Đọc bài này mới biết Hiệu Trưởng trường ĐH Y Dược TP. HCM có gia thế khủng
https://tuoitre.vn/chuyen-ve-nu-biet-dong-thanh-diep-tu-anh-20190822163700814.htm
Chuyện về nữ biệt động thành Diệp Tú Anh
06/09/2019 09:11 GMT+7
203Lưu
TTO - 88 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, trải qua bao dâu bể thăng trầm, bà - một nữ biệt động thành gốc Hoa vẫn kiên định: cảm ơn Đảng vì đã cho tôi bản lĩnh, nghị lực...
Nữ biệt động thành Diệp Tú Anh trong lễ nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng ngày 17-5-2019. Ảnh: VTC
Nữ biệt động thành gốc Hoa ấy có cái tên rất đẹp:
Diệp Tú Anh. Diệp Tú Anh là thế hệ thứ ba của gia đình doanh nhân họ Diệp nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam). 16 tuổi, Diệp Tú Anh trốn gia đình đi theo cách mạng.
Tiểu thư Hội An dấn thân theo cách mạng
"Vì thần tượng Bác Hồ mà tôi muốn đi theo cách mạng", bà nói. Hai năm sau, ở tuổi 18, Diệp Tú Anh được kết nạp Đảng. Tổ chức muốn đưa cô về hoạt động hợp pháp ở Hội An. Trước đó Hội An là vùng cơ sở trắng.
Về Hội An, Diệp Tú Anh vận động, tập hợp được nhóm sinh viên, trí thức và lập ra sách Tinh Quang. Cô phụ trách tổ in ấn bí mật để phổ biến tài liệu. Diệp Tú Anh còn tổ chức đường dây liên lạc từ Hội An vào ra chiến khu. "Giới trí thức người Hoa, lao động khuân vác người Việt và những bà con đưa đò trên sông Thu Bồn lần lượt trở thành cơ sở cách mạng do chúng tôi tổ chức", bà Diệp Tú Anh cho hay. Tú Anh còn được tổ chức giao nhiệm vụ vận động quyên góp và chuyển dụng cụ, thuốc men ra vùng kháng chiến, từ Đà Nẵng về Hội An.
Ảnh ghép gia đình bà Diệp Tú Anh - Ảnh chụp lại
Năm 1955, thấy có khả năng bị lộ, Tú Anh được tổ chức điều vào Sài Gòn. Cô được giao nhIệm vụ vận động công nhân hãng pin Con Ó tham gia chính trị, đấu tranh đòi quyền lợi. Tháng 7-1955, 24 tuổi, Diệp Tú Anh bị bắt. Địch đưa Diệp Tú Anh về khám Catinat tra tấn đủ trò chết đi sống lại. "Tôi dặn lòng: Có chết cũng phải nêu gương, quyết không khai gì", bà Diệp Tú Anh nói. Có lần, nửa đêm, hai tên lính lôi Tú Anh ra sân dọa bắn nhưng cô vẫn không chịu học tố cộng và chào cờ. Những năm sau đó, Diệp Tú Anh bị đưa sang 5 nhà lao khác nhau. Cuối năm 1960, sau hơn 5 năm giam cầm, không khai thác được gì, địch phải thả Tú Anh ra.
Ra tù, Diệp Tú Anh nhanh chóng gia nhập tổ chức Hoa Vận Sài Gòn.
60 ngày, nghĩa trọn trăm năm
Nữ biệt động thành Diệp Tú Anh (hàng trên, bìa trái) trong vỏ bọc là y tá Nhà bảo sanh quận Năm để hoạt động tại Sài Gòn. Ảnh chụp lại
Năm 1964, Diệp Tú Anh kết hôn với Trần Huân Phương – chàng thanh niên miền Tây mà cô đã gặp trong tù. Cuối năm 1967, vợ chồng Tú Anh – Huân Phương được tăng cường về cơ quan Hoa Vận để chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Con trai đầu lòng Trần Diệp Tuấn khi đó mới 10 tháng tuổi. Để toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ, vợ chồng Tú Anh đành gửi con về Campuchia cho người anh đang hoạt động hợp pháp ở Phnom Penh nuôi.
Sau đợt phản kích Mậu Thân năm 1968, Diệp Tú Anh nhận lệnh trở vào vùng địch chiếm với nhiệm vụ xây dựng cơ sở mới ở Biên Hòa. Khi chia tay chồng, Diệp Tú Anh vẫn chưa biết mình đã mang thai... Cuối năm 1968, Tú Anh sinh con trai thứ hai, đặt tên là Diệp Dũng. Khi con 10 tháng tuổi, Diệp Tú Anh phải gửi con về Quảng Nam nhờ mẹ chăm để tập trung làm nhiệm vụ.
Một năm sau, Tú Anh lặn lội về căn cứ thăm chồng. Cô mang cả quà tặng anh sau chuỗi ngày xa cách. Nhưng không thấy chồng đâu. Tổ chức đưa cho cô một balo cùng những kỷ vật là bức ảnh, chiếc radio, một chiếc đèn con, mấy bộ quần áo và ...tờ giấy báo tử! Chồng và em chồng Diệp Tú Anh đã hy sinh trong đợt tiến công Tết Mậu Thân năm 1968! Có chồng 3 năm nhưng sống với nhau tổng cộng được 60 ngày thì âm dương cách biệt.
Diệp Tú Anh ngất đi khi đối diện với nỗi đau quá lớn...
Bà Diệp Tú Anh chụp ảnh cùng con trai Trần Diệp Tuấn trước khi gửi con sang Campuchia. Ảnh chụp lại
Cô trở lại Sài Gòn xây dựng cơ sở, chôn giấu nỗi đau tận đáy lòng, quyết tâm không cho ai biết chồng đã hy sinh. Mãi đến năm 1974, Diệp Tú Anh mới có thể đón hai con trai về đoàn tụ.
"Hồi đó tôi gửi thằng Tuấn qua Campuchia cho anh Giao nuôi. Khi anh tôi vô rừng hoạt động, lại gửi cho người khác nuôi. Thằng Tuấn có 5 – 6 má, nó không biết ai là má thiệt. Về gặp tôi nó không chịu nhận má. Hai đứa nhỏ không nói chuyện được với nhau. Thằng Dũng thì nói giọng Quảng Nam đặc sệt. Thằng Tuấn thì nói toàn tiếng Campuchia", bà Diệp Tú Anh bật cười khi nhớ lại.
Chiếc đèn và radio – những kỷ vật của người chồng, người đồng chí đã hy sinh năm 1968, được bà Diệp Tú Anh trân trọng cất giữ
Năm 1979, chỉ 4 năm sau ngày thống nhất đất nước, bà xin nghỉ hưu, tần tảo làm đủ việc để nuôi con. Lúc đó bà gầy lắm, chỉ còn 36kg. Bà làm y tá cho một phòng khám tư, ngoài giờ còn nhận đi chích thuốc dạo, cứ một mũi được 2 đồng, 5 đồng. Rồi dạy học, dạy kèm.
"Bịnh cũng phải ráng làm. Không hiểu sức lực đâu mà làm được", bà nói. Sáng sớm, bà dậy từ 3g, đạp xe từ quận 10 xuống Hóc Môn mua vỏ xe đạp về làm lại bán. Công việc dần thuận lợi, bà xây dựng nên thương hiệu vỏ xe Hồng Mã. "Mệt đến đâu, tối về tôi vẫn dạy học cho hai đứa. Nó bảo: má ơi, chừng nào con mới giỏi bằng má. Tôi nói: trời ơi. Tụi bay phải giỏi hơn má, chớ giỏi bằng má là chết rồi", bà cười giòn tan, nhớ lại xa xưa...
Người phụ nữ ấy vượt qua dông bão, sóng gió của thời cuộc, kể cả những thiệt thòi bằng tâm thế bình thản và sự lạc quan. Ở cái tuổi tóc đã ngả màu sương khói, bà có thể mỉm cười mãn nguyện vì cả hai người con đều thành đạt.
Con trai lớn là PGS.TS Trần Diệp Tuấn, hiện là Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM. Con trai thứ hai mang họ mẹ: Diệp Dũng – hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co-op).
Năm 2007, bà mới tìm được hài cốt chồng và em chồng.
Suốt đời, bà dành tình cảm đặc biệt cho chồng và em chồng. Bức tranh do bà Diệp Tú Anh vẽ: 2 bụi cỏ là chồng và em chồng, cây có 3 bông hoa là bà và hai người con
"Má cả một đời khắc khoải vì mối tình trong sinh ly tử biệt. Khi chúng tôi vô đại học, chúng tôi nói má đi bước nữa nhưng má chỉ cười", anh Diệp Dũng, con trai út của bà Diệp Tú Anh, nói.
Sống bên nhau vẻn vẹn 60 ngày nhưng tình yêu ấy như ngàn năm, ngàn kiếp. Bởi bà yêu chồng không chỉ bằng tình yêu của một người vợ, mà còn là tình đồng chí son sắt của những người đã cùng vào sinh ra tử mấy lần. Chỉ 60 ngày bên nhau nhưng là cả cuộc đời với nữ biệt động thành... "Yêu lắm. Đến giờ vẫn còn yêu... Tôi luôn cảm nhận được anh ấy luôn bên tôi, an ủi động viên tôi vượt qua khó khăn, đau buồn", bà nói, đôi mắt rưng rưng...
"Tôi đi làm cách mạng là vì giai cấp tôi yêu, vì giải phóng dân tộc, không phải vì muốn tiến thân, tư lợi. Con đường cách mạng của tôi có những kỷ niệm đắng cay, đau buồn, thua thiệt, cái chết lúc nào cũng rình rập. Nhưng tôi không buồn cho mình. Cuộc đời phải có cay đắng, thăng trầm thì mới biết được ý nghĩa của ngọt bùi, hạnh phúc", nữ biệt động thành mỉm cười nói, gương mặt bình thản, nhẹ nhàng như mây trắng...