Đánh thuế thật cao với biệt thự bỏ hoang?
Đình Sơn
[email protected]
06:12 - 04/06/2021 0 THANH NIÊN
TP.Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
ẢNH: ĐÌNH SƠN
Thực tế từ năm 2011, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án đánh thuế đối với biệt thự bỏ hoang nhưng đến nay vẫn chưa có mức thuế nào được ban hành.
Đánh thuế 10% tổng giá trị
Theo đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.Trước đó vào năm 2011, Bộ Tài chính đã từng đề xuất 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Phương án 1, Bộ Tài chính sẽ dự thảo nghị định trình Chính phủ xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ban hành. Trong đó, quy định nếu sau khi xác định biệt thự nào bỏ hoang, không sử dụng thì thu theo một tỷ lệ nhất định. Ví dụ, sau 3 tháng thu 5% trên tổng giá trị biệt thự, sau 6 tháng thu 10%...
Phương án 2, ngày 1.1.2012, khi luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực thì có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị (diện tích đất tính thuế x giá trị 1 m2 đất).
Phương án 3 là căn cứ vào quy định xử lý vi phạm luật Đất đai, người nào lấn chiếm đất đai, không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bị xử phạt hành chính. Ví dụ, nếu không đưa vào sử dụng trong 6 tháng thì bị phạt 20 - 30 triệu đồng, 6 tháng sau không dùng thì phạt tiếp đến khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, cho thuê, cho mượn thì thôi.
Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cần có chính sách điều tiết thị trường bất động sản bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng...
Mất cơ hội tạo lập nhà ở của người nghèo
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, cho biết thời gian qua dòng tiền đổ vào bất động sản ngày càng nhiều. Trong đó, không ít nhà đầu tư mua nhà đất để đầu tư, đầu cơ mà không ở. Điều này dẫn đến hình thành nhiều khu đô thị “ma”. Điển hình như TP Mới Bình Dương hay các khu đô thị Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 (Bình Dương) với rất nhiều căn nhà, biệt thự xây dựng khang trang nhưng bỏ hoang, không ai ở dù tất cả đã có chủ. Tại TP.Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng xuất hiện nhiều khu vực tương tự với những biệt thự bỏ hoang dù giá trị mỗi căn hàng tỉ, thậm chí chục tỉ đồng. “Họ mua để đó vì tính toán rằng giá nhà đất sẽ tăng, trong khi nếu gửi tiền ngân hàng lãi suất cũng không đáng là bao. Để hạn chế tình trạng này, việc đánh thuế đối với nhà đất bỏ hoang là cần thiết”, ông Dũng nói.Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay.
Việc này gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội. Thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là do giới đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông - hám lợi... Hệ lụy của tình trạng sốt giá cũng không mới, đã từng xảy ra hơn 10 năm trước.
Như câu chuyện của TP.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với 5 lần sốt giá và 5 lần xẹp bong bóng và nhà đầu tư cuối cùng ôm sô, không rút ra kịp thì mất tài sản, thậm chí phá sản trong khi nhà đất bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Do đó, để hạn chế tình trạng bỏ hoang nhà đất, kinh nghiệm từ một số nước cho thấy cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư.
Nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2 - 3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa nhà đất vào sử dụng, để nhà bỏ hoang. Hiện nay ở nước ta thuế suất thuộc luật Thuế phải được Quốc hội thông qua nên chưa “can thiệp” kịp thời. Do đó, có thể giao mức thuế suất này cho Chính phủ quyết định để phù hợp với diễn biến thị trường. “Người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất.
Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ”, ông Châu đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng biệt thự bỏ hoang là lãng phí cả về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị nên về nguyên lý phải điều tiết bằng sắc thuế để làm sao nhanh chóng đưa nhà đất vào sử dụng. Như tại Hà Nội có cả một dự án không có người sử dụng, chứ không chỉ một vài căn. Người có nhiều nhà đưa vào kinh doanh thì tất cả đều hưởng lợi, nhà nước thu được thuế, còn ngược lại để hoang không phát huy được công năng sẽ gây lãng phí. Bên cạnh đó, biệt thự bỏ hoang cũng chỉ là một phần, còn lãng phí nhất là đất bỏ hoang, bị găm giữ. Đối với loại này cũng nên đánh thuế cao, theo ông Đính.
Khi đất không đưa vào khai thác, nhà nước sẽ không thu được tiền sử dụng đất, không thu được thuế, phí và các ngành vật liệu xây dựng, tài chính, lao động cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, ngoài việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang, đối với đất bỏ hoang cũng cần phải đánh thuế thật mạnh, đánh thuế theo lũy tiến để chủ đầu tư sợ mà sớm đưa đất vào kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam