Hi bác Son!
So với các đèo khác thì đèo Hải Vân ngày nay khá an toàn do đã có tuyến đường hầm HV chia tải. Đường tốt, khá vắng xe nên rất thuận tiện để ta chu du ngắm cảnh đèo bác ạ! Bác cứ mạnh dạn trải nghiệm và thưởng ngoạn cảnh quang của đèo HV đi, rất thú vị!
Đèo HV có một số cua tay áo (cua cùi chõ) nhưng bề ngang cũng khá rộng, xe cộ lên xuống cũng ít nên bác cứ thoải mái vi vu và đừng căng thẳng quá. Tuy nhiên, em cũng xin chia sẻ một số kinh nghiệm riêng của bản thân về việc vượt đèo (việc kiểm tra tổng quan tình trạng máy móc, phanh, HT lái trước khi đi xa/vượt đèo là đương nhiên):
+ Hạn chế vượt trước các dốc cao không quan sát thấy xe đối diện hoặc khi vào các đoạn cua dốc, trừ những góc cua có tầm quan sát rộng.
+ Nhiều lúc đang vi vu trên đèo bắt gặp cảnh thiên nhiên đẹp quá vội dừng xe ra ngoài thưởng thức, khi đó nhớ quan sát trước sau, lưu ý tránh dừng xe ở những góc khuất trên đèo.
+ Khi đi đèo vào mùa mưa lũ có thể bắt gặp những đoạn đường vách núi cao có nước sình đỏ chảy qua đường cần đề phòng nguy cơ sạt lở do đất đã ngậm nước dẫn đến lũ bùn (cái này hồi em đi đường HCM rất thường gặp vào mùa mưa ở những đoạn taluy sát vách núi).
+ Nên sử dụng đèn kể cả vào ban ngày. Trong điều kiện thời tiết sương mù hay mưa phùn, đừng quên sử dụng đèn gầm. Nếu tầm nhìn khá hạn chế và xe không được trang bị đèn sương mù, ta có thể dán giấy nylon màu vàng/đỏ vào phần trên của đèn để có tầm quan sát rõ hơn. Nên ấn còi báo hiệu trước các đoạn cua.
+ Nhiều khi gặp hàng đoàn xe tải, xe bồn bò cản mũi phía trước (như trên Đèo Cả chẳng hạn), cần kiên nhẫn bò theo và giữ một khoảng cách nhất định không quá gần đề phòng xe tải phía trước bị tắt máy, tuột dốc…. Chờ cơ hội vào cung đường thẳng đủ rộng để vượt một cách dứt khoát.
+ Không nên đổ dốc quá nhanh đến mức không thể làm chủ tốc độ và tuyệt đối không lấn lane, thả mo, tắt máy thả dốc
hoặc rà phanh liên tục trong thời gian dài dẫn đến cháy bố và mất tác dụng. Khi đổ đèo nên tạo thói quen quan sát từ xa và để ý những chỗ có đường lánh nạn để thủ sẵn, phòng sự cố về phanh.
+ Khi đổ dốc gặp những đoạn cua tay áo (Đèo Hải vân, Đèo Gia Bắc, Sông Pha...), trước khi tiếp cận khúc cua nên chủ động nhấp phanh (không rà lâu) để hãm bớt tốc độ xe. Khi đến dần trước khúc cua nên mớm thêm phanh để xe giảm tốc độ đủ để có thể kiểm soát tay lái, sau đó tăng tốc thoát khỏi đoạn cua. Trường hợp với các đoạn dốc quá cao và dài, nên chủ động dùng phanh động cơ bằng cách về số thấp (số 2 hoặc 1 với xe MT)
trước khi đổ dốc để tránh bị lúng túng, mất bình tĩnh khi thao tác vù ga về số thấp vì lúc này trớn xe quá nhanh sẽ khó đồng tốc với hộp số.
+ Với những khúc cua gắt, hẹp và có nhiều xe ngược xuôi lên xuống, kỹ năng xử lý và cảm nhận tốt về không gian sẽ giúp ta luồn lách và thoát cua dễ dàng hơn.
Ngoài ra, khi cần vượt xe trên đường trường hoặc vượt xe trên dốc, em thường chuẩn bị một "không gian phòng thủ" cho mình bằng cách: liếc nhanh kính hậu hai bên và trong xe để cảm nhận vị trí xe mình so với phương tiện xung quanh để chủ động xử lý trong trường hợp không vượt được (gặp xe ngược chiều, tốc độ vượt không đủ để qua mặt, xe trước cố tình không cho vượt….); xi-nhan trái phải, lách ra né vào linh hoạt cốt để ra tín hiệu với xe phía sau rằng xe mình sẵn sàng tấp vào ngay nếu không thể vượt được xe phía trước. Nói cách khác, không gian phòng thủ là một khoảng trống mà ta thủ sẵn để rút về phần lane đường mình an toàn mà không bị xe phía sau lấn tới chiếm mất khi nỗ lực vượt bất thành.
Vài dòng chia sẻ cùng bác. Chúc bác có chuyến XV an toàn và vui vẻ!