Chiện đó từ từ tính nhá
cái cấp thiết bây giờ là giải quyết cho chị Ngân và anh Sách nên dự là sẽ bị thúc sớm ban hành thui...
Thuế tài sản: ‘Nên đánh luỹ tiến để tránh bất công’
Duy Phan - 08:16 27/06/2018
(VNF) - Nhiều chuyên gia nhận định, thuế tài sản cần đánh luỹ tiến để đảm bảo công bằng. "Có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ví dụ mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 1%", Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Nhiều chuyên gia nhận định, thuế tài sản cần đánh luỹ tiến để đảm bảo công bằng.
Nên đánh thuế lũy tiến
Phát biểu tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”, từ kinh nghiệm quốc tế, bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho hay,
Luật thuế tài sản ở Việt Nam nên áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng…
Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất) giữ nguyên theo quy định hiện hành. Về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).
Về giá nhà, đất để tính thuế, trong ngắn hạn, căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Về trung và dài hạn, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường.
Về thuế suất, bà Mai Liên đề xuất, Luật thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Đồng thời, nên có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ.
“Nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc”, bà Liên đề xuất.
Đồng quan điểm trên, dưới góc nhìn của chuyên gia,
luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cho rằng nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công.
"Việc đánh thuế tài sản trước hết phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, nguồn thu của người nộp thuế. Có nghĩa là nếu có ít tài sản thì không nên đánh thuế”, ông Đức nói.
Về đề xuất tại dự thảo của Bộ Tài chính mức thuế với nhà là 0,4% (ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng) và với đất cũng là 0,4%, ông Đức cho rằng, nên đánh thuế ở mức thấp và có biểu thuế lũy tiến.
"Có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ví dụ mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 1%", luật sư cho hay.
Vị luật sư cũng cho rằng, có thể để mức thuế suất thấp ban đầu khoảng 0,1% và có thể tăng lên 0,3%-0,4% sau 10 năm.
"Không nên cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp. Như thế là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là phải có dữ liệu nhà, đất để đảm bảo công bằng và tránh tình trạng “người có 10 cái nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Kinh nghiệm quốc tế
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển, Đại sứ quán Canada cho biết thuế tài sản ở nước này được xem xét dựa trên nguyên tắc số tiền nộp thuế phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu. Theo ông, ở Canada tất cả tài sản đều phải nộp thuế, người nghèo cũng phải nộp thuế tài sản.
Trước các ý kiến tranh luận về việc áp dụng cùng mức thuế áp dụng đều cho tất cả các tài sản như vậy sẽ không công bằng với người nghèo, ôngNicolas Drouin cho biết ở Canada thuế tài sản được coi như một khoản giảm trừ khi người dân đóng thuế thu nhập cá nhân.
"Khi người nghèo nộp thuế tài sản xong có thể lấy phần thuế đó giảm trừ vào thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, trách nhiệm nộp thuế tài sản là của tất cả mọi người. Đây là cách để Canada đảm bảo công bằng trong xã hội", ông Nicolas Drouin thông tin.
Cũng theo ông Nicolas Drouin, nguyên tắc thu thuế tài sản của Canada tuân thủ hai nguyên tắc là lợi ích mà chủ tài sản nhận được từ các dịch vụ công được cung cấp và khả năng đóng thuế của chủ tài sản chịu thuế.
Lấy ví dụ cụ thể của bang Ontario, chính quyền bang được ban hành luật, đưa ra các chính sách về thuế tài sản và quy định mức thuế giáo dục. Chính quyền đô thị sẽ xác định nhu cầu thu ngân sách, xác định mức thuế áp dụng tại đô thị và thực hiện thu thuế tài sản. Cứ 4 năm/lần, Tập đoàn định giá Tài sản Ontario sẽ định giá khoảng 5 triệu tài sản.
Quá trình đánh giá thuế tài sản tại bang này có đến 200 tiêu chí được sử dụng. Trong đó, 5 tiêu chí quan trọng chiếm đến 85% nội dung định giá là về vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời tài sản, chất lượng xây dựng.