Bên VNexpress mới đăng bài về mua bán cafe chui bị lừa. Giao dịch phải cẩn thận chọn đối tác.
===============================
Mất 10.000 USD vì giao dịch cà phê 'chui'
Giao dịch 16 lot cà phê, ông Linh thu được tổng tiền lời và vốn là 32.604 USD. Tuy nhiên, sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, ông mở tài khoản ra xem thì 10.410 USD đã biến mất cùng với lịch sử giao dịch của 9 lot bị xóa.</h2> Phản ánh với
VnExpress.net, ông Trần Phước Linh (Lâm Đồng) cho biết, vào tháng 2, thông qua Công ty Đại Hữu Phát, ông được mở một tài khoản giao dịch cà phê thế giới. Mỗi USD được quy đổi bằng 20.000 đồng. Quá trình thực hiện giao dịch trên phần mềm MT4.
Từ ngày 23/3 đến 31/3, ông Linh mở trạng thái bán 16 lot cà phê trên thị trường kỳ hạn London. Đến khuya ngày 1/4, ông bán tất cả 16 lot cà phê đó và lời 16.432 USD. Tài sản ròng của ông sau khi đã đóng lệnh là 32.664 đôla. Sau đó, ông đặt mua lại 1 lot gần cuối phiên hôm đó, trạng thái mở đang tạm lỗ 60 USD. Vì vậy, tài sản ròng lúc đó là 32.604 USD.
"Tất cả lịch sử giao dịch hôm đó tôi đều lưu lại. Ngày 2 và 3/4 là ngày nghỉ cuối tuần nên thị trường không giao dịch", ông Linh nói.
Thế nhưng, đến tối chủ nhật ngày 3/4 khi ông mở tài khoản ra xem thì 10.410 USD đã biến mất khỏi tài sản ròng. Khi đối chiếu với bản lịch sử giao dịch cũ, ông Linh cho biết 9 lot trong số 16 lot chốt lời thành công đã bị xóa.
Ngày 4/4, ông gọi cho cô Thu Thùy, nhân viên công ty Đại Hữu Phát (người trực tiếp hỗ trợ giao dịch) thì được cô này hướng dẫn khi nào cần giải quyết số tiền bị mất, ông nên đóng tất cả các lệnh lại để sàn kiểm tra. Nhưng trong ngày hôm đó, ông vẫn chưa đóng và tiếp tục giao dịch lời thêm 4.358,75 USD.
Ngày 5/4, ông Linh cho biết Giám đốc công ty Môi Giới Việt (công ty con của Đại Hữu Phát), ông Trần Văn Trung có gọi điện thoại cho ông giải thích lý do bên sàn có một số trục trặc và quy trình làm việc là 2 ngày.
Đến ngày 6/4, ông được cô Thùy thông báo không được phép giao dịch nữa bởi vì ngân hàng đã khoanh vùng để kiểm tra.
"Lúc đó, tôi định rút hết số tiền còn lại (chưa tính số tiền bị biến mất) nhưng công ty không giải quyết. Đến ngày 10/4, công ty mới cho tôi rút 5.000 USD", ông Linh kể.
Sau đó, ông được cô Thùy thông báo là tài khoản của ông có 3 ip đăng nhập. Nhưng ông cho rằng vấn đề đó là bình thường bởi vì ông cũng có nhờ cô tư vấn, và giao password đăng nhập vào tài khoản trong tất cả các quá trình giao dịch, để hỗ trợ. "Trong suốt quá trình giao dịch, tôi không phát hiện bất cứ sự bất thường nào về sự xâm nhập trái phép vào tài khoản của tôi", ông Linh nhấn mạnh.
Đến ngày 14/4, ông điện thoại cho ông Nguyễn Thành Quốc Thái, Giám đốc Đại Hữu Phát để trao đổi. Lúc đó, ông Thái nói tài khoản của ông bị hacker và đổ mọi trách nhiệm qua phía đối tác nước ngoài. Ông Thái cho rằng số tiền ông Linh bị mất trong 9 lot đã đặt lệnh và chốt lời là trái phép nên không được chấp nhận. Sau đó, ông Thái hẹn ông vào ngày 16/4 lên gặp để giải quyết. Thế nhưng, ngày 15/4, Công ty Đại Hữu Phát đã gởi văn bản đến ông Linh cho biết ông Thái bận đi công tác, không gặp được và hẹn sẽ có câu trả lời vào tháng 4.
Ông Linh cho rằng, từ khi ký hợp đồng giao dịch với Đại Hữu Phát, ông luôn nghĩ công ty này là đơn vị môi giới hợp pháp của BCEC và không biết họ lại giao dịch 'chui' thông qua một trung gian khác. "Đại Hữu Phát phải có trách nhiệm thanh toán tiền cho tôi", ông Linh nói.
Trao đổi với
VnExpress.net, ông Nguyễn Thành Quốc Thái, Giám đốc Đại Hữu Phát thừa nhận có xảy ra sự việc nêu trên.
Ông Thái cho biết, sau nhiều lần thương lượng, Công ty Đại Hữu Phát đã chấp nhận thanh toán cho ông Linh khoản tiền từ tài khoản ròng 13.124 USD (tương đương hơn 262 triệu đồng). Riêng khoản tiền còn lại của các lệnh bị mất 10.410 USD (tương đương 208,2 triệu đồng) thì cần có sự thương lượng tiếp theo. Bởi theo ông Thái, 9 lệnh chốt lời của ông Linh có dấu hiệu "bất thường". Hơn nữa, sau khi sự việc xảy ra, ông Linh đã đến nhiều cơ quan chức năng nhờ can thiệp, trong đó có Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma thuộc (BCEC). Và BCEC đã cắt tư cách thành viên môi giới của Đại Hữu Phát khiến công này này thiệt hại doanh thu từ BCEC khoảng 528 triệu đồng.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuộc (BCEC), trước đây Công ty Đại Hữu Phát có nộp hồ sơ xin làm thành viên môi giới (tìm kiếm các khách hàng tiềm năng). Tuy nhiên, trong quá trình trở thành thành viên môi giới (trên danh nghĩa chứ chưa có sản phẩm giao dịch) thì công ty này không đảm bảo điều kiện như không nộp tiền ký quỹ, tiền thế chấp thành viên... nên BCEC đã chấm dứt tư cách thành viên của Đại Hữu Phát từ ngày 11/3.
Vị lãnh đạo này cũng nói thêm, Đại Hữu Phát là thành viên môi giới của BCEC thì chỉ được phép phát triển khách hàng duy nhất với BCEC. Riêng việc giới thiệu khách và mở tài khoản giao dịch với sàn thế giới thì họ đã vi phạm quy định thành viên môi giới . "Chúng tôi chỉ có thể cắt tư cách thành viên của công ty này. Còn việc tranh chấp giữa ông Linh và Đại Hữu Phát không thuộc quyền hạn giải quyết của chúng tôi", ông này nói.
Theo Luật sư Võ Quang Vũ, Công ty luật Tân Á, trong trường hợp trên, chưa xét đến việc giao dịch giữa ông Linh và Công ty Đại Hữu Phát có chui hay không thì công ty này phải có trách nhiệm giải quyết số tiền lời cho ông Linh. Bởi trên thực tế, ông Linh đã ký hợp đồng giao dịch với công ty. Riêng việc Đại Hữu Phát cho rằng ông Linh đã gây ra nhiều thiệt hại, thì công ty phải chứng minh được thiệt hại đó là gì, khi đó nhà đầu tư này mới thanh toán khoản thiệt hại sau.
"Nếu Đại Hữu Phát không chịu thanh toán tiền lời thì ông Linh có thể khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi cho mình. Và trường hợp nếu Đại Hữu Phát hoạt động 'chui' thì sẽ chịu sự chế tài của pháp luật", ông Vũ nói.
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/05/mat-10-000-usd-vi-giao-dich-ca-phe-chui/