Sáng nay em đọc bài này. Ngồi suy nghĩ đây là hậu quả của lãi suất cho vay quá cao. Rồi đây thì phải mất vài năm nữa thì ngành nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản mới ngóc đầu lên nổi. Lúc đó lại xem như làm lại từ đầu. Miền tây nam bộ mà không phát triển thủy sản được thì khó mà đi lên được.
Sau thủy sản thì chắc sẽ còn vài ngành nữa tèo luôn.
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/03/dai-gia-thuy-san-mien-tay-nang-ganh-no-nan/
Công ty chế biến thủy sản Minh Hiếu có trụ sở tại thị trấn Giá Rai (Bạc Liêu) vừa bị một nhà băng đến siết nợ hàng hóa ngay trong kho. Bà Lê Thị Hạt, Giám đốc Công ty Minh Hiếu cho biết, đối tác nhập khẩu ở nước ngoài khắt khe nên có nhiều lô tôm nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép bị trả về. Công ty làm ăn thua lỗ, càng lún sâu vào nợ nần, mất khả năng trả nợ.
Trước thông tin Minh Hiếu đang nợ 4 ngân hàng khoảng 135 tỷ đồng, bà Hạt nói rằng đang thuê đơn vị kiểm toán xác định tổng tài sản để thương thảo trả nợ bằng tài sản thế chấp. Hiện công ty đã ngưng hoạt động, khoảng 500 công nhân chuyển qua làm việc cho Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu (đơn vị có cổ phần của gia đình chồng bà Hạt).
Cuối năm 2011,
Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng do bà Huỳnh Dù Táng làm giám đốc chuyên chế biến thủy sản ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng xảy ra chuyện nông dân nuôi cá đòi nợ. Chủ nợ Phạm Thị Mai (Thốt Nốt, Cần Thơ) đã cho người đến lấy tài sản của doanh nghiệp nên bị cơ quan cảnh sát điều tra Sóc Trăng khởi tố về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Sau đó, Phó giám đốc Vạn Hưng là Khưu Chí Thức (29 tuổi, chồng sắp cưới của bà Táng) cũng bị bắt về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án này, Công an Sóc Trăng đang thụ lý hồ sơ của 30 hộ nông dân nuôi cá ở nhiều tỉnh miền Tây tố cáo doanh nghiệp Vạn Hưng chiếm dụng khoảng 20 tỷ đồng.
Một chủ nợ của Vạn Hưng là nông dân Trần Văn Tâm ở ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) cho
VnExpress.net biết, gia đình có 6.000 m2 đất đào ao nuôi cá tra. Ông vay 250 triệu đồng từ ngân hàng để nuôi cá, khi bán cho doanh nghiệp Vạn Hưng bị đơn vị này chiếm dụng 238 triệu đồng. Gia đình ông Tâm không đòi được tiền từ Vạn Hưng, phải bán đất đai trả nợ ngân hàng.
Tại khu công nghiệp Trà Nóc 2 ở TP Cần Thơ nơi Công ty cổ phần Thủy sản Bình An của nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền, còn có một doanh nghiệp khác cũng vướng nợ đầm đìa là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Khang. Doanh nghiệp này hiện đang nợ 5 ngân hàng khoảng 375 tỷ đồng.
Trong khi đó Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đang nợ 1.200 tỷ đồng của nông dân và ngân hàng, cùng nhiều đối tác. Trong số nợ này, riêng tiền mua cá của nông dân là 261 tỷ đồng. Tân Tổng giám đốc Bianfishco Trần Văn Trí cho biết, công ty dự kiến sẽ bán nhà máy với một số tài sản khác để trả nợ.
Trao đổi với
VnExpress.net,
ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ năm 2011 nhiều doanh nghiệp ngành bắt đầu tụt dốc. Tình hình nợ nần bộc phát vào đầu năm nay vì thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Theo ông Hải, đã có doanh nghiệp thủy sản không trụ được phải phá sản hoặc sáp nhập, bán cho người khác.
"Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn ngay thời điểm này đã quá tầm của VASEP mà cần phải có sự can thiệp từ Chính phủ. Trong đó, điểm mấu chốt là tạo điều kiện cho người nuôi, doanh nghiệp tiếp cận dễ với nguồn vốn nhưng lãi suất phải thấp và ổn định", Chủ tịch VASEP nói.
Thiên Phước