Hãy cứu người tai nạn giao thông như người thân của mình
Một ngày nào đó nếu chúng ta cũng bị nạn, rất mong có ai đó gọi xe cấp cứu, gọi cho người thân.
Một tấm lòng, một hành động dù rất nhỏ nhưng cao cả, có thể sẽ cứu sống được một mạng người.
Một buổi chiều lang thang trên VnExpress như bao buổi chiều trong mục Tâm sự, Cộng đồng và Xe.
Riêng mục Xe là tôi quan tâm nhất sở dĩ mới mua chiếc xe tải 550 kg được 8 tháng, đi tầm 12.000 km.
Một con số km khiêm tốn nhưng cũng có dấu ấn một lần về sự va quệt.
Đọc bài "Mang họa vì cứu người tai nạn giao thông" và câu nhấn của bài viết "Giữa một cộng đồng quá thiếu niềm tin, việc tốt bỗng dưng bị nghi ngờ không thương tiếc".
Bản thân tôi không phủ định điều đó trong xã hội, giao thông hiện thực của Việt Nam chúng ta.
Nhưng tôi nghĩ đâu đó còn rất nhiều người tốt có chăng là mỗi chúng ta chưa cố gắng thực sự, chưa có kiến thức và niềm tin.
Trong kinh thánh của người Do thái có viết: "Nếu con có niềm tin, con nhổ bụi dâu và trồng nó dưới biển nó vẫn sống" và trong sách nhà Phật có nói: "Cứu người hơn xây 7 ngôi chùa". Cá nhân tôi nghĩ mọi sự cố gắng tích cực đều mang lại niềm vui và sự trân trọng trong việc xây dựng niềm tin trong mỗi chúng ta và xã hội.
Tháng 2/2011 tôi làm công việc Quản lý An toàn Lao động trong xây dựng và công tác tại Bến Tre.
Một buổi chập choạng tối trước công trường tôi làm việc trên đại lộ Đồng Khởi, con đường lớn được ngăn cách hai chiều bằng hàng barie riêng biệt, có vụ tai nạn giữa hai xe gắn máy đi cùng chiều. Xe sau do người đàn ông uống rượu say cầm lái chở vợ và một con nhỏ tầm 6 tuổi đi nhanh không làm chủ đâm phải xe đi trước ngã ra.
Người chồng nằm bất động, còn người vợ và con lăn trên đường chỉ bị xây sát nhẹ và hoảng. Xe trước bỏ đi luôn. Mọi người xúm lại và đưa người vợ và đứa trẻ lên lề đường, tôi thấy người đàn ông nằm thoi thóp cả 15 phút, máu me ở mặt, không thấy thở. Người nồng nặc mùi bia rượu, không ai dám đụng vào. Lúc đầu tôi cũng bối rối và mặc kệ sự việc sở dĩ có rất nhiều người ở đó bu quanh, mình không phải người địa phương, chỉ tới đây làm việc...chuyện ngoài đường? Sau một thoáng mặc kệ tôi quyết định dựng chiếc Wave cà tàng trên vỉa hè, rẽ đám đông và kêu đồng nghiệp nhìn xe cho tôi và hỗ trợ. Tôi thấy hơi thở người bị nạn rất yếu, cố gắng nghĩ lại những kiến thức sơ đẳng về sơ cấp cứu đã học ngắn hạn, tôi cởi dây thắt lưng, cúc quần cho anh ta dễ thở, cởi áo của tôi kê đầu và cổ anh ta hơi cao cho thoáng. Sờ chân thì thấy gãy mấy khúc và mềm nhũn. Tôi thao tác thêm một số động tác và hô hấp thổi gạt, ép tim, một lát sau nạn nhân thở được và tỉnh lại. Lúc đó tôi cũng cảm thấy ngạt trong người vì cơ thể anh ta chừng 80 kg, anh ta đẩy ra hơi nồng nặc mùi bia rượu. Niềm vui và nỗi sợ đan xen. Lúc đó xe cấp cứu cũng tới. Nhìn qua chiếc xe Wave cà tàng của tôi không cánh mà đâu mất rồi? Thất vọng, tôi đi bộ vào công trường. Cả đêm đó bồn chồn không ngủ được, sáng hôm sau cả cơ quan đồn thổi tôi gây tai nạn bị bắt xe. Hôm nữa công an tới tìm đôi lần. Rồi mọi việc cũng đi qua nhanh. Không ai hỏi tôi về tai nạn đó nữa. Tháng 3/2014, đang đi trên đường Cộng Hòa qua cầu vượt Hoàng Hoa Thám, lúc 14h mặc dù rất vội vì có cuộc hẹn trước, tôi thấy vụ tai nạn hai xe máy đi cùng chiều. Người đàn ông đứng tuổi bị ép vào thành cầu ngã, đầu xe vỡ, nằm bất động, người gây tai nạn dựng xe và rồ ga đi luôn. Hết dốc cầu, tôi quyết định tìm chỗ quay đầu và trở lại. Khi ấy thấy hai thanh niên đang lục túi nạn nhân. Thấy tôi dựng xe chạy tới thì họ bỏ đi. Người bị nạn máu me trong miệng và chán, có biểu hiện say và nói nhảm... Tôi và một anh sửa xe lề đường đưa người bị nạn xuống vỉa hè gần cổng khu quân đội. Anh ta gọi cho công an phường, còn tôi cố lau máu, mua bông băng cầm máu và gặng hỏi số điện thoại người thân trong máy điện thoại của ông ta. Thật thất vọng vì ông ta bị đau và có lẽ quá xỉn. Khi tìm được thì đó là số của người tình. Cô ta chỉ nói: "cứ để đó lát tôi ra, nó xỉn cho cho chết". Thật thất vọng. Người đi đường chỉ nhìn tôi với anh mắt dò xét, chẳng ai dừng lại. Tôi cố gặng hỏi địa chỉ và tìm được nhà người bị nạn trong một con hẻm đường Lê Văn Sĩ. Chị gái xin số của tôi và người sửa xe. Tôi tiếp tục đến cuộc hẹn, người tanh tao mùi mồ hôi và chút máu vương lại. Sau này, mỗi lần qua đó tôi thường ngồi cafe với anh sửa xe, coi như thêm một người bạn. Thời gian sau không còn thấy anh nữa, tôi hỏi được biết anh ta ra ngoài Bắc cưới vợ. >Xem tiếp
Tháng 1/2015, một buổi sáng sớm tôi có việc đi đón người quen từ ngã tư Phú Nhuận.
Cũng đi qua cầu vượt Hoàng Hoa Thám. Tới giữa cầu, tôi đi đúng phần đường, bất chợt bên phải, làn xe hai bánh có chú mặc áo bảo vệ đánh lái qua đầu xe tải. Chỉ kịp bẻ lái qua trái để tránh nhưng vẫn quyệt hông xe vào chú đó.
Nhìn gương chiếu hậu tôi thấy người đó ngã ra đường.
Tôi cảm thấy sợ, trong thoáng suy nghĩ tôi tính bỏ đi luôn. Nhưng chân vẫn đạp thắng, cắt côn bật đèn ưu tiên dừng giữa cầu, xuống xe chạy tới đỡ anh ta lên trong sự nhiếc móc của mọi người.
Vì tôi đi đúng phần đường và tôi là ôtô đụng phải xe hai bánh tôi phải sai? Rất may mắn anh ta chỉ bị xây sát nhẹ, cong cái cần để chân, trầy xi-nhan trái.
Tôi xin lỗi và phân tích cho anh là anh đã đánh lái bất ngờ để vượt, sang phần đường của ôtô nên tôi không tránh kịp.
Tôi đưa anh 50.000 đồng để anh sửa xe. Anh ta kêu ít và lẩm bẩm đòi thêm trong ánh mắt buồn ngủ, như thể anh ta vừa đi trực đêm về.
Trên đường đi tôi vẫn chưa hết hồi hộp và nghĩ có lẽ lần trước mình giúp người bị tai nạn ở đó nên mình mới may mắn thế. Rút cuộc tôi đến đón người nhà muộn và chưa kịp ra khỏi thành phố thì hết giờ xe tải lưu thông nên bị bắt gần cầu An Sương và bị phạt 700.000 đồng. Một buổi tối tháng 2/2015, gia đình tôi đang ăn cơm cùng các con nhỏ, nghe tiếng đụng xe gần cửa nhà. Vợ tôi nói chắc lại mấy anh công nhân tối đến nhậu nhẹt phóng xe bạt mạng va chạm. Nhìn ra ngoài đã thấy đông người bu tới bàn tán xôn xao, tôi nghĩ chắc không nghiêm trọng và có rất nhiều người. Lát sau bế con ra xem thì thấy hai xe gắn máy chồng lên nhau, bị nạn nằm bất động giữa đường máu me ở mặt. Hai cảnh sát giao thông đi qua dừng lại làm nhiệm vụ phân luồng, không thấy có dấu hiệu đưa đi cấp cứu. Tôi hỏi mọi người thì được biết 2 xe đấu đầu nhau. Một người được bạn bè đi cùng đưa đi viện, còn một người nằm một chỗ. 15-20 phút sau tôi thấy rất sốt ruột, nếu cứ để như thế, nguời đó sẽ mất máu, nguy hiểm đến tính mạng. Tôi bế con về và nói qua tình hình với bà xã, lấy xe đưa người ta đi viện cách đó 5 km, một bệnh viện tư nhân Hàn Quốc. Tôi nói to với mọi người đang bu quanh đó cùng CSGT là các anh chụp lại hình ảnh, tôi sẽ đưa người đó đi viện, các anh có đồng ý không? Và tôi sẽ không chịu trách nhiệm nếu có biến chứng dọc đường đi. Được sự đồng tình của CSGT, tôi cùng mọi người đưa người bị nạn lên thùng xe tải của tôi, có trải bìa lót dưới. Mọi người không ai đi cùng tôi để giữ người bị nạn và làm chứng. Cuối cùng rất may có đứa em làm công nhân trọ gần nhà tôi nói sẽ đi cùng. Lần đầu tiên chở người bị tai nạn đi cấp cứu, tay lái run run, khó thở, hồi hộp, thằng em cứ giục tôi đi nhanh nữa. Trong đầu lảng vảng không biết điều gì sẽ xảy ra, mình còn vợ trẻ con thơ. Tôi làm thủ tục nhập viện, cấp cứu và thông báo tình hình cho bác sĩ và tôi là người đưa nạn nhân tới, có người làm chứng. Bệnh viện tiếp nhận và yêu cầu tôi cho biết họ tên và số điện thoại, tôi đồng tình. Lúc này bệnh nhân nói lảm nhảm, hơi mùi bia rượu. Tôi lục tìm trong điện thoại của nạn nhân mà ngưởi đi cùng tôi đưa, tìm gọi cho người nhà. Thế nào mà điện thoại không có tiền, tôi ra ngoài nạp tiền và gọi khoảng 10 số mới biết nhà của bố mẹ anh ta. Nửa tiếng sau công an xã tới, tôi và người đi cùng bàn giao lại cả điện thoại nữa, cùng kí và biên bản. Tôi ra về trong sự đồng tình của bệnh viện và công an. Lúc này, nhìn quanh thấy mọi người khu phòng chờ cấp cứu nhìn tôi như nhìn người ngoài hành tinh. Vừa bước ra xe thì người nhà nạn nhân cũng tới, chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao, lao tới đòi túm cổ hỏi tôi và đứa em. Tôi nói cho họ biết và có gì hỏi thì hỏi công an xã đang ở đó. Sau một hồi công an xã giải thích thì tôi cũng rút lui được. Trong lòng vui mừng vì không có việc gì xảy ra ngoài y muốn, đêm nay có thể về ngủ cùng vợ con. Khi về tới nhà mọi người quanh đó tới hỏi sự tình, có người chửi tôi ngu, tự dưng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, có ngày mang vạ vào thân...có người nhìn tôi rất thiện cảm. Vợ tôi không nói gì, các con thì la khóc vì nhiều người tới nhà hỏi han. Một giờ sau tôi thấy xe cấp cứu của bệnh viện đó chạy qua nhà tôi về hướng Thành Phố. Một ngày trôi qua, và ngày thứ hai tôi được công an mời lên trong lo âu, họ chỉ hỏi han vài điều và kí tá một số biên bản không liên quan mấy. Tôi viết tới đây khi nhìn vào bài viết "Mang họa vì cứu người tai nạn giao thông" đã có 143 lượt bình luận, đại đa số là bình luận mang tư tưởng không nên cứu người bị nạn. Đó cũng là tâm lí chung khi "Giữa một cộng đồng quá thiếu niềm tin, việc tốt bỗng dưng bị nghi ngờ không thương tiếc" đó cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng trong tôi luôn nghĩ, ngày nào đó chính ta cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh bị tai nạn, cũng rất mong có ai đó chỉ cần gọi cho mình xe cấp cứu hoạc gọi cho người thân thì khi đó ta thấy quí giá biết ngần nào. Một tấm lòng, một hành động dù rất nhỏ nhưng cao cả, có thể sẽ cứu sống được một mạng người, người đó rất có thể là trụ cột trong gia đình và một người có ích cho xã hội. Qua đó, cá nhân tôi rất mong mọi người hãy lưu số điện thoại người thân ở khu vực dễ tìm trong điện thoại, nó sẽ rất có ích và mỗi chúng ta khi tham gia giao thông hãy nhường nhịn nhau, không uống bia rượu. Có cái nhìn và hành động tích cực trong việc giúp đỡ người bị nạn để tránh tình huống người tốt lại bị họa.
Độc giả Hoàng Châu