tặng anh Gà Kho bái hát bữa trước
http://phapluattp.vn/20120919121050187p1021c1082/anh-tuyet-hat-giong-quang.htm
Ánh Tuyết hát giọng Quảng
Ánh Tuyết đã hát và thực hiện một album mới với những ca khúc bằng chất giọng rặt Quảng Nam nhưng vẫn tinh tế và sang trọng.
Sau khi thu âm thử một vài bài hát bằng giọng Quảng Nam, ca sĩ Ánh Tuyết đã gửi bài hát này cho vài người bạn nghe thử. Ít tuần sau, bài hát lan truyền trên các trang mạng xã hội rất nhanh mà tên người hát không được tiết lộ. Nhiều người đã thích thú với giọng hát trong sáng, rặt Quảng Nam chứ không phải giọng Quảng bị châm chọc lâu nay. Sau nhiều lần truy tìm cuối cùng mọi người cũng nhận ra được giọng hát của ca sĩ Ánh Tuyết và bất ngờ hơn khi biết chị đang thu âm và sắp ra một album với những ca khúc được trình bày bằng giọng Quảng Nam, quê hương của chị.
Thương chất giọng mộc mạc, chân chất
. Vì sao chị chọn cách thể hiện các ca khúc bằng giọng Quảng Nam?
+ Ca sĩ Ánh Tuyết: Trong một dịp tình cờ tôi gặp lại một người bạn đang có phòng thu âm ở Đà Nẵng. Anh đánh đàn và tôi thử thể hiện một vài ca khúc bằng giọng Quảng. Khi tôi vừa hát xong, anh bạn thốt lên: “Nghe cũng hay đó chứ”. Toàn bộ buổi hát thử giọng đó được thu âm. Tối về khách sạn tôi mở nghe lại, ban đầu thấy nó buồn cười nhưng nghe kỹ thì nó thấm. Thấy giọng Quảng sao mà mộc mạc, chân chất, thật thà lại đơn giản. Mỗi từ ngữ như mang tâm trạng, như trút hết cả tâm can, nỗi lòng của người nói trong đó. Đôi ba từ còn cho thấy được sự tự ti, tự phụ của con người xứ này. Càng nghe tôi càng thấy thương thương, tội tội cái giọng Quảng, có cái gì đó chất chứa bên trong mà chưa ai hiểu được. Từ đó tôi mới tự hỏi lòng tại sao mình không hát bằng giọng Quảng một cách nghiêm chỉnh để người nghe có thể thấu hiểu và chia sẻ.
Ca sĩ Ánh Tuyết. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
. Liệu cách trình bày này của chị có nhận được sự đồng điệu của những người chưa từng nghe qua giọng Quảng?
+ Thường thì giọng Quảng rất khó nghe, khi nói sẽ khiến nhiều người không hiểu, dễ làm đối phương bật cười, chế giễu. Nhưng khi đặt nó trong một bài hát mà nhiều người đã biết được ca từ và quen với giai điệu thì cũng dễ đi vào lòng người. Và dòng nhạc tôi chọn là bolero vốn đã rất đỗi quen thuộc với nhiều người nghe nhạc nên tôi hy vọng sẽ được công chúng đón nhận.
. Nói như vậy chị đã thử qua nhiều thể loại nhạc khi trình bày?
+ Vâng. Tôi đã vài lần thử trình bày một số ca khúc hát về quê hương đất Quảng và một số sáng tác của những nhạc sĩ người Quảng Nam nhưng không thể hát theo giọng Quảng được. Khi hát lên nó nhạt, không có hồn và mất đi tính sang trọng của ca khúc. Vì vậy, tôi tập trung vào dòng nhạc bolero và miệt mài thu đi thu lại nhiều tháng trời nhưng hiện tại vẫn chưa ưng ý lắm.
. Nghĩa là chị đang gặp khó khăn?
+ Cũng không hẳn là như vậy. Có một số từ địa phương khi đưa vào bài hát thì giai điệu và cao độ âm nhạc không hợp nên tôi phải tìm kiếm, thay đổi nhiều từ khác nhau rất mất thời gian. Đôi khi hát quá say sưa tôi bị một số lỗi phát âm không giống với giọng Quảng, ví dụ cây đờn thì tôi lại phát âm cây đàn, hột mưa thành hạt mưa… (cười).
Sợ mất “đặc sản” người Quảng
. Có người khi nghe bài hát
Mưa chiều kỷ niệm của chị trên YouTube đã nhận định: “Hóa ra giọng Quảng thô ráp vẫn có thể thể hiện một cách tinh tế một nhạc phẩm sang trọng như vậy!”. Chị nghĩ sao?
Dự kiến album gồm những ca khúc được trình bày bằng giọng Quảng Nam của ca sĩ Ánh Tuyết sẽ ra mắt vào tháng 11-2012. Trong đó, Ánh Tuyết sẽ trình bày một số ca khúc quen thuộc như: Mưa chiều kỷ niệm, Mưa rừng, Chuyến tàu hoàng hôn…
+ Có lẽ do chất giọng và tình cảm của mình khi đưa vào bài hát. Người Quảng vốn dĩ “ăn to nói lớn”, “ăn cục nói hòn” nên ngôn ngữ nói mới nghe qua cứ nghĩ thô ráp, cộc cằn nhưng ẩn chứa bên trong là cả một nỗi niềm. Vì vậy, cần bóc tách lớp vỏ bên ngoài mới hiểu hết những ngụ ý bên trong. Tiếng Quảng khi được cất lên trên giai điệu bolero nghe nhỏ nhẹ, thỏ thẻ và chân thật. Cả hai tố chất đó cộng hưởng lại để kể những câu chuyện tình, chuyện đời vốn là thế mạnh của dòng nhạc bolero sẽ làm cho người nghe yêu mến những ngôn từ này. Hy vọng những ai chưa đến, chưa biết Quảng Nam khi nghe những ca khúc này sẽ cảm và đến với nơi này thông qua con đường âm nhạc.
. Chị gửi gắm gì thông qua những ca khúc đã trình bày trong album sắp tới?
+ Lâu nay mọi người hát giọng Quảng chỉ mang tính châm chọc, hoặc trình bày trong các trích đoạn hài kịch nhằm mục đích gây cười nhưng ít ai hát một cách nghiêm túc. Tôi là người tiên phong trong lĩnh vực này, là người hứng mũi chịu sào trước “búa rìu của dư luận”. Nhưng không hề chi, quan trọng là thông qua cách thể hiện như vậy tôi muốn người Quảng Nam cũng hãnh diện với giọng nói của mình và góp phần bảo tồn văn hóa trong giọng nói. Ở Hội An hiện tại du lịch đang phát triển nhưng những từ địa phương tính lại đang dần mai một và mất dần. Mọi người nơi đây không còn tự tin dùng tiếng địa phương để trao đổi mà họ dùng ngôn ngữ khác hoặc giả giọng của vùng miền khác để giao tiếp. Nếu như những ngôn ngữ địa phương này mất đi thì đó là một nỗi đau của tôi.
. Cảm ơn chị.
Ý tưởng hát nhạc bằng giọng Quảng Nam, hát bằng chính giọng vùng miền của Ánh Tuyết là một ý tưởng độc đáo. Đó không phải là sự đùa cợt, pha giọng hay giả giọng nào cả nên tạo cho người nghe một cảm giác thú vị. Nhiều bạn bè tôi đã nghe qua và đều rất thích những ca khúc này. Phải nói Ánh Tuyết là người rất thông minh, hài hước và ngộ nghĩnh khi chọn cách thể hiện ca khúc như vậy. Sau cái cảm giác buồn cười ban đầu thì ta thấy được sự nghiêm chỉnh, cái đẹp trong việc hòa âm, phối khí của cô.
Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN