Trời dịu hẳn sau mấy cơn mưa. Nghịch lý là nhìn trời mưa mà lại nhớ nắng Trường Sa. Ước gì ... lại ước gì (nghe nó cứ teen teen thế nào ấy nhỉ) Trường Sa cũng có mưa để trời dịu lại. Cái nắng Trường Sa như đã dịu màu đi từng ngày trên hai cánh tay tôi sau hơn 1 tuần trở lại phòng máy lạnh, tách 1 cái lại lẩn xuống đường khề khà ly trà đá (nhưng phải thật đặc) hay thi thoảng lại được chị em bồi dưỡng cho ly sinh tố bơ béo ngậy gọi mang tận nơi ... Lại nhớ những hụm nước chiến sĩ để trong cái thùng inox để đầu hè nóng như rang, uống đến đâu ra mồ hôi đến đấy ... Nghịch lý, mâu thuẫn nhưng không vô lý. Những con cua gạch, lobster to tướng đỏ au trong nhà hàng giờ ăn cứ nhàn nhạt, chai Pinot Blanc lạnh toát mồ hôi cũng thẫn thờ mân mê nâng lên đặt xuống ... để rồi nhớ con cá bò sừng, con tuộc hấp dã chiến ở Trường Sa với thứ rượu trắng cay nồng.
Thực ra, từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với lính Hải quân nhiều nhất. Trước đó, hình ảnh những anh lính Hải quân đối với tôi luôn là những anh chàng quê quê, quỷnh quỷnh, rất vụng về, ngơ ngác khi ở trên bờ (chả là trước đây tôi cũng có thời lê la không ít ở bến tầu, bến xe). Nhưng, như có 1 cái "click" Cảm nhận lần này đối với tôi về lính Hải quân đã khác lắm rồi. Dù ở Trường Sa Lớn, Đá Tây hay ở nhà dàn DK, từ chiến sĩ trẻ cho đến vị chỉ huy cao nhất, họ đều hết mực tài hoa giữa biển trời. Hay vì họ đang ở đúng môi trường tác chiến (cá gặp nước mà). Ngón đàn, giọng ca của họ như đã nói, đến văn công cũng phải ngạc nhiên. Họ hóm hỉnh một cách tự nhiên, chan hòa, ấm áp, cư xử đúng mực mà lại không chút dễ dãi, suồng sã; quân kỷ, quân phong vẫn như sơn.
Những chàng sĩ quan nhà dàn DK chính là một ví dụ điển hình. Không dám nói là có những khuôn mặt đẹp nhưng những hoàng tử teen pop cùng những lọn tóc 2 light nằm vắt vẻo kiểu Hàn nhưng với vóc dáng từ tầm thước cho đến cao lớn, nước da nâu nổi bật trong màu binh phục trắng thì tôi cam đoan rằng bất cứ cô gái nào trong bờ nhìn thấy họ (ít nhất là giữa biển trời Tổ quốc như khi tôi chứng kiến) chắc đều phải xao lòng. Hì, mình lại không phải gái ...
Thực sự, tôi không hiểu được sao biết bao em gái, em trai thị thành (và cả nông thôn) lại có thể tốn nhiều giấy mực, tâm trí và cả nước mắt nữa cho những chàng trai Hàn Quốc ẻo lả không biết đang hát hay đang thở (thậm chí có cả em gái sẵn sàng qua đêm với người lạ để có được vé xem show diễn của thần tượng Hàn Quốc ... Nghĩ mà đau quá; đời con gái chỉ thế thôi chăng?). Chân giá trị ở đâu, cái đẹp ở đâu ... nào có xa xôi gì, chính ở quanh ta đó ... Tiếc rằng, vẫn còn chưa có những cái "click"đúng chỗ ... .
Giờ mới thật sự hiểu tại sao các Hoàng gia châu Âu đương đại đều đưa các hoàng tử hay kể cả các công chúa vào quân đội để rèn luyện, mà không phải bất kỳ quân chủng nào, đa số vẫn phải là Hải quân. Thật lòng như đã nói (và phải nhắc lại), tôi đâm nhỏ nhen mà thầm ghen tỵ với bộ binh phục trắng ấy (dù chỉ đôi chút lăn tăn)
Các chàng trai biển giao lưu cùng ca sĩ rất tự nhiên
Sát vai bên nhau, như vốn là như thế, những thành viên trong đoàn cũng say sưa hòa ca cùng chiến sĩ và văn công (từ già đến trẻ, từ cấp vụ trưởng đến người phụ trách, loa đài ánh sáng, đến cấp dưỡng hay phóng viên ...). Thì vẫn là những bài rất quen thuộc như Nhánh Lan rừng, Nơi đảo xa, Lời của gió, Bài ca người lính, Bài ca không quên, .... chỉ bập bùng với tiếng ghita thùng nhưng sao mang một hơi thở mới ... Hơi thở của Lính Nhà dàn, của Biển trời Tổ quốc ... Tôi nhớ rằng mình cũng đã dõng dạc hát cùng anh em bài Giai điệu Tổ quốc của Trần Tiến ... "Tôi yêu giai điệu Tổ quốc tôi ..."
Một nụ cười rất tươi làm tôi ấn tượng ở DK ... Vẻ đẹp nó phải là thế này đây
Thiếu tá chuyên nghiệp Đậu Đình Phú, người có vẻ nhiều tuổi nhất, hiền đến mức kỳ lạ, 9 lần ra ở nhà dàn. Hỏi gì cũng cười lành và ấp úng như không thể nói trọn lời (người ngồi góc trái trên ảnh)
Sĩ quan chỉ huy nhà dàn có cái tên rất lạ, hẳn như định trước rằng cuộc đời anh sẽ gắn liền với biển, sẽ tung bay khắp biển, Thiếu tá Trang Hải Âu. 15 năm gắn bó với nhà dàn từ những lúc còn khó khăn nhất (tất nhiên là có giai đoạn cách quãng). Anh cười hào sảng nói với chúng tôi rằng: Vẫn thua Chính trị viên của tôi, có thâm niên 16 năm ở Nhà dàn. Chợt nhớ lại 1 cuốn tiểu thuyết về Nhà Tình báo, Nhà báo Phạm Xuân Ẩn có tựa đề "Tên người như cuộc đời" ...
Anh làm cả đoàn chúng tôi ngây người trước đủ 6 câu vọng cổ ca rất ngọt ... mỗi lúc "xuống xề" là những tràng pháo tay lại cứ ran lên.
Người lính cũng là con người nên cũng phải tâm sự. Nhưng trong chốc lát thì lại một lần nữa tâm sự của cánh Hải Âu ấy lại làm tôi xúc động: Chẳng phải vấn đề cơm áo, gạo tiền, đãi ngộ, hay quân hàm, quân hiệu (như anh giờ mới thiếu tá, tôi thầm đoán khi về hưu cũng chỉ được quân hàm trung tá vì đã "kịch trần" và đủ thâm niên), vấn đề là sắp về hưu mà còn sức, phải xa anh em, xa biển, xa nhà dàn thì buồn quá, chịu sao thấu; chả lẽ ngày ngày đứng trước biển mà vọng về hướng nhà dàn ... Nếu muốn viết gì đó để tuyên truyền cổ động, có lẽ tôi không chọn kênh diễn đàn xã hội, nên câu chuyện này hãy cứ tin là thật
Thế rồi, nấn ná mãi thì chuyến cano cuối cùng rời nhà dàn cũng buộc chúng tôi phải chia tay ...
Tôi không muốn viết thêm nữa về giây phút ấy, chỉ biết rằng Nhà dàn cứ lùi xa mãi về phía thềm lục địa Tây Nam của Tổ quốc. Sao chúng tôi nhỏ bé đến vậy, sao biển khơi bao la đến vậy, còn bao nhà dàn nữa mà chúng tôi không thể qua thăm ... Vài chị em đưa ngón tay lau khóe mắt. Còn tôi, cứ đứng trân trối quay về phía ấy cho đến khi bị giục leo trở lại lên tầu ... Chào tạm biệt DK, chào tạm biệt anh em Hải quân nơi ấy ...