Bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực - hai căn bệnh rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay - có thể có cùng nguyên nhân về gene. Kết quả này rút ra từ nghiên cứu mới đây của các chuyên gia tại Viện Babraham ở Cambridge (Anh), được đăng tải trên Tạp chí y học The Lancet.
Bằng cách so sánh mẫu não của một số người bị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực và những người bình thường khác, nhóm nghiên cứu đã phát hiện sự bất thường trong gene chịu trách nhiệm về các protein trong hệ thống thần kinh trung ương liên quan đến một hợp chất được gọi là myelin. Myelin bảo vệ các tế bào não hoặc các nơron thần kinh, giống như người ta sử dụng chất dẻo để bảo vệ đồ vật khỏi bị hư hại vậy.
"Chúng tôi phát hiện có sự khác thường trong các protein liên kết với myelin", bác sĩ Sabine Bahn thuộc nhóm nghiên cứu, giải thích trong một cuộc phỏng vấn. Bà và đồng nghiệp cũng khẳng định kết luận của một nghiên cứu trước đó rằng có sự tụt giảm mức oligodendrocytes - loại tế bào tạo ra myelin - trong não của những người mắc một trong hai bệnh trên. "Chúng tôi tin rằng kết quả này sẽ cung cấp cho giới khoa học một bằng chứng quan trọng về hoạt động bất thường của myelin và oligodendrocyte ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực", Bahn nói. Từ đó, có thể hướng tới một cuộc xét nghiệm chẩn đoán tốt hơn, cách điều trị sớm hơn và bào chế dược phẩm chữa trị hai căn bệnh này hiệu quả hơn.
Bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số trên thế giới. Các căn bệnh này có thể khỏi hẳn hoặc thuyên giảm tốt nếu được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hợp lý. Những ai bị tâm thần phân liệt thường có hành vi kỳ dị, khó hiểu, cảm xúc nghèo nàn. Họ không muốn hoà hợp với người chung quanh, lúc nào cũng nghĩ rằng ý nghĩ của họ bị người khác đọc được. Còn với bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, tâm trạng của họ buồn vui thất thường, có thể nhanh chóng chuyển từ phấn khích vui vẻ sang buồn phiền tuyệt vọng và phần lớn thường có ý định tự sát.
(H.T - Theo Reuters)