RE: CLB OS.XNL: những người đam mê Nhiếp Ảnh - Chộp ảnh
Các bác chụp ảnh đẹp quá, em vừa ngó qua thấy ảnh 2 của bác e.whoiswho, giàn bí lều tranh và cảnh nền hiện đại như tranh ghép. Tài tình!
Vụ lá cọ mà bác PH_H post em chưa thấy ai làm chổi bao h, cũng đang thắc mắc, may quá nhớ ra là có thể google, kết quả thật bất ngờ và thú vị,
tại đây:
"Mỗi ai đã từng vương vấn với miền trung du Ðất Tổ mà nhớ đến cây cọ, thì hình ảnh ấy đã là một nửa nỗi nhớ thương trong tấm lòng còn đượm cả hương vị của chè đồi chát ngọt...
Xin được dẫn lại từ cuốn sách của Nguyễn Xuân Lân, phần khảo cứu về cây cọ: "Cọ là thứ cây có giá trị sử dụng lớn, toàn bộ cây cọ không bỏ đi một thứ gì. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, làm chổi, làm bầu gánh phân, gánh củ, móm hạt giống, gầu múc nước, làm quạt. Búp cọ khâu nón, áo tơi, vặn thừng, vặn chão, đan làn xuất khẩu... Thân cọ làm cột nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi... Ngày trước thân cọ còn dùng làm câu đối mộc thiếp vàng đẹp vô cùng, chỉ những nhà giàu mới mua sắm nổi. Cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan rọ lợn, lồng gà, dành gánh đất, rồi đến mành cọ, một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Cuối cùng, những thứ gì còn lại của cây cọ được đưa vào bếp làm củi đun, chẳng bỏ phí hoài một thứ gì cả..." (Ðịa chí tỉnh Vĩnh Phú, năm 1975).
Dù rằng người và sách đã nói hết về cọ, nhưng tôi - kẻ hậu sinh, vẫn muốn nói thêm từ góc của mình. Chỉ xét nguyên tàu lá cọ đã là vật dụng làm được bao nhiêu là việc cho con người: Lá cọ phơi khô, ngâm hết diệp lục, dùng liềm sắc cào bớt phần lá, chỉ giữ lại phần gân. Thứ lá ấy lợp mái dày thì nắng mưa đều bất lực, đến độ người ta phải dùng cối đá lăn cho xẹp bớt để nước mưa khỏi dốc ngược vào trong. Mái lá cọ che chở cho khung nhà gỗ mít, gỗ xoan chạm rồng trổ phượng, mai, cúc bền lâu đến cả trăm năm.
Hay như cái "móm" cọ, một đồ dùng thân thiết của người vùng đồi: lá cọ chỉ cần túm lại phần chót lá buộc chặt hai đầu, là đã có thứ đồ đựng chất liệu hoàn toàn hợp tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường trong chế tác và sử dụng. "Móm" cọ đựng ngô, lúa, đựng chè tươi đi bán ngoài chợ, đựng sắn tươi trên nương về, móm cọ đựng trái cọ và... đựng bất cứ thứ gì cần đựng.
Thân thiết với con người đến vậy, cây cọ đã hóa thân vào cuộc sống, vào tình yêu lứa đôi trong ca dao vùng Ðất Tổ: Ði đâu nón chẳng đội đầu - Lại đây hai đứa lấy tàu cọ che... Rồi Nón ai nón bạc nón vàng - Nón em tàu cọ che ngang mặt trời và Nón em đã có lời thề - Chàng mà lấy nón em về sao đang, chưa nói rằng:
Thương anh, em biết để đâu
Ðể vào móm cọ treo đầu cành đa
Con sụng bay qua, con quạ bay qua
Móm cọ thì mất, cành đa vẫn còn...
Dông dài đôi chút, lúc nào các bác ghé xóm miền Bắc và có nhã hứng du ngoạn, em sẽ cố gắng thu xếp thời gian đu theo bác.