Hàng chục cây xăng dọc quốc lộ 20 nhận môi giới hối lộ cho CSGT Đồng Nai và Lâm Đồng.Tài xế vào đổ xăng, chuyển tiền cho chủ cây xăng, nơi đây sẽ chuyển cho CSGT để bỏ qua các lỗi quá tải, quá tốc độ. Đồng thời, khi bị xử phạt, các chủ cây xăng này sẽ đứng ra làm trung gian lo lót để gỡ giấy tờ xe.
Giới tài xế xe tải rất sợ hãi khi chở hàng chạy tuyến quốc lộ (QL) 20. Tuyến này đường xấu, phí cầu đường cao mà tiền “lo lót” cho CSGT lại khủng khiếp. Họ đành mỗi người tìm một kiểu chi tiền cho CSGT để mua sự “bình yên”.
Tiền lãi bán xăng, tiền cò mãi lộ
Hàng trăm tài xế xe tải chở hoa, rau, củ quả, mật ong từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) về TP.HCM và các vùng phụ cận buộc phải tìm cách “mua đường” để không bị CSGT xử phạt lỗi quá tải. Bởi với lộ trình hơn 300 km, nếu xe không “cõng” hàng thì không thể đủ chi phí.
Ngoài việc chung tháng trực tiếp cho các chốt CSGT, một số tài xế phải đi đường vòng, chung chi thông qua các cây xăng dọc QL 20. Sau loạt bài
“Nhức nhối nạn đóng hụi chết trên QL 20” trên
Pháp Luật TP.HCM, các cây xăng trên cung đường này càng nhộn nhịp xe tải đổ xăng dầu để kết thân, nhờ làm cầu nối chung tháng cho CSGT.
Cây xăng Quang Trung 2 (xã Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai), nơi có dấu hiệu làm "đại lý mãi lộ" của Trạm CSGT Phú Túc, Dầu Giây.
Theo giới tài xế xe tải, dọc QL 20 có hàng chục cây xăng nhưng không có nhiều phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, chỉ những cây xăng nào thu hút được giới xe tải ghé đến thì cây xăng đó mới có thể tồn tại được. Anh Giáp, một tài xế lâu năm trên QL 20, cho biết ngoài mục đích chính là thu hút, ràng buộc nhiều xe tải đến đổ xăng dầu thì lợi nhuận thu được từ việc làm “cò” chung chi cũng rất lớn. Theo một nhân viên cây xăng thì nếu như cây xăng nhận của tài xế 2,5 triệu đồng để “bao” QL 20 qua địa phận Đồng Nai từ huyện Tân Phú về đến hết cầu Đồng Nai thì cây xăng chỉ chung cho CSGT 2 triệu đồng, số tiền còn lại cây xăng hưởng. Như vậy, rõ ràng ngoài việc ràng buộc được khách hàng đổ xăng mối, lợi nhuận từ việc “cò mua đường” cũng góp phần làm giàu nhanh chóng cho các chủ cây xăng.
ông chủ một cây xăng trên QL 20 cho rằng đã mở cây xăng trên tuyến này thì hoặc có người nhà làm lớn, hoặc phải kết thân với những nhân vật có “tầm vóc” trong lực lượng CSGT để có thể “bao” phần chung chi cho tài xế, có như vậy họ mới ghé đổ dầu cho mình. “Những cây xăng nào không chung tháng được cho tài xế thì thường rất ế ẩm, trước hay sau cũng sang tiệm” - anh Bình, một tài xế xe tải, khẳng định.
Gặp CSGT: Chỉ cần nói đã gửi tiền cho cây xăng
Theo phản ánh của giới tài xế, từ ngã tư Dầu Giây (Đồng Nai) đến đỉnh đèo Mimosa (Đà Lạt) có chín trạm xăng dầu được xem là “quyền lực” nhất. Trên địa bàn Đồng Nai có các cây xăng Huyền Hậu, Quang Trung, Thanh Sơn (huyện Thống Nhất), Nguyễn Văn An và Thiên Phát Đạt (thị trấn Tân Phú). Trong số đó, cây xăng Thanh Sơn được xem là quyền lực nhất.
Trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, giới tài xế hầu hết tập trung đổ dầu ở các cây xăng Nhật Nam (huyện Đạ Huoai), Hồng Nhân (huyện Di Linh), Mai Sơn (huyện Đức Trọng) và cây xăng dầu Phúc Sơn (chân đèo Mimosa).
Ông chủ cây xăng Nhật Nam nhận tiền và ghi hóa đơn tiền “mua đứt” trạm Madagui trong một tháng cho hai xe tải loại 3,5 tấn.
Ông Nam đang xem biên bản vi phạm của tài xế.
Ngày 23-5, trên đường theo xe tải chở sắt từ TP.HCM lên Đà Lạt chúng tôi tiếp cận cây xăng Nhật Nam, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Ông bà chủ luôn miệng khoe có “người nhà làm trong ngành” nên có thể xử lý tất cả các vấn đề mà giới tài xế xe tải vướng mắc, miễn là đổ dầu cho họ. Theo tìm hiểu của PV, ông Nam, chủ cây xăng Nhật Nam, có con trai hiện công tác ở Công an huyện Đạ Huoai.
Khi tài xế đặt vấn đề gửi gắm “mua đường”, ông Nam ra giá luôn: “Riêng chốt Madagui (Trạm Kiểm soát giao thông Madagui thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng - PV), xe 3,5 tấn lấy 800, xe sáu tấn thì 1 triệu, tám tấn thì 1 triệu rưỡi”. Để tăng thêm phần uy tín, vợ ông ngồi bên cạnh tiếp lời chồng: “Đồng Nai thằng con cô làm trên đó, nó làm ngay trạm cân đó”.
Sau màn quảng cáo của ông bà chủ cây xăng, tài xế đề nghị: “Chú cho cháu trả tiền dầu 1 triệu, chiếc 3,5 tấn, cháu gửi luôn Madagui 800, số xe 60C-031...”. Ông Nam đồng ý và ghi hóa đơn hẳn hoi. Cũng như hàng loạt “cây xăng quyền lực”, khi chung tiền “mua đường”, các cây xăng này đều ghi hóa đơn cho khách. Theo ông Nam thì: “Để cuối tháng tài xế quyết toán với chủ xe”.
Đến ngày 27-5, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Nam, cho biết chiếc xe đã chung tháng bị một CSGT ở trạm Madagui thổi lại. Ông Nam quát trong điện thoại: “Mày nói với nó là có gửi cho chỗ chú Nam rồi là được”.
Dù ai cũng biết nhận tiền chung chi là bất hợp pháp nhưng chủ các cây xăng ra sức thể hiện uy lực của mình trong việc môi giới chung chi, bảo đảm an toàn cho những xe quá tải, quá khổ mỗi ngày vẫn cày nát Ql 20 vốn đã quá tệ. Họ còn thể hiện uy tín trong việc nhận giải quyết biên bản vi phạm cho cánh tài xế lỡ phạm phải những lỗi nặng, bị giam bằng dài ngày...
“Đại lý mãi lộ” lớn ở Đồng Nai
Tài xế P. cho hay mỗi tháng cứ đến ngày 15 thì các tài xế lại “nộp” cho cây xăng Quang Trung 2 (xã Quang Trung) để nhờ chung tháng cho trạm Phú Túc (Trạm CSGT số 2 thuộc phòng CSGT Đồng Nai - PV), Trạm Dầu Giây (Trạm CSGT Suối Tre, Đồng Nai - PV) và Phòng CSGT Đồng Nai.
Việc chung chi cho CSGT qua cây xăng này đã diễn ra nhiều năm nay.
Nhân viên cây xăng Quang Trung nhận tiền bao toàn tuyến cho xe tải. (Ảnh chụp ngày 17-10-2012)
Sáng 17-10-2012, tại cây xăng dầu Quang Trung 2, sau khi thanh toán xong tiền đổ dầu, tài xế P. đưa 1 triệu rưỡi cho cô nhân viên của cây xăng để chung tháng cho Trạm Phú Túc và phòng CSGT (như lời cô nhân viên và tài xế, lơ xe trao đổi với nhau khi đưa tiền). Cô này gọi một cô nhân viên khác (phụ trách việc nhận tiền chung tháng cho CSGT) ra nhận tiền. Vừa cầm tiền, cô nhân viên này lôi trong tủ ra một cuốn sổ ghi chép để dò biển số xe và đánh dấu tiền chung tháng.
Trước đó, chúng tôi còn nghe cô nhân viên này nhắc nhở một phụ xe khác cũng đóng tiền chung tháng rằng xe tải của anh ta còn nợ tiền chung cho Trạm Phú Túc tháng trước.
NHÓM PHÓNG VIÊN