Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km sở hữu khung cảnh đẹp như tranh hai bên tuyến khi đi qua những ngọn núi đá, cánh đồng điện mặt trời...
Theo kế hoạch, dịp 30/4 tới đây, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được khánh thành, đưa vào khai thác, nối thông tuyến đường từ TP.HCM đến thẳng TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) và đi Cam Ranh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), rút ngắn di chuyển từ TP.HCM đến Khánh Hòa còn khoảng 4 - 5 giờ chạy xe.
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh, uốn quanh nhiều đồi núi và những cánh đồng điện gió, điện mặt trời vô cùng đẹp mắt (Trong ảnh: Một đoạn cao tốc đoạn giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận).
Từ nút giao Vĩnh Hảo, tài xế chạy khoảng 10km sẽ bắt gặp cầu Nam Hầm 1 dẫn vào hầm núi Vung trên cao tốc.
Một đoạn cầu cạn dài hơn 2km dẫn vào đầu hầm phía Nam hầm núi Vung.
Hầm núi Vung dài 2,25km, gồm hai ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Đến nay các hạng mục: an toàn giao thông, nhà điều hành, trung tâm giám sát giao thông đã hoàn thành, sẵn sàng phục vụ thông xe. Theo nhà đầu tư, giai đoạn 1 của dự án, hầm núi Vung chỉ vận hành nhánh hầm phải. Hầm bên trái sử dụng vào mục đích thoát hiểm và cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.
Theo thiết kế, trên toàn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và một cầu trên đường kết nối cao tốc với QL1. Tất cả các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều đã được hoàn thiện.
Tại nút giao Phan Rang - nút giao kết nối QL27 với cao tốc là trụ sở Trung tâm điều hành giám sát giao thông thông minh (ITS). Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Ban điều hành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết: Gói thầu camera giám sát giao thông trên tuyến và trạm thu phí không dừng... sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) rất hiện đại. Ngoài chức năng phát hiện kiểm soát giao thông trên tuyến, hệ thống camera có thể chụp ảnh, đo tốc độ xe cộ chạy trên cao tốc truyền dữ liệu cho lực lượng chức năng làm cơ sở để xử phạt.
Sau khi đưa vào khai thác, phương tiện lưu thông trên tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo được phép chạy tối đa 90km/h, tối thiểu 60km/h. Đảm bảo an toàn giao thông, hàng chục "mắt thần" đã được đầu tư lắp đặt để kiểm soát tốc độ.
Đi qua những cánh đồng điện gió, điện mặt trời, hai bên đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) sở hữu cảnh đẹp nên thơ. Đi qua đây lái xe có dịp trải nghiệm băng ngang "tiểu sa mạc".
Nhiều đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo lại băng ngang địa hình đồi núi trùng điệp, tài xế, du khách có thể liên tưởng đến cảnh quan ven các tuyến đường ở các nước Ả Rập hoặc băng ngang sa mạc Nevada ở Mỹ…
Nút giao Du Long kết nối QL1 vào cao tốc. Đây là một trong những nút giao thi công trong điều kiện tương đối khó khăn, gồm cả công trình cầu vượt đường sắt, QL1.
Trong ảnh là cây cầu vượt số 3 kết nối hai tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa. Cây cầu cao nhất trên toàn tuyến, độ tĩnh không hơn 47m, dài 894m, vắt qua thung lũng Sông Trâu.
Ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty 194 (đơn vị phụ trách thi công) cho biết: Quá trình thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn do vừa khởi công xong thì dịch Covid-19 ập tới. Để đảm bảo tiến độ, nhà đầu tư, nhà thầu đã có phương án đột phá chọn phương pháp thi công lao dầm ngang, rút ngắn được thời gian thi công nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chất lượng công trình.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Tuyến cao tốc có chiều dài 78,5km, tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng.
>>>> Xem thêm: