Khi nào cắt giảm kích cầu?
22/07/2009 8:53:23 AM
NHNN đã quyết định giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm nay từ 30% xuống còn khoảng 25% - 27%. Có quá sớm khi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước đang tốt dần lên như hiện nay, cần tính toán một lộ trình cắt giảm dần các gói kích cầu?
Những vấn đề đáng lo ngại
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,36%; dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 28,31%, còn dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 10,48% so với cuối năm 2008.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt, tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán và bất động sản do tiền từ ngân hàng đổ vào là nguy cơ cần phải được ngăn chặn. Khi tình hình kinh tế khó khăn thì lượng vốn hoá trên thị trường chứng khoán lại rất lớn. Cần phải phân tích xem các dòng vốn từ đâu rót vào. Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam có phục hồi nhưng không phục hồi nhanh đến mức như thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện. Các doanh nghiệp có lãi, cũng không có lãi đến mức như thế. Và điều quan trọng là giá chứng khoán của Việt Nam đang cao so với chứng khoán thế giới.
Còn theo Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, thì việc giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng như quản lý và giám sát các dòng vốn cho vay sẽ tránh được tình trạng tỷ lệ nợ xấu gia tăng, đồng thời là một biện pháp quan trọng tránh lạm phát quay trở lại và giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Việc nới lỏng tiền tệ dẫn đến lạm phát, không chỉ đơn giản làm cho giá tiêu dùng tăng mà giá của tất cả các loại nguyên nhiên liệu cơ bản, tài sản đều tăng dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản, bong bóng thị trường chứng khoán... Nó sẽ có hiệu ứng vào toàn bộ xã hội, tất cả các nguồn lực xã hội bỗng chốc tan biến khi chúng ta “đạp phanh” chống lạm phát.
Cần lộ trình cắt giảm hợp lý
Lạm phát quay trở lại là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới do có một lượng tiền lớn từ gói kích cầu được đưa vào nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, bên cạnh việc giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thì cũng nên tính đến một lộ trình cắt giảm dần gói kích cầu. Lộ trình này cần phải hợp lý để các thành phần kinh tế dần thích nghi, tránh bị “sốc”.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, gói kích cầu ban đầu dự định 8 - 9 tỷ USD. Tuy nhiên, tại mỗi thời điểm phải khác nhau. Khi nền kinh tế trong nước và thế giới khôi phục trở lại thì cần gói kích cầu bao nhiêu là chuyện nên tính lại. Bởi vì, điều kiện thay đổi thì các giải pháp cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Nếu không, sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng.
Hiện nay, việc cần làm là tính toán giảm gói kích cầu. Quan trọng là chất chứ không phải là lượng. Nên rà soát lại cơ cấu của gói kích cầu. Có những gói có thể không cần, ví dụ như các gói ngắn hạn là có thể bớt đi. Nên tập trung hơn cho hướng dài hạn, có tính tạo lập cho sự phát triển dài hạn. Với những gói đang triển khai, nên tăng giám sát.
Nền kinh tế của chúng ta đang dần hồi phục. Vấn đề đặt ra ở đây là nền kinh sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh hay chậm. Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cần phải tập trung nguồn lực vào những doanh nghiệp thực sự hiệu quả, những lĩnh vực kinh tế thực sự trọng yếu. Gói kích cầu mà chúng ta đang thực hiện tuy lớn nhưng còn dàn trải, chưa tập trung. Trong thời gian vừa qua, do thực hiện nhanh nên sự hỗ trợ mang tính cào bằng, không loại bỏ được những doanh nghiệp yếu kém. Không những thế, nếu kéo dài gói kích cầu, các doanh nghiệp sẽ không phát huy được sức cạnh tranh tính sáng tạo và ỷ lại.
Nhiều nước trên thế giới đang xem xét việc cắt giảm gói kích thích kinh tế. Đối với Việt Nam, đây là bài toán cần được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh bội chi ngân sách ở mức cao và nguy cơ lạm phát đang hiện hữu quay trở lại vào năm 2010.
Theo VOV News