HỒ SUỐI LAM
Nơi gặp gỡ của các dòng suối nhỏ tạo nên mặt hồ trong xanh và tràn đầy thơ mộng, cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước chừng 10 km, giao thông thuận tiện. Quanh hồ nước rộng có nhiều cây xanh quanh năm rợp bóng mát, in bóng những hàng cao su thẳng tắp mút tầm con mắt. Từ vẻ đẹp của tự nhiên, con người sớm có ý thức khai thác và gìn giữ để rồi nơi đây đã trở thành khu du lịch vui chơi giải trí lý tưởng, nhất là vào những dịp lễ hội và tết Nguyên đán. Ven bờ hồ là những công trình phục vụ du khách, đặc biệt là nhà hàng nổi với nhiều món ăn đặc sản của núi rừng Bình Phước. Đến với Suối Lam, du khách có thể cheo thuyền lênh đênh trên mặt hồ, cảm nhận sự trong lành của thiên nhiên với những âm thanh kỳ ảo vốn có của xứ núi rừng. Đây là nơi lý thú cho du khách khi tổ chức một chương trình dã ngoại, cắm trại.
THÁC SỐ 4
Cách trung tâm thị trấn An Lộc, huyện Bình Long chừng 10 km với khoảng rộng 20 ha. Nơi đây được biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, không gian yên tĩnh đến lạ thường. Du khách có thể nghe rõ từng tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim kêu ríu rít cùng với tiếng gió xào xạc tạo nên một khối âm thanh hoang dại đặc trưng của vùng sơn cước. Năm 1988 Công ty cao su Bình Long đã đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng của công nhân với hệ thống nhà nghỉ thoáng mát đầy đủ tiện nghi có cả nhà hàng đặc sản sẵn sàng phục vụ quí khách.
HỒ SÓC XIÊM
Cách thị trấn An Lộc, Bình Long chừng 10 km, nằm giữa thung lũng xanh yên ả bao bọc bởi cánh rừng cao su bạt ngàn chen lẫn những nóc nhà tranh vách lá của những thổ dân S’tiêng còn lưu giữ nguyên vẹn nét truyền thống văn hoá vốn có. Đến đây du khách sẽ được câu cá bên hồ hay thả mình trên thảm lá, lắng nghe tiếng gió lao xao cợt đùa trên mặt nước.
TRẢNG CỎ BÀU LẠCH
Tên trảng cỏ trùng với tên làng, tên đất, quê hương của những người S’tiêng, M’nông anh em. Đây là sản phẩm tuyệt mỹ của tạo hoá, nằm giữa chốn thâm sơn cùng cốc bao gồm 20 trảng cỏ lớn nhỏ kết dính với nhau trông như một bức thảm ngọc của thời tiền sử. Nét độc đáo ở đây chỉ độc một loại cỏ kim đan xen cỏ chỉ xanh tốt quanh năm nhưng chỉ là là mặt đất khiến cho du khách chẳng khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của thiên nhiên. Toàn bộ thảm cỏ rộng lớn gần 5 km2 tạo ra không gian thoáng rộng và tĩnh mịch phù hợp với loại hình du lịch dã ngoại, cắm trại, thể thao. Trên thảm cỏ xanh thỉnh thoảng du khách bắt gặp những loài thú hiền lành như nai, khỉ, thỏ, nhím và là ngôi nhà chung của nhiều loại động vật gặm cỏ. Chính nơi đây làm cho con người dể hoà nhập với thiên nhiên hơn nơi nào hết càng nâng cao ý thức bảo vệ giữ gìn những giá trị đích thực mà tạo hoá đã ban tặng cho xứ sở này. Nơi đó chỉ cách thị trấn Đức Phong 15 km thuộc thôn Bàu Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng.
KHU DU LỊCH SINH THÁI BÀ RÁ - THÁC MƠ
[/b](Huyện Phước Long - Bình Phước) [/b]
Khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ nằm ở toạ độ 11 0 6 ’ vĩ độ Bắc và 107 0 00 ’ kinh độ Đông thuộc huyện Phước Long - Bình Phước, gắn liền với các điểm cảnh quan như Thị trấn Thác Mơ, Nhà máy Thuỷ điện Thác Mơ , khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập và một quần thể sông, suối, ghềnh thác, hồ đập phong phú. Tại đây với các yếu tố thiên nhiên rất thuận lợi cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, du khảo, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, mạo hiểm và cung cấp cho du khách những thời khắc sảng khoái.
Theo kết quả phân vùng quy hoạch thì diện tích Khu du lịch sinh thái núi Bà Rá (1.300ha), Đảo khỉ trên hồ Thác Mơ (200 ha) và phạm vi bảo vệ sinh thái toàn bộ vùng núi Bà Rá và lòng hồ Thác Mơ rộng 1.000 ha.
Những dự án thành phần của khu du lịch sinh thái Bá Rá gồm:
+ Tuyến cáp treo dàI 2.16o mét , gồm 18 trụ đỡ và 32 chiếc cabin có 6 chỗ ngồi, mỗi nhóm cabin gồm 4 chiếc.
+ Xây dựng làng kiến trúc trên đảo khỉ, làng du lịch, khách sạn du lịch trên núi Bà Rá, trên đồi Bằng Lăng, xây dựng cơ sở lưu trú và ẩm thực, các bến, trạm dịch vụ du lịch, đầu tư trang bị các phương tiện phục vụ du khách trong nội khu du lịch , xây dựng cơ sở hạ tầng, khôi phục tu bổ, bảo vệ rừng, núi Bà Rá, xây dựng đền, chùa, tượng (4 cụm và 01 tượng phật).
Dự án khu du lịch sinh thái Bá Rá Thác Mơ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng tại Quyết định 2535/QĐ-UB ngày 30/12/2002. Tiến độ thực hiện dự án từ 2001 – 2015