Ngay sau khi phương án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện của Bộ Giao thông vận tải trình lên Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều người ngao ngán thở dài vì lâm vào cảnh không đủ sức để "nuôi xe".
Theo phương án này, mỗi tháng chủ phương tiện ô tô sẽ phải chịu mức phí đường từ 180.000 -1,44 triệu đồng, với xe máy là 80.000 - 150.000 đồng. Như vậy, tiếp theo một loạt các loại phí như phí gửi xe, phí bảo hiểm, phí cầu đường, phí và lệ phí xăng dầu... thì phí bảo trì đường bộ với mức thu rất cao như nói trên đã chính thức đánh tan giấc mộng mua xe của nhiều người.
Nói như một người trong cuộc, anh đã vượt qua rào cản về thuế (mức thuế áp cho xe hơi khiến người Việt Nam đang phải mua xe đắt gấp 3 lần so với tại Mỹ cho một chiếc xe tương đương và 1,5 lần so với các nước trong khu vực) để chuẩn bị sắm cho mình một chiếc xe hơi sau bao năm tích cóp. Tuy nhiên, kế hoạch này phải tạm ngưng lại bởi nếu bị thu thêm phí bảo trì đường bộ tới 1,4 triệu/tháng, về lâu dài, anh không đủ sức "nuôi xe". Việc phí chồng phí đang dẫn đến nghịch lý, rất nhiều người có tiền mua xe nhưng lại không đủ sức để "nuôi xe". Đó là chưa ai dám đảm bảo, các loại phí này đã dừng lại. Biết đâu một vài tháng nữa, lại "đẻ" thêm ra một loại phí nào đó dành cho các phương tiện giao thông. Vì vậy, phương án tối ưu của nhiều người là từ bỏ giấc mộng xe hơi.
Không chỉ xe hơi, phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, phương tiện chiếm số đông tại VN hiện nay càng khiến nhiều người trăn trở. Bởi thực tế, đầy rẫy người lao động nghèo cố gắng mua một chiếc xe máy cà tàng, trị giá vài triệu để mưu sinh. Vì vậy, việc thu phí bảo trì đường bộ "tiền trăm" hằng tháng là một khoản rất lớn, thậm chí là gánh nặng đối với họ. Đối với công nhân viên, trong khi lương không theo kịp giá lại phải gánh thêm khoản phí này khiến nhiều gia đình đau đầu cho bài toán chi tiêu. Không ít người chặc lưỡi: "Phí nhiều quá, chuyển sang đi xe đạp cho lành".
Càng nghịch lý hơn khi liên tục đặt ra một loạt các loại phí nhưng người dân lại đang phải chịu chất lượng hạ tầng giao thông quá kém. Việc đường sụt lún, hố tử thần, ổ voi, ổ gà, lô cốt... ở khắp mọi nơi chưa được khắc phục, gây thất thoát, tốn kém cho ngân sách. Trên thực tế, việc đường sá hư hỏng, nhanh xuống cấp là do nhiều yếu tố như chất lượng các công trình giao thông chưa đạt; làm chưa xong đã lưu thông; xe chở quá tải... Thiết nghĩ, giải quyết tận gốc là quản lý chặt chẽ những vấn đề trên thay vì phát sinh thêm các loại phí để tận thu như cách làm hiện nay của Bộ Giao thông vận tải. Nguồn từ Báo Thanh Niên