Thế giới có “top” Những cung đường nguy hiểm nhất hoặc Những cung đường thử thách nhất cho các tay lái, nhưng có lẽ chỉ Việt Nam mới có Những cung đường dễ gây ức chế nhất…
[pagebreak][/pagebreak]
Cao tốc, leo đèo 30 - 40 km/h
Chiếc Infinity QX70 động cơ 3.5L vừa lăn bánh vào đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây thì bắt đầu “bò”. Trước vẻ kinh ngạc của cô Tiffany, đại diện cấp cao của thương hiệu xe hơi hạng sang Nhật Bản, vừa bay sang TP.HCM để chuẩn bị cho sự kiện ra mắt showroom đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi chỉ cho cô thấy tấm biển giới hạn tốc độ 40 km/h và ngay kề đó là tấm biển ghi “Đoạn đường đang thi công”. Nhưng suốt cả “Đoạn đường đang thi công” tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một vật thể gì chứng tỏ sự “đang thi công” của nó, cả đoàn xe 5 - 6 chiếc nối đuôi nhau rù rì như buồn ngủ… Rồi sau đó, khi tấm biển giới hạn kia vừa hết, thì tất cả bừng bừng tỉnh giấc, kim đồng hồ vọt lên số 100… Tiffany cười vang và cho biết đây là lần đầu tiên cô biết về đường cao tốc ở Việt Nam. Nếu ở Việt Nam lâu và dành nhiều thời gian sau tay lái, chắc Tiffany chẳng thể cười vang như vậy, thay vào đó, như rất nhiều tài xế Việt Nam, kể cả nữ, là… chửi thề! Hệ thống biển báo giao thông Việt Nam có thể xem là một “thế giới ma trận”, chỉ riêng loại biển giới hạn tốc độ đã đủ để nắn dây thần kinh những người cầm lái kinh nghiệm.
Để được thả ga với tốc độ 100 km/h (tốc độ quy định tối đa của đoạn cao tốc mới khánh thành giai đoạn 1), thì trước và sau đó là cuộc đua “buồn ngủ” nói trên. Điều đáng nói là cũng đoạn đường ấy, nhưng ngay sau khi có văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng yêu cầu loại bỏ các biển báo hạn chế tốc độ dưới 40 km/h thì tấm biển 40 km/h đã được thay bằng biển 60 km/h!
Nhưng cao tốc Long Thành - Dầu Giây vẫn còn là cung đường mơ ước cho các lái xe, vì đường bằng là chủ yếu, và thoáng hai bên nên dễ quan sát biển báo tốc độ. Hơn nữa, đoạn giới hạn cũng chỉ có… giới hạn. Chứ nếu lái xe gần trăm cây số luôn giới hạn và giới hạn chỉ trong mức 30 - 40 km/h như cung đường Khánh Lê từ thành phố biển Nha Trang lên cao nguyên Đà Lạt thì chỉ có cách… cắn hạt dưa cho đỡ ức chế. Ở đây có rất nhiều biển báo…ngược đời. Vừa ra khỏi biển báo khu vực đô thị (giới hạn tốc độ 50 km/h với xe con), thông thường sẽ là đường ngoại thị cho phép tốc độ cao hơn, thì lại là biển báo 40 km/h không rõ lý do. Còn khi leo dốc ở đây, phải tránh xa các bác xe khách, xe tải, vì chỉ được đi tốc độ “rùa” thì xe mất trớn, không khéo chết máy, đứng máy thì chỉ có… tuột dốc!
Kết quả của ức chế
Ức chế vì các biển báo giới hạn tốc độ là chuyện của dân lái xe xuyên Việt. Bất cứ tỉnh thành nào cũng có thể liệt kê ra những cung đường có thể gây tâm lý cho tài xế. Không ít tuyến đường như tuyến quốc lộ 21B đoạn qua thành phố Phủ Lý vừa được đưa vào sử dụng từ đầu năm nay, được các lái xe gọi là “cung đường hoa mắt” vì biển báo giới hạn tốc độ “nhảy tanh tách” từ 30 - 40 - 60 km/h, mỗi biển có khi chỉ cách nhau… vài chục mét. Rất nhiều thị trấn mới thành lập, đi cùng là đường nhiều làn xe cực rộng (dường như có một tiêu chuẩn lên thị trấn là phải có đường đôi!) thì cắm biển hạn chế tốc độ, hết biển hạn chế tốc độ lại là đường hẹp!
Tất nhiên, nói cho ngay, sự ức chế ấy nằm ở “đằng sau” các tấm biển giới hạn nói trên - đó là các máy bắn tốc độ của cảnh sát giao thông. Trên cung đường Khánh Lê - Lâm Đồng, một tổ cảnh sát giao thông thường xuyên cắm chốt, với một laptop luôn trong tình trạng hoạt động online để cập nhật hình ảnh kết quả từ máy bắn tốc độ. Nhiều tài xế bức xúc cho rằng tình trạng cắm biển giới hạn tốc độ bất hợp lý là “cái bẫy” để cảnh sát giao thông xử phạt, không phải là không có lý.
Cũng từ những ức chế này, các tài xế đẻ ra một “hệ thống ngôn ngữ” riêng để ra dấu cho xe ngược chiều biết hoạt động của cảnh sát giao thông. Và thời gian gần đây, là cơn sốt máy phá sóng, máy phát hiện súng bắn tốc độ đang được mua bán tràn lan trên thị trường. Một số loại máy này được cho là có nguồn gốc tại Mỹ. Lái xe Mỹ dùng loại máy này có giống với các tài xế Việt Nam? Và thế giới hạn chế tốc độ xe hơi, hạn chế tai nạn giao thông theo kiểu gì? Trang Tốc độ số tới sẽ trở lại câu chuyện này.