Tường vây - Metro - phần 2
1. Vì sao có đoạn tường vây dày 2,0m tại gói thầu CP1a ?
Mấy ngày hôm nay có nhiều người hỏi vì sao có đoạn tường vây dày 2,0m .
Để hiểu rõ hơn hơn việc này, mời mọi người cùng xem mặt bằng tường vây (bên dưới) trong đó màu xanh thể hiện tường vây dày 1,5m và màu đỏ thể hiện tường vây dày 2,0m.
Có thể thấy rằng tại khu vực gói thầu CP1B, tường vây chỉ dày 1,5 m mặc dù rất gần các công trình lân cận như Khách sạn Rex, Văn phòng Sài Gòn Tourist, Thương xá Tax, nhà dân... Khoảng cách chỉ từ 1,5m, 0,7m thậm chí 0,5m. Tường vây khu vực này thuộc gói thầu CP1B thi công xong từ năm 2015 và đang trong giai đoạn hoàn thiện phần tầng hầm.
Gói thầu CP1A tiếp nối của gói thầu CP1B có tường vây chạy dài từ khu vực gần Khách sạn Rex đến công viên 23 Tháng 9, có chiều dày tường vây tối đa 1,5m. Tuy nhiên xuất hiện đoạn tường vây có chiều dày đột biến 2,0m mặc dù khoảng cách đến các công trình lân cận từ 7-10m. Câu hỏi đặt ra rằng vì sao cần phải có chiều dày tường vây dày đến 2 mét và có cần thiết phải như vậy không khi tại khu vực nhà ga Ba Son tiếp giáp với sông Sài Gòn, trên nền địa chất ven sông rất yếu, tường vây dày tối đa cũng chỉ là 1,5 m? Xét đến dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội, tường vây của các nhà ga ngầm khu trung tâm có chiều dày chưa đến 1,5 m. Nhìn ra các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia và đặc biệt tại Singapore với hệ thống các tuyến metro giao cắt rất sâu và điều kiện địa chất là đất bồi rất yếu nhưng chiều dày tường vây cũng chỉ tối đa đến 1,5 m.
Làm việc với tư vấn Nippon Koei (Nhật), chúng tôi được biết lý do chính là vì tư vấn lo ngại địa chất tại trung tâm TPHCM phức tạp. Tuy nhiên sau khi rà soát rất kỹ các hố khoan địa chất dọc theo tuyến Metro, đặc biệt là khu vực trung tâm, các bên nhìn nhận rằng địa chất là tương đồng giữa hai gói thầu CP1A và CB1B. Từ đó tư vấn đồng ý rà soát,tính toán và trình lại phương án tường vây dày có chiều dày 1,5 m tương đồng với tường vây các nhà ga ngầm của toàn bộ tuyến metro.
2. Có an toàn không ?
Tư vấn Nippon Koei khi tính toán thay đổi theo chiều dày tường vây theo hướng tiết kiệm tất nhiên phải rất cẩn trọng vì uy tín và trách nhiệm của một tập đoàn tư vấn hàng đầu của Nhật và thế giới. Sau đó tính toán này lại được thẩm tra độc lập bởi các chuyên gia, các Phó Giáo Sư, Tiến sĩ giàu kiến thức kinh nghiệm tại Việt nam thuộc hai công ty Tư vấn độc lập. Vì vậy có thể khẳng định thiết kế thay đổi hoàn toàn tin cậy.
Cũng cần nói thêm rằng việc thiết kế tường vây dày 1,5m cho tuyến Bến Thành Suối Tiên cũng đã thực hiện rất nhiều nơi trên thế giới.
3. Có tiết kiệm không?
Tiết kiệm kinh phí 4 triệu USD và 5 tháng thi công đã được Kiểm toán nhà nước ghi nhận tại Báo cáo kiểm toán số 725 phát hành ngày 20 tháng 12 năm 2018.
Có người nói rằng tiết kiệm 4 triệu USD so với sự an toàn của gói thầu hơn 200 triệu đô là không đáng kể. Điều đó hoàn toàn chính xác nhưng nếu đã đảm bảo sự an toàn mà lại tiết kiệm thì tại sao lại không làm?
Chi phí của dự án là vốn vay ODA và mỗi người dân chúng ta (và có cả con cháu chúng ta) có nhiệm vụ phải trả nợ. Vì vậy mỗi một đồng tiết kiệm được, mỗi một ngày rút ngắn tiến độ rất đáng cho những người có trách nhiệm phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo.
Từng tham gia các chương trình công tác xã hội ở các vùng biên giới hải đảo, chúng tôi biết rằng mỗi một phòng học ở vùng sâu, vùng xa có giá trị khoảng 300 triệu đồng. Số tiết kiệm 4 triệu đô tương đương với 93 tỷ có thể xây dựng được 300 phòng học như vậy.
4. Có phải việc thay đổi chiều dày xuống 1,5m là vì nhà thầu thi công không có thiết bị để thi công tường vây dày 2,0m
Điều này hoàn toàn không có cơ sở vì bản thân Nhà thầu, bằng kinh phí của chính mình, đã thi công một đoạn tường vây dày 2,0m từ Km0+38.65m đến Km0+76.40m (tổng chiều dài 38.25m) phục vụ cho giải pháp thi công và đã hoàn thành vào trước Tết m lịch 2018.
5. Thay đổi thiết kế mang lại hiệu quả kinh tế và tiến độ thi công nhưng sao lại không thực hiện đúng quy trình thủ tục?
Trước thời điểm tôi về nhận công tác tại Ban Đường sắt Đô thị- BĐSĐT (6/2016), vào tháng 12 năm 2015, Ủy ban Nhân dân thành phố có ủy quyền cho BĐSĐTđược "tổ chức thực hiện việc thẩm định" các thiết kế. Do nhận định chưa đúng việc được ủy quyền, BĐSĐT đã thẩm định thay vì "tổ chức thực hiện việc thẩm định" và phải báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc sau này là trình Sở giao thông thẩm định.
Việc làm này, đến tháng 7 năm 2017, BĐSĐT đã rà soát, báo cáo và đươc UBNDTP chỉ đạo thực hiện lại theo quy định.
Cũng cần khẳng định rằng trong việc thay đổi chiều dày tường vây, việc chưa thực hiện đúng qui trình thẩm định không làm thay đổi bản chất của vấn đề, không làm ảnh hưởng đến độ an toàn và tính hiệu quả của thiết kế thay đổi.
6. Phần Kết
Việc thay đổi thiết kế chiều dài tường vây được bắt đầu nghiên cứu từ 04/2017, trải qua các bước thiết kế lại, thẩm tra, thẩm định và tiến hành thi công, hoàn thành vào tháng 3 năm 2018. Ngày 17 tháng 5 năm 2018 Sở giao thông vận tải đã có công văn 6014/SGTVT-XD báo cáo UBNDTP toàn bộ sự việc cũng như tính ổn định, an toàn của công trình.
Thế nhưng vì sao vào thời điểm này, khi có Kết luận của Kiểm toán nhà nước số 725 ngày 20/12/2018 (trong đó khẳng định việc thay đổi chiều dày tường vây đã tiết kiệm được 93 tỷ và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng - trang 14), thì sự việc này lại được khơi lại, bùng nổ ? Phải chăng có mong muốn đánh lạc hướng dư luận về những việc quan trọng hơn cần phải quan tâm, chấn chỉnh, khắc phục trên cơ sở Kết luận của kiểm toán?
Xin dành câu hỏi này đến những ai thực quan tâm muốn nhìn nhận bản chất của vấn đề.
Thay cho lời kết
Sáng nay, trước buổi họp ở TP, một Giám đốc Sở, một người Anh mà tôi và nhiều công viên chức rất kính trọng đã nói “ Thương cho Quang, vì mong muốn đóng góp cho Dự án nên đã dành nhiều tâm sức. Vậy mà giờ đây, Quang lại vất vả thế này” Tôi cảm ơn sự sẻ chia của Anh, những lời động viên rất quí báu và vội rảo bước đến phòng họp. Ngoài kia, bầu trời dẫu còn nhiều mây của cơn mưa trái mùa, nhưng sẽ nhanh chóng tan đi nhường chỗ cho cái nắng ấm nồng của Sài gòn những ngày cuối năm.
Bác hái lụm trên Facebook của bác Quang mà ko ghi trích nguồn nha.