Re:Mỗi ngày một chuyện
Ui da diễn đàn đổi giao diện ngộ quá
Dạo này em lặn hơi sâu, hôm nay có chút tâm trạng, các bác cấp cho em ít đất nhé
Chả là, em sắp ra trường, viết ra chút tâm sự với Trần chuyên thôi
Ba năm sắp qua, ba năm gần hết, ba năm trời ta chưa hề viết về Trần chuyên – ngôi trường cuối cùng của thời học trò áo trắng. Có lẽ vì mấy năm nay ta vẫn chưa thấy hiểu Trần đủ rõ chăng? Nhưng phải viết đi thôi, bởi ba năm ở Trần chuyên của ta sắp hết mất rồi!
Ta năm ấy của tuổi mười lăm, với kế hoạch và ước mơ đặt chân vào ngôi trường cổ kính
Là tuổi mười sáu ngơ ngẩn với nhịp sống lạ quá, bè bạn thật khác ta; của những vấp váp đầu đời tưởng chừng to lớn lắm – mà giờ nhìn lại thật nhỏ tí ti; của những buổi sớm hôm tờ mờ đứng chờ xe buýt, hồi hộp mong chờ “dáng ai kia” để rồi khi người xuất hiện lại bối rối chẳng biết nói gì.
Là trưa nắng chang chang cùng đồng bọn sang vincom trốn nóng, rồi bàn mưu trốn học đội tuyển chiều nay – đi xem phim hay sang nhà sách, hay qua nhà bạn thẳng cẳng ngủ cho ngon.
Là trà sữa đá me cơm cháy xách hiên ngang chẳng thèm trốn giám thị, là trực sao đỏ suốt ngày xuống trễ, mà cứ canh thầy cô không để ý là thả cho đồng bọn chạy vào – sau này mình có đi trễ nó cũng không nỡ khi tên, là cúp tiết đầu rồi nhờ lớp trưởng đừng điểm danh thiếu.
Là nhà thờ Đức Bà sớm hôm ngập nắng, nắng Sài Gòn mùa lạnh vàng nhạt như trà chanh; đàn bồ câu phành phạch vỗ cánh bay rợp trời, mà trời thì trong xanh và cao vút khiến người cứ thế mà ngẩn ngơ.
Là ngõ nhỏ bán cơm dân tình hay gọi thân thương là hẻm xéo, hẻm bé tí teo mà bán biết bao thứ lạ của ngon, cạnh bên còn có quán gì cửa xanh rèm xanh trông thật bí ẩn, đồng bọn rỉ tai bảo là chỗ XXYY, sau này ra mới biết chỉ là quán café. Là trưa nắng chang chang mua cơm xong lười đi ngược ra cổng trước để vào trường, bèn đi sâu vào hẻm với niềm tin son sắt là có đường thông ra Nguyễn Du, để rồi méo mặt lăn về: hẻm cụt.
Là tám không biên giới giờ ăn trưa.
Là Parkson mùa giảm giá chen chúc nhau dành bàn, tranh thủ kêu hết những món có thể rồi kêu no thở không nổi.
Là thi Anh Văn ra sớm nửa giờ để chụp hình cho đẹp, Sài Gòn mùa Noel trang trí đủ sắc màu, mà dân tình lúc này đang trong giờ làm việc nên không cần chen lấn. Đứa cười đứa mếu với bài thi, rồi nhanh chóng gạt ra khỏi đầu để vui chơi cùng đồng bọn.
Là buổi tiệc chia tay hè năm ấy, tạm biệt một lứa heo xuất ngoại thành công mà lòng vừa mừng cho chúng nó, vừa mong ngóng: bao giờ mới đến ta.
Là những câu hỏi canh cánh bao lâu: đi đâu, học gì, trường nào? Châu Âu già nua hay nước Mỹ năng động, Singapore hiện đại hay xứ Phù Tang yêu thích đã bao lâu?
Là tuổi mười bảy khuyết mất mấy phần vô tư, thừa thêm mấy phần mệt mỏi.
Là năm học thứ hai với thật nhiều háo hức mong chờ, với những buổi trưa đóng quân bên Parkson hai tiếng hơn mới rút. Là trốn học đi xem phim, rạp vắng chỉ có mình ta.
Là thật nhiều những bữa tiệc chia tay nữa.
Là sớm lạnh hai con heo xỏ tay chung một cái áo khoác, nhận được ánh nhìn kì-thị-sâu-sắc của thầy toán trên kia.
Là cơm nhà xách theo cho kinh tế, ăn cơm trên hành lang mà thầy giám thị vẫn nhắm mắt ngó lơ. Là quét nhà đến sáng bóng lên rồi mà thầy chủ nhiệm vẫn soi thấy mấy cọng tóc.
Là sáng sớm lăn vào lớp thấy đồng bọn chỉ còn có bốn mống: đi học đội tuyển hết rồi. Sang đến tiết ba thì bốn mống này cũng cúp nốt.
Là nhàn rỗi ngồi trong công viên đọc sách, ngắm nhìn Sài Gòn bận rộn xoay vần, mà ta thì nhởn nhơ lười biếng. Là những chuyến đi bộ dài – thói quen cũ chẳng biết mất từ khi nao.
Là háo hức ngóng lương mỗi lần đủ tháng.
Là đánh bài Uno đủ chín tiết ba giờ ra chơi.
Là tiếc ngậm ngùi, bạn thân ta sắp sửa đi du học, là những buổi trưa kì công quay clip cho một kỉ niệm xưa, là tổ cúp học – thay phiên nhau cúp.
Là những tấm bằng liên tục của bè bạn, điểm toàn trên mây, là những bài luận văn đang bắt đầu thành hình để xin vào trường đại học đã nhắm từ lâu. Là bùi ngùi vẫn suy nghĩ cũ – bao giờ sẽ đến ta đây?
Là tuổi mười tám – nỗ lực thực hiện ước mơ.
Là năm cuối cấp qua thật nhanh, thời gian thấm thoát như bị hút đi khi nào không biết, mà ta thì bận bịu với biết bao công việc. Nhìn lại kí ức chưa xa lắm mà đã thấy như cả một thiên thu.
Chúng ta đã bước qua một kì thi học sinh giỏi, được miễn thi giữa kì trong sự đỏ mắt ghen tị của bạn bè. Chúng ta đã đi qua lễ hai mươi tháng mười một cuối cùng của tuổi học sinh. Chúng ta đã cãi nhau rất nhiều, giận nhau rất nhiều, mà sau này nhìn lại hẳn sẽ thấy toàn là chuyện không đâu, còn bây giờ thì chúng ta vẫn đang giận nhau.
Chúng ta đã lưu giữ tuổi trẻ trong những tấm hình: Giáng sinh, văn nghệ, đường hoa. Noel năm nay thi trễ, ta không kịp làm thiệp tặng nhau. Văn nghệ năm nay ta làm hoành tráng, vui hơn hẳn năm trước, mà kết quả cũng thật mỹ mãn. Đường hoa năm nay chật cứng người – Sài Gòn chẳng chịu đi chơi xa.
Năm nay chúng ta chán ăn ngoài, về nhà nhau nấu một bữa no căng, sung sướng.
Là những lời chúc mừng – bạn ta được nhận rồi kia, học bổng thật là cao. Là những cái thở dài tiếc nuối, đành phải học trường khác thôi. Mà ta, cũng đã chọn được một ngôi trường thật yêu thích, cũng cổ kính như trường ta hiện giờ vậy.
Là miệng nói lười, nhưng vẫn nỗ lực học bài, những mong được về Trần chuyên một lần cuối trong bộ áo thụng đáng tự hào kia.
Là lễ hội trường chẳng-hiểu-sao-ta-vẫn-kịp-chuẩn-bị, bởi một tuần trước đó lớp ta vẫn còn vắng nửa sĩ số: thi học sinh giỏi chưa về.
Là bài nhảy tập vội trong một tuần ngắn ngủi, mà vẫn hoành tráng trong mắt ta. Là tiếc ngẩn ngơ khi không được giải, bài nhảy không hợp gu ban giám khảo rồi L
Là chiều muộn nán lại trên lớp bàn bạc mua nguyên liệu làm đồ uống cho lễ hội, “bàn bạc” giảm sữa, thêm đá như thế nào, tính lời ra sao. Chợt nhớ đến năm kia “gian thương”, cả lớp bò ra ngồi cắt miếng thịt sao cho thật nhỏ đặng mà bán cho có lời.
Là vào lễ hội, thấy thầy cô đi qua là túm vào bắt mua một lố. Là mặt dày chèo kéo khách, không được thì khủng bố bắt mua.
Là bán xong còn nước đá, quậy quỷ sứ lấy ra ném nhau.
Là đuối như trái chuối mà vẫn nhảy rất sung.
Là lon cà phê uống vội chống buồn ngủ, mà ngày nào cũng bị con bạn quỷ sứ kế bên giành giựt gần nửa.
Là chiều về bỗng nhận ra cây sứ già dưới sân chẳng biết tự lúc nào đã nở hoa đỏ rực, nhìn từ khung cửa sổ cổ kính mới đẹp làm sao.
Là sáng sớm vào lớp, thiểu não thấy đồng bọn cúp mà không rủ, dến giờ ăn trưa còn gọi về chọc ghẹo “tao mới ngủ dậy
”, “tao đang ở NYDC nha, máy lạnh mát lắm
"
Là buổi trưa phòng ngủ nóng như lò hấp heo, mà mấy đứa ngủ ở trong đều là heo hết.
Là sự bi kịch của thời đại: ăn rồi pee hay pee rồi ăn. Pee trước ra trễ sẽ bị chúng chiếm mất chỗ ngồi ngon, mà ăn rồi pee lên trễ sẽ bị cô bảo mẫu la.
Là những buổi tối muộn, skype xuyên lục địa với bạn thân cách mười hai múi giờ. Đứa bên kia thì muốn về nhà, đứa bên này thì muốn đi du học. Đứa bên kia thì lạnh teo-hết-những-gì-có-thể-teo, đứa bên này thì nóng chảy-hết-những-gì-có-thể-chảy.
Ba năm học trôi qua thật nhanh. Ta vẫn nhớ như ngày hôm qua những chuyến xe buýt dài gần như cả tuyến đi học ôn thi, mà nay Trần chuyên đã sắp đá đít ta khỏi cửa. Ta đã háo hức thật nhiều, rồi thất vọng cũng không ít. Ta giận Trần chuyên, rồi lại yêu với tất cả những gì có thể. Không yêu sao được Trần chuyên ấy, cái tên nói ra cũng đủ khiến người xuýt xoa, là nơi đã mở cho ta tầm mắt, thay đổi suy nghĩ của ta không ít. Là ba năm tuổi trẻ của ta, những tháng ngày học sinh cuối cùng. Còn nơi nào trên thanh phố này, học sinh chăm học mà cũng chăm cúp như ở đây? Còn có nơi nào đang làm bài, tình cờ ngẩng đầu lên thấy đỉnh chóp nhà thờ Đức bà trên nền trời xanh ngợp nắng như ở đây? Còn có nơi nào có thể cho ta nhiều ngạc nhiên lí thú như ở đây?
Bạn ta đi xa, tiếc ngẩn ngơ khoảng trời xanh trong và cao vút của Trần chuyên, những khối nhà cũ kĩ đứng bên cao ốc hiện đại mà vẫn không bị lép vế, vẫn đứng thẳng cao ngạo với những gia trị riêng của bản thân mình. Còn ta ngày này năm sau, hẳn cũng đang ở nơi trời Tây bùi ngùi thương tiếc tuổi học sinh đi qua nhanh quá chăng?