Re:“Thảm họa” chung cư... cao cấp SaiGon Pearl của VietnamLand SSG
<h2>TP HCM: Cao ốc, biệt thự xài nước... sà lan</h2>
Theo Sawaco, tốc độ đô thị hóa cao trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay.
Ngay sát trung tâm TP.HCM, hơn hai năm nay mỗi ngày người ta phải sử dụng sà lan để bơm tiếp nước cho hàng ngàn hộ dân từ các biệt thự sang trọng, các chung cư cao cấp ở ngay khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh.
8g30 ngày 2-7, chiếc sà lan 800m[sup]3[/sup] mã số Sai Gon 2372 cập sát mé khu dân cư phức hợp Sông Sài Gòn (Saigon Pearl - 92 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh) để bơm nước vào mạng lưới của 116 ngôi biệt thự và ba tòa chung cư cao cấp tại đây. Lượng nước này được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) thuê một đơn vị vận chuyển đem từ Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè và Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đến rồi đẩy vào ống tiếp nước trong khu vực nhằm giải quyết bài toán thiếu nước vì áp lực yếu.
Từ tháng 8-2009 đến nay, mỗi năm Sawaco và Công ty SSG phải trả khoảng 9 tỉ đồng cho đơn vị vận chuyển bằng sà lan để đưa nước đến khu vực P.22, Q.Bình Thạnh. Trong khi đó đến thời điểm hiện tại, chi phí để xây dựng 540m đường ống của dự án lắp đặt tuyến ống cấp 2 nói trên là hơn 3,8 tỉ đồng, dự kiến hoàn tất trong vòng 42 ngày kể từ ngày được cấp phép.
“Khát nước” từ biệt thự cao cấp Giữa năm 2009, bức xúc trước thực trạng người dân khu Saigon Pearl thiếu nước nghiêm trọng và thường xuyên khiếu nại lên ban quản lý, Công ty cổ phần tập đoàn SSG (Công ty SSG) phải gửi công văn đề nghị Sawaco và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định cung cấp kế hoạch cụ thể việc cấp nước bằng sà lan để các hộ dân chủ động tiếp và tích trữ nước.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng bức xúc này là ba năm trước đó, khi Công ty SSG gửi công văn hỏi về tình hình cung cấp nước trong khu vực, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định đã trả lời đường ống cấp nước 250mm hiện hữu đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sử dụng tới 2.700m[sup]3[/sup]nước/ngày cho toàn dự án. Thế nhưng khi hạ tầng khu Sài Gòn Pearl được hoàn thiện vào đầu năm 2009 và 200 hộ dân bắt đầu dọn về sống thì xuất hiện cảnh người dân thức đêm để hứng nước... cũng không có. Nhu cầu nước người dân cần sử dụng lúc đó chỉ mới 450m[sup]3[/sup]/ngày.
Tương tự, hơn 900 hộ dân của ba khối chung cư căn hộ cao cấp Ruby, Topaz và Saphire nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng phải sử dụng nước được tiếp từ sà lan. Mỗi tòa nhà khi xây dựng đều phải có một hồ chứa nước 325m[sup]3[/sup]. Khi sà lan cập bờ, hồ chứa sẽ tự động mở để nhận và trữ nước rồi đưa lên từng nhà.
...Đến khu vực bình dân
Đối diện khu dân cư phức hợp Saigon Pearl là khu cư xá Cửu Long với hơn 450 hộ dân đang sinh sống. Trung bình cứ cách ngày, một chiếc sà lan có sức chứa 800-1.200m[sup]3[/sup] sẽ đến tiếp nước do nước máy trong khu vực quá yếu. Người dân khu này còn gặp nhiều khó khăn hơn khi một số gia đình không có hệ thống bơm nước tự động.
Điển hình, hộ ông Nguyễn Văn Tồn (ngụ 21 Phú Mỹ, P.22, Q.Bình Thạnh) đang dùng máy bơm cơ. Khi nước máy chảy mạnh do được sà lan bơm vào mạng lưới, ông phải đi mở máy để nước chảy vào hồ chứa của gia đình có dung tích 1m[sup]3[/sup]. Sau đó, ông báo cho mọi người trong gia đình và hơn mười người trong khu phòng trọ lấy nước trữ vào xô, thau. Khi hồ chứa cạn, ông lại mở máy bơm để tiếp tục cho nước vào hồ. Cứ thế, cả ngày ông phải ngồi canh chừng để bơm nước.
Bà Nguyễn Thị Vân (tổ trưởng tổ 9, khu phố 1, P.22) cho biết nếu không có những chuyến sà lan này, nước ở đây chỉ chảy nhỏ giọt, không đủ để các hộ gia đình trong khu vực sử dụng. Bà Vân cho biết mỗi khi có sà lan vào, bồn chứa 1m[sup]3[/sup] nhà bà sẽ mau chóng được nhận nước đủ dùng trong một ngày cho gia đình bảy người.
Dự án chờ dự án
Theo Sawaco, tốc độ đô thị hóa cao trên trục đường Nguyễn Hữu Cảnh là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay. Áp lực nước tại những điểm nêu trên hầu như bằng 0. Chính vì vậy giữa năm 2009, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định đã đề xuất Sawaco phương án sử dụng sà lan để bơm nước vào khu vực nước chảy yếu nói trên nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Trong thời gian đó, Sawaco đã tính toán và đầu tư xây dựng dự án lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Nguyễn Hữu Cảnh nối từ Tân Cảng sang Quân Cảng. Đường ống mới dự kiến là đường ống 400mm. Đây là phương án duy nhất để đưa nguồn nước từ Nhà máy nước Thủ Đức đến cấp cho các khu vực thiếu nước nêu trên. Phương án này đã được Sở Giao thông vận tải thỏa thuận hướng tuyến, vị trí lắp đặt ống.
Tới tháng 5-2011, Sawaco đã tổ chức xong công tác chọn thầu, mua sắm vật tư và chuẩn bị thi công. Tuy nhiên, dự án cấp nước nêu trên vẫn chưa được cấp phép đào đường để triển khai thi công do phải chờ đợi phối hợp cùng dự án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng đường Nguyễn Hữu Cảnh do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.
Sawaco, Sở Giao thông vận tải và Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã nhiều lần họp để tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời tìm phương án để hài hòa giữa việc thi công công trình lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Nguyễn Hữu Cảnh và dự án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Cuối tháng 6-2011, sau cuộc họp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cấp nước do đại diện Sở Giao thông vận tải chủ trì, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 và Sawaco mới thống nhất thực hiện dự án lắp đặt tuyến ống cấp 2 đường Nguyễn Hữu Cảnh trước khi tiến hành dự án sửa chữa đường.
Ông Trần Thế Kỷ, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, đã chỉ đạo phòng quản lý cấp thoát nước của sở phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và giải quyết.
Trong khi chờ đợi đường ống cấp nước mới được lắp đặt, những chiếc sà lan vẫn tiếp tục cập sát bờ sông để bơm nước cho người dân.
Theo Bích Trân