giống em và qua ngay trước mũi XX rất “ngon ăn” nhưng XX lại bận rộn xử lý nhân dân này.

“Nhưng người nghĩ là mình đúng thì họ sẽ phải có ý kiến và làm cho ra nhẽ chứ anh?” Nhân dân cò kéo.

“Hừ, cứ làm tới đi rồi biết”, giọng Xgià đầy thách thức.

Câu này của Xgià lại củng cố suy nghĩ ban đầu của em: nếu có theo đuổi đến cùng mà mình là người đúng đi nữa thì “chờ được vạ, má đã sưng”.

“Mà đi thế vẫn còn nghĩ là đúng à???” Xgià hỏi tiếp.

“Vâng em đi không thấy đèn bên tay phải em mà, đèn kia chỉ có tác dụng hưỡng dẫn rẽ trái và đi thẳng thôi anh. Tín hiệu giao thông chỉ có giá trị từ sau tín hiệu đó thôi mà.” nhân dân bây giờ ăn nói thoải mái hơn, dẫu sao thi biên bản cũng lập rồi, Xgià và Xtrẻ sẽ không phải người xử lý.

Im lặng kéo dài một lát. Xgià lúc đó bắt đầu ngắm nghía và bình luận về xe của nhân dân. Thôi thì bình luận về xe cộ vậy, khó moi được nhiều chuyện hơn về ngành XX trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Hy vọng có dịp khác sẽ “tâm sự” nhiều hơn với XX.

Hành trình đặc biệt với hành khách đặc biệt đã kết thúc ở một địa điểm đặc biệt. Là ngày đầu năm nên đường cũng vắng và nhiều chỗ đậu xe. Đường này cho phép đậu xe theo ngày chẵn và lẻ. Xgià chỉ cho em đậu vào bên lề gần đồn XX. Không biết đậu lề này đúng chưa nhỉ? Em nghĩ bụng sao mà nhân dân xấu tính thế, cứ nghi ngờ ông pháp luật chơi mình.

“Em đậu xe ở đây là an toàn phải không anh?”. Nhân dân tìm kiếm sự an tâm.

“Lấy ai coi xe được cho các anh?”, Xgià hơi bực mình.

Thôi, cũng phải đậu thôi, có bị “vặt tai” ở đây thì cũng đành vậy vui vẻ vậy. Nếu có thằng nào dám “vặt tai” ông, thằng đó chắc chắn phải được XX bảo kê ở khu vực trước cổng đồn rồi. Thế thì mất cũng đành luôn.

Em đi vào đồn, Xgià và Xtrẻ đã chờ sẵn đưa thẳng nhân dân vào bàn trực ban, ở đó một X thượng uý phong độ đã sẵn sàng đón tiếp nhân dân vào dịp đầu năm mới 2010.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Một ngày đầu năm tại đồn cảnh sát[/i][/b]

“Anh ngồi đây”. Xtrẻ chỉ cho em ngồi xuống trước mặt X sếp trực ban (XS1).

XS1 nhìn nhân dân khá chăm chú, có lẽ để xác định xem nhân dân này thuộc loại “đối tượng” nào để “ứng xử’ cho “phải phép” (tức là để lên giọng tới mức độ nào), em nghĩ vậy. Quan chức có khác, nhìn nhân dân mà mặt mày lạnh te. Nhân dân thấy vậy cũng hơi lo vì mình đã làm phiền đến nhiều XXX quá, có khi tội nhẹ lại thành tội nặng.

“Có gì trình bày đi” Xgià bắt đầu, giọng đầy vẻ “bề trên”.

“Trước hết, các anh giữ giấy xe và bằng lái của tôi mà anh chưa ghi vào biên bản. Đề nghị các anh ghi vào biên bản cho đúng sự việc”. Em “phủ đầu” luôn, mặt cũng lạnh te luôn. Mình phải chơi chắc cú, đằng nào thì cũng tới mức này rồi.

XS1 lại nhìn nhân dân, hơi cau mày vì nhân dân vào cửa quan mà ăn nói có phần hơi “bình đẳng”.

“Giữ cái gì của người ta?” Ô, XS1 có vẻ cảm thông với nỗi khổ của nhân dân đây.

“Giữ bằng lái và càvẹt Chú à”. Xtrẻ nhanh nhảu. Ok, tốt, đã nhận với XS1 rồi nhé, nhân dân yên tâm hơn.

“Anh nói đi” XS1 yêu cầu.

Em lại trình bày, cũng không quên “nhắc nhở” với XS1 về “nỗi buồn nhân dân” của em bị XX quát nạt, doạ dẫm. Đằng nào thì Xgià và Xtrẻ bây giờ cũng không làm được gì mình và em thì vẫn tin là “cấp trên” làm việc sẽ có lý hơn.

Xgià đang đứng đó nhảy xổ lại, quát tháo em một hồi, vẫn xoay quanh chuyện có đèn đỏ ở ngã tư. Mặt mày Xgià đỏ lựng, có lẽ vì đang cố gắng ra oai, hoặc cũng có thể để nhân dân thấy là mình sai rồi nên XX mới “bức xúc” như vậy.

“Sao, nhận ra mình sai rồi chứ?” Xgià chậm dãi, nửa như đe doạ, nửa như muốn “đại xá” cho nhân dân.

“Ông này chống người thi hành công vụ Chú ạ.” Xtrẻ bồi thêm một câu làm làm nhân dân lo sợ.

“Gạch chéo tùm lum vào biên bản nhà nước Chú ạ”.

SX1 lại chau mày nhìn nhân dân, thấy nhân dân vẫn “lạnh te” (mặc dù trong lòng cũng khá hồi hộp vì không biết diến biến tiếp theo sẽ như thế nào).

“Đây, biên bản đây, chú nhìn nè” Xtrẻ kể tội em với XS1.

“Sao anh lại gạch vào biên bản của chúng tôi như vậy?” XS1 gằn giọng nhưng vẫn cố tỏ ra “lịch sự” và không quát tháo. Có lẽ nhờ cái mặt “lạnh te” nên em không bị quát nạt.

“Tôi gạch trước khi ký vì phần đó không sử dụng và để trống” Nhân dân bình tĩnh.

“Tội này xử sao Chú?” Xtrẻ làm tới. Ơ hô, XX nói cứ như là quan toà, quyền sinh quyền sát trong tay vậy, xử sao dân phải chịu.

Nét mặt XS1 thoáng chút băn khoăn. A, vậy có lẽ XS1 cũng chưa gặp nhân dân nào dám “hoàn thiện” biên bản nhà nước bằng những nét bút ngang chéo rồi.

“Ghi vào biên bản là đối tượng tự ý gạch chéo.” XS1 ra lệnh.

“Dạ vâng” Xtrẻ nhanh nhảu (chắc trong bụng mừng thầm là ghi được tội này của nhân dân vào biên bản rồi).

Xtrẻ lấy bút viết, rà theo biên bản để tìm chỗ ghi thêm. Rà lên rà xuống mãi một hồi mà Xtrẻ cũng không biết là ghi “tội gạch biên bản” của nhân dân vào chỗ nào vì mẫu biên bản không có phần nội dung nào khác. Hú hồn, may mà nhân dân đã nhanh tay gạch 4 dòng mà Xtrẻ đã không viết hết ngay từ khi còn ở ngã tư.

“Chú ơi, ghi vào chỗ nào Chú?” Xtrẻ ngơ ngác và cầu cứu.

“Đưa đây xem”. XS1 phải ra tay rồi. Loay hoay một hồi cũng không biết là ghi vào đâu. “Thì ghi đại vào góc biên bản đi”. XS1 ra lện. A ha, nhân dân chứng kiến XX làm bừa, ghi đại nhé.

Xtrẻ loay hoay một hồi thì cũng ghi được mẫy chữ là: đối tượng tự ý gạch vào biên bản.

“Vậy được chưa Chú?” Xtrẻ chắc ăn, xin XS1 duyệt thì bị XS1 lườm cho một cái, hỏi gì mà hỏi khó, cứ bắt sếp phải “co`n fơm” cái việc sếp cũng không biết. Định “chơi” sếp hả chú mày?

“Đây biên bản của anh đây. Tôi ghi rõ là chỉ giữ bằng lái thôi đó nhé. Đúng hẹn quay lại đây”. Xtrẻ trả lại giấy xe cho em.

Em ra cửa trong lòng trĩu nặng, mất tiêu 1h đồng hồ với XX rồi. Sự việc sẽ còn dài dài đây, nhưng đã quyết định rồi thì sẽ làm tới thôi.

“Sao rồi anh?” Ô, bác taxi đã chạy theo em về đồn và vẫn đứng chờ bên ngoài.

“Đã ký biên bản, ghi ý kiến và 3 ngày nữa quay lại giải quyết anh ạ”

“Vậy là cũng tiêu rồi à?”

“Chưa ngã ngũ anh ơi, mới có ghi biên bản thôi”.

“Vậy giờ làm sao?” Bác taxi buồn rườu rượu. Em chắc là bác này mới nhận xe ngày hôm đó, chưa kiếm được “xèng” nào, bây giờ lại ôm biên bản.

“Anh có muốn cùng em làm tới luôn không? Em cũng có hiểu biết chút về cái vụ này” Em trấn an và động viên.

“Ừ, ức muốn chết. Mình đi vậy mà nó cũng bắt. Anh em mình hẹn nhau lên làm việc cùng lúc, có gì còn làm chứng cho nhau”

A, nhân dân có thêm đồng bào cùng “khởi nghĩa” rồi kìa. Vậy là ta sẽ không cô đơn trên đường “kiện củ khoai” nữa.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Nhân dân đồng khởi[/i][/b]

“Alô, Anh [ ] ha? Đi lên đồn chứ?” đồng bào taxi gọi em “dậy mà đi”.

“Vâng, hẹn anh 30 phút nữa nhé”

Tới nơi, bác taxi đã đứng sẵn ở cửa đồn đợi. Đồn cũng khá vắng vẻ, chắc do mấy ngày đầu năm đồng bào đi chơi xa nên không bị XX bắt nhiều ở Sài gòn.

“Anh em mình cùng vào nhé, để em làm việc trước xem sao”. Em phân công.

“Biên bản đâu?” Một XX thượng uý (XS2) hỏi.

“Biên bản đây anh”

Nhìn ngắm biên bản của em một hồi, XS2 vẫn giữ im lặng. Không biết là sao đây.

“Nếu không đồng ý với biên bản và quyết định xử phạt thì phải làm gì anh?” Em hỏi luôn.

“Muốn khiếu nại à?” XS2 hỏi lại, giọng nói cũng khá “hoà bình”.

“Vâng, em không đi sai”.

“Vậy viết đơn đi”

“Sao phải viết nữa anh? Em ghi ý kiến trong biên bản rồi đó”

“Ghi rồi vẫn phải viết đơn thì mới được xem xét”

A ha, đã có biên bản rồi, lại còn viết đơn nữa.

“Em có xin gì đâu anh mà phải viết đơn? Nếu CSGT phạt sai thì em sẽ khiếu nại và kiện tiếp” Em cũng “chơi” luôn.

“Thì phải viết đơn mới có căn cứ xem xét. Bên tôi cũng sẽ yêu cầu người của mình viết tường trình, sau đó lãnh đạo đối chiếu và giải quyết”. XS2 khá bình tĩnh giải thích.

Thôi được, viết lại diễn biễn sự việc thôi, và sẽ yêu cầu XX giải quyết đúng pháp luật, không xin xỏ gì hết – em nghĩ bụng.

Em phải chạy ra phố đi tìm mua giấy và bút để viết sau khi đã kể lại với bác taxi. Quay về thì đã không thấy bác taxi đâu.

“Anh sao rồi?” Em điện thoại hỏi bác taxi.

“Tôi đang ở chỗ đóng tiền phạt rồi”.

Trời ơi, thế là đồng bào kia không “chiến đấu tiếp” rồi.

“Sao vậy anh? Chưa ngã ngũ mà”.

“Thì mình ký vào chỗ người vi phạm rồi, bây giờ nó phạt mình thôi, ký vào vậy là nhận mình vi phạm rồi” Bác taxi giải thích.

Ôi trời, vậy là bác lại “đầu hàng” sớm vậy. Ai nói bác là ký vào đó rồi là tự nhận mình sai nhỉ? Có lẽ XX giải thích vậy chăng?
“Không phải đâu anh ơi. Kể cả họ quyết định phạt rồi, mình vẫn đi nộp phạt nhưng sau đó vẫn khiếu nại và kiện được”. Em cố giải thích.

“Nhưng mà nó còn giữ giấy xe của tôi nữa thì không dám chạy xe, nhất là khi ra tỉnh ngoài. Kẹt quá không biết làm sao. Thôi nộp phạt 300 ngàn cho xong” Bác taxi giãi bày “nỗi niềm nhân dân” khi phải nắm đằng chuôi.

Ừ nhỉ, bác taxi mà cãi tiếp giống mình thì có lẽ cả tuần nữa vẫn chưa xong việc và chưa lấy được bằng lái để đi kiếm tiền tiếp. Đúng là đầy tớ dính vụ này thì chẳng sao cả, có cả hệ thống “đồng chí” thay nhau “đón tiếp” nhân dân, gặp mấy lần cũng ok, còn nhân dân dính vào là mất làm mất ăn và có thể nhịn đói luôn.

Hay thật, nhân dân luôn bị đẩy vào tình thế mà lựa chọn tốt nhất là phải từ bỏ ý định đi tìm lẽ phải. Hây zà.

“Vâng vậy cũng khó cho anh nhỉ? Nhưng lý thì mình có đó anh, chỉ có điều không có bằng lái làm ăn thì cũng kẹt quá.” Em an ủi chút.

“M.k mấy bọn ch” Bác taxi chửi đổng. “Hôm nào phải “cài” mấy th này, tôi cũng có người bạn bày cách “cài” lại XX”.

Bác taxi giải thích cho em cặn kẽ cách “cài” lại XX đã gây ra thù oán với mình, hỏi em nếu muốn thì sẽ giúp.

Ai cha, tức nước vỡ bờ đây, XX mà gây oán nhiều quá có ngày bị “cài” lại giống bác taxi nói thì cũng hậu quả khôn lường nhỉ.

Bác taxi còn nói là sẽ giúp em làm chứng nếu cần. Vâng, bác đồng bào này nhiệt tình với đồng bào và lẽ phải quá, mỗi tội bác ấy vẫn buộc phải chọn phương án ít thiệt hại nhất cho mình thôi. Thương bác taxi quá, mất toi 300 ngàn rồi, tiền thu nhập 2 ngày chứ không ít. Thật buồn.

Em viết thêm mấy chữ rồi chuyển cho XS2, hẹn 3 ngày sau quay trở lại.

“Không quyết định được ngay à anh?” Em hỏi.

“Làm sao mà quyết được, phải có thêm tường trình của cánh sát hôm đó nữa thì mới giải quyết được, làm sao mà nghe mình anh được”.

Ơ hơ, cả đầy tớ và nhân dân dư thừa thời gian thế sao? Nhân dân thì đã không đồng ý với biên bản ngay từ đầu, bây giờ còn bắt đến đồn chỉ để viết thêm tường trình là mình không đồng ý à? Sao không nói hai bên viết tường trình luôn từ bữa đầu đi? À, mà phải theo “thủ tục” thế này thì nhân dân mới sợ mà không đi kiện chứ nhỉ? Phải thế thì mới có người bị giữ bằng lái lâu như trường hợp của bác taxi mà không theo kiện nữa chứ? Làm dễ và ngắn gọn quá thì có mà cái đám nhân dân này kiện suốt ngày à?

Được rồi, đã theo thì theo tới cùng. May mà chỗ nhân dân cũng không xa với chỗ đầy tớ nên cũng không mất quá nhiều thời gian.

Hẹn gặp lại nhé XX ơi.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Hiệu quả của cải cách hành chính??? [/i][/b]

Trên đường về lại văn phòng em mới chợt nhớ ra là SX2 hẹn 3 ngày sau quay trở lại, có ghi ngày giờ cụ thể vào mặt sau của Biên bản em giữ, nhưng SX2 không ký tên. Dại chưa, thế là 3 ngày tới không được lái xe nhé, vì thời hạn hẹn trong biên bản đã hết.

“Alô”

“Anh [mêtốcđộ của OS] phải không ạ?”

“Vâng, tôi đây ạ”

“Tôi là [XS2] đây. Anh quay lại đồn đi, tôi giải quyết luôn việc của anh rồi”.

Úi trời ơi, vừa hẹn 3 ngày sau mà 30 phút sau đã giải quyết được rồi. Sao mà XX làm ăn hiệu nhanh và hiệu quả thế? Chắc do đầu năm ít vụ việc nên cũng rảnh. Sao nhanh thế nhỉ? Lẽ nào “khởi nghĩa” lại thành công nhanh vậy? Hay là XX thấy nhân dân rách chuyện quá nên cho biết “lễ độ” luôn, để lần sau các nhân dân khác “lấy đó làm gương”.

Em loay hoay công việc đến khi quay lại đã là 11h30, cả đồn vắng teo, mãi mới có người để hỏi. Thì ra các XX đã ăn xong và nghỉ trưa. Rất khoa học! Có thế mới đủ sức khoẻ để “điều trị” nhân dân chứ. Em gọi điện thoại cho XS2 thì nhận được câu trách là đến trễ quá, hết giờ làm việc.

“Vậy chiều tôi quay lại” Nhân dân rất thiện chí không muốn làm hỏng giấc ngủ trưa của đầy tớ.

“Thôi, để tôi giải quyết luôn, anh chờ đó”.

Ui, cám ơn đại ca. Nhưng trong lòng cũng rất hồi hộp.

“Anh đưa biên bản của anh đây”

“Đây, gửi anh”.

“Anh ghi vào biên bản là đã nhận lại bằng lái rồi cầm bằng về nhé.”

Ui chao, câu nói dễ thương nhất mà nhân dân từng được nghe từ đầy tớ.

“Vậy nghĩa là sao anh?” Nhân dân “cắc cớ”.

“Nghĩa là thôi chứ còn sao.” XS2 bắt đầu giảm chút nhã nhặn, lịch sự ban đầu. Chắc tại do giấc ngủ trưa bị quấy rầy. Thôi, đâu có sao, đúng ra thì nhân dân tới muộn ngoài giờ đó chứ, đã làm nhân dân lại cứ tham lam đòi đầy tớ làm việc theo giờ của nhân dân. Được tiếp giờ này là may rồi.

Rồi, vậy là suy nghĩ ban đầu của em về việc mình đi đúng là ok rồi. Tiếp theo bây giờ là gì đây???

“Anh đưa biên bản gốc của các anh, tôi sẽ viết là đã nhận lại bằng lái.” Nhân dân liều mình đề nghị.

“Không được. Anh viết vào tờ biên bản của anh rồi đưa cho tôi, tôi đưa bằng lái”.

A ha, trò gì đây. Định thủ tiêu mọi tang chứng à XX ơi. Từ bữa đó tới giờ nhân dân giữ biên bản có mấy lời “vàng ngọc” của XX cận thận lắm đó. Sẽ phải dùng đến nó dài dài mà, làm sao mà tớ lại đưa cho cậu cái đó được.

“Sao không viết được vào biên bản gốc của các anh?” Nhân dân làm tới.

“Đã là biên bản gốc của nhà nước thì làm sao mà viết thêm được.”

“Biên bản này của tôi ghi rõ là bản này giành cho người vi phạm mà. Tôi được giữ lại chứ?”

“Sao mà rắc rối thế, không muốn lấy bằng lái à?” XS2 giọng rất ban ơn.

“Muốn lấy chứ anh, mấy hôm nay không được chạy xe rồi”.

“Thế thì viết vào và đưa lại biên bản đây”. XS2 biết được điểm yếu của nhân dân là không có bằng lái thì không dám lái xe.

“Thôi em viết hẳn cho anh một tờ giấy biên nhận nhé?” Nhân dân xuống giọng và đề xuất giải pháp thay thế cho việc viết lên biên bản gốc – là thứ “thiêng liêng” của nhà nước nên không được đụng tới.

“Rắc rối quá”. XS2 bực mình ra mặt.

Tất nhiên là “rắc rối” rồi XX ơi, nhân dân đã bị XX lấy mất thời gian và gây bao nhiêu bực mình. Có bao giờ nhân dân dám mơ mộng là XX sẽ tự hỏi xem làm như vậy có gây “rắc rối” cho nhân dân không nhỉ?

“Tuỳ anh giải quyết”. Nhân dân nói cứng.

“Thôi, anh em làm việc ngoài đường cũng vất vả, chuyện này nhỏ mà, bỏ qua đi”. Giọng nói ngọt ngào của XS2 cất lên giữa buổi trưa tại đồn cảnh sát khi mọi XX khác sau khi vất vả ngoài đượng còn đang say trong giấc ngủ.

Đang căng thẳng thì em suýt phì cười vì khả năng chuyển thái độ “siêu phàm” của XX từ nóng sang lạnh trong chớp mắt.

Đúng là chuyện nhỏ thật, XS2 ạ, dù gì thì có phạt hay không cũng chỉ trong phạm vi 300 ngàn thôi, còn “làm hư” cán bộ chiễn sỹ thì chỉ mất 100-200 ngàn. Nhưng mà cái kiểu “cướp ngày” như vậy thì khó có nhân dân nào chịu đựng được lắm. Thử hỏi ai đó trong số đầy tớ và nhân dân tự nhiên bị thằng cướp nó cướp lấy 100-200 ngàn ngay trên tay xem, lúc đấy có cho là chuyện nhỏ không nhỉ? Có bao giờ XX nghĩ rằng chặn xe lại khi người ta không vi phạm gì để “kiếm tí” sẽ tương đương với “cướp ngày” không? Nhân dân sẽ nói là nguy hiểm hơn “cướp ngày” rất nhiều đấy XX ạ. Đại diện cho “Nhà nước và Pháp luật” ở ngoài đường mà “làm tiền” như thế thì lại “từ một ngã tư đường phố, đã thấy tương lai mịt mù[/i]” rồi.

“Anh có biết là chúng tôi mất bao nhiều thời gian và rất bực mình vì việc này không? Các anh làm phiền dân thường quá mức.” Nhân dân thực sự bức xúc và bắt đầu “xả hàng” sau khi đã biết chắc chắn là XX cũng đã chịu về lý.

“Thôi bỏ qua lỗi này đi, xin lỗi nhé, anh em cả mà”.

Trời đất ơi, muốn chửi bậy quá. Sao mấy ông “nhà nước” mấy ông “pháp luật” ngoài kia không nói như vậy đi, ngay sau khi bị nhân dân cự lại. Đầy tớ lại còn thách thức và doạ nạt nhân dân theo đuổi lẽ phải nữa chứ. Thật trơ trẽn không thể chấp nhận được.

“Anh xin lỗi thì cũng không có tác dụng gì đâu, đơn giản vậy thôi sao, anh biết người dân khổ thế nào khi phải vào đây chứ?” Nhân dân tiếp tục “xả hàng”.

“Vậy anh muốn sao? Tôi cũng không giải quyết được khác đâu. Nếu không chịu, anh về đi, đúng hẹn quay lại gặp lãnh đạo trực tiếp giải quyết”.

“Vâng, tôi sẽ quay lại. Anh ký vào chỗ hẹn 3 ngày nữa giúp để tôi còn lái xe, bằng các anh vẫn còn giữ.”

“Anh làm khó tôi như vậy, tôi không ký cho anh đâu.” XS2 cũng cho nhân dân biết “lễ độ” luôn.

A hà, lại hơi hèn rồi, chẵng lẽ không dám ký vào bên cạnh chỗ mình viết sao XX ơi? Liệu kỳ vọng của nhân dân được nói câu “ồ, anh ấy là XX đấy, nhưng cũng gen tờ lờ mờn ra phết” có quá đáng không nhỉ? Hy vọng là “lãnh đạo trực tiếp” sẽ là người như vậy. Nhân dân rất mong được gặp lãnh đạo đấy, lãnh đạo ạ.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Tiếp kiến lãnh đạo XX[/i][/b]


Đúng hẹn nhân dân lên để gặp lãnh đạo (LD). XS2 đã đợi sẵn và đưa thẳng em lên chỗ LD. LD đang ở đâu đó nên XS2 phải đi tìm.

Tranh thủ ngắm phòng làm việc của LD: một bàn làm việc ngăn nắp, bên cạnh là một tủ sách. Nhìn kỹ thì có một tập “Tam quốc diễn nghĩa” đã khá cũ. A, đọc cái này thì sẽ có nhiều mưu mẹo lắm đây. Một cuốn sách dạy cách rèn luyện trí nhớ. Ấy, LD bây giờ cũng chịu khó rèn luyện quá. Một cuốn nữa thì hình như là “12 nghịch lý cuộc đời” gì gì đó, em cũng không nhớ chính xác. LD mà đưa em cuốn sách đó thì em sẽ viết thêm nghịch lý cuộc đời thứ 13 là “Đầy tớ và Nhân dân” cho LD đọc.

LD là đội phó và còn khá trẻ (trẻ hơn XS1,2 nhiều ), quân hàm đại uý thì phải. Đặc biệt, nhìn LD có phần trắng trẻo, thư sinh và trí thức.

“Tôi là [metocdo của OS]”, em nói và đưa luôn CMND để cho thấy đúng là “đương sự” và khỏi phải đòi xem biên bản em đang giữ.

“Vâng, mời anh ngồi”. LD nhã nhặn mời em ngồi, xem qua CMND rồi trả lại.

“Anh uống gì ạ?” LD hỏi.

Trời ơi, sướng quá. Đây thực sự là đầy tớ mà nhân dân nóng lòng muốn gặp rồi.

“Dạ, uống gì tiện cho anh là tốt rồi ạ” Nhân dân lễ phép, trong lòng cảm giác lâng lâng.

“Anh gọi Xtrẻ lên đây nhé” LD chỉ thị cho XS2.

XS2 đi rồi thì LD và nhân dân nói vài câu chuyện xã giao. LD rất nhã nhặn tuy nhiên cũng kín đáo theo dõi thái độ và phản ứng của nhân dân.

Một lát sau thì Xtrẻ xuất hiện, ngồi cạnh nhưng quay mặt lại đối diện với nhân dân, LD ngồi phía bên kia có vẻ ở vị trí “phân xử”. A ha, cách sắp đặt này hay ghê, nếu mà nhân dân có “chắng may” có lý và có lẽ phải, LD sẽ dễ dàng dàn xếp và “xử hoà” hơn.

“Cuộc họp đặc biệt” bắt đầu:

LD tóm tắt lại vấn đề và đề nghị các bên cho biết ý kiến.

“Anh có gì thì trình bày đi” Xtrẻ giọng khá trịch thượng.

Trời ơi, muốn “bụp” đầy tờ Xtrẻ này quá, cho đến tận giờ mà vẫn còn nói giọng đó được. Nhân dân đã trình bày từ ngã tư, về đến đồn, rồi quay lại đồn trình bày bằng văn bản nữa rồi.

“Tôi không cần trình bày gì hết, đã đầy đủ thông tin, đề nghị các anh giải quyết cho đúng pháp luật” nhân dân bực mình nói.

LD bắt Xtrẻ tường trình chi tiết, hỏi cặn kẽ xem ở ngã tư đó có biển báo gì, rồi tự tay LD vẽ lại hiện trường theo mô tả của Xtrẻ.

LD và Xtrẻ trao đổi phân tích một hồi, LD kết luận Xtrẻ bắt nhân dân như vậy là sai.

“Em không chịu là em sai, bữa trước ở Trần Quốc Toản từ hướng Pasteur đi ra NKKN em cũng bắt các trường hợp như vậy được”. Xtrẻ mặt mày khá lạnh, cố gắng cự lại LD.

Ai chà chà, Xtrẻ này khá thật, dám cự lại LD. Thấy cũng hơi lạ, cấp dưới phải phục tùng tuyệt đối cấp trên chứ nhỉ? Hay là lại có trò gì nữa đây? Nhân dân vẫn chưa thôi cảnh giác.

Lúc này LD lôi biên bản gốc ra, có vài chữ chỉ đạo của “trên” về vụ này và được ghi phía trên góc, chỉ cho Xtrẻ thấy.

“Sếp đã có chỉ đạo và ý kiến vụ này rồi đây. Em tính sao?” LD lịch sự với Xtrẻ.

“Em nghĩ thổi vậy là đúng mà” Qua vẻ mặt của Xtrẻ khó mà đoán được thực sự là Xtrẻ vẫn tin là mình đúng hay là cố cãi chút xem được tới đâu thì được.

“Em nghĩ kỹ đi, nếu ghi vào biên bản làm việc mà còn có ý kiến khác nhau là phải gửi tiếp lên trên xem xét giải quyết đó”. LD cảnh báo Xtrẻ.

“Vâng, em giữ ý kiến của em”. Xtrẻ khẳng khái.

A, quá hay, có thế chứ. Bây giờ mới thấy “chất” gentleman của Xtrẻ.

LD sững sờ vì sự khẳng khái của Xtrẻ, chắc là cũng chưa bao giờ gặp trường hợp “trên bảo dưới không nghe như vậy”.

“Các anh đợi tôi một lát nhé”. LD nói với Xtrẻ và em.

LD đi rồi, nhân dân lại hỏi chuyện “thân tình và đàn anh” với Xtrẻ vì trong lòng tự tin hơn nhiều.

“Sao hai người bắt anh mà hôm nay có một mình em phải làm việc thôi? Anh Xgià kia đâu?” Nhân dân bắt đầu lộn xộn trong chuyện xưng hô với đầy tớ, trong bụng vẫn tức Xgià nhiều.

“Thì vì em làm biên bản nên phải theo giải quyết. Hôm nay phải nghỉ việc để làm vụ này đấy anh ạ”. Đầy tớ giãi bày.

“Em biết anh mất bao nhiêu thời gian và đã bực mình như thế nào vì cái vụ vớ vẩn thế này không?” Nhân dân “bụp” cho đỡ tức.

A ha, chú em này trẻ măng, bữa trước ở Ngã tư nhỏ bé còn đóng vai “Ông Thiện”, vì thế ăn nói cũng có phần không phản cảm lắm. Ông Thiện phải lập biên bản, ký vào biên bản, rồi phải theo đuổi vụ việc, nếu có chuyện gì thì chắc cũng phải chịu trách nhiệm đây, em nghĩ. Nghĩ cũng tội, chả lẽ Ông Ác vô can sao?

“Thế nếu có chuyện gì thì mình em chịu thôi à?” Nhân dân tò mò.

“Em làm em chịu”. Xtrẻ khẳng khái nói.

Quá được, xứng đáng là gentleman. Cuộc đời oái oăm thật. Xgià chặn nhân dân lại để “làm thịt”, quát nạt nhân dân từ đầu tới cuối, vậy mà chú chiến sỹ trẻ măng mới vào nghề lại phải chịu trách nhiệm. Con đường thăng tiến của các chiến sỹ trẻ có vẻ nhiều chông gai đây, nhất là những “ca khó” như vụ của nhân dân thì phải “hy sinh thân mình” à?

LD quay lại.

“Anh đã xin ý kiến anh đội trưởng thêm nữa rồi, em thổi như vậy là sai. Nếu em quyết tâm giữ quan điểm thì anh sẽ ghi vào biên bản và chuyển lên thanh tra của Sở làm việc tiếp. Sau này nếu có kiện tụng gì thì em hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường đó nhé”.

Lúc này thì Xtrẻ cũng hơi chột dạ, tuy nhiên vì trước đó đã nói cứng rồi, nên bây giờ rút lại cũng khó.

“Dạ, em sẽ chịu trách nhiệm”. Xtrẻ “đâm lao phải theo lao”.

LD hý hoáy viết lại toàn bộ sự việc vào biên bản (thư ký LD đi vắng thì phải), mô tả chi tiết tình huống ở Ngã tư, ghi lại ý kiến của Xtrẻ và nhân dân. Nhìn LD chăm chú và trân trọng viết từng câu chữ nắn nót, em nghĩ bụng chắc LD được sinh ra từ gia đình nho nhã lắm.

Đến phần kết luận, LD hỏi nhân dân có đề nghị gì không.

“Thứ nhất, tôi muốn lấy lại bằng lái ngay lập tức. Thứ hai, tôi đợi kết quả các anh giải quyết nội bộ rồi sẽ quyết định làm gì tiếp” Nhân dân nhẹ nhàng và dứt khoát.

“Tôi đồng ý”. LD nói rồi rút bằng lái của nhân dân từ tập hồ sơ và trả lại ngay.

Tiếp tục viết kết luận, nội dung ghi là Xtrẻ xử lý “chưa chính xác và mang tính nhận định”. Ô, cụm từ hay ghê, “mang tính nhận định” là gì nhỉ. Trong khi mẫu biên bản bắt ghi rõ là xác định ai đúng, ai sai. Chắc là một “mẹo” của XX nữa đây, nhân dân nghĩ bụng.

Tiếp tục kết luận: “… chuyển toàn bộ hồ sơ lên thanh tra, trả lại bằng lái xe và có lời xin lỗi tới Ông [metocdo]”.

Viết xong LD yêu cầu các bên ký vào biên bản và định cất đi. Ai cha, đâu có được. Nhân dân cũng ký biên bản mà, cần một bản chứ, nếu không thì sự việc có “chìm xuồng” thì nhân dân cũng làm gì được nữa.

“Tôi cần một bản để lưu”. Nhân dân đề nghị.

“Anh lấy cái biên bản này làm gì?” LD hỏi.

“Vì tôi là một bên ký biên bản làm việc, nên tôi được giữ một bản”.

LD đành phải sai Xtrẻ đi làm copy.

“Nếu có chuyện gì thì chỉ Xtrẻ bị thôi sao anh?” Nhân dân hỏi LD, trong bụng vẫn “thù” Xgià.

“Ca trực đó do Xgià là cấp trên trực tiếp, nên nếu có chuyện gì thì cả hai phải chịu trách nhiệm”. LD giảii thích và nhân dân gật gù.

“Tôi thắc mắc là tại sao anh và lãnh đạo cao hơn nũa đã có quan điểm vậy rồi, còn Xtrẻ không phục tùng tuyệt đối cấp trên theo đúng nguyên tắc hành chính và công chức”.

“Tôi cũng không hiểu nữa”. LD thở dài.

“Tôi rất buồn về chuyện này” nhân dân bắt đầu giãi bày. “Nếu là sai mà bị dừng xe phạt thì không nói. Đây là đi dúng cũng bị bắt lại, bị quát nạt như là tội phạm, sau đó bị mất bao nhiêu thời gian đi lại đồn công an. Người dân tìm lẽ phải quá mất công sức và thời gian, có lẽ đó là nguyên nhân chính vì sao nhiều XX hay làm bừa.” Nhân dân lên máu quá.

LD và nhân dân cùng im lặng một lúc lâu, không biết LD có cùng suy nghĩ và cảm giác bất lực với nhân dân không, nhìn nét mặt LD có lẽ cũng có phần nào chia sẻ.

“Dẫu sao tôi cũng cám ơn anh về cách đối xử và làm việc với dân”. Nhân dân lịch sự, trong lòng vẫn không thoát khỏi suy nghĩ xâu xa là nếu nhân dân sai thì có được đối đãi lịch thiệp như vậy không nhỉ? Chắc nhân dân lại mắc cái bệnh “khổ quen rồi, sướng chịu không được”.

“Anh cho xin địa chỉ nơi làm việc và số điện thoại nhé” LD đề nghị.

Gì đây nhỉ? Nhân dân tự hỏi. Chắc là mệt rồi đây, ai bảo gây chuyện với XX làm gì. Ồ đâu có, mình cũng gây sự với ai đâu, chẳng qua là bị gây sự và quát nạt, rồi tức nước quá “vỡ bờ” thôi. Mình vẫn trân trọng những người XX làm đúng mà. Nhân dân vui vẻ cung cấp thông tin.

Xtrẻ mang copy về, nhân dân đòi LD ký vào cả hai mặt của bản photo, vừa ký vừa kêu nhân dân cẩn thận quá. Nhân dân lịch sự nói LD thông cảm, làm như vậy thì bản photo mới có giá trị. Bắt tay tạm biệt LD, lòng dân lại nặng trĩu.
 
Tập Lái
28/4/08
40
0
0
53
Là người dân, nên làm gì tiếp???[/i][/b]

Liệu có nên tiếp tục “bụp” Xgià và Xtrẻ như suy nghĩ ban đầu lúc tức giận không? Làm đến cùng để xem “đường thiên lý đi tìm lẽ phải” nó dài như thế nào không? Làm như vậy chắc sẽ phần nào xoa dịu được “nỗi đau” của bác taxi, và của nhiều bác ôm vôlăng giống mình? Làm như vậy liệu XX có giảm bớt chuyện “làm tiền” dân hoàn toàn vô tội? Cũng có khi nếu làm đến cùng thì cũng vẫn vậy thôi, chẳng thay đổi được cái gì??? Mất thời gian và công sức thôi???

Những suy nghĩ này cứ lảng vảng trong đầu nhân dân nhiều ngày sau và nhân dân cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo. Thế rồi một hôm, vào buổi tối:

“Anh có phải là anh [metocdo] không ạ?”
“Vâng”
“Em là Xtrẻ đây ạ. Anh có thể nói chuyện với em không”.
“Anh đang ăn tối cùng gia đình, để lúc khác nhé.”
“Vậy lúc nào thì anh rảnh ạ? Em sẽ gọi lại cho anh”
“Khi nào anh rảnh anh sẽ gọi lại cho em”
“Ấy, vậy thì không tiện cho anh quá. Anh để em gọi”.
“Để anh chủ động gọi nhé, chào em.”


TIẾP THEO SẼ LÀ GÌ ĐÂY ????? Sau bao nhiêu ngày, câu trả lời vẫn chưa có.

Câu chuyện của em tạm dừng ở đây, nếu có gì mới sẽ update tiếp.

Chúc các bác khoẻ và lái xe an toàn.
 
Hạng F
1/5/09
6.754
1.126
113
Polts Vietnam - Tp HCM
Phọt ra lun đi bác ơi, bác lại tiếp tục rặn từng cục kiểu này thì cái thớt của bác lại chạy vào "bến xe lìu tìu" là cái chắc, chẳng ai rãnh mài ngồi xem bác i.... són đâu
21.gif