Theo Bộ Giao thông Vận tải, xe đưa đón học sinh cần có camera giám sát bên trong, hệ thống còi báo động và âm thanh khẩn cấp giúp các em liên lạc với tài xế.
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô. Trong đó, nhiều quy định riêng được Bộ đề xuất áp dụng cho xe chở học sinh.
"Xe đưa đón phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp. Sau khi tắt máy, tài xế phải đi kiểm tra xe và bấm thiết bị ở cuối xe, nếu không thì còi vẫn phát cảnh báo", Bộ Giao thông Vận tải lý giải.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh có thể lắp đặt thiết bị liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe.
Để giám sát học sinh, ôtô phải có thiết bị quan sát toàn bộ hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong; có hệ thống camera để giám sát lái xe, người giám hộ và toàn bộ học sinh.
Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, cho biết khi soạn thảo quy chuẩn, Cục còn có ý tưởng áp dụng công nghệ để kiểm soát học sinh như các xe có thể áp dụng camera AI để nhận diện, đếm số lượng học sinh khi lên xe. Khi thiếu học sinh rời xe, thiết bị sẽ phát cảnh báo.
Ngoài ra, khi xe đưa đón có hai cửa lên xuống thì cửa thứ hai phải đóng bằng cơ học để người lái xe đi xuống đóng cửa trước khi rời khỏi xe và có thể quan sát học sinh.
"Các thiết bị được lắp đặt thêm như còi báo động không làm tăng thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, còn camera giám sát là yêu cầu bắt buộc đối với xe kinh doanh vận tải chở khách", ông An nói.
Xe đưa đón học sinh phải sơn vàng đậm
Theo dự thảo, phương tiện đưa đón học sinh phải thống nhất sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh hai bên phía trên cửa sổ xe phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Biển hiệu "School bus" có tính năng phản quang hoặc sử dụng đèn led điện tử. Mã xe chở học sinh được đánh số, bố trí ở hai bên thân xe, đằng trước và sau xe chở học sinh.
View attachment 3161670
Xe buýt đưa đón học sinh tại Mỹ với hai điểm thiết kế an toàn: biển Stop bên trái và thanh chắn màu vàng phía trước đầu xe (khoanh đỏ) để học sinh sang đường không bị khuất tầm nhìn tài xế. Ảnh: Business Wire
Để các phương tiện khác nhận diện đảm bảo an toàn giao thông, mặt sau xe đưa đón học sinh phải có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo để các phương tiện khác không được vượt khi xe đỗ ở bến đón, trả học sinh.
Để xe không chạy quá nhanh, xe đưa đón học sinh cần có bộ thiết bị giới hạn tốc độ không quá 80 km/h. Ghế ngồi trên xe cũng phải được trang bị dây đai an toàn. Xe cũng cần có bộ sơ cứu, một bình chữa cháy ít nhất 2 kg đặt gần chỗ ngồi của quản lý học sinh và một bình gần chỗ ngồi của lái xe.
Bộ Giao thông Vận tải muốn giới hạn xe chở trẻ em mẫu giáo không quá 45 người; xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở không quá 56 người.
Theo Ban soạn thảo, việc quy định một màu sắc chung giúp tăng tính nhận diện, phân biệt với phương tiện khác, từ đó người tham gia giao thông biết và chủ động nhường đường khi cùng lưu thông với xe chở học sinh. Hầu hết quốc gia trên thế giới đều đã quy định school bus được sơn màu vàng đậm nên quy định màu đặc trưng giúp xe nhập khẩu từ nước ngoài về không phải sơn lại mà có thể sử dụng ngay để đưa đón học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu về xe chở học sinh cho thấy màu vàng đậm có tác động mạnh đến mắt của người nhìn, tăng khả năng nhận diện xe ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa.
Hiện nhiều quốc gia có quy định chặt chẽ về phương tiện đưa đón học sinh. Tại California (Mỹ), xe buýt chở học sinh phải lắp hệ thống cảnh báo an toàn trẻ em. Đây là còi báo động đặt phía sau xe, nối với động cơ. Khi động cơ được ngắt, tài xế phải đi xuống cuối xe để tắt thiết bị, nếu không còi sẽ vang lên nhằm cảnh báo mọi người. Các bang Tennessee, Texas, Wisconsin cũng có quy định tương tự.
Xe buýt chở học sinh ở Mỹ đều sơn màu vàng đặc trưng, kèm một số chi tiết khác như các thanh ray màu đen ốp bên hông xe như lớp bảo vệ thêm cho thành xe mỏng, giúp hấp thu lực va chạm.
Tại UAE, xe buýt chở học sinh chỉ được phép chạy tối đa 80 km/h. Mọi xe đều phải trang bị hệ thống GPS. Với xe dài đến 10 m phải có một bình cứu hỏa và xe dài trên 10 m phải có hai bình cứu hỏa. Đặc biệt từ 2015, các nhà cung cấp xe buýt trường học đã lắp đặt hệ thống cảnh báo kiểm tra trẻ ngủ trên xe.
Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô dự kiến Bộ Giao thông Vận tải thông qua trong hai tháng tới và có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Sáng 29/5, bé Trần Gia Huy, 5 tuổi, được đón lên xe 29 chỗ để tới trường Mầm non Hồng Nhung ở khu tái định cư xã Phú Xuân, TP Thái Bình. Huy ngồi ngay sau ghế lái, nhưng đã bị bỏ quên. Chiều cùng ngày, từ trình báo của gia đình, nhà trường mới phát hiện cậu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón. Dù được đưa đi cấp cứu, cậu bé đã tử vong trước khi tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Đây không phải lần đầu trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón. Cách đây 5 năm, một học sinh trường quốc tế Gateway ở Hà Nội cũng bị bỏ quên khiến bé tử vong.
>>>> Xem thêm: