Re:Nuôi Yến ở Việt Nam: Từ A đến Z!!!
Các bác nào có nhà Yến ở Tp HCM chuẩn bị đối phó với cái này đi nhé
http://nongnghiep.vn/nong...c-ngay-khu-dan-cu.aspx
http://sgtt.vn/Thoi-su/17...thi-tieu-huy-ngay.html
TP HCM:
<h2>Hàng trăm nhà yến mọc ngay khu dân cư!</h2>
BÙI NGUYỄN -Thứ Hai, 15/04/2013, 9:58 (GMT+7)
* Chim bồ câu chết không rõ nguyên nhân
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, trên địa bàn thành phố đang có gần 400 nhà yến các loại, trong đó 200 nhà yến “đồn trú” tại huyện Cần Giờ (tương đối xa khu dân cư), gần 200 căn còn lại đang tồn tại ngay giữa khu đô thị đông đúc, gây nguy cơ dịch bệnh rất cao.
Tại hàng loạt tuyến đường ngay giữa trung tâm thành phố như Võ Văn Tần (quận 3), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Dương (quận 10), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)…, từ nhiều năm qua đã xuất hiện các nhà dụ yến đồ sộ (cao 4 – 6 tầng). Đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” nuôi yến lậu tại TP.HCM mà NNVN đã từng cảnh báo, như: quận 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè.
Đặc biệt, cuối tuần qua tại một hộ dân nuôi bồ câu trên đường số 4, khu dân cư Nam Hùng Vương, KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM đã xảy ra tình trạng chim bồ câu chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Hộ nuôi này khi thấy một con chim có biểu hiện lạ và chết đã tự ý mang đi chôn, sau đó người dân xung quanh báo cho cơ quan chức năng xuống kiểm tra vì sợ xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm. Hiện tại, hộ chăn nuôi này đã được yêu cầu di dời ngay đàn bồ câu ra khỏi thành phố.
Nhà yến đồ sộ mọc ngay khu dân cư Bình Quới, quận Bình Thạnh, TPHCM
Ngoài hộ này, xung quanh khu vực trên cũng có một số hộ khác nuôi chim bồ câu, vì thế ngành chức năng địa phương đang vận động người dân kiểm soát chặt đàn nuôi và sớm di dời nhằm phòng ngừa dịch bệnh. Được biết, ngành thú y TP.HCM đang quản lý 4 cơ sở chăn nuôi chim bồ câu tập trung tại huyện Củ Chi với tổng đàn 12.260 con. Hầu hết các hộ chăn nuôi bồ câu khác đều làm tự phát, không đăng ký nên việc kiểm soát dịch bệnh sẽ vô cùng khó khăn nếu không may đàn bồ câu cũng “dính” H5N1.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 3/2013, ngành thú y đã lấy 56 mẫu ở các nhà nuôi yến để xét nghiệm và không phát hiện có virus cúm A/H5N1. Dự kiến trong tháng 4 này, Chi cục sẽ tiếp tục lấy mẫu chim yến để xét nghiệm, đồng thời sẽ siết chặt quản lý, yêu cầu tất cả các hộ nuôi phải báo ngay các dấu hiệu bất thường trên đàn yến nuôi cho ngành chức năng để kịp thời xử lý. Ngoài chim yến, các đối tượng khác như gà, vịt, chim bồ câu cũng được ngành thú y đẩy mạnh lấy mẫu để kiểm soát chặt dịch bệnh.
Liên quan đến quy định về nuôi chim yến, hiện Bộ NN-PTNT đã có dự thảo để lấy ý kiến đóng góp xây dựng và sẽ ban hành Thông tư trong quý II này. Theo dự thảo, cơ sở nuôi chim yến phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ô nhiễm môi trường; chất thải từ hoạt động nuôi chim yến phải được thu gom và xử lý theo quy định. Cơ sở nuôi chim yến sử dụng âm thanh để dẫn dụ từ 6 giờ đến 21 giờ không vượt quá 70 dBA; từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau không vượt quá 55 dBA.
Khuyến khích các cơ sở nuôi chim yến sử dụng sóng siêu âm để dẫn dụ chim yến. Đặc biệt, khi phát hiện chim yến có dấu hiệu bất thường, chủ cơ sở nuôi chim yến phải báo cáo cho cơ quan thú y gần nhất hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Dự thảo cũng yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các ban, ngành tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở nuôi chim yến. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, cố tình không chấp hành các quy định của Thông tư này.
http://sgtt.vn/Thoi-su/17...thi-tieu-huy-ngay.html
TP.HCM: nếu phát hiện yến nuôi nhiễm H5N1 thì tiêu huỷ ngay!
SGTT.VN - Ngày 14.4, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM, cho biết ngay sau khi có thông tin cho rằng chim yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận chết do nhiễm virút cúm A/H5N1, chi cục Thú y TP.HCM đã tiến hành lấy mẫu phân và tổ yến tại một số quận huyện trên địa bàn xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả là chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virút này.
Nội thành: 150 hộ nuôi yến không phép
Cũng theo ông Thảo, tại TP.HCM tình hình nuôi chim yến cũng như việc bán sản phẩm từ yến đang diễn ra phức tạp. Đến nay, chỉ có một địa chỉ duy nhất là xã Tam Thôn Hiệp, huyện Nhà Bè được cấp giấy phép nuôi thử nghiệm, còn lại đều do người dân nuôi tự phát. Trong đó, riêng khu vực các quận nội thành có tới gần 150 hộ nuôi không có giấy phép. Hiện cơ quan thú y đang tiếp tục giám sát, tăng cường lấy mẫu kiểm tra, nếu phát hiện chim yến của hộ nuôi nào nhiễm virút H5N1 sẽ tập trung khoanh vùng, xử lý bằng cách tiêu huỷ ngay toàn bộ đàn yến.
Ông Thảo cho rằng chim yến là loài di cư tự do nên khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao. Do đó, chính quyền các địa phương cần giúp sức tuyên truyền người dân ý thức trong công tác tiêu độc, khử trùng tổ, nơi cư trú và chuẩn bị tâm lý đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Riêng với chi cục thú y, đơn vị này sẽ cho rà soát các địa chỉ đang bán sản phẩm chim yến, lấy mẫu để tiếp tục kiểm tra, kiểm soát được nguồn lây nhiễm virút cúm A/H5N1 nếu có. Về lâu dài, thành phố chuẩn bị phương án quy hoạch lại nghề nuôi yến trên địa bàn theo hướng an toàn. Theo đó, tới đây, tất cả hộ dân phải đăng ký, trường hợp nào không đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn trong khu dân cư, nhất là các hộ nuôi trong nội thành sẽ cương quyết không cho nuôi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Bình, giám đốc trung tâm Thú y vùng 6 cho biết, cục Thú y vừa có văn bản yêu cầu tất cả các địa phương có nghề nuôi chim yến phải kiểm kê số lượng các hộ nuôi, đồng thời giám sát trên phân, tổ và mẫu chim sống để đối phó với nguy cơ lây nhiễm virút cúm A/H5N1. Riêng đối với công tác phòng chống H5N1 trên đàn chim yến ở Ninh Thuận, ông Bình cho hay đã lấy thêm mẫu chim sống ở 17 hộ nuôi trong khu vực chưa có chim chết, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm loại virút này.
Người tiêu dùng e ngại
Ông Toàn Trung, một người hay mua tổ yến (nhà ở quận 11, TP.HCM) hoang mang: “Có nghe về virút cúm gia cầm H5N1 trong đàn chim yến chết nhưng chưa nghe việc ăn yến có bị nhiễm cúm không nên cũng không biết ra sao. Hiện tôi đã ngừng mua yến cho hai đứa con ăn”. Trong khi đó, bà Ngọc Trinh ở quận 6 “nghĩ chim yến bị nhiễm virút cúm A/H5N1 thì nước bọt của nó chắc cũng bị nhiễm. Dù chế biến kiểu nào đi nữa nhưng chị cũng vẫn thấy sợ”. Ở góc độ khác, bà Hiền Minh ở quận Gò Vấp, người chuyên phân phối yến sào do người thân nuôi từ hai nguồn Tiền Giang và Khánh Hoà cho biết, từ ngày có thông tin yến chết có virút H5N1, lượng hàng bán ra của bà giảm 50%. Đồng thời giá yến bán ra cũng giảm mạnh, loại tổ yến chưa qua sơ chế giá 3,6 triệu đồng/100g nay giảm còn 3 triệu đồng/100g, tổ yến đã sơ chế 4,7 triệu đồng/100g nay giảm còn 4,2 triệu đồng/100g.
Về phía nhà sản xuất, theo bà Phan Thị Tuyết Mai, tổng giám đốc công ty TNHH Nhà Yến Nha Trang, với sản phẩm nước yến đóng lon và đóng chai của Nhà Yến Nha Trang, người tiêu dùng yên tâm vì sản phẩm được công ty liên kết với công ty dược phẩm Khánh Hoà sản xuất trong quy trình chế biến kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn tổ yến, công ty này đang tạm ngưng khai thác, chế biến, chỉ sử dụng những tổ yến đã nhập nguyên liệu vào trước khi xảy ra tình hình có phát hiện cúm gia cầm trên chim yến và sẽ đưa đi kiểm nghiệm lại số hàng này. Trước mắt, công ty tích cực vệ sinh những nhà nuôi chim yến thường xuyên, bảo hộ kỹ cho người phụ trách nuôi chim yến, khai thác tổ yến nuôi...
Ở Ninh Thuận, tuần qua công ty cổ phần Yến Việt phối hợp với các cơ quan Thú y vùng 6, lấy mẫu hàng ngày trên chim yến sống ở các nhà yến xem đàn chim còn lại bị nhiễm hay không. Cơ quan Thú y vùng 6 theo dõi đến ngày 15.4.2013 mới có kết luận chính thức. Bà Đặng Phạm Minh Loan, tổng giám đốc công ty cổ phần Yến Việt khẳng định cho dù có kết luận âm tính trên đàn chim sống đã được đưa đi xét nghiệm thì từ 15.4, công ty vẫn chủ động mỗi ngày lấy năm mẫu trên chim sống để kiểm tra theo dõi tiếp. Còn trong tuần qua khi có các thông tin về virút cúm A/H5N1 trên chim yến nuôi đã chết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Yến Việt đã mang tổ yến từ các cơ sở sản xuất của công ty đến Intertek, cơ quan Thú y vùng 6 và viện Pasteur tiến hành kiểm định và được kết luận không phát hiện thấy virút trên sản phẩm của Yến Việt. Hiện công ty Yến Việt đang ngưng khai thác tổ yến từ các nhà nuôi và ngưng luôn cả việc nhập tổ yến từ các địa phương khác cho đến khi có kết luận chính thức của các cơ quan thú ý vùng về tình trạng chim yến nuôi trên cả nước.
HOÀNG BẢY – CÁC NGỌC – MINH CÚC