RE: Giá mới nhất của Magnus là bao nhiêu?
Trích đoạn: sonnguyen
Mà em cũng không hiểu GM tính toán kiểu gì. Mua thương hiệu công ty khác rồi dán 1 số Logo nổi tiếng, còn Logo kia thì kg xài, vậy thì mua làm gì? Để tiền đó xây dựng thêm nhà máy, nghiên cứ thêm mẫu mã mới và gắn kết một thương hiệu uy tín phải hay hơn kg?
Bác đọc bài này sẽ hiểu hơn
http://dantri.com.vn/otoxemay/2007/2/168091.vip?SearchTerm=gm
Daewoo: Thành công của GM
(Dân trí) - Liệu GM có thành công nếu mua lại phân nhánh Chrysler đang thua lỗ của DaimlerChrysler? Câu hỏi đó vẫn chưa có lời đáp. Nhưng ở Hàn Quốc, ban lãnh đạo GM đã chứng minh việc mua lại Daewoo là quyết định sáng suốt.
GM mua lại Daewoo Auto & Technology, hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 2 Hàn Quốc nhưng đang trong tình trạng phá sản, vào năm 2002. Từ đó đến nay, doanh số của GM Daewoo đã tăng gần 4 lần và Daewoo đã trở thành động lực tăng trưởng của GM tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc và châu Âu.
2006 là một năm thành công rực rỡ của GM Daewoo. Mặc dù vẫn chỉ là hãng ô tô lớn thứ 3 Hàn Quốc, sau Hyundai và Kia, nhưng với việc trình làng mẫu xe thể thao việt dã đầu tiên và mở một nhà máy sản xuất động cơ diesel mới, GM Daewoo đã trở thành hãng ô tô duy nhất của Hàn Quốc tăng thị phần trong nước trong năm 2006, trong bối cảnh thị trường ô tô “xứ kim chi” khá ảm đạm - tổng số xe tiêu thụ vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 1,15 triệu chiếc. Năm ngoái, thị phần của GM Daewoo tại Hàn Quốc tăng 1,5 điểm lên 11%. Đỉnh cao của Daewoo là thị phần 16,8% vào năm 2000, trước khi bị phá sản.
Việc khôi phục uy tín của Daewoo tại bản quốc đòi hỏi phải có nhiều sản phẩm mới vì hình ảnh của hãng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ phá sản. Năm ngoái, GM Daewoo tung ra thị trường hai mẫu xe mới là Winstorm - xe compact SUV và Tosca - sedan cỡ trung bình trang bị động cơ L6 được sản xuất với sự hỗ trợ của các kỹ sư của GM. Hai mẫu xe mới này chiếm 42% tổng doanh số của GM Daewoo tại Hàn Quốc.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Nhằm thực hiện các cam kết về chất lượng sản phẩm, GM Daewoo có chính sách hoàn trả toàn bộ tiền cho những khách hàng không hài lòng với xe của hãng trong vòng 1 tháng sau khi mua xe hoặc khi xe chưa chạy quá 1.500 km. Ngoài ra, Tosca là mẫu xe sedan 2.0L đầu tiên của Hàn Quốc được trang bị động cơ 6 xi-lanh và hộp số tự động 5 cấp. Xe sedan 2.0L là dòng xe phổ biến nhất hiện nay ở Hàn Quốc. Thêm nữa, xe Tosca có giá rẻ hơn đối thủ - Hyundai Sonata - khoảng 400 USD.
Trong khi đó, xe Winstorm là xe compact SUV đầu tiên có tính năng “active-on-demand” (dẫn động chủ động), cho phép xe chuyển sang hệ dẫn động 4 bánh trong điều kiện đường trơn trượt.
Tuy nhiên, thành công lớn hơn của GM Daewoo đến từ xuất khẩu, bao gồm cả hình thức xuất khẩu linh kiện để lắp ráp xe tại nước ngoài. Năm 2006, xuất khẩu xe của GM Daewoo tăng 33% lên 1,4 triệu chiếc. Ô tô của GM Daewoo được xuất sang 150 nước, trong đó, Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ là 3 thị trường lớn nhất. Cùng với doanh số 128.300 chiếc tại Hàn Quốc, tổng doanh thu của GM Daewoo trong năm 2006 đạt 1,53 triệu chiếc, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng xe của GM, tăng gấp rưỡi so với mức 10% của 1 năm trước đó.
Các con số này cũng đồng nghĩa với việc phân nhánh tại Hàn Quốc này đang giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến của GM với Toyota nhằm bảo vệ danh hiệu nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới. “Mua lại Daewoo Motor có lẽ là quyết định chiến lược quan trọng nhất của GM trong mấy năm trở lại đây,” Stephen Ahn, nhà phân tích thị trường ô tô của công ty đầu tư và chứng khoán Woori ở Seoul, nhận xét. “Nếu không có đóng góp hơn 1,5 triệu xe của Daewoo thì có lẽ GM đã bị Toyota tiếm ngôi từ năm ngoái.”
Lợi thế của Hàn Quốc
Ban lãnh đạo GM thừa biết tầm quan trọng của Daewoo đối với việc giới thiệu nhãn hiệu Chevrolet ở châu Âu, Trung Quốc và một số thị trường khác. Năm ngoái, GM Daewoo đã sản xuất tổng cộng 280.000 xe Chevrolet để tiêu thụ tại châu Âu, và hãng sản xuất xe hơi Hàn Quốc này đã xuất khẩu 312.400 xe sang Trung Quốc dưới dạng linh kiện lắp ráp. Sự tăng trưởng của GM tại thị trường Mỹ Latinh và Trung Đông phần nhiều cũng nhờ GM Daewoo.
Hiện nay, GM đang có kế hoạch tăng doanh số tiêu thụ xe Chevrolet ở châu Âu bằng cách sử dụng xe SUV mới và động cơ diesel của Daewoo. Ngoài ra, GM dự kiến sẽ tiêu thụ một số mẫu xe của GM Daewoo dưới các nhãn hiệu khác nhau của GM. Ví dụ như xe Winstorm SUV, hiện đang được bán với tên Chevrolet Captiva, đã được các kỹ sư người Đức có một số thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng ưa chuộng nhãn hiệu Opel. Trong một vài tháng tới, mẫu xe này sẽ được bán tại châu Âu với nhãn hiệu Opel Antara. Ở Australia, chiếc xe mang tên Holden Captiva.
Nhỏ để tồn tại
Vai trò quan trọng nhất của Daewoo đối với GM là trong phân khúc xe cỡ nhỏ, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, cũng như Mỹ Latinh, có rất nhiều đối tượng khách hàng mua xe lần đầu muốn tìm xe giá rẻ, và GM Daewoo đang chịu trách nhiệm sản xuất xe cỡ nhỏ và cực nhỏ (mini) cho tất cả các nhãn hiệu của GM. “Điểm khác biệt lớn nhất giữa GM và Ford là thế mạnh của GM trong phân khúc xe cỡ nhỏ và thế mạnh đó do GM Daewoo mang lại,” ông Ahn của công ty Woori nói.
GM dự kiến đến năm 2011 sẽ tăng sản lượng xe cỡ nhỏ lên 28 triệu chiếc, chiếm 35% trong tổng số khoảng 80 triệu xe của hãng trên toàn thế giới. Trong 28 triệu chiếc xe đó, lãnh đạo GM cho rằng xe có giá dưới 9.000 USD sẽ chiếm hơn một nửa, tăng thêm 10% so với tỷ lệ khoảng 40% hiện nay. Mức giá 9.000 USD của xe cỡ nhỏ của GM Daewoo, chủ yếu dưới nhãn hiệu Chevrolet Aveo và Spark, thấp hơn giá xe cùng loại Hyundai và Toyota những vài trăm USD.
Trong tương lai, việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ dòng xe bình dân có ý nghĩa sống còn với GM, đặc biệt là khi hãng thực hiện kế hoạch tái cơ cấu để cải thiện thị phần tại Mỹ. Ngoài ra, giá nhiên liệu đắt đỏ và yêu cầu về khí thải càng làm gia tăng nhu cầu đối với các loại xe nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu.
Thách thức
Thách thức lớn nhất hiện nay của GM Daewoo là chi phí. Thị trường đòi hỏi xe giá rẻ, và đây cũng là thế mạnh mà hãng cần duy trì, trong khi chi phí nhân công đang có xu hướng tăng. Thêm vào đó là sự lên giá của đồng nội tệ, khiến Hàn Quốc đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh trong sản xuất. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Rumani đang hiện lên như các trung tâm lắp ráp xe hơi cạnh tranh về chi phí. Do đó, Hàn Quốc sẽ phải kiểm soát được vấn đề chi phí sản xuất nếu muốn tiếp tục là trung tâm phát triển và sản xuất xe mới của GM.