Re:GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG: TP.HCM - NINH CHỮ
Các bác, em định chuyển chương trình đi Bình Tiên lên sáng thứ 6 - 23/4/2010 lun áh. Vì biển ở đó đẹp quá trùi (trang 1) --> nhâm nhi hải sản + cắm trại vui chơi. Trưa về ghé Ngọc Sương cơm trưa
@ bác Green.co: bác cho em mượn cái bếp nướng mà bác khoe mới mua nhen
để nướng hải sản phục vụ các bác
Nghe đồn mùa này có món dông, okie lém. Em sẽ đưa vào chương trình ẩm thực của "chiến" nì lun ah
Thông tin ẩm thực:
Nói về đặc sản của Ninh Thuận không thể bỏ qua món dông. Đây là một loài bò sát sống ở những đụn cát đầy nắng nóng. Thịt dông thơm, mềm và có vị ngon ngọt. Người ta có thể ướp dông với sả và gia vị rồi đem nướng hoặc có thể làm món dông bằm xúc bánh tráng
Dông 7 món!
Thịt dông thường được các đầu bếp ở Ninh Thuận chế biến thịt dông thành 7 món rất sành điệu: gỏi dông, chả dông, dông nướng, dông rôti, dông hấp, dông nấu dưa hồng và cháo dông.
Làm gỏi dông rất công phu, phải có "bí quyết" nhà nghề mới chế biến được. Làm sạch ruột, lột da, đưa vào lò nướng, khi thịt dông vàng mới lấy ra. Sau đó băm nhuyễn, xào chín và trộn với trái cóc hoặc xoài cắt chỉ nhỏ, rau thơm, đậu phộng rang giòn và đặc biệt phải có "lá xoài dông", một thứ lá cây mọc trên các vách đá vùng khô hạn, có vị chát. Gỏi dông ăn chung với bánh tráng dày, nhiều mè, xúc mãi không chán.
Hấp dẫn hơn là món dông nướng. Có hai cách để làm dông nướng, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Dông nướng để nguyên da, và dông nướng ướp muối ớt sau khi đã lột da. Ngon nhất trong con dông nướng là mật và trứng dông. Mật dông có vị béo nhân nhẩn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, bùi bùi dùng không ngán, được xem là một loại sơn hào hải vị.
Dông nướng chấm muối ớt chanh, kèm với lá xào dông vừa cay lại vừa chua (một loại lá rừng đặc biệt chỉ có ở Ninh Thuận được người Chăm sử dụng phổ biến trong ẩm thực), có hương vị đặc trưng. Xương dông rất mềm, nhai trong miệng lụp bụp, nhâm nhi với ly rượu thuốc thật thú vị.
Thưởng thức dông 7 món phải tuân theo thứ tự, trước hết là gỏi, hấp, rôti... và cháo dông là món sau cùng vừa ấm bụng mà lại cảm nhận được hương vị của từng món ăn.
Bún sứa bà Hòa
Quán nhỏ. Không bảng hiệu. Chủ quán cũng ít ai biết tên và quán là duy nhất. Nên bạn chỉ dừng ở bất kỳ đâu ở nội thị và hỏi bất kỳ anh xe ôm hay chị công chức nào cũng đều được chỉ đúng nơi, đúng chỗ.
Đạt được sự nổi tiếng ở vỉa hè ấy là bà chủ quán phải trải qua hơn 10 năm chung thuỷ với món ăn này. Chỉ có những vòng khuấy và nêm gia vị, nước lèo hình như có "chuyên nghiệp", điêu luyện hơn, vừa miệng khách hơn mà vẫn thể hiện được cái vị riêng không lẫn vào đâu.
Tháng 2 là mùa tạo sứa già, con sứa già chắc và dày thịt, mỗi đốt sứa trong vắt như thể lõi cơm của trái chôm chôm, ngâm nước ấm, khi ăn, cho vào tô "đẳng cấp bún cá" cùng rắc chút hột đậu phộng rang, lập tức "tăng level". Và cái "level" ấy chỉ đạt đỉnh khi sứa phải có chút mắm ruốc cộng với rau sống (có bắp chuối thái mỏng, sợi rau muống, xú-plơ…) trộn đều, cho ít ớt cay thái nhuyễn… ăn rất thấm. Và đó cũng là cách ăn bún sứa của người Phan Rang ở quán bà Hoà.
Những tháng còn lại trong năm, sứa hơi hiếm, nên chủ quán phải độn thêm ít sứa khô, một loại sứa được sản xuất ở Hà Nội theo công nghệ Đài Loan. Một phần sứa khô hai phần sứa tươi như là một bài tung hứng khá đẹp và tự nhiên trong bản nhạc dân gian bún sứa đa thanh. Cái cảm giác vị sứa giòn, hơi nồng lợ mùi biển ngọt tan dưới kẽ răng cùng vị hanh hanh của nó với mùi mắm tôm, đậu phộng rang "thơm cay nhức óc"… Với vị đậm của ruốc, bà chủ luôn chủ động phóng khoáng về lượng rau trong mỗi khẩu phần.
Khi được hỏi vì sao 10 năm rồi không mở rộng quán để kinh doanh lớn, bà Hoà xuề xoà: "Một mình một chợ. Vả lại nấu ít mà ngon là được rồi"!
Lưu ý, khi đến Phan Rang, có ý định ăn bún sứa quán bà Hoà (hay cô Kiều), thì bạn nhớ đi vào khoảng thời gian từ 15g đến 18g30. Ăn tô bún sứa ngon toát mồ hôi hột xong, có khi ai đó bảo rằng, bún sứa là món có gốc gác từ xứ xương rồng cát trắng, có khi bạn… đâm ra tin tưởng cũng nên! Cái ngon có lý lẽ của nó !
Cơm gà Phan Rang
Loại gà để làm nên món cơm gà nổi tiếng ở đây là gà mái thả vườn. Những con gà này được nuôi thả trong các trang trại chăn nuôi trên vùng đất đồi núi. Người ta không dùng gà tơ để làm món cơm gà vì thịt gà tơ nhạt và rất mềm, mà chọn loại gà mái vừa mới đẻ trứng lần đầu, có màu da vàng ươm. Muốn lựa chọn gà ngon, đúng lứa, chủ tiệm cơm gà phải có kinh nghiệm "bí truyền" và mua với giá đắt hơn nhiều lần so với các loại gà khác.
Chọn gà đã khó, nấu cơm lại càng khó hơn. Các loại nước tỏi, gừng, muối... được tao với dầu ăn, sau đó trộn chung với gạo dẻo. Khi nước sôi, người ta đổ gạo vào nồi, đậy kín nắp. Người nấu cơm phải canh chừng lửa, khi nồi cơm vừa cạn nước là phải chuyển sang lò than để hấp nóng. Cách nấu này làm cho từng hạt cơm săn chắc nhưng lại dẻo.
Khi cơm gà được "lên mâm, lên bát", thực khách sẽ không kìm lòng được trước vẻ bắt mắt và mùi thơm quyến rũ của món ăn. Cơm gà thường dùng với một trong 3 loại thức chấm đặc biệt: nước hèm rượu pha với nước mắm, nước mắm pha đường nấu sền sệt với ớt giã nhuyễn, muối ớt hành và một đĩa rau răm.
Con gà sau khi hấp chín, được chặt thành từng miếng lớn và dọn ra đĩa để khách lựa chọn.
Khi ăn cơm gà, bạn nhớ dùng tay để xé từng sớ thịt. Như thế mới tận hưởng hết hương vị đặc biệt của món cơm gà mà chỉ Ninh Thuận mới có.