Rời lăng Minh Mạng bọn em đi về lăng Khải Định, nhưng do kiến trúc của lăng Khải Định mang nhiều phong cách mới khác biệt nên em post ảnh lăng Tự Đức trước để các bác xem cho liền mạch cảm xúc
Lăng Tự Đức theo đánh giá chung là lăng đẹp nhất trong số các lăng tẩm của vua chúa thời Nguyễn. Em copy về đây bài viết của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, các bác cùng xem
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, hương hoa đó, người ta như quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng...
Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần, du khách đi trên con đường chính dẫn vào khu vực điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Thoạt tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Hồ Lưu Khiêm nguyên là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng, được đào rộng thành hồ. Đó là yếu tố “minh đường” để “tụ thủy”, “tích phúc”, đồng thời là nơi để thả hoa sen tạo cảnh. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn người ta đến đồi thông bạt ngàn và đảo xanh ngát hương cỏ hoa, như đưa họ sang thế giới thần tiên, mộng ảo ngay giữa chốn đời thường.
Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.
Ra khỏi khu vực tẩm điện, du khách theo con đường quanh co dẫn sang khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do nhà vua soạn thảo. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Tự Đức muốn dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử. Ông tự nhận tội mình: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...” và ông nhường cho sử sách đời sau đánh giá công, tội của mình. Tiếp sau tấm bia kia, hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của nhà vua cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội, thì đúng là Tự Đức thật chu toàn đối với việc đón nhận cái chết. Mới hay, Tự Đức là hiện thân sự thâm thúy siêu tuyệt của Nho gia! Giờ đây, yên nghỉ trong ngôi nhà bằng đá bên trong Bửu Thành, giữa một rừng thông vi vu gió lộng hẳn nhà vua hoàn toàn mãn nguyện với sự dàn xếp, lựa chọn cho cái chết của mình.
Ông vua thi sĩ đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng nghĩ đến một câu thơ đề tặng “ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:
“Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”.