Theo nguồn tin từ Kr-Asia, Grab đã tiến hành đàm phán với Uber để mua lại mảng kinh doanh khu vực Đông Nam Á. Nếu thành công, Grab có thể trở thành nền tảng chia sẻ xe lớn nhất và độc quyền tại khu vực này. [pagebreak][/pagebreak]
Nắm giữ những cổ phần quan trọng tại Uber và Grab, nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản SoftBank đang có ý định hợp nhất 2 hãng này ở thị trường Đông Nam Á. Grab đã bắt đầu quá trình đàm phán với Uber, mua lại hoạt động của dịch vụ đi chung xe này ở khu vực trên. Nhờ đó, nếu thành công, hãng sẽ trở thành dịch vụ gọi xe lớn nhất khu vực và có nhiều cơ hội để mở rộng hơn tại Đông Nam Á, nơi được đánh giá là thị trường Internet lớn thứ 4 thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên Uber bán "mình". Trước đó vào năm ngoái, Uber đã chuyển các hoạt động của công ty tại Trung Quốc sang cho Didi Chuxing nhằm kết thúc cuộc chiến tốn kém với hãng nội địa Didi. Sau việc đó, Uber đầu tư mạnh hơn vào thị trường Đông Nam Á đang phát triển. Nhưng nếu Grab đàm phán thành công, thị trường này sẽ rơi vào thế độc quyền của thương hiệu này.
Năm ngoái hãng Grab tuyên bố chiếm đến 95% thị phần trong ứng dụng gọi xe của bên thứ 3, chiếm 71% lĩnh vực gọi xe riêng, và đã hoàn thành 1 tỷ chuyến đi trong khu vực SEA. Uber tuy cũng công bố đạt được 5 tỷ chuyến đi trên toàn cầu nhưng lại không nói rõ tỷ lệ chuyến ở từng thị trường.
Nếu như Uber có mặt tại 80 quốc gia trên toàn thế giới và có mặt trên 60 thành phố trong khu vực, thì Grab cũng không kém cạnh khi phủ rộng 160 thành phố tại các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, và Campuchia.
Không những thế, dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng với cách kinh doanh linh hoạt, Grab đang dần mở rộng thị trường của mình. Grab am hiểu thị trường địa phương, cũng như những điều chính để thích nghi với nhu cầu riêng của từng thị trường. Grab rất linh hoạt trong phương thức thanh toán và chấp nhận cả tiền mặt cũng như thẻ ngân hàng. Điều này đã thu hút các tài xế lẫn khách hàng tham gia dịch vụ, bởi tại khu vực này vẫn rất ưa chuộng giao dịch bằng tiền mặt. Uber thì khá chậm tay trong mảng này, mãi đến khi Grab chiếm thế thượng phong trên thị trường, hãng này mới chấp nhận thanh toán tiền mặt.
Uber và Grab vốn cạnh tranh nhau bằng chính sách hỗ trợ tài xế và mã khuyến mại cho khách hàng. Khi 2 dịch vụ hợp nhất thành 1, khách hàng có thể sẽ nhận được ít mã khuyến mại hơn. Chính sách với lái xe cũng có thể sẽ có sự thay đổi.