Thân tặng hội đồng hương Mỹ Tho vài ký ức tuổi thơ của Countryside nhé. Ôi... nhớ quê biết bao...
Quê tôi - xã Bình Ninh , huyện Chợ Gạo,Tiền Giang, là nơi từng bị oanh tạc bởi bom đạn trong thời kỳ kháng chiến. Dấu tích để lại là những hố bom lớn. Do đặc tính vùng quê có nhiều sông, mương rạch nên những hố bơm trở thành những cái to có chứa rất nhiều tôm, cá. Cứ đỗi đến mùa nắng nóng, dòng nước cạn dần thì người dân địa phương bắt đầu tát mương. Nhà nào có cái mương nho nhỏ thì chỉ cần 1-2 người tát, còn nhà nào có những cái hố bom lớn thì cần khoảng 10 người, thu hoạch được nhiều loại cá như là: cá trê, cá lóc, tôm càng xanh,...
Ở xóm, chỉ có nhà tôi và nhà thím tư Phùng là hai nhà có lỗ bom lớn. Lỗ bom thông ra sông bằng con rạch nhỏ hai bên là những rặng dừa nước dày đặc nên tôm cá theo thủy triều ra vào nhiều vô kể. Khi còn nhỏ, tôi mong đến ngày tát mương. Hố bom sau nhà lớn nên mỗi lần bơm , ba tôi phải huy động thanh niên , chú bác trong xóm giúp một tay. Trước đó một ngày, ba và anh tôi phải đi ra đồng vác một máy bom nước về. Vì thời đó ai cũng làm nông, người ta thường cất chòi để trông giữ ruộng, hoa màu. Gia đình tôi khá giả hơn một chút nên sắm được máy bơm nước để cho người khác thuê nên lúc nào máy cũng được cất giữ ở chòi rất cẩn thận. Sáng sớm ba tôi đã đi mua xăng, điều khiển thanh niên trai tráng đắp bờ - ở cửa ra vào nguồn nước chảy vào lỗ bom, sau đó hì hục giựt bình xăng cho đầu máy nổ. Trong lúc ấy, má tôi và các chị em gái thay đồ, sửa soạn nào là lu để đựng cá, rổ rá để vớt cá , xoong nồi, vài lu nước đã lóng phèn cho thật trong để chuẩn bị cho mọi người tắm và nấu ăn. Khi tiếng máy nổ là lúc đó người trong xóm nghe thấy họ kéo đến để xem nhà này tát được có nhiều cá không, và cũng có nhiều người đến bắt hôi sau khi nhà tôi bắt xong. Hồi nhỏ , dưới con mắt tuổi thơ, tôi thấy lỗ bom rộng lắm, khi nước lớn, chúng tôi có thể bơi mệt người dưới làn nước trong veo. Bọn trẻ chúng tôi nháo nhào ,hiếu kỳ, la toáng mỗi khi lượng nước bắt đầu rút là thấy những chú cá lóc, cá tai tượng quẫy đuôi. Rồi cũng tiếc nuối dòng nước đã không còn để chúng tôi bơi lội mỗi ngày. Cảm xúc con nít tiếc nuối bất chợt đến rồi lại đi ngay vì chúng thấy cái gì mới lạ ấp đến, là lập tức lại bị cuống vào.
Khi nước vừa rút hết chỉ còn xâm xấp trên mặt bùn là mấy anh tôi nhảy xuống ao, hai tay nhanh nhảu luồn vào trong bùn để bắt những chú cá lóc, cá trê. Mặt mày, tóc tai ai cũng dính đầy bùn đất vì chúng vẫy vùng mạnh quá. Trời nắng, ai cũng nhăn mặt nhưng vui. Đàn ông thì bắt cá to,tôm càng.Phụ nữ thì bắt tôm, cá sặc, cá lòng tong. Hễ bắt được con nào là họ quăng lên bờ, lúc ấy mẹ và chị nhặt cá, rửa sạch sau đó bỏ vào trong lu. Mẹ sẽ phân ra từng loại cá tôm, to nhỏ và bắt đầu phân chia thưởng cho những người phụ tát. Một ít để lại ăn, còn tôm càng xanh thì đem đi bán, tôm long ( là toại tôm càng nhưng còn nhỏ ) sẽ nướng cho chị em chúng tôi ăn. Không quên một phần thưởng nóng cho đội ngủ lao động cực nhọc trong bữa tát một nồi cá sặc kho lá gừng và nồi cháo cá lóc ăn với rau đắng ở sau hè.
Sau một bữa tát cá là một bữa ăn gia đình thân mật giữa gia đình tôi và các chú bác hàng xóm. Tôi nhớ ba tôi uống nhiều lắm. Các bác cũng vậy, uống nhiều lắm. Cốc rượu đầy tình làng nghĩa xóm, đúng nghĩa tối lửa tắt đèn có nhau. Còn bây giờ, thi thoảng về thăm nhà, nhà ai nấy ở cửa đóng then cài, gặp nhau hỏi han dăm ba câu rồi bỏ đi… thế hệ sau không mặn mà như thế hệ của ba tôi, thua xa lắm rồi. Lỗ bơm cũng vậy, lâu lắm rồi từ lúc ba tôi bệnh cho tới bây giờ, chưa được tát lần nào .......