Thêm một bài viết về Phi:
Ngắm hai mặt của Philippines sau tay lái
Trở lại quốc đảo chuyên “hứng bão” Thái Bình Dương lần này, thay vì giam mình trong phòng hội thảo New World Renaissance sang trọng hay ngồi xe jeepney chen chúc giữa một Manila bê tông nhem nhuốc, là cơ hội được cầm lái chiếc xe hơi đời mới và khám phá một góc đất nước Philippines trên từng cây số…
Manila ngủ sớm, dậy muộn
Chuyến máy bay của hãng Philippines Airlines hợp tác với Vietnam Airlines hạ cánh xuống phi trường Ninoy Aquino khi trời sẩm tối. Chúng tôi có một đêm ở lại Manila trước khi lái xe đi Subic, vịnh biển nổi tiếng nằm ở phía Bắc thủ đô Manila, nơi trước ngày 24-11-1992 từng là cơ sở hải quân lớn nhất của Hoa Kỳ đặt tại Thái Bình Dương
Đến Manila vào buổi tối thật buồn, nhất là đối với phụ nữ, vì ăn tối xong gần như chẳng biết làm gì ngoài… về phòng khách sạn và ngủ! Tại một nhà hàng Nhật ngay gần khu trung tâm mua sắm hàng hiệu Greenbelt Mall, bữa tối thật thịnh soạn nhưng dùng xong khi chưa tới 21 giờ mà chúng tôi đã là những vị khách cuối cùng. Những tòa building trong khu vực tối om, tất cả các văn phòng làm việc đều đã đóng cửa.
Đường phố Manila ở quận trung tâm Makati (giống như quận 1 ở TP.HCM) lúc này đã vắng hoe, chỉ có vài chiếc taxi còn chạy, chẳng khác gì đường Hà Nội ngày… mùng Một Tết! Greenbelt Mall còn sáng những gian hàng Chanel, Gucci, Diesel… sang trọng, nhưng tất cả đã cửa đóng then cài. Và ngày mai, 11g trưa, các cửa hàng này mới mở cửa đón khách.
Có lẽ hiếm nơi nào giờ làm việc của các cửa hàng cửa hiệu lại ngắn như ở Philippines. Bị ảnh hưởng từ lối làm việc Âu - Mỹ đã đành, tình hình an ninh bất ổn cũng khiến cho những hoạt động về đêm của Manila bị giảm thiểu tối đa. Bất tiện nhất trong tình hình kiểm soát an ninh thắt chặt là vào đâu, khách sạn hay trung tâm mua sắm, khi nào bạn cũng phải mở túi xách cho nhân viên an ninh kiểm tra. Soát túi ở đây đã trở thành… nguyên tắc!
Trò tiêu khiển về đêm thú vị nhất ở Manila có lẽ là đi bar nghe nhạc sống. Là một thành phố lớn với dân số lên tới 10 triệu người, Manila có hàng trăm bar có trình diễn ca nhạc hàng đêm, nhưng nhiều nhất là ở hai quận Malate và Quezon City, hai khu vực có đời sống về đêm nhộn nhịp chứ không vắng hoe như Makati. Điều đặc biệt là nghe nhạc sống ở đây cực “đã” và giá đồ uống khá rẻ, lại không có tiền phụ thu.
Tôi từng nghe nhạc ở một quán bar nổi tiếng với các người lùn phục vụ tại khu Malate. Bar khá bình dân, giá một ly nước cam chỉ tương đương 16.000 đồng Việt Nam, có tới hai ban nhạc sống thay nhau biểu diễn, thật sự sống động và hết mình, y như ly nước cam phải có giá… 160.000 đồng. Cũng dễ hiểu vì sao ca sĩ Philippines sang Việt Nam hành nghề nhiều thế!
Nhưng đấy là Manila về đêm, cuộc sống đã chùng hết cỡ. Ban ngày, Manila là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất Đông Nam Á, kẹt xe và khói bụi kinh hoàng chẳng khác gì Bangkok. Quãng 9g sáng, qua cửa sổ phòng khách sạn, đã thấy xe hơi rồng rắn xếp hàng, mặc dù các cửa hàng hai bên đường vẫn còn đóng im ỉm.
Đi đâu, làm gì, nhất là ra sân bay, chúng tôi đều được cảnh báo phải cộng thêm giờ kẹt xe. Nên thoạt đầu, nghe tới việc tự cầm lái từ Manila lên Subic, nhớ tới chuyện xe xếp hàng xa lộ Hà Nội đoạn qua cầu Sài Gòn, mà ngán ngẩm.
Highway và Subic
Nhưng hóa ra mọi chuyện không giống như tôi tưởng.
Trước khi khởi hành, chúng tôi được cảnh báo tốc độ giới hạn: đường trong thành phố (city street) từ 30 đến 40km/g, đường chính (road): 50 - 80km/g và đường cao tốc (highway): 60 - 100km/g. Thật sự nếu không có cảnh báo này (vượt quá coi chừng bị cảnh sát chặn lại và bị phạt) thì tôi đã thoải mái vượt qua giới hạn.
Bởi lẽ, có ngồi sau tay lái mới hiểu hệ thống đường sá giao thông ở Philippines được tổ chức rất khoa học, mỗi bên ba làn đường, với một làn dành cho xe bus và các bảng chỉ dẫn đường rõ ràng, nên tuy trong thành phố nhiều chỗ xe phải xếp hàng, nhưng không tắc tị như ở mình.
Thoát khỏi các “city street” để ra “road” giống như từ đường quốc lộ 5 thoát vào đoạn cao tốc Sài Đồng - Lạng Sơn, còn từ “road” lên “highway” thì không khác highway ở các nước châu Âu là bao. Không nhà cửa, hàng quán, phố xá san sát bên đường như ở ta. Chỉ có con đường, mỗi bên vẫn ba làn xe chạy, với hai bên là rừng cây, là núi trập trùng xa xa, là cánh đồng mênh mông, bát ngát, là xóm làng ở tít xa xa.
Đây đó cũng thấy cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, cũng đàn cò trắng muốt, cũng lưng cong trên cánh đồng, cũng nhà rợp rạ đơn sơ, nhưng thật yên bình, không thấy láo nháo nhà mái bằng mái nhọn (hay bởi người nông dân ở đây chưa thoát nghèo mà thay nhà mái bằng bê tông nhỉ?).
Sau tay lái êm như ru, không phải bận tâm tránh, vượt, thắng gấp, lại được dịu mắt với khung cảnh thoáng đãng, trong lành, tôi thật sự ngỡ ngàng không nghĩ mình đang lái xe trên một đất nước từng được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, dù đã được dặn trước, nhưng tôi cũng không thể không bất ngờ khi gặp… ba chú khỉ chạy ra chơi trên đường cao tốc. Nếu làm chúng chết hay bị thương, bạn có thể bị bỏ tù - tôi được dặn thế. Đất nước này vẫn còn giữ được thiên nhiên hoang dã như thế với luật pháp bảo vệ động vật hoang dã nghiêm ngặt.
Nằm ở phía Bắc, vịnh Subic cách thủ đô Manila chừng 170km, với tốc độ của highway, từ Manila chỉ mất chừng hai giờ đồng hồ là tôi đã chạm chân tới vịnh biển nổi tiếng nhất đảo quốc này. Vị trí chiến lược của vịnh Subic, nơi neo thuyền an toàn và mực nước sâu đã được nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan de Salcedo phát hiện. Đến năm 1884, chính quyền thực dân Tây Ban Nha chính thức chọn vịnh Subic làm cảng hải quân.
Đến năm 1900, người Mỹ đã biến nơi này thành khu dành riêng cho hải quân Mỹ, với tên gọi Hải quân Vịnh Subic. Đây từng là cơ sở lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và từng là cơ sở quân sự hải ngoại lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ sau khi căn cứ không quân Clark tại Angeles (cũng của Philippines) đóng cửa vào năm 1991.
Cho tới tận ngày 24-11-1992, nghĩa là gần 100 năm sau, cờ Mỹ mới hạ xuống ở Subic, 1.416 thủy thủ và thủy quân lục chiến Mỹ rời căn cứ, chính thức rút quân khỏi Subic, đánh dấu lần đầu tiên, kể từ thế kỷ XVI, không có một lực lượng quân sự ngoại quốc nào hiện diện trên đất nước Philippines.
Tuy vậy Subic vẫn là một thành phố “đặc biệt” ở Philippines. Hôm chúng tôi tới đây (27-10) cũng là ngày hai chiếc tàu chiến hải quân Mỹ USS ESSEX cập bến Subic, đứng đen ngòm ngoài cầu cảng. Các dịch vụ phục vụ đám thủy thủ Mỹ được dịp tưng bừng. Con phố sát bờ biển chặn các phương tiện giao thông, quây chỗ cho các gian hàng bán đồ lưu niệm, khu vui chơi ngoài trời. Quán bar, sòng bạc, nhà hàng đỏ đèn suốt đêm. Các cô gái dập dìu khắp cửa các quán bar mà thoáng trông đã biết “nghề nghiệp” của các cô là gì…
Subic cũng đặc biệt nổi tiếng với các cửa hàng mua sắm miễn thuế Duty Free rặt đồ “made in USA”. Có lẽ hiếm ở đâu bán đồ “rặt Mỹ” như thế, ngay cả trên đất Mỹ (nhiều hàng “made in China” hơn). Và vì là “Duty Free” nên giá nhiều mặt hàng “mềm” đến bất ngờ. Chẳng hạn như mỹ phẩm Revlon chính hiệu USA, chỉ 2,38 USD một chai sữa dưỡng da Skin Lotion 437ml.
Đồ gia dụng, các loại bàn ủi, máy pha cà phê, nồi niêu xoong chảo… đang có chiến dịch khuyến mãi mua 1 tặng 1 khá hấp dẫn. Tất nhiên lẫn trong đám đồ “made in USA”, tôi cũng thấy cả hàng Philips “made in Vietnam” và quần áo GAP toàn “made in Cambodia” cả.
Và mặt bên kia của thành phố
Nhưng đấy là phần Subic thuộc khu Freeport, nơi tập trung chủ yếu khách du lịch. Dành một chút thời gian ít ỏi trong hơn một ngày ở đây, chúng tôi tranh thủ lái xe xuống khu vực downtown là nơi sinh sống chính của cư dân thành phố. Ở đó thì khác hẳn. Nhà cửa nhỏ bé, cũ kỹ, nhem nhuốc, trên đường lũ lượt những người dân lao động nghèo và đám trẻ con nhếch nhác. Thật khó hình dung có gì gần gũi giữa xa lộ highway văn minh không thua kém gì những highway ở châu Âu hay Mỹ với những đường phố lạc hậu này.
Philippines là một trong những quốc gia mà ở đó sự chênh lệch giàu nghèo, sự khác biệt giữa hào nhoáng và nhếch nhác thể hiện rất rõ, không cần phải kiếm tìm. Trên đường từ Subic trở lại Manila để ra phi trường Aquino, chúng tôi đi theo đường vành đai để tránh kẹt xe. Nhưng kết quả là vẫn kẹt giữa những đoàn xe tải hạng nặng, xe container ồn ào chở hàng từ cảng biển vào thành phố.
Dù cơ sở hạ tầng đường sá khá tốt với sáu làn xe chạy (mỗi bên ba làn) và rất ít xe máy, nhưng Manila vẫn không tránh nổi bi kịch kẹt xe do số lượng ôtô quá nhiều. Từ một nước nông nghiệp, Philippines đang trở thành một nước công nghiệp mới ở Đông Nam Á, với sức tăng trưởng đột biến trong thời gian gần đây, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô.
Hàng loạt các hãng xe hơi lớn trên thế giới như Ford, Toyota, Honda… đã liên tục đổ vốn vào Philippines để mở rộng sản xuất. Hiện nay, hầu hết linh kiện xe lắp ráp của Ford Việt Nam được nhập khẩu từ Philippines…
Trước khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay, Viện Goldman - Sachs và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán Việt Nam sẽ là nước có kinh tế phát triển mạnh từ nay đến năm 2025 với 7 - 8% mỗi năm. Nếu được như vậy thì GDP năm 2013 của Việt Nam sẽ tương đương với GDP của Philippines 2006. Nhưng đà phát triển ấy để mở ra những con đường highway trong mơ hay là kẹt cứng trong những đô thị chật chội? Nhìn Philippines sau cửa kính xe hơi, câu hỏi ấy cứ loay hoay mãi trong tôi…
Theo THỦY PHẠM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Ngắm hai mặt của Philippines sau tay lái
Trở lại quốc đảo chuyên “hứng bão” Thái Bình Dương lần này, thay vì giam mình trong phòng hội thảo New World Renaissance sang trọng hay ngồi xe jeepney chen chúc giữa một Manila bê tông nhem nhuốc, là cơ hội được cầm lái chiếc xe hơi đời mới và khám phá một góc đất nước Philippines trên từng cây số…
Manila ngủ sớm, dậy muộn
Chuyến máy bay của hãng Philippines Airlines hợp tác với Vietnam Airlines hạ cánh xuống phi trường Ninoy Aquino khi trời sẩm tối. Chúng tôi có một đêm ở lại Manila trước khi lái xe đi Subic, vịnh biển nổi tiếng nằm ở phía Bắc thủ đô Manila, nơi trước ngày 24-11-1992 từng là cơ sở hải quân lớn nhất của Hoa Kỳ đặt tại Thái Bình Dương
Đến Manila vào buổi tối thật buồn, nhất là đối với phụ nữ, vì ăn tối xong gần như chẳng biết làm gì ngoài… về phòng khách sạn và ngủ! Tại một nhà hàng Nhật ngay gần khu trung tâm mua sắm hàng hiệu Greenbelt Mall, bữa tối thật thịnh soạn nhưng dùng xong khi chưa tới 21 giờ mà chúng tôi đã là những vị khách cuối cùng. Những tòa building trong khu vực tối om, tất cả các văn phòng làm việc đều đã đóng cửa.
Đường phố Manila ở quận trung tâm Makati (giống như quận 1 ở TP.HCM) lúc này đã vắng hoe, chỉ có vài chiếc taxi còn chạy, chẳng khác gì đường Hà Nội ngày… mùng Một Tết! Greenbelt Mall còn sáng những gian hàng Chanel, Gucci, Diesel… sang trọng, nhưng tất cả đã cửa đóng then cài. Và ngày mai, 11g trưa, các cửa hàng này mới mở cửa đón khách.
Có lẽ hiếm nơi nào giờ làm việc của các cửa hàng cửa hiệu lại ngắn như ở Philippines. Bị ảnh hưởng từ lối làm việc Âu - Mỹ đã đành, tình hình an ninh bất ổn cũng khiến cho những hoạt động về đêm của Manila bị giảm thiểu tối đa. Bất tiện nhất trong tình hình kiểm soát an ninh thắt chặt là vào đâu, khách sạn hay trung tâm mua sắm, khi nào bạn cũng phải mở túi xách cho nhân viên an ninh kiểm tra. Soát túi ở đây đã trở thành… nguyên tắc!
Trò tiêu khiển về đêm thú vị nhất ở Manila có lẽ là đi bar nghe nhạc sống. Là một thành phố lớn với dân số lên tới 10 triệu người, Manila có hàng trăm bar có trình diễn ca nhạc hàng đêm, nhưng nhiều nhất là ở hai quận Malate và Quezon City, hai khu vực có đời sống về đêm nhộn nhịp chứ không vắng hoe như Makati. Điều đặc biệt là nghe nhạc sống ở đây cực “đã” và giá đồ uống khá rẻ, lại không có tiền phụ thu.
Tôi từng nghe nhạc ở một quán bar nổi tiếng với các người lùn phục vụ tại khu Malate. Bar khá bình dân, giá một ly nước cam chỉ tương đương 16.000 đồng Việt Nam, có tới hai ban nhạc sống thay nhau biểu diễn, thật sự sống động và hết mình, y như ly nước cam phải có giá… 160.000 đồng. Cũng dễ hiểu vì sao ca sĩ Philippines sang Việt Nam hành nghề nhiều thế!
Nhưng đấy là Manila về đêm, cuộc sống đã chùng hết cỡ. Ban ngày, Manila là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất Đông Nam Á, kẹt xe và khói bụi kinh hoàng chẳng khác gì Bangkok. Quãng 9g sáng, qua cửa sổ phòng khách sạn, đã thấy xe hơi rồng rắn xếp hàng, mặc dù các cửa hàng hai bên đường vẫn còn đóng im ỉm.
Đi đâu, làm gì, nhất là ra sân bay, chúng tôi đều được cảnh báo phải cộng thêm giờ kẹt xe. Nên thoạt đầu, nghe tới việc tự cầm lái từ Manila lên Subic, nhớ tới chuyện xe xếp hàng xa lộ Hà Nội đoạn qua cầu Sài Gòn, mà ngán ngẩm.
Highway và Subic
Nhưng hóa ra mọi chuyện không giống như tôi tưởng.
Trước khi khởi hành, chúng tôi được cảnh báo tốc độ giới hạn: đường trong thành phố (city street) từ 30 đến 40km/g, đường chính (road): 50 - 80km/g và đường cao tốc (highway): 60 - 100km/g. Thật sự nếu không có cảnh báo này (vượt quá coi chừng bị cảnh sát chặn lại và bị phạt) thì tôi đã thoải mái vượt qua giới hạn.
Bởi lẽ, có ngồi sau tay lái mới hiểu hệ thống đường sá giao thông ở Philippines được tổ chức rất khoa học, mỗi bên ba làn đường, với một làn dành cho xe bus và các bảng chỉ dẫn đường rõ ràng, nên tuy trong thành phố nhiều chỗ xe phải xếp hàng, nhưng không tắc tị như ở mình.
Thoát khỏi các “city street” để ra “road” giống như từ đường quốc lộ 5 thoát vào đoạn cao tốc Sài Đồng - Lạng Sơn, còn từ “road” lên “highway” thì không khác highway ở các nước châu Âu là bao. Không nhà cửa, hàng quán, phố xá san sát bên đường như ở ta. Chỉ có con đường, mỗi bên vẫn ba làn xe chạy, với hai bên là rừng cây, là núi trập trùng xa xa, là cánh đồng mênh mông, bát ngát, là xóm làng ở tít xa xa.
Đây đó cũng thấy cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, cũng đàn cò trắng muốt, cũng lưng cong trên cánh đồng, cũng nhà rợp rạ đơn sơ, nhưng thật yên bình, không thấy láo nháo nhà mái bằng mái nhọn (hay bởi người nông dân ở đây chưa thoát nghèo mà thay nhà mái bằng bê tông nhỉ?).
Sau tay lái êm như ru, không phải bận tâm tránh, vượt, thắng gấp, lại được dịu mắt với khung cảnh thoáng đãng, trong lành, tôi thật sự ngỡ ngàng không nghĩ mình đang lái xe trên một đất nước từng được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, dù đã được dặn trước, nhưng tôi cũng không thể không bất ngờ khi gặp… ba chú khỉ chạy ra chơi trên đường cao tốc. Nếu làm chúng chết hay bị thương, bạn có thể bị bỏ tù - tôi được dặn thế. Đất nước này vẫn còn giữ được thiên nhiên hoang dã như thế với luật pháp bảo vệ động vật hoang dã nghiêm ngặt.
Nằm ở phía Bắc, vịnh Subic cách thủ đô Manila chừng 170km, với tốc độ của highway, từ Manila chỉ mất chừng hai giờ đồng hồ là tôi đã chạm chân tới vịnh biển nổi tiếng nhất đảo quốc này. Vị trí chiến lược của vịnh Subic, nơi neo thuyền an toàn và mực nước sâu đã được nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan de Salcedo phát hiện. Đến năm 1884, chính quyền thực dân Tây Ban Nha chính thức chọn vịnh Subic làm cảng hải quân.
Đến năm 1900, người Mỹ đã biến nơi này thành khu dành riêng cho hải quân Mỹ, với tên gọi Hải quân Vịnh Subic. Đây từng là cơ sở lớn nhất của Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và từng là cơ sở quân sự hải ngoại lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ sau khi căn cứ không quân Clark tại Angeles (cũng của Philippines) đóng cửa vào năm 1991.
Cho tới tận ngày 24-11-1992, nghĩa là gần 100 năm sau, cờ Mỹ mới hạ xuống ở Subic, 1.416 thủy thủ và thủy quân lục chiến Mỹ rời căn cứ, chính thức rút quân khỏi Subic, đánh dấu lần đầu tiên, kể từ thế kỷ XVI, không có một lực lượng quân sự ngoại quốc nào hiện diện trên đất nước Philippines.
Tuy vậy Subic vẫn là một thành phố “đặc biệt” ở Philippines. Hôm chúng tôi tới đây (27-10) cũng là ngày hai chiếc tàu chiến hải quân Mỹ USS ESSEX cập bến Subic, đứng đen ngòm ngoài cầu cảng. Các dịch vụ phục vụ đám thủy thủ Mỹ được dịp tưng bừng. Con phố sát bờ biển chặn các phương tiện giao thông, quây chỗ cho các gian hàng bán đồ lưu niệm, khu vui chơi ngoài trời. Quán bar, sòng bạc, nhà hàng đỏ đèn suốt đêm. Các cô gái dập dìu khắp cửa các quán bar mà thoáng trông đã biết “nghề nghiệp” của các cô là gì…
Subic cũng đặc biệt nổi tiếng với các cửa hàng mua sắm miễn thuế Duty Free rặt đồ “made in USA”. Có lẽ hiếm ở đâu bán đồ “rặt Mỹ” như thế, ngay cả trên đất Mỹ (nhiều hàng “made in China” hơn). Và vì là “Duty Free” nên giá nhiều mặt hàng “mềm” đến bất ngờ. Chẳng hạn như mỹ phẩm Revlon chính hiệu USA, chỉ 2,38 USD một chai sữa dưỡng da Skin Lotion 437ml.
Đồ gia dụng, các loại bàn ủi, máy pha cà phê, nồi niêu xoong chảo… đang có chiến dịch khuyến mãi mua 1 tặng 1 khá hấp dẫn. Tất nhiên lẫn trong đám đồ “made in USA”, tôi cũng thấy cả hàng Philips “made in Vietnam” và quần áo GAP toàn “made in Cambodia” cả.
Và mặt bên kia của thành phố
Nhưng đấy là phần Subic thuộc khu Freeport, nơi tập trung chủ yếu khách du lịch. Dành một chút thời gian ít ỏi trong hơn một ngày ở đây, chúng tôi tranh thủ lái xe xuống khu vực downtown là nơi sinh sống chính của cư dân thành phố. Ở đó thì khác hẳn. Nhà cửa nhỏ bé, cũ kỹ, nhem nhuốc, trên đường lũ lượt những người dân lao động nghèo và đám trẻ con nhếch nhác. Thật khó hình dung có gì gần gũi giữa xa lộ highway văn minh không thua kém gì những highway ở châu Âu hay Mỹ với những đường phố lạc hậu này.
Philippines là một trong những quốc gia mà ở đó sự chênh lệch giàu nghèo, sự khác biệt giữa hào nhoáng và nhếch nhác thể hiện rất rõ, không cần phải kiếm tìm. Trên đường từ Subic trở lại Manila để ra phi trường Aquino, chúng tôi đi theo đường vành đai để tránh kẹt xe. Nhưng kết quả là vẫn kẹt giữa những đoàn xe tải hạng nặng, xe container ồn ào chở hàng từ cảng biển vào thành phố.
Dù cơ sở hạ tầng đường sá khá tốt với sáu làn xe chạy (mỗi bên ba làn) và rất ít xe máy, nhưng Manila vẫn không tránh nổi bi kịch kẹt xe do số lượng ôtô quá nhiều. Từ một nước nông nghiệp, Philippines đang trở thành một nước công nghiệp mới ở Đông Nam Á, với sức tăng trưởng đột biến trong thời gian gần đây, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô.
Hàng loạt các hãng xe hơi lớn trên thế giới như Ford, Toyota, Honda… đã liên tục đổ vốn vào Philippines để mở rộng sản xuất. Hiện nay, hầu hết linh kiện xe lắp ráp của Ford Việt Nam được nhập khẩu từ Philippines…
Trước khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay, Viện Goldman - Sachs và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán Việt Nam sẽ là nước có kinh tế phát triển mạnh từ nay đến năm 2025 với 7 - 8% mỗi năm. Nếu được như vậy thì GDP năm 2013 của Việt Nam sẽ tương đương với GDP của Philippines 2006. Nhưng đà phát triển ấy để mở ra những con đường highway trong mơ hay là kẹt cứng trong những đô thị chật chội? Nhìn Philippines sau cửa kính xe hơi, câu hỏi ấy cứ loay hoay mãi trong tôi…
Theo THỦY PHẠM
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Last edited by a moderator: