Đọc xong bài em tỉnh ruu và lái xe về nhà an toànHình phạt nặng nề quá mức cần thiết chỉ khiến người dân chống đối và pháp luật không còn là hiện thân của công lý nữa. LTS: Để giảm thiểu tai nạn giao thông do bia rượu gây ra, ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện khi người điều khiển có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở. Biện pháp này đúng đắn đến đâu? Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Tiến Đạt (Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội) để bạn đọc cùng tranh luận. Pháp luật phải công bằng Đã có nhiều ý kiến đưa ra để luận giải cho chủ trương nêu trên. Bài viết của chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm chưa hợp lý của đề xuất. Trước tiên, pháp luật là cái đúng đắn để áp dụng vào thực tiễn chứ không phải là “ngáo ộp” để hù dọa. Có những ý kiến cho rằng hình phạt cần phải thật nghiêm khắc để dân “sợ” mà không dám vi phạm. Điều này không đúng. Theo lý thuyết, hình phạt không phải càng nghiêm khắc càng tốt mà yêu cầu đúng đắn là: hình phạt cần chính đáng, nghiêm minh nhưng không được hà khắc. Tịch thu phương tiện người say rượu lái xe là không chính đáng vì biện pháp này không minh bạch, không công bằng. Không minh bạch ở chỗ hậu quả bất lợi đối với người bị tịch thu phương tiện lại không được xác định rõ ràng vì tùy thuộc vào giá trị thực tế của phương tiện. Không công bằng ở chỗ cùng một hành vi vi phạm, hậu quả bất lợi đối với mỗi người khác nhau, thậm chí khác xa nhau (từ xe ô tô bình dân vài trăm triệu tới xe sang cả tỷ đồng). Tịch thu xe, vi hiến, an toàn giao thông Tịch thu phương tiện người say rượu lái xe là không chính đáng vì biện pháp này không minh bạch, không công bằng. Ảnh minh họa: doisongphapluat Việc đề xuất phạt tịch thu để dân sợ (mà thiếu tính chính đáng) thể hiện tư duy “giáo dục trẻ em” (hay nói theo ngôn ngữ hàn lâm là thuyết gia trưởng) trong quản lý nhà nước. Thật vậy, các bậc cha mẹ phương Đông thường hay lấy hình ảnh gì đó đáng sợ (như ngáo ộp chẳng hạn) để hù dọa khiến trẻ phải làm theo ý mình. Phó Chủ tịch Chuyên trách UB An toàn giao thông Quốc gia nói: “mục đích không phải xử phạt mà để người dân biết và không vi phạm”. Vậy nếu người dân biết mà vẫn vi phạm thì sao? Lúc đó pháp luật vẫn phải được áp dụng và xử phạt. Pháp luật là để áp dụng vào thực tế chứ không đơn thuần là những giá trị đạo đức để khuyên nhủ con người. Tư duy như lập luận ở trên thực ra không hiệu quả và cũng không phù hợp với triết lý quản lý hiện đại. Người dân chỉ tuân thủ pháp luật một cách thành tâm nếu họ cảm thấy pháp luật thể hiện sự công bằng và những giá trị đúng đắn. Không thể lấy mục tiêu để biện minh cho phương pháp không chính đáng. Lãnh đạo UB An toàn giao thông Quốc gia cho rằng “xem xét chế tài nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mục đích đưa ra chế tài. Nếu so với tính mạng một con người thì hoàn toàn không có gì là nặng. Không có gì lớn bằng sinh mạng”. Đúng vậy, sinh mạng là quan trọng, nhưng không có nghĩa có thể làm mọi biện pháp không chính đáng để đạt được mục tiêu. Không thể tử hình người ăn trộm, không thể tịch thu phòng khám gây chết người, không thể tịch thu nhà hàng gây ngộ độc chết người, không thể tịch thu nhà xây trái phép, không thể tịch thu xe mượn, xe thuê, xe công dùng để vi phạm giao thông. Một luận điểm sai lầm nữa là cho rằng hình phạt càng nặng thì tính tuân thủ càng cao. Nếu lý thuyết này đúng thì cứ áp dụng hình phạt tử hình, tù chung thân với mọi vi phạm pháp luật để đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa. Trong khi đó, lý thuyết đúng đắn là: hình phạt cần tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Hay nói một cách hình tượng theo một thành ngữ phương Tây: không cần lấy búa đinh để bóc vỏ hạt dẻ. Hình phạt nặng nề quá mức cần thiết chỉ khiến người dân chống đối và pháp luật không còn là hiện thân của công lý nữa. Các nước phạt lái xe say xỉn thế nào? Có chuyên gia cho rằng biện pháp tịch thu phương tiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới (trong đó có nước Anh) và cho rằng việc áp dụng biện pháp này ở VN là phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Trang tin của chính phủ Anh chỉ ra rằng có ba hình phạt có thể áp dụng cho hành vi uống rượu lái xe: phạt tù tối đa 6 tháng, phạt tiền 5.000 bảng Anh và cấm lái xe có thời hạn ít nhất 1 năm. Ngoài những hình phạt trên, người vi phạm có thể phải chịu thêm một số hậu quả bất lợi khác như: tiền bảo hiểm xe tăng; thông tin về vi phạm được chia sẻ cho người sử dụng lao động; gặp khó khăn khi xin thị thực tới một số quốc gia. Hiện nay trong Liên hiệp Anh (UK), mới chỉ có Scotland áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện đối với người uống rượu lái xe nhưng có một số ngoại lệ (chẳng hạn xe không chính chủ). Hơn nữa, Liên hiệp Anh cũng rất lo ngại về tính chính đáng và hợp pháp việc tịch thu xe ở Scotland. Một nước khác là Australia cũng loại trừ tịch thu phương tiện là hình phạt đối với người uống rượu lái xe. Ở bang New South Wales, uống rượu lái xe (drink driving) bị coi là tội phạm (crime) chứ không chỉ là vi phạm hành chính (administrative violation) như VN. Tùy theo nồng độ cồn, mức phạt tối thiểu là 1100 AUD và 3 tháng tước giấy phép, mức phạt tối đa là 3300 AUD và 3 năm tước giấy phép. Nếu tái phạm trong vòng năm năm, mức phạt có thể lên tới 5500 AUD, phạt tù 2 năm và 5 năm tước giấy phép. Biện pháp tịch thu chỉ phù hợp với những tang vật, phương tiện mà việc sử dụng chúng vốn đã bất hợp pháp như ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành. Phạt tù, tăng phạt tiền, tăng thời hạn cấm lái xe Tịch thu phương tiện có vẻ như là con át chủ bài cuối cùng của các nhà quản lý. Tại sao cứ phải bám vào nó mà không tìm cách khác hay hơn, đúng đắn hơn? Như kinh nghiệm của Anh và Australia, bên cạnh phạt tiền, tước giấy phép nghiêm khắc, phạt tù (một vài tháng) có thể được áp dụng. Rõ ràng phạt tù có tính răn đe rất cao, còn hơn cả tịch thu phương tiện. Sở dĩ Việt Nam chưa thể áp dụng hình phạt tù cho uống rượu lái xe vì hành vi này chỉ được coi là vi phạm hành chính mà không phải là tội phạm, theo đó không áp dụng phạt tù. Thiết nghĩ, thay vì đề xuất tịch thu phương tiện, ta hoàn toàn có thể thực hiện một giải pháp căn cơ hơn bằng cách coi hành vi uống rượu lái xe là tội phạm và đưa nó vào Bộ luật Hình sự. Khi đó, thay vì các cơ quan hành chính (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông), thẩm quyền xét xử và áp dụng hình phạt thuộc về tòa án. Đây mới chính là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. • Bùi Tiến Đạt(Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Cứ lỏi nhau ra bàn nhậu bàn rồi xong mai về ta cứ Phan tiếp thế là lại ra 1quy định mới thôi he he
Luật nghiêm cỡ nào, nhưng xử lý không nghiêm thì sẽ không còn tác dụng. Ngoài luật, còn phải quan tâm đến người thi hành luật. Rất mong các bác ở UB ATGTQG nghiên cứu biện pháp xử lý sao cho vừa hợp tình hợp lý, vừa khả thi, không bị lợi dụng - như vậy mới có thể kéo giảm được tai nạn giao thông, và được sự đồng tình của người tham gia giao thông.