Re:HFC: phóng sự ảnh Paris - Geneva - Titlis - Amsterdam 17-27/06/11
Paris #4: khác biệt giữa NHÀ THỜ ĐỨC BÀ Saigon & Paris
Giữa hai nhà thờ là một hố thẳm của tương phản lớn – nhỏ. Vào nhà thờ Đức bà Paris, tự nhiên thấy mình nhỏ lại. Nhà thờ biến thành một site du lịch thật hợp lý, một không gian ở giữa giáo đường được khoanh lại có ghế quỳ ngồi dành cho tín hữu đến đọc kinh, cầu nguyện và dự lễ. Toàn bộ không gian còn lại dành cho du khách. Sự ngăn cách hai không gian chỉ là những sợi dây lỏng lẻo, ngăn như không ngăn. Khác với cái hàng rào sắt của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Ở những nơi để cổ vật trong các phần cánh của giáo đường được bán vé để trang trải chi phí bảo quản, gìn giữ. Dọc lối ra bên phải có máy thu tiền đồng (2 euro) để đổi lấy một kỷ niệm chương mạ vàng in hình nhà thờ hình tròn như đồng tiền. Dàn ống đàn phong cầm trong nhà thờ cũng được quyên góp để duy tu, bảo dưỡng, làm chạnh lòng những ống đàn phong cầm ở nhà thờ Đức bà Sài Gòn giờ đây đã mục ruỗng.
Thông báo không chụp hình yết ngay lối vào, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy ánh đèn flash nhoáng lên thật khó chịu.
Những cánh cửa khổng lồ bằng gỗ đã tạo cho tôi cảm giác choáng ngay từ lối vào. Các hoạ tiết càng chứng tỏ thêm công phu của những người xây dựng và tham vọng để đời của họ. Tư liệu cho biết ngôi giáo đường được xây từ năm 1163 và cơ bản hoàn thành năm 1345.
Một buổi sáng mưa phùn, nhưng tôi vẫn cố băng ra ngoài, trên cái quảng trường rộng trước mặt giáo đường để chụp vài bức ảnh, sau khi bần thần đi quanh hai vòng phía bên trong. Hai tháp chuông bệ vệ không chóp nhọn của nó làm tôi nhớ đến câu hỏi của đứa con khi đi đến nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: “Con gặp Thằng Gù nhà thờ đức Bà được không?” Tôi nói: “Ông Gù đó lớn tuổi hơn con nhiều, sao lại kêu bằng thằng, nhưng ông ta không có ở đây mà tận Paris”. Và hình ảnh đạp chuông điệu nghệ của chàng gù Quasimodo Anthony Quinn, ngày cô nàng Esmeralda sang ngang hiện ra… một khúc nhạc chuông xao động lòng người của một trái tim não tình. Khó mà tưởng tượng nổi khi mà dàn chuông rất nặng, được tấu lên nhẹ tênh, tuy là đã có những phần đối trọng.
Ta hãy đọc lại đoạn tả của Victor Hugo: “
Sau cùng hồi chuông lớn trổi lên (hồi chuông chỉ có vào những ngày lễ hoặc sự kiện lớn);
cả toà tháp rung lên; dàn đà, chì, đá tạc cùng rung lên [...] Quasimodo sùi bọt mép; y chồm qua, chồm lại; y run rẩy cùng với toà tháp từ đầu đến chân. Toà chuông bị sút xích và cuồng nộ lần lượt đưa cái họng đồng của nó lắc qua bên này rồi bên kia vách tháp, phun ra cái luồng hơi bão táp mà người ta nghe được ở cách đấy bốn dặm...”