Mặc dù có thông tin giá xe sẽ giảm trong năm 2018 nhưng có vẻ như nhiều người Việt không thể chờ đợi đến thời điểm ấy để có ô tô. Trong tháng 3 đã có 26.872 ôtô mới đến tay khách hàng Việt, mức tăng trưởng đạt 52% so với tháng 2 và 8% so với tháng 3/2016.[pagebreak][/pagebreak]
Sau 2 tháng doanh số liên tục sụt giảm, thị trường ôtô Việt trong tháng 3 đã có sự khởi sắc với sự tăng trưởng doanh số của hầu hết hãng xe. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Tổng cộng, các DN đã tiêu thụ được 26.872 xe các loại trong tháng 3/2017, bao gồm 16.805 xe du lịch, 8.278 xe thương mại và 1.789 xe chuyên dụng.
Doanh số xe du lịch tăng 67%; xe thương mại tăng 31% và xe chuyên dụng tăng 45% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 18.388 xe, tăng 35% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.484 xe, tăng 114% so với tháng 2.
Tính đến hết quý I/2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 64.729 xe, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ôtô du lịch tăng 23%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 13%.
Xét tổng thể, mức tăng trưởng 8% toàn thị trường so với cùng kỳ không phải là cao, tuy nhiên nếu xét riêng phân khúc xe du lịch, thì thấy có mức tăng khá ấn tượng: so với tháng 3/2016, mức tăng đạt 23%, còn nếu so với tháng 2/2017 thì tăng tới 67%.
Đặc biệt, nhóm xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam tăng mạnh, trong khi xe lắp ráp trong nước theo xu hướng giảm. Nguyên nhân là do trong ba tháng đầu năm, ô tô đã giảm mạnh giá bán, khiến thị trường sôi động và kích cầu người tiêu dùng. Nhiều mẫu ô tô đã giảm giá hàng chục cho đến cả trăm triệu đồng, kéo mặt bằng giá xe ngày càng xuống thấp. Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho thấy các cơ quan chức năng quyết tâm hạn chế xe nhập khẩu. Lo ngại năm 2018 chính sách thay đổi, xe nhập khẩu sẽ bị hạn chế, vì vậy nhiều người đã không chờ đợi và quyết định mua ngay vào thời điểm bay giờ.
Trong số các mẫu xe "đại hạ giá", có nhiều sản phẩm được lắp ráp trong nước. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đang giảm. Ngoài nguyên nhân một số mẫu xe lắp ráp đã ngừng và chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc, có lý do người tiêu dùng vẫn ưa chuộng xe nhập khẩu hơn.
Ở phân khúc xe du lịch, người Việt vẫn chuộng mua các dòng xe sedan khi có 6.438 chiếc bán ra trong tháng 3. Khu vực phía Bắc tiêu thụ nhiều hơn cả với 3.031 chiếc, tiếp đến là khu vực phía Nam với 2.588 xe và miền Trung là 819 chiếc. Dòng SUV được người Việt mua nhiều thứ 2 với 3.090 xe bán ra. Mức độ ưa chuộng theo khu vực vẫn theo thứ tự miền Bắc, miền Nam và miền Trung. Hai dòng xe MPV và Hatchback hút khách sau sedan và SUV.
Phân khúc xe thương mại, xe tải nhỏ bán tốt hơn cả với 2.429 chiếc đến tay khách hàng Việt. Xe tải cỡ trung cũng có mức tiêu thụ tốt với doanh số hơn 1.700 chiếc. Trong tháng 3 đã có 1.595 xe bán tải được tiêu thụ, trong đó, riêng dòng Ford Ranger đã chiếm 2/3 với doanh số 1.014 chiếc.
Top 10 ôtô bán chạy nhất tháng 3 vẫn là những cái tên quen thuộc như Toyota Vios, Toyota Innova, Mazda 3 hay Ford Ecosport. Mặc dù vậy, lần đầu tiên Nissan X-Trail cũng lọt vào top 10 này, đồng thời bất ngờ vượt qua đối thủ đáng gờm Mazda CX-5 đã có một thời gian dài đứng đầu về mặt doanh số.
Với việc sản xuất kinh doanh cả xe tải, xe buýt, tổng doanh số các mẫu xe do Trường Hải phân phối đạt 9.468 chiếc, thị phần chiếm 41,5%. Xếp thứ 2 là Toyota Việt Nam khi có 4.679 xe được tiêu thụ, thị phần chiếm 20,5%. Ford Việt Nam xếp thứ 3 với thị phần chiếm 11% cùng doanh số 2.501 xe. Các thương hiệu khác như Honda, Mitsubishi, Suzuki, Chevrolet chỉ chiếm thị phần khá nhỏ.
Với mức tăng trưởng mạnh của xe du lịch trong tháng 3, cho thấy khách hàng Việt Nam vẫn quyết định mua xe ngay, không chờ đợi tới 2018. Trong khi đó, giá xe nhập khẩu cũng đang giảm mạnh. Điều này khiến cho tiêu thụ xe lắp ráp trong nước gặp khó khăn, một số DN đang có lượng xe tồn kho cao. Dự báo, thời gian tới, giá xe lắp ráp trong nước còn giảm mạnh để cạnh tranh và giải phóng tồn kho.