T
TamPhan
Guest
Hi các bác, số là hôm vừa rồi em may mắn được tham dự chương trình trải nghiệm xe Honda Winner 150 chinh phục 4 cực (Đông-Tây-Nam-Bắc) của tổ quốc. Em tham gia được tour cực Tây – mốc biên giới giữa 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào tại huyện A Pa Chải tỉnh Điện Biên. Đây là một chuyến hành trình mang lại rất nhiều cảm xúc, nay em xin chia sẻ lại chuyến đi với mọi người.[pagebreak][/pagebreak]
Là dân miền Nam chính hiệu, hẳn ai cũng muốn một lần được tham gia chinh phục vùng đất Tây – Bắc nổi tiếng là hùng vĩ và nhiều cảnh đẹp. Em bắt đầu lên đường từ ngày 28/09/2016 bằng máy bay từ Tp.HCM ra Hà Nội, vì máy bay bị delay nên đến Hà Nội khá muộn, lỡ mất buổi hướng dẫn lái xe an toàn do Honda tổ chức nhưng may mắn là em cũng hay rong ruổi ngược xuôi bằng xe máy và nhà cũng có một em Winner 150 nên cũng không đến nổi nào. Vì không tham dự được buổi hướng dẫn nên em không có hình ảnh và cũng xin bắt đầu viết về chuyến hành trình từ ngày hôm sau 29/09/2016.
Ngày 1 (29/09):
Được ban tổ chức (BTC) đánh thức từ 5h sáng, di chuyển đến điểm tập trung là sân vận động Mỹ Đình chuẩn bị hành trang lên đường. Lịch trình cho ngày này là di chuyển từ Hà Nội lên thị xã Tú Lệ, tỉnh Yên Bái dài khoảng 270km. Bất ngờ là đoạn này BTC sắp xếp cho đoàn di chuyển bằng xe 16 chỗ hết 200km (HN- thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) sau đó mới được nhận xe Honda Winner đi 70km còn lại. Cách sắp xếp này gây cảm giác hơi thất vọng xíu nhưng chắc vì đoạn đường từ HN lên Nghĩa Lộ không nhiều đoạn đẹp và đường khá đông xe lưu thông nên sẽ gây nhiều khó khăn cho việc di chuyển theo đoàn bằng xe máy cộng với việc được báo trước các chặng tiếp theo sẽ rất “gian nan” nên BTC muốn giữ sức cho các biker. Đến Nghĩa Lộ ăn trưa, lúc này đoàn mới được nhận xe để bắt đầu chinh phục các cung đường Tây Bắc “huyền thoại”. Nói chung cảm giác khi được nhận xe là ai cũng háo hức.
Sau khi nhận xe, cả đoàn nhắm thẳng đến đích của hành trình ngày thứ 1 là thị xã Tú Lệ, tỉnh Yên Bái. Em xin chia sẻ sơ qua về chiếc xe Honda Winner 150: là sản phẩm xe côn tay mới nhất của hãng Honda, Winner được trang bị động cơ 150 phân khối, phun xăng điện tử, cam đôi DOHC, công suất 15,4 mã lực đi cùng hộp số 6 cấp. Có thể nói Winner là một trong những chiếc xe máy phù hợp nhất cho những chuyến đi phượt. Và dĩ nhiên, với cung đường đồi núi vùng Tây Bắc với 90% đường đèo dốc quanh co, việc di chuyển bằng xe máy theo em là cách phê nhất rồi. Con đường quốc lộ vùng này không lớn, không bằng phẳng và cũng không được trải nhựa đẹp như miền xuôi vì nơi đây thường xuyên xảy ra sạt lở và khách vãng lai lui tới cũng không nhiều như vùng Đông Bắc nhưng lại là cơ hội tuyệt vời cho các biker có dịp trải nghiệm cũng như cho chiếc xe Winner thể hiện hết khả năng của nó.
P/s: Lời khuyên chân thành của em là nếu bác nào có ý định chinh phục cung đường này thì nên di chuyển bằng xe máy vì dễ ngắm cảnh và trải lòng với thiên nhiên được nhiều hơn. Còn ai dễ bị say xe thì chống chỉ định tuyệt đối với ô tô nhé!
Đoàn đến Tú Lệ khá sớm nên BTC thu xếp cho đoàn chinh phục đèo Khau Phạ, một trong những đèo đẹp nổi tiếng ở vùng này. Từ trên đỉnh đèo, mọi người có thể phóng tầm mắt bao quát cảnh núi đèo hùng vĩ và dĩ nhiên là sẽ tham quan được “đặc sản” ruộng bậc thang vùng đồi núi Tây Bắc.
Về lại thị xã Tú Lệ nghỉ đêm. Cả đoàn dưỡng sức cho hành trình ngày thứ 2.
Ngày 2 (30/09):
Hành trình ngày này là từ Tú Lệ di chuyển lên Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, sẽ đi qua địa phận Lai Châu và Sơn La dài khoảng 192km. Đoạn này sẽ có bắt qua sông Đà nên em rất háo hức vì đã nghe tên sông Đà rất nhiều trong các tác phẩm văn học, âm nhạc, thơ ca lâu rồi nhưng mãi đến bây giờ mới được tận mắt chiêm ngưỡng. Đoàn xuất phát từ sớm, đoạn đường vẫn liên tục là đèo núi quanh co, dù chỉ có gần 200km nhưng vì tốc độ di chuyển không nhanh do phải thường xuyên leo dốc cao và cua tay áo liên tục. Đoạn này là đoạn mà chiếc xe Winner có dịp thể hiện khả năng vào cua và “độ khỏe” của động cơ rõ ràng nhất đây. Em xin phép ké vô review xe chút xíu ở đoạn này: so với đối thủ trực tiếp là Exciter 150i thì dàn chân của Winner chắc chắn hơn (quan điểm cá nhân), phuộc trước và sau cứng giúp việc vào các góc cua gắt vững vàng và chắc chắn, cộng với hộp số đến 6 cấp nên việc lựa chọn tỉ số truyền cho từng đoạn dốc cũng vì thế mà có nhiều lựa chọn hơn. Khuyết điểm duy nhất là vì phuộc có phần hơi cứng nên lúc đi qua đoạn đường xấu thì cũng “chua” hơn tí.
Lại nói về hành trình chinh phục, xưa giờ dù đã đi qua khắp các miền đất đồi núi của miền Trung và miền Nam nhưng cái chất vùng này vẫn rất khác. Đối với em thì mọi thứ đều rất mới mẽ, khung cảnh thì hùng vĩ bao la, nhìn đâu cũng nhìn thấy núi với núi. Cảm giác mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên, ở đây chắc phải có cả ngàn ngọn núi nối tiếp nhau, đi hết đèo này lại nối sang đèo khác. Kiếm một đoạn thẳng để tăng tốc cũng là điều cực kỳ xa xỉ nơi đây.
Trên đường đi, đoàn được ghé tham quan nhà máy thủy điện Bản Chát. Tuy đây chỉ là nhà máy thủy điện nhỏ thuộc tỉnh Lai Châu nhưng vì nằm giữa Tây Bắc, khung cảnh cũng trở nên hùng vĩ lạ thường.
Đến song Đà, không nằm ngoài trí tưởng tượng của em. Một con sông rộng lớn chảy quanh các chân núi dần hiện ra. Vì không thuôn dài uốn lượn như các con sông ở vùng đồng bằng và lại sát chân núi nên trông giống như 1 cái hồ nước lớn.
Buổi chiều đoàn đến Tuần Giáo, mọi người nhận phòng nghỉ ngơi và lại phải chuẩn bị tinh thần cũng như sức khỏe cho hành trình tiếp theo còn “chông gai” hơn.
Ngày 3 (01/10/2016):
Hành trình cho ngày thứ 3 là di chuyển từ Tuần Giáo đến Mường Chà dài 160km qua thành phố Điện Biên Phủ. Hành trình này em tự đặt tên là “ Hành trình về với lịch sử” vì sẽ là lần đầu tiên trong đời được tham quan chảo lửa Điện Biên Phủ, nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta.
Đoàn xuất phát sớm, đi qua nhiều loại địa hình khác nhau. Đây cũng là lộ trình giúp em và các thành viên biker trong đoàn có cơ hội trải nghiệm off-road nhẹ cùng Honda Winner 150i vì đường có nhiều đoạn đang sửa chữa, có cơ hội vào trong các bản làng người dân tộc miền cao, băng đèo băng suối các kiểu.
Đến thành phố Điện Biên Phủ ăn trưa, đoàn có 2 giờ để tự khám phá các địa danh lịch sử tại đây. Nhân cơ hội này, em và một số thành viên trong đoàn tranh thủ tham quan đồi A1 (nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất trong trận Điện Biên Phủ năm xưa) và hầm Đờ-Cát (hầm chỉ huy của quân đội Pháp). Các chứng tích còn lại của trận chiến vẫn còn đây, cảm giác của em lúc này là thật tự hào vì ý nghĩa lớn nhất của trận chiến này là lần đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới, quân đội một nước thuộc địa có thể đánh thắng quân đội một cường quốc thế giới.
Hố bộc phá trên đồi A1 – Tại đây các chiến sĩ quân ta đã đào 1 đường hầm dưới lòng đất trong nhiều ngày đêm để đặt khối thuốc nổ 990kg vào sát trung tâm chỉ huy địch. Khi khối bộc phá phát nổ đã nhanh chóng thay đổi cục diện trận chiến và từ đây tạo tiền đề cho việc chiếm được đồi A1 mang tính chiến lược cao và hỗ trợ nhiều cho chiến thắng chung cuộc tại Điện Biên Phủ.
Hầm tướng Đờ-cát, chỉ huy quân đội Pháp tại trận đánh này. Người đã tuyên bố rằng trận địa Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”!
Sau khi tham quan 2 địa danh lịch sử trên. Đoàn rời khỏi thành phố Điện Biên Phủ trong tiếc nuối vì vẫn còn rất nhiều địa danh chưa kịp tham quan hết như đồi Him Lam, tượng đài chiến thắng cũng như nghĩa trang liệt sĩ….
Quay trở lại với chuyến hành trình, chỉ còn hơn 50km là đến Mường Chà, nơi đoàn sẽ dừng chân nghỉ ngơi để ngày hôm sau chinh phục A Pa Chải. Đường tương đối đẹp và rộng, đây là đoạn tốc độ của đoàn được đẩy lên cao nhất trong suốt chuyến đi. Có lúc hứng chí, vít ga nhẹ 1 phát là em đạt hơn 80km/h. Đây cũng là đoạn đường giúp em cảm nhận được rõ nhất công nghệ cam đôi DOHC của xe Winner. Xe di chuyển liên tục ở tốc độ cao nhưng máy vẫn rất êm và nhẹ, cày đường xa và đi đều ga ở tốc độ cao sẽ phản ánh được rõ ràng ưu thế của DOHC so với SOHC thông thường.
Đang phê với đoạn đường đẹp và tốc độ cao, trời bỗng nhiên chuyển mưa. Chắc ý trời muốn cho anh em trong đoàn có thêm các cung bật cảm xúc để chuyến đi thêm phần thú vị. Với em thì vui mừng vì lại có thêm cơ hội trải nghiệm chiếc xe dưới điều kiện mưa gió của núi rừng, cũng như kiểm tra độ bám đường và khả năng giảm tốc của chiếc xe trên đường ướt.
Đánh giá về xe thì thật sự với điều kiện đường ướt trộn lẫn ít bụi cát trên các cung đường quanh co đèo dốc thì chiếc Winner không thể hiện tốt lắm với bộ lốp theo xe của hãng so với khi trời nắng. Ở một vài khúc cua gắt và vào cua với tốc độ 40-50km/h, em thỉnh thoảng cảm nhận được sự trượt nhẹ ở cả 2 bánh. Vì thế khi đoàn dừng lại để khoác áo mưa, em có chủ động xả bớt hơi ở 2 bánh xe. Việc làm này có hiệu quả tức thì, xe trở lại tình trạng bám đường như cũ. Vì chuyến đi này hãng Honda tổ chức quản lý rất nghiêm ngặt tiêu chí an toàn của đoàn nên xe dẫn đoàn đã chủ động giảm tốc độ của đoàn xuống đáng kể để tránh những việc đáng tiếc xảy ra cho anh em biker.
Sau khoảng 30 phút thì mưa tạnh hẳn (mưa vùng này giống SG nhỉ), đoàn di chuyển thêm 1 chút thì đoàn đã đến được thị trấn Mường Chà. Đoàn dừng lại nhận phòng nghỉ ngơi cho hành trình đến A Pa Chải ngày hôm sau.
Ngày 4 (02/10/2016):
Vẫn được đánh thức dậy sớm như mọi ngày, đoàn lại xuất phát hướng về A Pa Chải – đích đến cuối cùng của chuyến đi lần này. Từ sớm, đoàn được thông báo là hành trình ngày hôm nay sẽ hơi gian nan vất vả tí vì đường đi sẽ xấu hơn, có nhiều chỗ bị sạt lở (chắc do trận mưa hôm qua), đường sẽ quanh co và dốc nhiều hơn nên anh em phải tập trung cao độ khi chạy xe. Nghe qua lại thấy háo hức hơn nữa, hôm nay lại có thêm cơ hội test khả năng off-road của chiếc Winner rồi.
Đúng như lời cảnh báo của BTC, đường đi có nhiều đoạn đang sửa chữa, cải tạo nên bụi mịt mù, có nhiều đoạn đường xấu anh em di chuyển tương đối khó khăn.
Cho em xin bonus thêm mấy tấm “hưởng thụ” lúc dừng chân dọc đường nghỉ ngơi. Hehe
Trải lòng chút xíu ở chặng này, trên đường đi em bắt gặp cảnh tượng làm mình thật xúc động. Hình ảnh 2 chị em còn bé tí ngồi chơi dọc đường, hỏi thăm thì mới biết tụi em đang trên đường lội bộ về nhà, mệt quá nên ngồi nghỉ chân ven đường. Nhìn hình ảnh này em nghĩ: “Cũng một kiếp người mà trẻ em nơi mình sống thì quá sung túc, trẻ em miền núi thì lại quá thiếu thốn.” Thật bất lực khi không thể làm gì hơn, em gửi ít tiền quà cho 2 cháu và dặn dò kỹ lưỡng: “Ráng học hành cho tốt” (chứ không lớn lên lại đi lang thang như chú). Hic….
Dọc đường đi, anh em biker cũng tranh thủ kiểm tra khả năng “băng rừng lội suối” của Honda Winner
Ở chặng này đoàn chỉ di chuyển 160km nhưng vì đường xấu, nhiều đoạn di chuyển chậm nên đi từ sáng đến chiều mới đến được đồn biên phòng A Pa Chải.
Đoàn dừng chân nghỉ đêm tại đồn biên phòng. Buổi tối anh em trong đoàn được 1 đêm thưởng thức rượu nồng, đàn hát cùng với các anh bộ đội biên phòng đến tận khuya.
Ngày 5 (03/10/2016):
Đây là ngày duy nhất trong hành trình Honda Winner 150: 4 đỉnh cực – Vạn chân trời mà anh em trong đoàn không thể chinh phục bằng xe máy được mà phải dùng chân vì trong ngày này, anh em sẽ phải leo núi vài cây số để đến được cột mốc biên giới – điểm cực Tây của Tổ Quốc.
Nói sơ qua về cái cột mốc, được xây dựng từ năm 2005, đây là mốc phân định biên giới giữa 3 nước gồm Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Được đặt tại đỉnh 1 ngọn núi cao 1.800m (tính từ chân núi). Để đi từ đồn biên phòng A Pa Chải, phải di chuyển khoảng 11km, trong đó khoảng 7km có thể di chuyển được bằng xe (mấy anh bộ đội biên phòng chở lên) còn 4km còn lại là phải lội bộ bằng đường rừng đúng hiệu.
Nghĩ thôi là đã hơi ngán ngán rồi vì thân em những 85kg, lại vác thêm cái balo đựng nước và vật dụng cá nhân thêm gần chục kg nữa nhưng nghĩ đã di chuyển mấy ngàn cây số từ SG ra đến đây mà không đến đỉnh được thì sẽ tiếc nuối lắm. Với lại trong đoàn có khoảng 5-6 bạn nữ còn leo phây phây thì mình phải dấn thân thôi. Đoạn này vì leo mệt quá, mờ cả mắt nên em không có chụp nhiều hình chia sẻ cùng các bác.
Tuy nhiên, em cũng xin lưu ý là đường đi đối với em là phải dùng 2 từ “khủng khiếp” mới miêu tả hết được. Chưa bao giờ em leo núi nào mà mệt như thế. Đường thì rất khó đi, đi vài bước lại phải đứng lại suy nghĩ xem bước tiếp theo phải đặt chân ở đâu, phải uốn mình kiểu gì để leo qua được tảng đá này hay làm sao chui qua được cái cây bị đổ ngang đường kia. Hic… tội cái thân mập. Chưa kể là các cây gai dọc đường đi rất sắc nhọn, mọi người có leo chặng này nhớ trang bị áo tay dài, quần dài và cả găng tay nhé! Vì không là bị trầy xước đầy mình như em.
Sau khi lên đến đỉnh cột mốc, giữa cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, cảm giác thật sảng khoái, tự hào vì mình vừa chinh phục được điểm cực Tây của Tổ Quốc và cũng là điểm “cực” nhất trong 4 cực Đông – Tây – Nam – Bắc.
Đường lên đỉnh của phía Việt Nam thì gian nan vô đối. Hướng từ Lào lên thì không thấy có đường đi trong khi phía bên Trung Quốc thì được làm đường bậc thang trông rất hoành tráng. Đi bằng đường ấy thì người cũng khỏe và sạch sẽ hơn nhiều. Hy vọng trong thời gian tới đường phía VN cũng được như vậy.
Hình đường lên của Trung Quốc:
Trong quá trình tham quan và chụp hình, em đã có hơn chục lần đi lại giữa 3 nước mà không cần hộ chiếu hay visa (được định nghĩa là hành động vượt biên). Cũng từ đây, phóng tầm mắt xuống không gian bao la xung quanh, lại cảm thấy yêu mến Tổ Quốc mình hơn. Trong lòng cũng thầm gửi lời cảm kích đến các anh bộ đội biên phòng vẫn ngày đêm bảo vệ từng tấc đất biên cương cho dân tộc.
Sau 1 ngày leo núi vất vả (cả lên và xuống mất 9 tiếng đồng hồ). Cả đoàn trở lại đồn biên phòng A Pa Chải để tắm rửa thay quần áo. Sau đó BTC đã dùng các xe 16 chỗ đưa đoàn về lại thành phố Điện Biên Phủ ngay trong đêm để đáp máy bay trưa ngày hôm sau về lại Hà Nội và kết thúc hành trình chinh phục cực Tây – A Pa Chải.
Cảm nhận của em sau chuyến đi này là dù khá “vất vả” nhưng công sức mình bỏ ra thật quá xứng đáng! Cuối cùng em cũng thực hiện được chuyến đi chinh phục vùng núi Tây Bắc hằng khao khát bấy lâu nay. Tìm hiểu thêm được nhiều văn hóa, lịch sử, du lịch, trải nghiệm trên chính đất nước mình.
Em xin thông qua bài viết này gửi lời cám ơn đến hãng Honda – đơn vị đã tổ chức một chuyến đi rất thành công và ý nghĩa cho mọi người. Cám ơn các bác đã xem bài viết.
Last edited by a moderator:
Chủ đề tương tự
Người đăng:
MinhQuan
Ngày đăng:
Người đăng:
dangvinh13
Ngày đăng:
Người đăng:
man010203
Ngày đăng: