Người lái xe máy có thể phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước... là điểm mới của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì có nhiều điểm mới.
Bộ Y tế sẽ quy định về khám sức khỏe định kỳ với người lái xe máy
Khoản 3 điều 51 của dự thảo nêu rõ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe.
Nội dung này đã thay đổi so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành là người lái xe máy không phải khám sức khỏe định kỳ. Bộ Y tế chỉ quy định việc khám định kỳ đối với người lái ôtô.
Nếu quy định được áp dụng sẽ tác động tới đông đảo người dân. Vì theo thống kê đến hết năm 2021, Việt Nam có hơn 67 triệu xe máy. Với dân số hơn 98 triệu, trung bình cứ ba người có hai xe máy.
Trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước
Khoản 3, điều 9 của dự thảo quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ôtô con (ghế trước ôtô).
Trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế thiết kế dành cho trẻ, trừ ôtô kinh doanh vận tải hành khách. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ. Nội dung này được bổ sung so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Xe đưa đón học sinh phải có đèn cảnh báo hoặc màu sơn riêng
Điều 46 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định ôtô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu như: Bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.
Ôtô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Trước khi tổ chức đưa đón học sinh, cơ sở giáo dục đào tạo phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải cấp tỉnh thông tin gồm: Hành trình đưa đón, danh sách phương tiện, danh sách lái xe; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng (nếu có).
Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, xe chở học sinh được quản lý giống như các loại xe hợp đồng chở khách.
Nhà chức trách kiểm tra giấy tờ xe trên ứng dụng VNeID
Theo điều 49 dự thảo luật, người tham gia giao thông phải mang các giấy tờ như bằng lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, giấy bảo hiểm. Trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước thì người lái xe không phải mang theo.
Như vậy, người lái xe sẽ không cần mang theo giấy tờ xe khi đã tích hợp các loại giấy tờ này trong tài khoản VNeID. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thông tin phương tiện và người lái qua ứng dụng này.
Lái xe kinh doanh vận tải không làm việc quá 8 giờ mỗi ngày
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định người lái xe kinh doanh vận tải không lái xe quá 8 giờ trong một ngày. Ngoài ra, khung 6h-22h, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng; dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt và 15 phút đối với tài xế xe vận tải.
Từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, tài xế không được lái xe liên tục quá 3 tiếng; dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với tài xế xe vận tải.
Đề xuất này được điều chỉnh so với Điều 65 Luật Giao thông đường bộ hiện hành - thời gian làm việc của lái xe kinh doanh vận tải không được quá 10 giờ trong một ngày, không lái xe liên tục quá 4 giờ, không phân biệt ngày hay đêm.